Dân ôm cây chuối bơi ra sông Hậu 'đấu' xáng cạp múc cát

Thứ Năm, 19/04/2018 06:40  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Nhiều lần đưa phương tiện ra sông phản đối bị lực lượng chức năng ngăn cản, người dân ở ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường (H.An Phú, An Giang) quyết định cùng nhau bơi ra sông Hậu.

Bên bồi phản đối vì sợ sạt lở

Hai ngày qua, hàng chục người dân ở ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường cố đưa phương tiện ra “chiến đấu” với xáng cạp. Đáng nói hơn, khi bị cơ quan chức năng ngăn cản, họ chuyển hướng dùng phao hoặc chuối cây đeo bám bơi ra giữa dòng sông trong lúc nước đang chảy xiết.

Người dân đưa phương tiện và bơi ra giữa sông ngăn xáng cạp múc lấy cát.

Ghi nhận vào ngày 18-4, tại cồn Vĩnh Trường, thuộc ấp Vĩnh Nghĩa có hàng chục chiến sĩ công an, cảnh sát giao thông, đại diện phòng, ban từ xã đến huyện được huy động để đảm bảo an ninh trật tự và giải thích cho người dân hiểu về dự án: “Nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đoạn sông Hậu” thuộc xã Châu Phong (TX.Tân Châu) và xã Vĩnh Trường, Đa Phước.

Cách đó không xa là nhiều nhóm người ngồi bàn tán với vẻ mặt bức xúc. Dưới mé bờ sông có nhiều nhóm thanh niên đang ngồi “giám sát” xáng cạp múc lấy cát.

Người dân ấp Vĩnh Nghĩa phản đối dự án chỉnh trị dòng chảy

Ngồi cạnh gốc cây dưới cái nắng oi bức, anh Lê Văn Út Em (41 tuổi) nói: “Gia đình sinh sống ở đây đến nay đã 3 đời rồi. Nhà có 8 nhân khẩu và cuộc sống hàng ngày chỉ dựa vào 2 công đất bãi bồi cạnh sông Hậu. Trước khi sà lan lấy cát chính quyền địa phương có tổ chức họp dân nhưng ở khu vực khác chứ không phải ở đây. Do vậy chúng tôi không biết triển khai thế nào, ai phê duyệt dự án và tác động thế nào? Việc triển khai dự án với chiều dài chỉ 1,4km mà thời gian thực hiện đến 2 năm, nên rất sợ múc xong sẽ sạt lở nghiêm trọng”.

Có cùng tâm trạng, anh Huỳnh Văn Hải (31 tuổi) bức xúc: “Dự án được thực hiện trước Tết tới giờ và chúng tôi đã 1 lần đứng ra ngăn cản. Chúng tôi tiếp tục phản đối bởi phía đầu cồn đã xảy ra sạt lở. Yêu cầu của chúng tôi là ngành chức năng phải cho dừng dự án hoặc cam kết sau này có bị sạt lở phải chịu trách nhiệm”.

Trái với ý kiến không mời họp dân có nhà cạnh mé sông, bà Nguyễn Thị Thủy cho rằng: “Chính quyền địa phương tổ chức đối thoại nhiều lần nhưng người dân không đồng ý. Ai nấy cũng sợ múc lấy cát sẽ gây sạt lở, bởi phía bờ xã Châu Phong không làm gì mà hàng ngàn mét đất cứ nối tiếp xuống sông”.

Hàng chục người dân đứng ra phản ứng cho rằng, khu vực Vĩnh Trường là đất bãi bồi nhiều năm nay. Bà con vùng này đa số nghèo, mỗi người chỉ có một nền nhà sinh sống ven sông Hậu và tận dụng đất ven sông để canh tác. Nếu nạo vét khả năng gây sạt lở khu vực này.

Theo quan sát của phóng viên, nhà mỗi hộ dân cách mé sông Hậu khoảng 60m. Trước mặt nhà là con lộ nhựa và khu đất bãi bồi, thường để trồng rẫy, rau màu. Giữa lòng sông là 2 chiếc xáng cạp đang hì hục lấy cát “nạp” cho sà lan.

Bên lở đồng tình vì cấp thiết

Vượt con đò nhỏ qua sông Hậu phía bờ xã Châu Phong – nơi hàng chục hộ dân mới được di dời về khu dân cư sinh sống do sạt lở. Ngồi bán nước với phần đất nhỏ còn sót lại nhưng tiếp tục bị bào mòn, bà Đinh Thị Sắc (ngụ ấp Vĩnh Lợi 2, xã Châu Phong) cho biết: “Hồi trước nhà cách mé sông hơn 20m nhưng sau mấy trận sạt lở một phần căn nhà đã xuống sông. Ngày đêm phập phồng gia đình được chính quyền địa phương bố trí nền tái định cư ở. Nguyên nhân nhà sạt lở do giọt nước đầu cồn đạp thẳng vào bờ, với đà này không bao lâu đường lộ cũng không còn. Tôi thấy nhà nước chỉnh trị dòng chảy bằng cách múc lấy cát giữa sông là chủ trương đúng, rất cần thiết”.

Tiếp lời bà Sắc, người hàng xóm đang uống nước tại đây nói: “Việc sạt lở phía bờ bên đây vẫn đang diễn ra nhưng ít hơn những năm trước do lũ nhỏ. Tôi thấy cơ quan chức năng chỉnh trị dòng chảy để 2 bên bờ được đều hòa khiến người dân vui mừng. Hộ dân phía bờ Vĩnh Trường phản ứng ngày đêm là không đúng. Họ bơi ra ngăn cản kiểu đó chết đuối thì sao?”.

Được biết, dự án nạo vét cát chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Hậu thuộc xã Châu Phong. Dự án được thông qua dựa trên nghiên cứu, kết luận của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam. Dự án được thực hiện trong 2 năm, do Công ty TNHH MTV khoáng sản Minh Thư thi công. Chiều dài đoạn nạo vét là 1,4km, rộng 130 - 180m và sâu 11m. Tổng trữ lượng cát thu được ước khoảng 700.000 m3.

Cán bộ, chiến sĩ túc trực ở trên bờ và dưới sông 2 ngày liền

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, nếu không thực hiện nạo vét bờ xã Vĩnh Trường, dòng nước từ ngã ba sông chảy dài xuống tận phà Châu Giang sẽ xoáy vào đường bờ Châu Phong gây sạt lở, uy hiếp đến 3.400ha lúa 3 vụ. Thậm chí sạt lở liên tiếp nhiều năm liền khả năng sạt lở có thể xóa sổ xã Châu Phong. Nạo vét khu vực trên sẽ tạo cân bằng cho địa hình đáy sông, hướng dòng chảy chính điều chỉnh về hướng giữa dòng và ra xa bờ Châu Phong khoảng 25m, giảm áp lực nước lên đường bờ xã này khoảng 30% so hiện tạ”.

Trước những phản ứng của dân, lãnh đạo UBND huyện An Phú và tỉnh An Giang cho biết sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương tiếp tục đối thoại với bà con, tuyên truyền vận động để họ hiểu rõ tầm quan trọng của dự án.

‘Đầu tư dự án mà dân phản đối thì không làm được gì’
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang