Gia đình thầy giáo bị sập bẫy lừa hàng chục tỷ đồng

Thứ Bảy, 12/08/2017 17:04

|

(CAO) Lặn lội mang đơn kêu cứu xuống tận tòa soạn báo CATP, ông Nguyễn Vinh Quang (SN 1955, nguyên là giảng viên khoa Toán – Tin học, trường Đại học Đà Lạt) và vợ là bà Lê Thị Xuân Lan (SN 1957, cùng ngụ địa chỉ 80 Nguyễn Thị Nghĩa, P.2, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) tố cáo ông Nguyễn Thế Việt (chồng bà Nguyễn Thị Thủy Lộc) trong vụ án: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thuê người giả danh con cán bộ lãnh đạo

Cuối tháng 3 vừa qua, TAND tỉnh Lâm Đồng (LĐ) đã đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Thị Thủy Lộc (39 tuổi, ngụ TP. Đà Lạt) và đồng bọn. Tuy nhiên do việc tranh luận, xét hỏi xuất hiện một số tình tiết mới nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Giám đốc chi nhánh Quỹ nhân ái lừa đảo hơn 6 tỷ đồng
 

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân tỉnh LĐ, lợi dụng chỗ quan hệ thầy – trò với ông Quang trước đây, bà Lộc làm quen, tạo thân mật với bà Lan (vợ ông Quang). Sau đó, đặt vấn đề vay tiền của bà Lan có lãi suất theo thỏa thuận. Theo đó, từ ngày 5/12/2012 – 18/12/2013, Lộc - Việt vay của bà Xuân Lan tổng cộng số tiền 93,808 tỷ đồng với 36 giấy mượn tiền do Lộc thực hiện.

Lộc đã thuê Đàm Thị Bé (30 tuổi, ngụ Đà Lạt), làm nghề… tiếp viên karaoke, đóng giả Nguyễn Nữ Huyền Trang, tự xưng là con của một lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng (LĐ), mặc đồng phục của ngân hàng Vietcombank để giao dịch với bà Lan qua các lần chuyển nhận tiền. Lộc còn thuê Nguyễn Thị Bính Loan (28 tuổi, cùng ngụ Đà Lạt), cùng nghề tiếp viên karaoke, đóng vai Nguyễn Thị Tuyết Trinh, là cán bộ tín dụng ngân hàng Eximbank, tự xưng là em một lãnh đạo ngân hàng để giao dịch với bà Lan.

Vợ chồng nạn nhân

Nhằm tạo niềm tin cho bà Lan, Lộc đã chỉ đạo cho Bé, Loan giả chữ ký của Trang, Trinh (đại diện cho hai ngân hàng trên), xác nhận Lộc nợ bà Lan tổng số tiền 93,8 tỷ đồng; số tiền này đã được đáo hạn tại ngân hàng. Mỗi khi bà Lan chuyển tiền vào tài khoản cho Lộc - Việt thì “cán bộ ngân hàng dỏm” là Bé và Loan xác nhận qua tin nhắn “ngân hàng đã nhận được tiền” để bà Lan yên tâm, khi nào bà Lan cần thì Lộc sẽ chuyển trả.

Tuy nhiên, khi tranh luận tại phiên tòa, bị hại Lan đưa ra những chứng cứ chứng minh và khẳng định bị Lộc chiếm đoạt hơn 93,8 tỉ đồng (nhưng bị khấu trừ còn hơn 28 tỉ đồng, theo cáo trạng). Đồng thời bà Lan cũng đưa ra những bằng chứng chứng minh trong số nợ mà bà Lộc đã lừa đảo của gia đình đều có chồng bà Lộc là ông Việt nhúng tay vào. Bởi mỗi khi đến nhà bà Lan hay ra ngân hàng lấy tiền, ngoài bà Lộc đều có mặt ông Việt.

Bắt nạn nhân kí khống 4 tờ giấy A4

Lợi dụng lòng tin của bà Lan, Lộc chỉ đạo Bé, Loan “xác nhận ngân hàng đã nợ bà Lan lên đến hơn 400 tỷ”. Lộc nói với bà Lan số tiền quá lớn, ngân hàng muốn… chiếm dụng, cấu kết với xã hội đen sẽ “thủ tiêu” gia đình bà Lan và Lộc, nên cùng nhau chạy đi trốn.

Thực chất, Lộc đang bị chủ nợ khác đòi nợ, sợ bà Lan biết nên tìm cách đưa bà Lan xuống TP.HCM. Tại đây, Lộc nói bà Lan ký khống cho Lộc trước bốn giấy trắng A4 để Lộc về Đà Lạt rút tiền con nợ ở các ngân hàng đem về cho bà Lan.

Đúng như dự đoán của bà Lan, Việt đã dùng các tờ giấy ký khống của bà Lan để in nội dung bà Lan… vay Việt số tiền 38,6 tỷ dưới sự hướng dẫn cách ghi giấy vay tiền do ông Thảo (ngụ TP. Đà Lạt. Lộc - Việt mua cho bà Lan một cái iPad để nhận tin nhắn mỗi ngày.

Lộc (bìa phải, vợ ông Việt) trong vụ án sơ thẩm vào ngày 31- 3-2017

Mỗi đêm, vợ chồng Lộc - Việt mạo danh một cán bộ “có chức” để gửi tin nhắn cho bà Lan với nội dung: “Nếu bà Lan không giúp Lộc viết tờ giấy nhận nợ 38,6 tỷ ghi ngày 31-5-2014. Đây là tờ giấy tổng kết nợ trong ba năm (từ ngày 31/1/2012 đến 31/12/2014) thì ông ta không giúp đòi tiền từ ba ngân hàng: Vietcombank, Viettinbank, Exim bank,…”. Vì quá lo sợ, bà Lan lúc này đã sút cân 15 kg, tinh thần suy sụp.

Ngày 31-5-2017, bà Lan đã viết cho Lộc tờ giấy tổng kết nợ số tiền là 38,6 tỷ nhưng thực chất bà Lan không nợ Lộc số tiền nói trên nên bà Lan buộc Lộc phải viết giấy cam kết cũng đúng vào ngày này với nội dung: “Tôi (bà Lan), SN 1957 không nợ Lộc số tiền 38,6 tỷ ”. Khi sự việc vỡ lỡ, ngày 26-12-2014, Lộc bị bắt cùng với các đồng phạm. Hiện nay CA tỉnh LĐ đã thu giữ toàn bộ 4 tờ giấy ký khống của bà Lan.

Còn có người liên quan?

Ngày 29-3-2016, bà Lộc đã khai trước cơ quan điều tra (CQĐT) với nội dung: “Khoản tiền 93,8 tỷ đồng tôi không mượn bà Lan. Ông Việt nhận tiền bà Lan. Ông Việt là người yêu cầu tôi viết giấy nợ bà Lan”.

Sau đó, ngày 19-8-2016, tại buổi đối chất giữa bà Lan và bị can Đàm Thị Bé, Bé đã khai và ghi vào biên bản (có sự chứng kiến của đại diện VKSND tỉnh LĐ): “Bé đã đưa tiền cho ông Việt 4 - 5 lần, tổng số tiền 1 tỷ đồng”.

Trong những buổi đối chất giữa ông Việt với ông Quang - bà Lan (vào các ngày 24-3-2016, 6-7-2016, 4-8-2016), ông Việt đều khai trước CQĐT: “Bà Lan không đặt vấn đề mượn tiền tôi và tôi không cho bà Lan mượn tiền”. Nhưng thực tế, tại sao lại có chữ kí và tên ông Việt trên giấy cam kết được lập ra khi ông Việt, bà Lộc nói bà Lan nợ 38,6 tỷ đồng (ngày 31-5-2017).

Vào ngày 4-3-2016, CQĐT công an tỉnh LĐ khám xét nhà ông Việt (đường Hồ Xuân Hương, TP. Đà Lạt) thu được một tờ giấy A4 ký khống (photo) không có nội dung, chỉ có chữ ký và ghi họ tên Lê Thị Xuân Lan. Chứng cứ này chỉ ra, ông Việt đã dùng những tờ A4 ký khống không có nội dung của bà Lan để lập ra một chứng từ giả mạo giấy mượn tiền 38,6 tỷ.

Ngoài ra, CA thu được một tờ giấy thông cung của ông Việt gửi cho bà Lộc (từ máy tính riêng) với nội dung: “CA chưa có chứng cứ gì xác đáng cả nên em giữ vững lập trường, ngoài này anh đã lo chu đáo rồi”.

Lộc (bìa phải, vợ ông Việt) trong vụ án sơ thẩm vào ngày 31- 3-2017

Tiếp xúc với chúng tôi, hai nạn nhân là ông Quang, bà Lan bức xúc: “Với hàng loạt hành vi lừa đảo của vợ chồng Lộc, Việt nhưng cơ quan chức năng mới khởi tố Lộc còn Việt vẫn ung dung ở ngoài vòng pháp luật. Trong khi, đó là số tiền dưỡng già, nuôi con đang học ĐH tại TP.HCM”.

Ngoài lừa số tiền lớn của ông Quang, bà Lan thì vợ chồng Lộc - Việt còn lừa nạn nhân trong hai vụ khác. Ngày 1-8-2012, Việt thỏa thuận với con trai ông Quang, bà Lan ký hợp đồng thuê mặt bằng tại địa chỉ 468A đường Nguyễn Tử Lực ( P.8, TP. Đà Lạt).

Từ đó đến nay, Việt không trả tiền thuê mặt bằng (5 triệu đồng/ tháng) dù gia đình ông Quang đòi rất nhiều lần. Sau đó, vào ngày 14-12-2013, Việt đã đến nhà ông Quang, bà Lan đề nghị mượn 2,948 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh sắt thép tại địa chỉ thuê mặt bằng. Việt hứa sẽ trả tiền lại trong thời gian 6 tháng và hàng tháng sẽ trả lãi suất ngân hàng.

Vợ chồng ông Quang, bà Lan tin tưởng giao cho Việt số tiền trên, gồm 148 triệu tiền mặt và 2,8 tỷ đồng (vay từ ngân hàng BIDV) và chuyển chuyển vào tài khoản của Việt, số tài khoản 64110000527255. Hết thời hạn, vợ chồng ông Quang, bà Lan đòi tiền Việt rất nhiều lần nhưng Việt không trả.

Hiện gia đình nạn nhân đã làm đơn gởi đến CQĐT Bộ CA, Thủ tướng chính phủ, cùng các cơ quan liên quan tố cáo những hành vi sai phạm của ông Việt.

Để thông tin khách quan, ngày 11-8, chúng tôi đã liên hệ xác minh với người bị tố cáo là ông Việt. Ông Việt nói, việc cho rằng ông có liên quan lừa đảo là “vu khống trắng trợn, không có chứng cứ và tôi không quan tâm. Tất cả đã có CA, VKS, TAND làm rồi…”. Ông Việt hẹn làm việc với PV tại… tòa soạn báo Lâm Đồng mặc dù ông không phải là PV, công nhân viên tại cơ quan này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang