Bình Dương: Nhiều người sập bẫy sổ đỏ giả

Thứ Hai, 18/05/2020 17:32

|

(CATP) Bằng cách dùng các phần mềm lắp ghép, chỉnh sửa hình ảnh, các đối tượng lừa đảo làm giả hàng loạt sổ đỏ. Sau khi cầm trong tay sổ đỏ giả, chúng dùng để vay tiền hoặc bán mảnh đất liên quan với giá "bèo". Nhiều người đã "nếm trái đắng" khi ham của rẻ.

Đang sẵn tiền mặt trong túi, ông Huỳnh Văn L. (ngụ phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) tìm người dò hỏi mua miếng đất đầu tư. Qua người quen giới thiệu, ông L. biết bà Ngô Thùy Trang (SN 1976, ngụ phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) đang có ý định bán mảnh đất có diện tích 2.408m2 tại phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một với giá 600 triệu đồng.

Ngày 16-3-2016, ông L. và bà Trang đến Văn phòng công chứng Sở Sao làm hợp đồng chuyển nhượng. Ngày 12-9-2016, ông L. đến Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Dầu Một làm chuyển nhượng mảnh đất trên. Sau khi rà soát hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai không tìm thấy hồ sơ gốc. Điều này có nghĩa là sổ đỏ ông L. chuyển nhượng từ bà Trang là sổ đỏ giả. Vụ việc sau đó được chuyển đến cơ quan Công an TP.Thủ Dầu Một.

Vào cuộc, cơ quan công an phát hiện không chỉ ông L. mà hàng chục người khác cũng "sập bẫy" của Trang với chiêu trò tương tự.

Liên quan đến vụ án, ngoài Trang còn có Nguyễn Thị Diệu (SN 1969, ngụ phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) và anh trai là Nguyễn Văn Dũng cũng bị bắt để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trang là người đứng ra dàn dựng tất cả các phi vụ và lấy tiền chia cho đồng bọn. Nạn nhân của các đối tượng này phần lớn là những người cho vay và nhận thế chấp quyền sử dụng đất.

Sổ đỏ giả Công an Bình Dương thu được

Để vay tiền nạn nhân qua sổ giả, chúng cấu kết đưa nạn nhân đi coi đất như thật (đất thật sổ giả). Thông qua một người bạn, ông Nguyễn Hoàng K. biết bà Diệu cần vay tiền và nhờ Trang kết nối. Diệu nói cần vay 300 triệu đồng và đưa một bản photo sổ đỏ cho ông K. làm vật thế chấp. Để ông K. yên tâm, Diệu dẫn ông đi xem mảnh đất tại KP.5, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một (đất của người khác).

Xem đất xong, ông K. đồng ý cho vay 300 triệu đồng với lãi suất 5%/ tháng với điều kiện bên vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất trên. Sau đó, bên vay và bên cho vay cùng đến Văn phòng công chứng Sở Sao ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau khi nhận 300 triệu đồng, Diệu trả ngay tiền lãi tháng đầu là 15 triệu đồng. Số tiền còn lại Diệu đưa hết cho Trang. Trang đưa cho Diệu 20 triệu đồng.

Khoảng 5 tháng sau, ông K. mang sổ đỏ của mảnh đất trên đến cơ quan chức năng yêu cầu trích lục hồ sơ thì được biết không có hồ sơ gốc. Qua giám định sổ đỏ mảnh đất này, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh kết luận đây là sổ đỏ giả được làm bằng phương pháp in phun màu điện tử.

Theo hồ sơ điều tra, từ tháng 3-2016 đến 5-2016, Trang và Diệu đã dùng sổ đỏ giả thực hiện 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, một mình Trang còn thực hiện thêm 3 vụ khác. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương truy tố bị can Nguyễn Thị Diệu, Ngô Thùy Trang và Nguyễn Văn Dũng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Khó phân biệt sổ đỏ giả

Theo một số công chứng viên, rất khó để phân biệt sổ đỏ giả. "Nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt sổ đỏ giả làm trên phôi thật. Để nhận biết những trường hợp này, phải căn cứ vào chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền. Nhưng quả thật là vô cùng khó, vì công chứng viên không thể nắm rõ được chữ ký của người có thẩm quyền trong sổ đỏ có chính xác hay không vì không phải lúc nào cũng có mẫu khác để đối chiếu", chị Nguyễn Thị Phúc Hậu, công chứng viên một phòng công chứng tư ở quận 12, TPHCM cho biết.

Theo kinh nghiệm nhiều năm của một cán bộ giám định tài liệu Công an Bình Dương, việc phân biệt sổ đỏ giả thật khó, nhưng không phải không có cách: "Nên để ý đến những sổ đỏ được giữ gìn cẩn thận, ép nhựa. Phương pháp làm giả sổ đỏ phổ biến hiện nay này sử dụng máy scan, quét lại sổ thật rồi in màu. Tuy nhiên, việc in hai mặt của sổ để trùng khớp nhau rất khó nên chúng thường in từng mặt, rồi dán lại. Dán sẽ để lại dấu vết, do đó phải ép plastic để tránh bị phát hiện. Nếu ai tinh mắt, sờ tay vào mặt "sổ đỏ" sẽ thấy những phần in nổi không có, mà chỉ có hình ảnh. Ngoài ra, các chi tiết in trong sổ giả cũng không sắc nét. Tuy nhiên, bằng mắt thường rất khó phát hiện, nhất là khi không có bản thật để đối chiếu".

Một chuyên viên phòng công chứng hiến kế: "Người dân cần chú ý màu sắc, họa tiết hoa văn trên hình nền của giấy chứng nhận và con dấu, chữ ký. Thường chữ ký của người có thẩm quyền trên giấy chứng nhận giả không sắc nét, không có vết hằn ở lực tỳ ấn khi ký và không giống như trên giấy chứng nhận thật. Để xác định thật giả, người dân cũng có thể tìm đến Đội Giám định tài liệu, dấu vết, Phòng kỹ thuật hình sự công an địa phương để kiểm tra".

"Một cách khác nữa là đem sổ đỏ nghi bị làm giả đến chính nơi cấp sổ để đối chiếu với bản lưu. Khi cấp sổ đỏ, thường có hai bản, một bản màu đỏ giao cho người được cấp sổ, còn một bản khác sẽ lưu trữ. Đối chiếu chữ ký giữa hai bản này sẽ cho kết quả chữ ký thật hay giả vì được ký cùng thời điểm, màu mực", một cán bộ địa chính thị xã Thuận An, Bình Dương cho biết.

Để tránh bị lừa khi mua đất bằng sổ đỏ, trước khi giao dịch, người dân nên đến cơ quan quản lý nhà nước cụ thể là UBND cấp phường/xã hoặc Phòng tài nguyên - môi trường để xác minh hiện trạng đất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang