(CAO) Liên quan đến vụ phá rừng Pơ mu nghiêm trọng tại biên giới huyện Nam Giang (Quảng Nam), ngày 20-7, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đi kiểm tra thực tế hiện trường, làm việc với Công an huyện Nam Giang, Công an tỉnh Quảng Nam cùng các ngành chức năng như bộ đội biên phòng, hải quan,... chỉ đạo xử lý triệt để vụ việc.
Đại tá Lê Quang Vịnh, Trưởng Công an huyện Nam Giang cho biết: Nhận được tin báo của quần chúng, ngày 8-7, lực lượng Công an huyện phối hợp cùng Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung tiến hành kiểm tra tại khu vực biên giới gần Trạm cửa khẩu Nam Giang - Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào).
Tại đây lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 280 phách gỗ Pơ mu với tổng khối lượng 28m3 được tập kết gần cột mốc biên giới 717 khu vực vành đai biên giới cách Trạm cửa khẩu Nam Giang khoảng 500m. Sau đó, Công an huyện Nam Giang đã vận chuyển toàn bộ số gỗ trên về tạm giữ tại Trạm kiểm lâm Nam Sông Bung (xã Chà vàl, huyện Nam Giang).
Những cây Pơ mu hàng trăm năm tuổi bị triệt phá
Ngày 14-7, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Nam Giang cùng các bên thống nhất giao Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung khởi tố vụ án, chuyển ngay Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Giang thụ lý điều tra.
Trong ngày 14-7, Công an huyện Nam Giang tổ chức đoàn khám nghiệm hiện trường ở khoảnh 10, Tiểu khu 351 đã phát hiện 60 gốc cây Pơ mu bị chặt hạ. Công an huyện Nam Giang đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, khoanh vùng các đối tượng nghi vấn đến hoạt động phá rừng, đồng thời xác định các đối tượng có liên quan đến việc bảo kê, bao che cho hành vi khai thác gỗ trái phép và các vị trí nghi vấn cất giấu gỗ.
Ông Lê Trí Thanh, kiểm tra thực tế tại hiện trường
Chiều 15-7, lực lượng Công an phát hiện ngay Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang có 42 phách gỗ Pơ mu được cất giấu, tổng khối lượng hơn 2m3. Nghi vấn tại khu vực cửa khẩu vẫn còn nhiều điểm tập kết gỗ, lực lượng Công an huyện tiếp tục rà soát, đến sáng 16-7, phát hiện ngay Chi cục Hải quan cửa khẩu có 97 phách gỗ Pơ mu và 4 bi gỗ tròn, tổng khối lượng khoảng 6,2m3.
Tiếp đến, đêm 16-7, lực lượng Công an tạm giữ tại xưởng mộc của ông Nguyễn Ngọc Vũ (gần Đồn Biên phòng) 21 phách gỗ Pơ mu và 3 phách gỗ giỗi, tổng khối lượng gần 1,3m3.
Ngày 17-7, tại nhà ông Phạm Xuân Trường ở gần trạm cửa khẩu, Công an huyện Nam Giang phát hiện và tạm giữ thêm 28 phách gỗ pơ mu với khối lượng gần 1,1m3.
Cùng ngày, tại khu vực cửa khẩu, Công an còn phát hiện 57 phách gỗ và 4 bi gỗ tròn Pơ mu có khối lượng gần 3m3. Đến ngày 19-7, lực lượng Công an tiếp tục phát hiện 66 phách gỗ Pơ mu được cất giấu cách Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang chừng 100m.
Như vậy, từ khi triển khai điều tra vụ án phá rừng Pơ mu đến nay, Công an huyện Nam Giang đã tạm giữ 591 phách gỗ Pơ mu, 8 bi gỗ Pơ mu, 3 phách gỗ Giỗi với tổng khối lượng gần 45m3.
Những khu rừng Pơ mu tan hoang
Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, vụ phá rừng này nằm trên khu vực biên giới với nước bạn Lào, trong vùng cửa khẩu nên việc điều tra phá án khá phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều lực lượng tham gia. UBND tỉnh cần có cơ chế, hỗ trợ tạo thuận lợi cho lực lượng tham gia phá án dễ tiếp cận, thâm nhập để điều tra phá án sớm.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: Đây là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng. Khu vực rừng bị phá là vùng cấm, nằm trong khu vực biên giới giáp với Lào nên không dễ ai có thể vào được.
Thế nhưng, rừng đã bị chặt phá với số lượng khá lớn gỗ Pơ mu trong khi tại đây có đầy đủ các cơ quan quản lý và chủ rừng, nhưng các cơ quan quản lý và chủ rừng không hề hay biết.
Do đó, có thể khẳng định, nguyên nhân dẫn đến vụ phá rừng nghiêm trọng này không loại trừ sự quản lý lỏng lẽo, thậm chí có nghi vấn có tổ chức, cá nhân tiếp tay cho vụ phá rừng,...
Trước diễn biến phức tạp của vụ phá rừng này, trong đó có việc khu vực rừng bị chặt phá giáp ranh với phía nước bạn Lào; nhiều nơi cất giữ gỗ chặt phá trái phép nằm trên địa bàn 2 nước Việt Nam (huyện Nam Giang) và Lào (huyện Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông).
Vì thế, UBND tỉnh Quảng Nam đã vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Sê Kông đề nghị phối hợp xử lý vụ phá rừng này; đồng thời giao Sở Ngoại vụ liên hệ với phía bạn để thống nhất chương trình, thời gian, địa điểm, lực lượng để phối hợp xử lý.
Họp chỉ đạo xử lý vụ phá rừng nghiêm trọng tại huyện Nam Giang
“Các ngành có liên quan của tỉnh và huyện Nam Giang vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc. Vụ phá rừng này không loại trừ phá rừng có tổ chức, thậm chí xuyên quốc gia. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các ngành có liên quan của tỉnh như Công an, Kiểm lâm, Biên phòng, Hải quan vào cuộc, hỗ trợ Công an huyện Nam Giang phá án; đồng thời đề nghị xuyên suốt trong thời gian điều tra vụ án, các ngành, đơn vị có liên quan phải quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh là nghiêm túc, khẩn trương; sai tới đâu xử lý tới đó”, ông Thanh khẳng định.
Ông Lê Trí Thanh cùng lãnh đạo công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các ngành chức năng của huyện Nam Giang đã trực tiếp vào hiện trường khu vực phá rừng để kiểm tra, chỉ đạo phương án tiếp tục điều tra.