Nhọc nhằn nghề "đi thụt lùi"

Thứ Tư, 02/05/2018 09:51  | Hải Văn

|

(CAO) Bất kể trời mưa hay nắng, giữa đêm hay ban ngày, hễ có con nước ròng, tại khu vực hạ lưu sông Dinh (đoạn chảy qua P.Đông Hải, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) gần trăm người dân tứ xứ lại đổ về dầm mình cào hến và đánh bắt tôm, cua, cá...

Công việc tuy vất vả nhưng ai cũng miệt mài, vì đó là “cần câu cơm” của bao gia đình từ hàng trăm năm nay.

MƯU SINH DƯỚI ĐÁY SÔNG DINH

Giữa cái nắng như đổ lửa của những ngày cuối tháng 4, tại khu vực hạ lưu sông Dinh có hàng chục người, đủ già trẻ lớn bé, bì bõm lội giữa lòng sông cào hến. Họ chia ra từng nhóm nhỏ, khoảng 2 - 3 người, rải đều từ bờ bên này sang bờ bên kia, cần mẫn với công việc thường ngày.

Đồ nghề của người cào hến chỉ là vài ba chiếc thau nhựa, mỗi cái đựng được khoảng 70kg hến và cây cào hình tam giác. Bàn cào làm bằng thanh sắt hình chữ nhật, dài tầm 1m, bản rộng cỡ 20cm; phía trước có hàng đinh dài độ mười phân tạo hình răng cưa, giúp chiếc cào dễ dàng bám vào đất.

Khung cào được làm bằng que sắt cỡ ngón trỏ, gắn túi lưới và cán cào bằng tre dài tầm 2m. Khi cào, người ta gập người, ấn mạnh cây cào xuống đáy sông, rê một đoạn khoảng 5-7m rồi nhấc lên, sàng sơ qua cho hết bùn đất rồi trút tất cả vào thau nhựa.

Khi các thau đã đầy, họ kéo vào bờ và sàng đãi sạch sẽ, loại bỏ đất đá, rác bám vào rồi đổ vào các bao tải lớn, khiêng lên xe chở đi tiêu thụ. Có người đãi kỹ, chọn những con hến lớn mang bán cho nhà hàng, quán ăn sẽ được giá hơn. Những con hến bằng đầu đũa được sang cho các chủ vựa thu mua làm thức ăn cho tôm hùm hoặc vịt đẻ.

Hằng ngày, anh Long cùng “đồng nghiệp” dầm mình dưới đáy sông Dinh cào hến kiếm tiền

Anh Long (SN 1975, ngụ TP.Phan Rang - Tháp Chàm) có thâm niên 5 năm trong nghề, cho biết, nghề này cũng “vô chừng” lắm. Có hôm mỗi người cào được vài chục ký, nhưng cũng có ngày được vài trăm ký, mỗi ký 2.500- 3.000 đồng.

Nhiều đợt, bà con tập trung cào nhiều quá khiến lượng hến sông Dinh cạn kiệt. Tuy nhiên, đây là loài nhuyễn thể sinh trưởng nhanh, ngưng cào chừng 4 - 5 bữa sẽ có lại. Hàng trăm năm nay, nghề cào hến đã trở thành cứu cánh cho bao gia đình ở đôi bờ sông Dinh này.

Mấy tháng nay, nhờ anh em mách bảo mà ông Quý (ngụ P.Đông Hải, TP.Phan Rang - Tháp Chàm) chuyển qua nghề cào hến nên cuộc sống đỡ vất vả hơn. Ông tâm sự, làm mướn ít tiền mà phải chăm chỉ và đảm bảo giờ giấc; còn cào hến, khi nào mệt thì nghỉ, khỏe lại ra cào. Công việc này chủ yếu làm một buổi, còn lại có thể tranh thủ làm thêm việc khác.

Cũng nhờ cái nghề “đi thụt lùi” này mà vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình, “cào thủ” ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm không còn phải lo thất nghiệp và bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền. Bình kể, anh theo cha mẹ đi cào hến từ năm lên 11 tuổi, có thời gian chuyển qua đốt than, làm muối, thợ hồ, nhưng thấy thu nhập bấp bênh nên anh quay lại nghề cào hến và duy trì cho đến nay.

