Văn hóa giao thông nước ta đang trong giai đoạn định hình
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật, ban hành nhiều văn bản pháp luật về TTATGT để xây dựng cho được VHGT văn minh. Ở nước ta, VHGT đang trong giai đoạn định hình, biến đổi liên tục trong quá trình đô thị hóa. Đa số người dân chưa xem việc chấp hành luật pháp khi tham gia GT là văn hóa. Do đó việc tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trở thành yêu cầu cấp bách, khi mà tình hình TTATGT từ đô thị đến nông thôn còn nhiều bất cập, đặc biệt TNGT vẫn còn ở mức cao. Trong khi đó ở các nước tiên tiến, nhiều nước đã đạt trình độ văn minh.
Nói thẳng ra rằng xây dựng VHGT ở nước ta là một công việc rất khó khăn. Lấy ví dụ, thời gian qua cơ quan chức năng đã xử lý hình sự nhiều vụ va chạm nhau khi tham gia GT, thậm chí có người sẵn sàng rút hung khí ra sống mái với người bị va chạm, dẫn đến tử vong. Những hình ảnh con người hung dữ, đằng đằng sát khí đánh nhau với người khác sau khi va chạm GT, sau đó bị bắt, ra tòa với mức án cao vẫn chưa thể làm cho hành vi này giảm đi. Trong những vụ việc như vậy, sau khi bị cơ quan chức năng xử lý, họ đều tỏ ra hối hận nhưng đã muộn màng. Những hành vi như vậy phải xử lý thật nghiêm.
![](http://image.congan.com.vn/thumbnail/CATP-480-2025-2-11/4a-1_1.jpg)
Tại các giao lộ ở TPHCM, người dân đã chấp hành dừng đúng vạch khi đèn đỏ.
Hay như hành vi uống rượu bia khi lái xe, có mức phạt khá cao theo Nghị định 100. Theo nghị định này, tài xế ôtô vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) 2 năm; với người lái xe máy, phạt kịch khung từ 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX từ 22 - 24 tháng. Thế nhưng mỗi ngày CSGT TPHCM xử lý hàng trăm vụ vi phạm nồng độ cồn và nếu đủ lực lượng, có thể xử lý hàng ngàn vụ. Rõ ràng mức phạt của Nghị định 100 chưa đủ sức điều chỉnh hành vi này.
Với Nghị định 168, mức phạt nồng độ cồn kịch khung với người đi xe máy lên đến 10 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng; với người lái ôtô bị phạt từ 6 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng. Mức phạt cao như vậy đã đủ sức răn đe chưa? Trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, CSGT cả nước đã xử phạt hơn 17.100 người vi phạm nồng độ cồn, đã giảm hơn 20.300 vụ so với cùng kỳ. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ vi phạm nồng độ cồn giảm hơn 54%, tuy nhiên số người vi phạm vẫn còn.
Một dẫn chứng khác, hành vi không đội nón bảo hiểm khi đi xe máy cho đến nay vẫn có nhiều người vi phạm, dù quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy có hiệu lực từ tháng 12/2007. Hoặc như những hành vi "ngược đời" khó có thể hình dung được, có mức phạt rất cao theo Nghị định 168, như lùi xe trên cao tốc, chạy ngược chiều trên cao tốc, thậm chí dừng ôtô trên cao tốc tổ chức ăn uống vẫn còn diễn ra!
Tất cả cho thấy, các cơ quan chức năng dù rất cố gắng ban hành kịp thời những luật, nghị định liên quan nhằm điều chỉnh hành vi khi tham gia GT nhưng vẫn còn một bộ phận người dân coi thường pháp luật. Và trên hết việc xây dựng VHGT văn minh ở nước ta rất khó khăn.
Xây dựng thói quen khi tham gia giao thông
Phong trào xây dựng VHGT đã được Ủy ban An toàn GT quốc gia phát động từ năm 2010, tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong muốn. VHGT văn minh vẫn chưa định hình.
VHGT thể hiện sự văn minh của một xã hội, vừa là sự tuân thủ pháp luật, vừa là những thói quen ứng xử lịch sự, nhường nhịn khi xảy ra va chạm. Có dư luận xã hội cho rằng, với hạ tầng GT chưa tốt như hiện nay ở nước ta rất khó xây dựng được VHGT văn minh. Việc đổ lỗi cho các vấn đề kinh tế, kỹ thuật, hạ tầng chỉ là cách chống chế không thuyết phục.
Trong điều kiện hạ tầng GT như hiện nay, dù còn những bất cập nhất định nhưng chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được VHGT văn minh. Nhà nước đang có rất nhiều cố gắng trong việc hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng GT, để tạo điều kiện cho người tham gia GT an toàn, tuân thủ pháp luật. Tất cả phải bắt đầu từ mỗi chúng ta, mỗi cá nhân khi tham gia GT. VHGT không chỉ là phát ngôn, hành vi ứng xử trên đường mà còn ở đạo đức, lối sống của cá nhân, đạo đức xã hội. Một đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp còn là một đô thị có VHGT. Một xã hội phát triển bên cạnh sự tăng trưởng về kinh tế là sự nâng cao về chất lượng sống, phẩm giá, hạnh phúc, văn hóa và tuân thủ pháp luật, trong đó có nâng cao nhận thức VHGT dù ở đô thị hay ở miền núi, thôn quê.
![](http://image.congan.com.vn/thumbnail/CATP-480-2025-2-11/4a-2.jpg)
Sau vụ va chạm GT tại giao lộ Mỹ Phước Tân Vạn, TP.Bến Cát, Bình Dương, nạn nhân đã bị đánh đến chết não, sau đó tử vong
Xây dựng VHGT văn minh bắt đầu từ mỗi cá nhân. Hãy nhớ lại về quy định đội mũ bảo hiểm xe máy khi tham gia GT có hiệu lực từ ngày 25/12/2007 theo Nghị quyết số 32/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Lúc mới ban hành có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng cuối cùng nghị quyết này đi vào đời sống nhanh chóng. Chỉ sau 3 năm, việc đội nón bảo hiểm khi đi xe máy với người dân trở thành một thói quen. Đơn giản vì nó bảo vệ được tính mạng của người tham gia GT, khi nhờ đó mà giảm tới 40% số người đi mô tô, xe gắn máy bị chấn thương sọ não. Theo WHO, đội mũ bảo hiểm là biện pháp hiệu quả nhất làm giảm 70% nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não. Đến nay tuyệt đại đa số người dân khi đi xe máy đều đội mũ bảo hiểm, đạt đến hơn 95% hoặc cao hơn. Bây giờ, ai đó chạy xe ra đường mà đầu trần là tự mình thấy khó coi, thấy thiếu một cái gì đó và người khác nhìn vào thấy kỳ cục.
Hoặc như khi Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, quy đinh mức phạt nồng độ cồn khi tham gia GT khá cao và bị CSGT kiểm tra gay gắt, dư luận xã hội có nhiều ý kiến thiếu xây dựng nhưng các cơ quan chức năng vẫn kiên quyết thi hành. Chỉ sau một thời gian, xã hội, đặc biệt là ở các đô thị bắt đầu hình thành VHGT có uống rượu bia là không được lái xe. Taxi, các loại xe công nghệ bắt đầu được người dân sử dụng nhiều hơn khi đã uống rượu bia, xuất hiện một loại hình kiểu "bạn lái, tôi uống"...
Tuy nhiên, sau 5 năm Nghị định 100 có hiệu lực vẫn chưa thể hình thành VHGT không uống rượu bia khi lái xe trong đa số người dân. Hàng ngàn vụ vi phạm nồng độ cồn khi lái xe bị CSGT xử phạt mỗi ngày trên cả nước, TNGT vẫn còn ở mức cao, thậm chí đáng báo động.
Rồi Nghị định 168 ra đời, tăng cao mức phạt với người điều khiển phương tiện GT có nồng độ cồn. Dư luận xã hội liền phản ứng và lần này còn phản ứng mạnh hơn, cho rằng mức phạt như vậy là quá cao. Nhưng mức phạt như vậy vẫn chưa đủ sức răn đe vì vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Tuy nhiên với mức phạt như vậy, TNGT do rượu bia đã giảm thấy rõ. Theo Cục CSGT (Bộ Công an), sau 1 tháng thực hiện Nghị định 168 (từ 01 - 31/01), tình hình TNGT đường bộ giảm sâu ở cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước và thời gian trước liền kề. Ngay cả các hành vi như leo lề, dừng đèn đỏ nghiêm túc, đúng vạch, vượt đèn đỏ, lấn làn... đều giảm hẳn. Đa số người tham gia GT ở các đô thị bắt đầu tự giác chấp hành pháp luật GT. Điều này cho hiệu quả của Nghị định 168 thật rõ ràng, khó có thể chối cãi.
Cần sự đồng thuận của xã hội
VHGT hình thành từ những thói quen chấp hành pháp luật. Hơn 1 tháng thực hiện Nghị định 168, thói quen đó đã bắt đầu hình thành ở các đô thị, các TP, thị xã... có cơ sở hạ thầng GT tốt. Và đó là cơ sở để chúng ta xây dựng VHGT văn minh.
VHGT cần sự đồng thuận của cả xã hội. Một khi nhiều người nhận thấy những thói quen đó có ích cho chính bản thân mình, cho xã hội thì sẽ tự giác chấp hành. Con đường đi từ nhận thức đúng đến khi trở thành ý thức thường trực, hành vi thường ngày của hàng triệu người dân là điều rất khó khăn, cần phải có những phương pháp, lộ trình và giải pháp kỹ thuật hợp lý và phải có biện pháp chế tài mạnh.
Singapore - một quốc gia có nề nếp kỷ cương, pháp luật đô thị rất nghiêm, với những hình phạt rất cao nếu vi phạm, cũng bắt nguồn từ việc họ biết thực hiện đúng quy trình này một cách bài bản và khoa học. Khi ông Lý Quang Diệu làm Thủ tướng Singapore, nhận thấy việc bán hàng rong, thả chó, bò chạy rông ngoài đường, xả rác bừa bãi nơi công cộng, khạc nhổ tùy tiện... là những thói quen làm xấu bộ mặt của đảo quốc này và ông muốn phải thay đổi. Một đạo luật điều chỉnh những hành vi xấu này bắt đầu hình thành và được sự đồng thuận của người dân. Từ quyết tâm đó, đã có một Singapore xanh, sạch, đẹp, văn minh như ngày hôm nay.
Nghị định 168 cũng tương tự. Ngoài các biện pháp chế tài mạnh mẽ, còn phải tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích của nghị định này là để bảo vệ an toàn bản thân, tài sản của chính mình. Song song đó, phải khẩn trương hoàn thiện hạ tầng đáp ứng tốc độ phát triển đô thị ở các địa phương, để tạo điều kiện cho người dân chấp hành pháp luật GT, tiến tới là tiền đề để xây dựng cho được VHGT văn minh.
(Còn tiếp...)
(CATP) Hơn một tháng qua, trên báo chí và các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh về bức tranh giao thông (GT), với những ngã tư đường phố không có người vượt đèn đỏ, các phương tiện tham gia GT dừng xe đều tăm tắp trước vạch kẻ đường, không có xe đi ngược chiều, xe chạy trên vỉa hè, xe đi lùi trên cao tốc…