Chủ trương thời điểm các đây 12 năm là “thu hồi đất, giao đất cho UBND xã Tam An sử dụng để xây dựng các khu dân cư tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”.
Chính quyền địa phương xã Tam An (lúc bấy giờ thuộc thị xã Tam Kỳ, nay Tam An thuộc huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) lấy đất của hàng chục hộ dân để bán đấu giá, cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hàng chục người khác. Sau đó, mới thông báo cho họ biết lên nhận tiền đền bù với giá thấp khiến hàng loạt hộ dân bức xúc.
Ông Thuấn bên khu đất của mình chưa nhận đền bù, chưa giao đất đã cấp sổ cho người khác
Khi sự việc được phanh phui, cán bộ địa chính tự tử chết, một số vị lãnh đạo xã Tam An bị kỷ luật. Gần 10 năm sau, sự việc mới được UBND huyện Phú Ninh tiếp tục giải quyết.
Lần này có những hộ đồng thuận, nhưng nhiều hộ không đồng tình vì “đền bù, giải quyết chưa thỏa đáng”. Mới đây, trong số 7 hộ chưa giải quyết, UBND huyện Phú Ninh ra quyết định cưỡng chế một số hộ khiến người dân bức xúc. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã có sổ đỏ hơn 11 năm mà chưa có đất thực tế cũng yêu cầu địa phương phải sớm bàn giao đất để họ xây nhà.
Chưa thu hồi đã cấp sổ đỏ cho người khác
Ngày 27-10, chúng tôi đến xã Tam An tìm hiểu sự việc sau khi người dân bức xúc gửi đơn đến Báo CATP cầu cứu. Ông Phạm Công Thuấn (trú thôn An Mỹ 2, xã Tam An) bức xúc trình bày: Gia đình ông có thửa đất hơn gần 1.700 m2 dùng để trồng cây hàng năm, đất chưa có sổ đỏ, là đất của ông bà để lại, nhưng là đất thuộc hộ quản lý trước 15-10-1993.
Cách đây hơn 10 năm, ông bất ngờ nhận thông báo của xã lên nhận tiền đền bù (lúc bấy giờ khoảng 7,8 triệu đồng). Ông chưa hiểu chuyện gì, lên tìm hiểu mới biết, 1211,3m2 đất của ông đã bị thu hồi, còn 474,9m2 chưa thu hồi.
Điều đáng nói, số đất thu hồi của ông đã cấp sổ đỏ cho người khác, trong khi ông Thuấn chưa nhận tiền bồi thường, chưa đồng ý giao đất. Hàng chục hộ dân khác cũng rơi vào trường hợp tương tự nên rất bức xúc.
Bẵng đi gần 10 năm, vào năm 2013, ông lại nhận được thông báo nhận tiền đền bù 121 triệu đồng, trong đó gồm tiền đất màu, cây cối và một số khoản khác. Ông Thuấn không đồng tình, khiếu kiện lên các cấp. Sau đó, đầu năm 2014, lại nhận thông báo bồi thường đất bổ sung 16 triệu đồng nữa nhưng ông Thuấn cũng không đồng ý.
“Tự dưng khu đất của tôi phía trước đem đi bán cho người khác, còn 474,9m2 đất phía sau của tôi đi bằng cách nào? Hơn nữa, tiền đền bù quá thấp, trong khi đó, nói cấp lại cho tôi một lô đất (180m2) mà bảo tôi nộp hơn 30 triệu đồng để trả tiền cho lô đất cấp lại cho tôi nên tôi không đồng ý. Làm như thế quá thiệt thòi cho dân”, ông Thuấn nói.
Nhiều người dân ở thôn An Mỹ 2 bức xúc
Ngày 20-10-2015, ông Thuấn bất ngờ nhận được quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND huyện khiến ông càng bất bình bởi sự việc chưa được giải quyết thấu đáo lại ra quyết định như thế.
Trong đơn, ông Thuấn cho rằng, từ khi có quyết định của UBND tỉnh (năm 2003) về việc “thu hồi đất, giao đất cho UBND xã Tam An sử dụng để xây dựng các khu dân cư tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”, đến nay ông chưa nhận quyết định thu hồi đất của huyện thì làm sao xác định được mức độ thiệt hại để bồi thường?
“Tôi không đồng ý quyết định cưỡng chế của huyện Phú Ninh, đề nghị đình chỉ khẩn cấp quyết định trên và thực hiện việc thu hồi đúng trình tự pháp luật , việc đền bù giải tỏa phải được thỏa thuận đảm bảo quyền lợi của tôi theo pháp luật”, ông Thuấn bức xúc.
Tình cảnh của ông Thuấn cũng là bức xúc của nhiều hộ hiện chưa được giải quyết. Như bà Phạm Thị Hội bị thu hồi 261,5m2, nhưng chỉ đền bù 31,7 triệu đồng (kể cả bổ sung) nên không đồng ý và cũng bị ra quyết định cưỡng chế cùng ngày với ông Thuấn.
Hay như thửa đất của ông Võ Văn Diện đã có sổ đỏ nhưng cũng bị thu hồi 189,8m2 và đã cấp sổ đỏ cho hộ khác (tồn tại một lúc 2 sổ đỏ, ông Diện vẫn thế chấp sổ đỏ này để vay vốn). Với mức đền bù (kể cả bổ sung) 21,3 triệu đồng nên ông không đồng ý,…
Anh Nguyễn Văn Thao (SN 1977, trú tổ 5, thôn An Mỹ 2) bức xúc: Năm 2004, UBND xã Tam An tổ chức đấu giá, tôi đấu giá trúng 1 lô, đã được cấp sổ đỏ. Nhưng sau này mới được biết đây là đất của ông Thuấn chưa nhận bồi thường, chưa bàn giao đất. Tôi đã mua đất hơn 11 năm nhưng vẫn chưa có đất thực tế, giờ gia đình rất muốn xây nhà cũng không được.
Anh Thao đã được cấp sổ đỏ 11 năm nhưng chưa có đất thực tế
“Biết sai nhưng không còn đường lùi”?
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tam An cho biết, sự việc đã xảy ra hơn 10 năm trước. Trong quyết định của tỉnh năm 2003 thu hồi 16.470,5m5, quy hoạch 96 lô, ngoài đất đang diện quản lý của nhà nước thì có 26 hộ bị thu hồi. Trong đó, có 19 lô cấp sổ đỏ chưa có đất thực tế (các hộ cũ chưa chấp nhận bàn giao đất, chưa nhận bồi thường).
Theo ông Toàn, qua các năm, địa phương và huyện đã tích cực với nhiều giải pháp nhưng hiện nay vẫn còn 7 hộ chưa chấp nhận tiền bồi thường, bàn giao đất; trong đó có 13/19 hộ được cấp sổ đỏ (trên đất chưa bàn giao) vẫn chưa có đất thực tế.
“Chủ trương tỉnh giao địa phương, sau này huyện thấy sai do cấp sổ đỏ trên đất chưa thu hồi, sai quy trình, đã tổ chức kiểm điểm nhưng rắc rối đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Địa phương cũng đang rất đau đầu, đã nhiều lần làm việc với các hộ nhưng các hộ không đồng tình, vì cho rằng mức giá đền bù quá thấp.
Huyện chỉ đạo xã, cũng làm nhiều cách như đổi đất, có nhu cầu thì nhận đất chỗ khác nhưng các hộ vẫn chưa đồng tình nên buộc xã phải báo cáo, tham mưu cưỡng chế để giải quyết dứt điểm tình hình”, ông Toàn phân trần.
Vợ ông Diện (bên phải): “Sổ đỏ nhà tôi đang giữ, vay ngân hàng mà chính quyền cũng cấp cho người khác sổ đỏ trên đất của gia đình tôi”
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Bá Dự, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho rằng: “Trách nhiệm của chúng tôi là xử lý những tồn tại. Chúng tôi cũng đã nhiều lần làm việc với các hộ dân. Hiện còn 7 hộ vẫn chưa giải quyết được. Chúng tôi đã điều chỉnh nhiều lần theo quy định của nhà nước mà họ vẫn không chịu. Cái khó là đất màu thì chúng tôi phải đền bù theo giá đất màu chứ không thể chuyển đổi qua đất ở được”.
Mới đây, ngày 20-10-2015, Chủ tịch huyện đã ký quyết định cưỡng chế 2 hộ ông Thuấn và bà Hội (còn các hộ khác có thể thương lượng được), sẽ tổ chức thực thi sau 15 ngày.
“Biết cái sai này tồn tại do trước đây để lại, dân chưa nhận tiền mà đã bán đất, cấp sổ đỏ thì sai rồi nhưng chúng tôi không có đường lùi đành phải cưỡng chế thi hành”, ông Dự nói.
Thiết nghĩ, biện pháp cưỡng chế là quá “đường cùng”, chính quyền và người dân cần tìm tiếng nói chung để bức xúc của người dân được xoa dịu mà việc sửa sai của chính quyền cũng thấu tình đạt lý.
Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh: “Vấn đề tồn tại này cũng đã nhiều lần đối thoại, giải thích nhưng người dân không chịu, làm căng thì UBND huyện phải ban hành quyết định cưỡng chế, triển khai trong thời gian đến. Thời gian này đề nghị các cấp tiếp tục vận động, cực chẳng đã chúng tôi mới áp dụng biện pháp cưỡng chế”. |