Đoạn sông giữa lòng thành phố chứng kiến cảnh mưu sinh của bao phận đời 

“KHỔ LẮM … HẾN ƠI!”

Sông Dinh dài hơn 100km, bắt nguồn từ núi Gia Rích (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận), đoạn chảy qua TP.Phan Rang - Tháp Chàm hợp lưu với sông Quao và sông Lu tạo thành ngã ba sông - cách trung tâm TP.Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 3km về hướng Đông Nam.

Hàng trăm năm qua, con sông này không chỉ cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất, mà còn là nguồn thủy sản dồi dào như tôm càng, cua xanh, cá lịch…, nhất là hến cho lưu dân xóm Cồn và bà con ở Mỹ Hiệp, Mỹ An, Đông Hải…

Nhờ không lo đầu ra nên cào hến phát triển và dần trở thành nghề chính, mang lại thu nhập cho người lao động địa phương. Tuy nhiên, làm ăn trên sông nước tuy dễ kiếm tiền nhưng lại vất vả nhọc nhằn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.

Để có được bao hến bán lấy tiền sinh nhai, người dân phải đổ không ít mồ hôi, nước mắt, thậm chí đánh đổi tính mạng mới có được. Để cào được nhiều hến, khi xuống sông, “cào thủ” phải cảm nhận được địa hình đáy sông để đoán luồng lạch, cồn “mé” nơi hến thường đến ăn.

Theo kinh nghiệm của những người lâu năm, hến thường tập trung tại những chỗ có cồn, vũng để tìm thức ăn. Người ít kinh nghiệm hì hục cả ngày cũng chẳng cào được bao nhiêu.

Nhờ chuyển qua cào hến mà anh Quý có điều kiện lo cho gia đình​

Việc cào hến khá nặng nhọc nên chủ yếu dành cho cánh đàn ông. Đối với phụ nữ, người nào khỏe mới đứng cào ở ngoài sâu; còn lại thường dùng tay bắt, lấy rổ rá sàng sảy những con hến ở trong cạn. Làm nghề này phải suốt ngày dầm mình dưới đáy sông, mặc nắng mưa giá rét.

Về mùa hè, trên đầu trời nắng chang chang, bên dưới thì nước sông vỗ bì bõm. Mùa lũ tới, trời mưa dầm gió bấc rít từng hồi, dưới nước rét run. Cào xuôi theo con nước còn đỡ: nếu cào ngược nước, lớp thì bùn nặng, lớp nước chảy xiết, trụ không vững sẽ bị cuốn trôi như chơi.

Cào ban đêm vô cùng vất vả, dầm mình dưới nước từ 7 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau, nhưng không làm thì chẳng biết lấy gì ăn. Vào mùa đông, nước sông Dinh dâng cao, bà con phải vào Cà Ná, Vĩnh Hảo… tìm hến cào.

Dầm mình cào hến trong cái nắng 

Dầm mình nhiều tiếng đồng hồ trong nước, tối về mình mẩy nhức mỏi; có lúc bị sập vũng nước xoáy, hố sâu, lơ mơ uống nước như chơi. Ở xóm Cồn từng có trường hợp tử nạn do sụp vào hố xe múc khai thác cát giữa dòng sông Dinh.

Khi lũ về, bà con phải trang bị áo phao để tự bảo vệ. Hằng năm, vào tháng 9, tháng 10, khi bắt đầu mùa lũ, nước bạc từ đầu nguồn đổ về, người cào hến phải gồng mình trong con nước, rất dễ bị chuột rút, cảm hàn; về già đổ bệnh phổi, ù tai, tức ngực, khó thở...

Ngoài lo lắng về thời tiết, người cào hến còn sợ nước sông Dinh ô nhiễm, hến không vào sinh sống nữa, họ sẽ mất đi nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình hàng ngày.

Bình luận (0)

Lên đầu trang