(CAO) Nói ra chẳng ai tin, nhưng đó lại là chuyện có thật 100%. Có lẽ, kẻ lừa đảo đã nghiên cứu hoặc tìm hiểu rất kỹ hoàn cảnh của nạn nhân nên mới gọi điện thoại cho nạn nhân để tống tiền.
Đây không phải là thủ đoạn mới nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn sập bẫy. Chuyện giả danh Công an để tống tiền đã xảy ra ở nhiều nơi, nhưng đó là những trường hợp có người thực, mặc sắc phục Công an hoặc dùng “thẻ giả” để hù dọa bắt nạn nhân phải nộp tiền nếu không sẽ bị liên lụy đến việc này, việc kia. Giả danh kiểu này nạn nhân bị sập bẫy đã đành, chứ còn qua điện thoại mà xưng là Công an rồi hù dọa nạn nhân thì đây là chiêu trò mà kẻ phạm tội mới sử dụng.
Công an TP Bảo Lộc bắt tạm giam đối tượng Trần Hoàng Vinh (đứng giữa 2 cán bộ công an) về hành vi giả danh công an,
lừa đảo “chạy trường” để chiếm đoạt tài sản
Trường hợp của anh N.V.P (44 tuổi, ngụ xã Quang Trung, H.Thống Nhất, Đồng Nai), thì lại có tình tiết khác hơn, kẻ phạm tội gọi vào điện thoại bàn của gia đình, rồi dùng chiêu tạo tiếng còi hụ của xe cảnh sát, sau đó mới xưng là cán bộ công an thuộc Bộ Công an đang điều tra truy bắt một nhóm tội phạm về ma túy, mà anh P. là một người liên quan trong vụ án.
Sau khi đã hù dọa, đối tượng mới yêu cầu anh P. phải chuyển số tiền 500 triệu đồng vào tài khoản của hắn, nếu sau khi điều tra mà anh P. không liên quan đến vụ án, họ sẽ hoàn tất lại toàn bộ số tiền, nếu không hợp tác, anh P. sẽ bị công an bắt giam ngay. Do quá sợ hãi, nên anh P. liền đi rút tiền gửi trong ngân hàng và vay mượn thêm của người thân đủ 500 triệu đồng rồi chuyển vào tài khoản cho kẻ phạm tội.
Còn trường hợp của bà N.N.T (79 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) chỉ nhận được điện thoại thông báo bà nợ tiền cước điện thoại hơn 8 triệu đồng, rồi bà gọi điện cho “tổng đài viên” rồi có người tự xưng là cán bộ công an dọa tài khoản của bà có liên quan đến đường dây lừa đảo, rồi yêu cầu bà chuyển đến 6 lần với số tiền hơn 6,5 tỉ đồng vào tài khoản của “công an” để kiểm tra thì đúng là chuyện lạ, ít thấy!
Cơ quan điều tra cũng đã phá nhiều vụ án giả danh Công an để lừa đảo qua điện thoại như vụ Liu Wei Chun (34 tuổi, người Đài Loan) và Dương Thị Nguyệt (33 tuổi, vợ Chun), Nguyễn Văn Mộng (36 tuổi), Lê Nguyễn Kiều Xuân (30 tuổi) và Huỳnh Hoàng Minh (34 tuổi, cả 4 đều ngụ tỉnh Bạc Liêu) mà Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP.HCM, phối hợp Công an Q.3 bắt khẩn cấp cũng qua điện thoại bọn chúng gọi điện cho nạn nhân có “dính líu một đường dây ma túy quốc tế quy mô lớn” và yêu cầu chuyển hàng trăm triệu đồng gửi ở ngân hàng vào tài khoản của chúng.
Nhiều đối tượng công khai rao bán quân phục lực lượng công an trên mạng
Qua các vụ án này, người dân nên rút ra bài học và cần xử lý khi có người gọi điện cho mình theo quy trình sau:
Khi nhận được điện thoại yêu cầu chuyển tiền, người dân phải bình tĩnh, hỏi cho rõ ngọn ngành, không nên hoảng sợ và ngay sau đó phải gọi điện, hoặc báo cho Cơ quan Công an gần nhất về sự việc. Nếu là người ngay thì không việc gì phải sợ những lời hù dọa qua điện thoại. Còn nếu bản thân có “vết” bị bọn lừa đảo biết thì cũng phải hiểu rõ quy trình làm việc của Công an là không bao giờ gọi điện cho đương sự để hẹn hò, gặp mặt, trừ trường hợp đó là Công an thật thì việc làm đó cũng trái pháp luật cần phải tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bởi theo quy định của pháp luật cũng như của ngành Công an, muốn lấy lời khai hay làm việc với người dân hoặc với nghi can thì cũng phải có Giấy mời hoặc Giấy triệu tập đến trụ sở, chứ không có việc mời hay gọi qua điện thoại, trừ trường hợp trước đó đã một vài lần được cơ quan Công an mời hoặc triệu tập đến cơ quan Công an và mình phải biết người gọi điện cho mình là cán bộ Công an nào, làm việc ở đâu.
Nếu người tự xưng là Công an mà yêu cầu chuyển tiền hay nộp tiền thì bất luận thế nào cũng không được làm theo, dù đó là Công an thật, đồng thời phải báo ngay cho Công an sở tại hoặc cho Cơ quan công an mà mình đã làm việc trước đó.
Đối với cơ quan điều tra hoặc Công an sở tại, khi có người dân đến tố cáo hoặc thông báo có người gọi điện để tống tiền thì trước hết cần áp dụng mọi biện pháp tập trung truy tìm kẻ đã gọi điện thoại, thông báo cho Ngân hàng biết để phong tỏa tài khoản cho nạn nhân; không nên “truy” người tố cáo hoặc đặt những câu hỏi có tính chất nghi ngờ người tố cáo như: “vì sao mà để người ta gọi đến hoặc chắc phải thế nào thì mới bị gọi như vậy…”? Còn việc điều tra, phát hiện hành vi vi phạm của người tố cáo (nếu có) sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật và quy chế của ngành Công an.
Đinh Văn Quế, Nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC