Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng vừa họp sơ kết chuyên án “hủy hoại tài sản” (rừng trồng), kết thúc điều tra giai đoạn 1 đối với vụ án phá gần 11ha rừng thông 3 lá gần 20 năm tuổi, xảy ra tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Đại tá Phạm Hồng Tuấn - Trưởng phòng CSHS Công an Lâm Đồng và Điều tra viên lấy lời khai nóng với đối tượng Dương Văn Hồng khi trinh sát vừa bắt giữ đối tượng đưa về trụ sở Công an
Thời gian qua, tình trạng phá rừng lấn chiếm đất, lấy gỗ, nhiều kẻ nhờ đó làm giàu bất chính xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước nói chung khiến những cánh rừng bị thu hẹp, dẫn đến biến đổi khí hậu khó lường theo hướng tiêu cực, như những khối ung nhọt gây nhức nhối xã hội. Có lúc, có nơi các ngành chức năng còn quản lý lỏng lẻo, làm ngơ hoặc “tiếp tay” cho lâm tặc, việc phát hiện, bắt giữ và xử lý chúng như “bắt cóc bỏ đĩa”. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương cần thiết phải mạnh tay với các cá nhân, đơn vị có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng; có các văn bản phù hợp, hình thức xử phạt nghiêm minh, án phạt nặng với các đối tượng có hành vi phá rừng, để mất rừng mới mong chấm dứt tệ nạn kéo dài dai dẳng này. |
Vụ án được báo chí, dư luận, nhiều cấp, nhiều ngành quan tâm thời gian qua. Đến nay, lực lượng chức năng đã bắt giữ tổng cộng 5 đối tượng là những kẻ cầm đầu, chủ mưu, trực tiếp ra tay hạ độc rừng thông, diệt cây rừng, chiếm đất.
Ban chuyên án sẽ tiếp tục giai đoạn 2, mở rộng điều tra vụ án, làm rõ chân tướng những cán bộ liên quan, đơn vị được giao rừng nhưng để mất rừng.
Bạch Đình Kế - kẻ chủ mưu vụ phá rừng ra đầu thú tại Cơ quan Công an đã có những lời khai quan trọng.
Áp lực phá án
Như Báo Công an TP.Hồ Chí Minh đã thông tin, đầu tháng 5-2019, báo chí đưa tin về vụ hàng ngàn ha rừng thông tại Tiểu khu 292 thuộc địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà bị đầu độc, ken cây khiến rừng thông trên diện rộng bị đỏ lá và bắt đầu chết khô.
Cùng thời điểm này, Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà - Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng - Công ty CP tập đoàn giấy Tân Mai (đơn vị được giao quản lý rừng tại đây) đã tuần tra, xác định có 3.456 cây thông trồng từ năm 2002 bị kẻ gian dùng khoan để khoan lỗ vào gốc và bơm hóa chất diệt cỏ qua lỗ khoan. Hậu quả, toàn bộ số cây thông trên diện tích 10,7 ha đang chết dần.
Công an dẫn giải bị can Ngô Văn Diệm (áo thun xanh) và 2 đồng phạm của y là Hồng và Lợi hấp đến thực nghiệm hiện trường vụ án
Lâm Đồng và nhiều tỉnh Tây Nguyên, miền Trung... nhiều năm qua liên tục xảy ra những vụ phá rừng, làm thu hẹp diện tích rừng; đặc biệt là tình trạng các đối tượng dùng hóa chất triệt hạ thông để chiếm đất canh tác... gây bức xúc trong dư luận.
Ngày 8-5-2019, Văn phòng Chính phủ có thông báo về việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý vụ việc trên và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-5. Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo các ngành chức năng địa phương khẩn trương điều tra làm rõ, đưa các đối tượng phá rừng ra xử lý trước pháp luật; đồng thời, tăng cường quản lý, không để xảy ra tình trạng phá rừng tại các địa phương khác trên địa bàn.
Đây là vụ phá rừng thông quy mô nhất từ trước đến nay ở tỉnh Lâm Đồng, sau hàng loạt phụ phá rừng khác đã xảy ra mà các chủ rừng không thể bảo vệ rừng, ngăn chặn triệt để. Diện tích rừng bị phá là rừng trồng, của Công ty CP giấy Tân Mai (trụ sở chính ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; chi nhánh huyện Lâm Hà), nên Cơ quan điều tra Công an huyện Lâm Hà ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “hủy hoại tài sản”.
Tuy nhiên, xét thấy vụ việc mang tính chất phức tạp, diễn ra trong thời gian dài, đối tượng liều lĩnh; cùng đó, có thông tin từ quần chúng phản ánh “một số cán bộ có chức, có quyền trong cơ quan nhà nước tiếp tay cho các đối tượng phá rừng”; vụ án có sự quan tâm, chỉ đạo từ Trung ương và Thường vụ Tỉnh ủy; giá trị thiệt hại được định giá khoảng 800 triệu đồng, thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, Ban giám đốc Công an Lâm Đồng quyết định lập chuyên án, do Đại tá Vũ Nhân Khánh – Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh làm Trưởng ban.
Giao Phòng CSHS Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Văn phòng CSĐT Công an tỉnh, Phòng CSĐT tội phạm kinh tế, Phòng khoa học – kỹ thuật hình sự và Công an huyện Lâm Hà huy động lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ khẩn trương, nhanh chóng điều tra làm rõ vụ án, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng, ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương. Viện KSND tỉnh trong vai trò phối hợp, giám sát.
Những cánh rừng thông bị tàn phá nằm ngay khu vực canh tác của dân (chiếm dụng hoặc mua bán đất rừng trái phép). Ảnh góc trên là bình ắc-quy các đối tượng nạp điện để khoan cây thông, đổ thuốc sâu
Trước đó, Công an huyện Lâm Hà đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập nhiều tài liệu, dấu vết phục vụ công tác điều tra; xác định diện tích rừng bị tàn phá, định giá mức độ thiệt hại, xác minh đối tượng nghi vấn...
Sau khi vụ án được chuyển giao cho Phòng CSHS Công an tỉnh làm chủ công, các lực lượng tham gia phối hợp, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên đôn đốc, quan tâm của Ban giám đốc Công an tỉnh, trực tiếp là sự chỉ đạo sát sao của Đại tá Vũ Nhân Khánh.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã nhanh chóng xác định, khoanh vùng các nghi can. Ngô Văn Diệm (tự Tuấn chó, Tuấn đen, SN 1982, quê Yên Khánh - Ninh Bình, tạm trú thôn 10, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) có anh, chị, em, bạn gái cũ, có đất canh tác nguồn gốc từ mua bán, phá rừng quanh hiện trường khu rừng mới bị phá nên bị đưa vào diện tình nghi.
Qua công tác xác minh, củng cố nhiều nguồn tin, chứng cứ khác, Diệm trở thành nghi can nổi bật. Đối tượng có 2 tiền án về các tội “trộm cắp tài sản”, “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, mới ra tù tại tỉnh Bình Dương và đến xã Tân Thanh. Nhưng lúc này Diệm đã trốn khỏi địa phương.
Hành trình phá án
Để xác định chính xác đối tượng, tiến hành truy bắt, xử lý, cần những chứng cứ sắc bén, tang chứng, vật chứng để đấu tranh, tránh sót người lọt tội. Hiện trường gần 11ha rừng bị phá nằm trải dài trên diện rộng từ lô b1 đến b4, thuộc Tiểu khu 292. Thời gian các đối tượng hạ độc rừng thông diễn ra khoảng tháng 4-2019.
Nhận định của cơ quan chức năng, để đầu độc rừng thông này, các đối tượng phải dùng đến số lượng lớn thuốc diệt cỏ cháy. Từ kết quả khám nghiệm hiện trường, ngành chức năng thu được những mẫu vật, tang vật liên quan đến chủng loại hóa chất đầu độc rừng thông.
Sau thời gian “nằm vùng” để thu thập thông tin, chứng cứ, các trinh sát xác định được đối tượng mua hóa chất, số lượng, đại lý bán, hình thức thanh toán... liên quan đến Diệm – Tuấn và Bạch Đình Kế (Kế hấp).
Củng cố thêm nhiều nguồn chứng cứ khác, Ban chuyên án xác định nhóm của Diệm – Kế gây ra vụ phá rừng này và lập kế hoạch truy bắt chúng. Nhưng lúc này, những kẻ bị tình nghi đã bỏ trốn khỏi địa phương. Có thông tin Diệm trốn ra nước ngoài, đến một huyện ở Lào, giáp tỉnh Kon Tum.
Tiếp tục truy tìm những kẻ có liên quan đến Diệm và những kẻ tình nghi phá rừng, ngành chức năng lập danh sách, đưa vào diện sàng lọc hàng chục đối tượng và tiến hành truy tìm, triệu tập các đối tượng để làm việc. Ban chuyên án lập nhiều tổ trinh sát, tung quân xuống địa bàn huyện Lâm Hà và các huyện giáp ranh, đi các tỉnh, đến biên giới lùng bắt các đối tượng.
Đối tượng Kế hấp và căn nhà kiên cố của y
Sau nhiều ngày gọi, hỏi, đấu tranh, sàng lọc đối tượng, Ban chuyên án xác định và dựng lên nhóm đối tượng trực tiếp liên quan, thực hiện hành vi phá rừng. Bạch Đình Kế (SN 1982, trú xã Tân Thanh, Lâm Hà) – đối tượng hình sự nổi ở địa phương được xác định là một trong những kẻ cầm đầu, chủ mưu.
Kế có khu vườn rộng 8ha giáp ranh với lô b3, b4 có thông bị phá hoại. Từ năm 2017, Kế đã sang nhượng nhiều khu đất do lấn chiếm rừng, tại khu vực Tiểu khu 292. Đối tượng thường xuyên tổ chức chơi cờ bạc trong căn nhà được gia cố như chiếc lồng sắt khổng lồ, trinh sát rất khó tiếp cận.
Kế hấp lúc này cũng đã bỏ trốn khỏi địa phương, thay số điện thoại, cắt liên lạc với người thân. Diệm và Lợi hấp là “tay chân” của Kế hấp. Diệm được Kế cho 5 sào đất, Lợi được cho chòi nhà – đều ở gần khu vực rừng bị phá. Xác định Diệm là “mắt xích” quan trọng trong vụ án, kế hoạch lập ra là phải nhanh chóng bắt bằng được đối tượng sẽ bắt được kẻ cầm đầu và những kẻ liên quan.
Vào các ngày 21, 22-5, 3 mũi trinh sát tại 3 địa điểm lần lượt bắt giữ 3 đối tượng trực tiếp phá rừng. Chúng gồm: Ngô Văn Diệm; Nguyễn Văn Lợi (Lợi hấp, SN 1996, trú thôn An Bình, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà), Dương Văn Hồng (SN 1967, trú TT. Nam Ban, huyện Lâm Hà). Bị truy đuổi ráo riết, cùng đó, biết nhóm Tuấn đã bị bắt giữ, khó còn đường chạy thoát, ngày 1-6, Kế hấp ra đầu thú tại sân bay Liên Khương (huyện Đức Trọng – Lâm Đồng). Nguyễn Văn Huy (Hiểu, SN 1989, trú xã Đan Phượng) cũng là kẻ chủ mưu phá rừng, thuê Tuấn thực hiện với giá 30 triệu đồng để chiếm 1 khoảnh đất rừng tại các lô b1, b2 Tiểu khu 292, 6 ngày sau đó cũng bị bắt giữ .
Cơ quan điều tra nhận định, các đối tượng diệt thông với mục đích chiếm đất lâm nghiệp trái phép, phục vụ canh tác sản xuất hoặc tiếp tục mua bán, sang nhượng trái phép cho người khác để hưởng lợi.
Qua đấu tranh khai thác, Tuấn khai nhận, được Kế hấp thuê phá hoại rừng thông với tiền công 10 triệu đồng/ha. Ngoài ra, Huy cũng thuê Tuấn diệt thông chiếm đất. Thuốc do 2 kẻ chủ mưu Kế hấp, Huy cung cấp. Tổng cộng chúng sử dụng 4 thùng thuốc diệt cỏ cháy (loại thùng 20 chai). Tuấn thuê Lợi hấp, Hồng và Phan Văn Trường (Cu em, SN 1993), trú xã Song An, An Khê – Gia Lai thực hiện. Đối tượng Trường hiện đang bỏ trốn.
Sau khi vụ việc bị phát hiện, Kế trực tiếp gọi Diệm, Lợi đến nhà, đưa tiền và điện thoại mới, sim mới, cho số điện thoại người quen ở các tỉnh để cả hai bỏ trốn. Kế cũng bỏ trốn qua nhiều tỉnh, thành: Gia Lai, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, TP.HCM, Hà Nội và trốn sang Lào. Khối lượng lâm sản Kế chỉ đạo Tuấn phá hoại là trên 466.000m3 gỗ thông 3 lá nhóm IV, giá trị lâm sản bị thiệt hại trên 588 triệu đồng. Huy chịu trách nhiệm thiệt hại trên 172.000m3 gỗ, giá trị trên 200 triệu đồng.
Biết nhóm Tuấn, Kế hấp bị bắt giữ, Huy bỏ trốn lên Đà Lạt, sau đó đến TP.HCM. Rạng sáng ngày 7-6, trinh sát Phòng CSHS Công an Lâm Đồng và Cục kỹ thuật nghiệp vụ Bộ Công an (A06) đã bắt giữ đối tượng tại quận Bình Tân. Kế hấp thành khẩn khai báo về hành vi thuê phá rừng như nêu trên và cho biết, được lãnh đạo Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Tân Mai “bật đèn xanh” cho phá.
Vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng giai đoạn 2.
Một góc rừng thông tại Tiểu khu 292 xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà bị các đối tượng tàn phá