Cảnh giác: Bẫy lừa giăng giăng

Thứ Ba, 25/05/2021 10:08

|

(CATP) Dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm kinh tế thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực. Do hạn chế ra ngoài, nhiều đối tượng nghĩ ra không ít mưu sâu kế độc, lợi dụng công nghệ cao để giăng bẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tưởng nhầm, mất gần 100 triệu đồng

Gần cuối giờ chiều, công việc dồn lại nên chị Nguyễn Thị Thanh T. (ngụ TPHCM) cố gắng giải quyết càng nhanh càng tốt. Cùng lúc, chị nhận một tin nhắn từ hệ thống tổng đài ngân hàng Vietinbank, thông báo tài khoản của chị bị khóa, nếu muốn mở lại phải làm theo các bước hướng dẫn kèm theo.

Công việc đang bù đầu, bản thân cũng đang có nhu cầu xong việc sẽ mua sắm một số nhu yếu phẩm cho gia đình nên chị T. không nhìn kỹ đường link http://www.vietinbanka.cc được gửi tới cho mình, vội vàng thao tác theo hướng dẫn. Hệ quả, chỉ sau vài cái nhấp chuột, số tiền hơn 96 triệu đồng có trong tài khoản của chị bị kẻ gian đặt lệnh chuyển sang tài khoản "Nguyễn Ngọc Anh D." mở tại Ngân hàng Vietcombank. Chị T. hoảng hồn, kiểm tra lại thông tin và liên hệ ngay với Ngân hàng Vietinbank - chi nhánh Đồng Nai, gần nơi làm việc của chị T. ở TP.Biên Hòa để nhờ ngăn chặn nhưng đã muộn. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Trước đó, chị N.T.Q.N (SN 2000, ngụ Q.Tân Phú, TPHCM) cũng sập bẫy tương tự, mất hơn 40 triệu đồng có trong tài khoản cá nhân. Đường link giả mạo ngân hàng mà các đối tượng lừa đảo gửi cho chị N. là http:www.vietinbanci.cc.

Thời gian gần đây có khá nhiều nạn nhân chưa kiểm chứng kỹ lưỡng sau khi nhận tin nhắn, đã vội truy cập vào trang web giả mạo ngân hàng và bị mất hết tiền trong tài khoản cá nhân. Phương thức, thủ đoạn lừa đảo này thường bắt đầu bằng việc chúng giả tin nhắn từ hệ thống tổng đài ngân hàng theo kiểu: Ngân hàng A. trân trọng thông báo, tài khoản của quý khách hiện tại đã bị khóa, đăng nhập http://www.vniatinbank.top để xác thực ngay hôm nay; Ngân hàng B. trân trọng thông báo, tài khoản của quý khách hiện tại đã bị khóa, đăng nhập http://vietinbankci.cc để xác thực ngay hôm nay...

Tường trình của nạn nhân sập bẫy lừa "tin nhắn từ ngân hàng"

Cái bẫy "chứng minh tài chính"

Ngày 22-5-2021, anh Nguyễn Quốc H. (SN 1979, ngụ TPHCM) nhận cuộc gọi mời vay tiền. Đang có nhu cầu vay vốn làm ăn, nghe các điều kiện bên vay đưa ra cùng mức lãi suất, anh H. thấy phù hợp, đáp ứng được nên đồng ý vay 200 triệu đồng. Bên cho vay hướng dẫn anh H. chuyển 10 triệu đồng vào tài khoản "87...99" mở tại Ngân hàng MB, chủ tài khoản là "N.V.T.Đ", nhằm chứng minh mức thu nhập. Anh H. sử dụng Internet Banking của Ngân hàng V. - chi nhánh ở xã Phong Phú (H.Bình Chánh), nơi anh đang mở tài khoản và chuyển 10 triệu đồng.

Sau đó, viện cớ anh H. vay số tiền lớn nên phải chứng minh được tài chính, có khả năng trả nợ thì mới được duyệt cho vay, chiều cùng ngày, bên cho vay hướng dẫn anh này chuyển thêm 2 lần, tổng cộng 80 triệu đồng vào tài khoản trên. Sau khi anh H. đã chuyển tổng cộng 90 triệu đồng, bên vay vẫn hối thúc anh chuyển tiếp thêm 60 triệu đồng nữa, cũng chỉ để... chứng minh tài chính (!). Theo hứa hẹn của bên cho vay, sau khi được duyệt vay, số tiền này sẽ hoàn trả cho người vay. Tuy nhiên, do không có tiềp gửi tiếp và linh tính đã sập bẫy lừa, anh H. đến cơ quan công an trình báo. Vụ việc đang được điều tra.

Cùng phương thức, thủ đoạn trên, anh M.C.N (SN 1977, ngụ Q.Tân Phú) cũng bị lừa chiếm đoạt hơn 44 triệu đồng. Ngày 21-4-2021, anh N. nhận cuộc gọi của đối tượng xưng là người của công ty S. chuyên cho vay vốn. Do có nhu cầu nên anh N. liên lạc lại, hỏi vay 35 triệu đồng. Bên cho vay hướng dẫn khách hàng tải ứng dụng về điện thoại di động để thao tác, đồng thời phải chuyển 3,5 triệu đồng đến một tài khoản do bên cho vay cung cấp để làm hồ sơ.

Sau khi anh N. chuyển khoản 3,5 triệu đồng, bên cho vay viện nhiều cớ khác, trong đó có lý do kiểm định khả năng tài chính của người vay và yêu cầu chuyển thêm tiền cho chúng để chứng minh. Sau 4 lần chuyển tổng cộng hơn 44 triệu đồng, nhưng vẫn không được chấp nhận cho vay, anh N. biết mình bị lừa nên đến cơ quan chức năng trình báo.

Phương thức, thủ đoạn lừa đảo theo 2 dạng kể trên hiện được các đối tượng tái diễn khá nhiều. Đặc biệt, gần đây các nhóm tội phạm lợi dụng dịch bệnh Covid-19, còn tung thêm "chiêu" báo tin liên quan đến dịch bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an khuyến cáo, người dân phải hết sức thận trọng, cần xác minh kỹ trước khi thao tác theo hướng dẫn trong những tin nhắn giả danh nhân hàng, các quảng cáo cho vay... mà ẩn sau đó là những "chùm lưỡi câu sắc lẹm"!

Bình luận (0)

Lên đầu trang