Tiền ảo, biến tướng của thủ đoạn lừa đảo phụ nữ

Thứ Sáu, 17/12/2021 11:40

|

(CATP) Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, nhiều thủ đoạn lừa gạt, chiếm đoạt tài sản (TS) được ghi nhận, đáng chú ý trong đó có giả làm người nước ngoài để xây dựng mối quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ nhẹ dạ, cả tin hòng chiếm đoạt TS bằng thủ đoạn gửi hàng, vật phẩm có giá trị cao về Việt Nam, yêu cầu nạn nhân đóng thuế để nhận hàng, từ đó chiếm đoạt khoản "thuế" mà các đối tượng "vẽ” nên. Ngoài ra còn xuất hiện hình thức lừa đảo thông qua việc lôi kéo nạn nhân đầu tư tiền ảo, sau đó đánh sập hệ thống nhằm chiếm đoạt tiền của bị hại (BH). Hiện đang nở rộ tình trạng kết hợp 2 hình thức lừa đảo trên với thủ đoạn hết sức tinh vi.

Giá nghìn đô cho những món quà ảo

Thời gian qua, báo chí và các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa tình, tiền của những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin bằng cách đóng giả doanh nhân giàu có người nước ngoài, chủ động làm quen với nạn nhân qua mạng xã hội (MXH) như Facebook, Skype. Sau khoảng thời gian trò chuyện qua mạng, các đối tượng hứa hẹn về cái kết đẹp của tình yêu qua mạng, khiến bị hại tin tưởng. Cuối cùng, bị chúng lừa bằng việc gửi những món quà ảo gắn với trị giá hàng trăm triệu đồng, đánh vào tâm lý, khiến những phụ nữ này tin tưởng, đóng đủ loại "thuế, phí” mà các đối tượng dựng lên để nhận được món quà vô hình. Sau khi chiếm đoạt được tiền, chúng cắt đứt liên lạc khiến nạn nhân vừa đau khổ khi bị lừa gạt tình cảm, vừa khốn đốn vì bị mất khoản tiền lớn.

Theo tài liệu cơ quan chức năng cung cấp, có khoảng hơn 50 BH trên cả nước bị lừa đảo bằng thủ đoạn này, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng. Hầu hết đều là những phụ nữ có điều kiện kinh tế nhưng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Rơi vào bẫy lừa, nhiều nạn nhân không chịu nổi cú sốc đã rơi vào trạng thái hoảng loạn, tâm thần bất ổn.

Đã có nhiều đường dây lừa đảo, chiếm đoạt TS với hình thức trên đã bị cơ quan chức năng triệt phá, đưa ra ánh sáng. Điển hình, ngày 5-4 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an (CA) Đồng Nai cho biết, vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 đối tượng (trong đó có 3 người nước ngoài) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt TS". Thông qua mạng xã hội, nhóm này chủ động nhắn tin, gọi điện làm quen với nhiều phụ nữ để lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt có 1 trường hợp bị lừa hơn 13 tỷ đồng.

Theo đó, cuối tháng 6-2020, bà N.T.K (52 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) đến CA Đồng Nai trình báo bị lừa 2,9 tỷ đồng, sau những lần dạo chơi trên mạng xã hội Zalo, tình cờ bà làm quen với đối tượng người nước ngoài tên M. Anderson, tự giới thiệu là lính Mỹ đang chiến đấu ở chiến trường Afghanistan, có khoản tiền lớn gần 1 triệu USD sau thời gian nhập ngũ nhưng hiện tại chưa biết phải làm gì, có nhã ý muốn gửi tặng bà K. để thể hiện tấm chân tình. Nhưng do là người khác quốc gia, để nhận được món quà này bà K. phải đóng khoản phí và thuế "bôi trơn" để "quà” được chuyển trót lọt về Việt Nam.

Đường dây đóng giả người nước ngoài giàu có lừa gạt phụ nữ nhẹ dạ, cả tin bị Công an Đồng Nai triệt phá

Trong lúc tình cảm mặn nồng, chỉ trong chưa đầy 1 tuần, bà K. đã nhiều lần chuyển gần 2,9 tỷ đồng đến các tài khoản của người tự xưng "nhân viên hàng không" để được "bôi trơn" thủ tục. Sau khi tiền trao nhưng vẫn không thấy món quà mà người tình hứa hẹn đến, bà K. mới biết mình đã bị lừa khi cả chàng lính Mỹ lẫn nhân viên hải quan đều biến mất.

Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị nhóm đối tượng Nguyễn Thị Hương (ngụ TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương), Daillo Micheal (29 tuổi, quốc tịch Guinea), Samuel (28 tuổi, Emeka (29 tuổi, cùng quốc tịch Nigeria), Bùi Thị Nghi (30 tuổi, quê An Giang) và Cáp Xuân Thùy (23 tuổi, ở Sóc Trăng) thực hiện lừa đảo. Theo Cơ quan CSĐT - CA tỉnh Đồng Nai, để lừa đảo chiếm đoạt TS, các đối tượng này đã thuê căn hộ chung cư ở TPHCM làm địa điểm thực hiện các phi vụ. Trong đường dây lừa đảo này có đối tượng cầm đầu ở nước ngoài đứng ra điều hành.

Các đối tượng nhắm vào những phụ nữ đứng tuổi có tiền, sống đơn thân, khao khát tình cảm nên chủ động làm quen rồi cùng đồng bọn giăng bẫy lừa. Để có được các tài khoản và thẻ ATM, Emeka đã đặt mua từ nhiều người hoặc thuê với giá từ 10-20 triệu đồng/thẻ/tháng. Công an đã thu giữ của đối tượng này hơn 10 thẻ ATM mang tên nhiều người khác nhau. Khi nhận được tiền, lập tức Daillo Micheal, Samuel, Nghi và Thùy có nhiệm vụ sử dụng các thẻ ATM mà Emeka cung cấp đến các ngân hàng ở TPHCM rút tiền rồi nhanh chóng chuyển vào tài khoản cho đối tượng ở nước ngoài. Mỗi phi vụ thành công, nhóm này được các đối tượng ở nước ngoài trả công từ 1-3%/tổng số giao dịch.

Biến tướng của thủ đoạn lừa đảo bằng tiền ảo

Đầu năm 2021, khi tiền ảo Bitcoin tăng giá chóng mặt đã làm rộ lên tình trạng nhiều người "tiền mất tật mang" khi tin tưởng vào những lời lôi kéo của các đối tượng lừa đảo để đầu từ vào các sàn tiền ảo "ma". Nay lại xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo kết hợp thủ đoạn lừa gạt tình cảm để nạn nhân đầu tư vào các sàn tiền ảo mà chúng lập nên rồi âm thầm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư "nghe theo con tim". Theo chia sẻ của chị Võ Thị L. (35 tuổi, trú TP.Thủ Đức), cách đây 2 tháng chị được một người đàn ông chủ động làm quen trên Facebook. Người này tự xưng là Kevin, quốc tịch Trung Quốc. Sau khoảng thời gian trò chuyện, đối tượng đề xuất với chị hình thức đầu tư sinh lãi "khủng" mà gã đang thực hiện. Chị L. đồng ý nạp vào TK đầu tư tiền ảo do đối tượng này giới thiệu 500.000 đồng. Sau khi thực hiện các thao tác như gã hướng dẫn, số tiền đầu tư của chị sinh lãi.

Để khiến con mồi tin tưởng, đối tượng gợi ý chị rút số tiền này ra để sử dụng, đồng thời gã liên tục hứa hẹn với chị về hôn nhân và tương lai hạnh phúc cùng gã. Sau đó vài tuần, đối tượng thông báo đang có cơ hội đầu tư 100% sinh lãi và muốn chị L. cũng tham gia để kiếm tiền. Khi thấy chị L. phân vân, gã hứa sẽ chuyển vào TK đầu tư tiền ảo của chị 200 triệu đồng nếu chị nạp vào tài khoản 20 triệu đồng. Trước sự hào phóng của người tình, chị đầu tư khoản trên. Cùng với số tiền ảo mà đối tượng chuyển cho, sau khi thực hiện thao tác mua bán như gã hướng dẫn, TK đầu tư của chị nhận được 400 triệu đồng tiền lãi, gần gấp đôi khoản đầu tư.

Tuy nhiên muốn rút khoản lãi, giao dịch viên của sàn đầu tư yêu cầu chị phải đóng 40 triệu đồng tiền thuế qua TK ngân hàng mà người này cung cấp. Vì không đủ tiền, khi chị L. thông báo, gã dụ dỗ chị chỉ cần đưa 20 triệu đồng, phần còn lại gã sẽ chuyển cho chị. Tin tưởng người bạn trai đã quen 2 tháng qua, chị L. quyết định chuyển 20 triệu đồng, nhưng sau đó người tình qua mạng lẫn khoản đầu tư cũng biến mất.

Hình thức lừa đảo trên vẫn không thay đổi về thủ đoạn, các đối tượng tiếp tục nhắm đến những phụ nữ nhẹ dạ, tạo dựng niềm tin bằng những lời hứa hẹn ngọt ngào về tình yêu và hôn nhân, sau đó chúng đánh vào lòng tham của nạn nhân rồi chiếm đoạn số tiền "thuế, phí” mà chúng tô vẽ. Vì thế, để tránh các bẫy lừa trên không gian mạng, người dùng mạng cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật, luôn xác minh nhiều tầng đối với các thông tin, yêu cầu của những người bạn trên mạng cung cấp. Khi sử dụng mạng, người dùng không nên cung cấp thông tin cá nhân như mật khẩu, chứng minh thư, hộ chiếu, địa chỉ cho người lạ. Khi nhận những đường link từ người dùng khác, nên cẩn trọng, không nhấp vào vì có thể những đường link đó chứa virus độc hại sẽ xâm nhập, kiểm soát thiết bị của người dùng. Trường hợp khác, những đường link đó sẽ dẫn người dùng đến giao diện đăng nhập vào TK mạng xã hội, TK ngân hàng, không nên đăng nhập để tránh lộ thông tin cá nhân, vì đây có thể là các trang web giả mạo.

Xác định đây là loại tội phạm mới gây nguy hiểm cho xã hội, Bộ CA và các bộ ngành có liên quan đã xây dựng kế hoạch đi từ hoạt động tuyên truyền phòng ngừa đến hoạt động tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang