Nội dung giao lưu trực tuyến về phòng chống cháy nổ và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Thứ Bảy, 14/04/2018 22:10  | Ban Biên tập

|

(CAO) Sau gần 2 giờ giao lưu trực tuyến “Phòng chống cháy nổ và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc: Những điều cần biết”, các khách mời đã cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc, người dân về những kiến thức cơ bản, hữu ích về phòng chống cháy nổ cũng như những nội dung mới nhất, dễ hiểu nhất về Nghị định 23 của Chính phủ về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Đại diện Ban biên tập Báo Công an TP.HCM tặng hoa cho các khách mời tham gia buổi giao lưu

Chương trình đã kết thúc, bạn đọc có thắc mắc gì thêm, xin tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi theo địa chỉ email cao@congan.com.vn hoặc baocongantphcm@congan.com.vn, chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi cho khách mời giải đáp và trả lời bạn đọc qua email.

----------------------------------------------------------------------

Nội dung chính của buổi giao lưu:

(Trần Minh Hoàng): Thưa bà Liên, là người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bảo hiểm, bà có thể nhận xét doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn gì khi triển khai loại hình bảo hiểm cháy nổ? Tình hình triển khai bảo hiểm cháy nổ trong thời gian qua trên địa bàn TP.HCM và tại sao người dân chưa thực sự quan tâm tới loại hình bảo hiểm này?

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Lãnh sự Nam Phi tại TP.HCM, chuyên gia gần 30 năm công tác trong lĩnh vực bảo hiểm: Về phía doanh nghiệp, thực ra 29 công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2017 đang có tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, khoảng 13%, góp phần không nhỏ vào GDP cả nước. Đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm cháy nổ cũng có tăng trưởng một cách đáng chú ý, vấn đề là một số doanh nghiệp chưa quan tâm đầy đủ về ý nghĩa của bảo hiểm nói chung và bảo hiểm cháy nổ nói riêng.

Về phía người dân chưa quan tâm đến loại hình bảo hiểm cháy nổ, một phần là do trách nhiệm của các nhà bảo hiểm chưa thay đổi được tư duy và nhận thức của người dân. Tôi nghĩ thay đổi tư duy và nhận thức của chúng ta là cực kỳ quan trọng. Ví dụ, chúng ta sẵn sàng bỏ một khoản tiền để mua thuê bao dịch vụ truyền hình cáp, phí điện thoại di động hàng tháng,... có khi chúng ta không sử dụng đến mà vẫn vui vẻ hoan hỷ để chi trả. Trong khi đó, phí bảo hiểm rất thấp, đôi khi chỉ bằng một tô phở, nhưng người dân lại không mặn mà vì nghĩ là không cần thiết.

Nhưng thực ra, tham gia mua bảo hiểm là một nhu cầu thiết yếu và cần thiết cho mỗi người và mỗi gia đình chúng ta. Toàn dân tham gia bảo hiểm thì an sinh xã hội phát triển, kinh tế phát triển và đặc biệt, bảo hiểm còn có ý nghĩa sâu xa và nhân văn, người tham gia mua bảo hiểm và người bán đều làm công việc nhân văn.

Do đó, ý thức của người dân có mặn mà với bảo hiểm hay không, tôi nghĩ cần có sự tuyên truyền của rất nhiều cơ quan ban ngành như báo đài, các nhà bảo hiểm,... làm sao để người dân nhận thức đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với chính mạng sống và tài sản của mình. Điều đó tôi nghĩ mới là điều quan trọng.

Bà Đỗ Thị Kim Liên trả lời câu hỏi của bạn đọc

(Nguyễn Thị Mỹ Ngân): Cho mình đặt câu hỏi đến chị Kim Liên, chị đánh giá thế nào về ý thức tham gia bảo hiểm tại Việt Nam?

Bà Đỗ Thị Kim Liên: Ý thức người dân đa phần hiện nay chưa hiểu hết đầy đủ quyền lợi và tầm quan trọng khi tham gia bảo hiểm. Do vậy, người dân còn hờ hững và thờ ơ trong lĩnh vực bảo hiểm. Một phần cũng do các nhà bảo hiểm cũng chưa làm hết trách nhiệm; chưa tuyên truyền, đưa thông tin cần thiết để người dân hiểu hết giá trị của bảo hiểm. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ của bảo hiểm cũng chưa đáp ứng nhu cầu mong muốn của người dân, chỉ chăm chú bán hàng mà chưa chú ý đến hậu bán hàng.

Theo tôi đó là những nguyên nhân chính dẫn đến việc ý thức tham gia bảo hiểm của người dân Việt Nam chưa cao.

(Nguyễn Quốc Thanh): Kính gửi chị Đỗ Thị Kim Liên, bảo hiểm có quyền được chế tài không? Quy định ra sao?

Bà Đỗ Thị Kim Liên: Luật quy định rõ, trong trường hợp mua bảo hiểm dưới giá trị hoặc trên giá trị đều bị chế tài; hoặc trường hợp không phân định rõ ràng trách nhiệm giữa người tham gia mua bảo hiểm và người bán bảo hiểm; hoặc trong những trường hợp người mua bảo hiểm khai không đúng sự thật, không trung thực đối với sự kiện bảo hiểm xảy ra tại thời điểm;... cũng đều bị chế tài.

Ban biên tập Báo Công an TP.HCM tặng hoa cám ơn bà Đỗ Thị Kim Liên tham gia chương trình

(Trần Thanh Hà): Kính gửi chị Kim Liên! Theo chị thì nhà bảo hiểm có nên từ chối bán bảo hiểm cho những rủi ro có tiềm ẩn cao không?

Bà Đỗ Thị Kim Liên: Quan điểm của tôi là không. Các nhà bảo hiểm phải có trách nhiệm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân khi cần đến bảo hiểm. Chúng ta mua bảo hiểm vì chúng ta không thể biết trước được rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào và khi chúng ta mua bảo hiểm thì bản thân người mua cũng không mong muốn có rủi ro xảy đến với mình để lấy tiền của nhà bảo hiểm...

Do vậy, tôi nghĩ các nhà bảo hiểm cần phải 'đo ni đóng giày' hoặc 'may đo' để cho vừa vặn, phù hợp với từng nhu cầu của người dân khi cần.

Bà Đỗ Thị Kim Liên trong một chương trình hướng về cộng đồng

(Nguyễn Thành Đức): TP.HCM là đô thị có số dân đông nhất cả nước, cũng là thành phố tập trung các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng… nhiều hàng đầu cả nước. Vậy Đại tá đánh giá thế nào về công tác phòng cháy chữa cháy của TP.HCM?

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy – Cảnh sát PCCC TP.HCM: TP.HCM là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước với nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen cài trong khu dân cư... Đặc biệt, TP đang thực hiện cơ chế đặc thù thì tốc độ kinh tế của TP được dự báo sẽ có nhiều bước phát triển nhảy vọt. Điều nay liên quan rất lớn đến công tác an toàn PCCC.

Do đó, Cảnh sát PCCC thành phố trong thời gian tới sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan tổ chức, hộ gia đình, người dân thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC. Tổng kiểm tra, tổng rà soát đánh giá phân loại các cơ sở có nguy cơ cháy nổ để có biện pháp giải quyết dứt điểm những tồn tại về an toàn PCCC.

Kiên quyết xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm về an toàn PCCC, tạm đình chỉ, đình chỉ đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng các quy định về PCCC. Tăng cường bổ sung lập và thực tập phương án chữa cháy cứu nạn cứu hộ tại các công trình trọng điểm, nơi tập trung đông người, chợ và trung tâm thương mại, khu dân cư. Tiếp tục tham mưu để xuất trang bị các trang thiết bị, phương tiện PCCC nhằm đáp ứng cho công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Các khách mời tham gia buổi giao lưu

(Trần Văn Tấn): Anh Xuyên cho tôi hỏi câu này, đối với nhà chung cư, cao ốc văn phòng định kỳ bao lâu Sở Xây dựng đi kiểm tra chất lượng công trình, hạng mục PCCC một lần? Nếu như phần sai phạm chủ đầu tư không khắc phục thì lần kiểm tra kế tiếp mình có bị cưỡng chế hay không?

Ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng – Sở Xây dựng TP.HCM: Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy thuộc trách nhiệm của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

Không có quy định bắt buộc Sở Xây dựng kiểm tra định kỳ chất lượng công trình, hạng mục PCCC. Việc kiểm tra là theo chủ động của các cơ quan nhà nước, theo Điều 55 Nghị định 46/2015/NĐ-CP quy định Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.

Vì vậy, Sở Xây dựng thực hiện kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hàng năm. Nếu phát hiện sai phạm sẽ tiến hành xử lý vi phạm theo quy định, trường hợp công trình đã thi công hoàn thành nhưng có vi phạm về chất lượng sẽ không được nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Thanh Xuyên tại buổi giao lưu

(Nguyễn Tấn Chính): Nhà hàng của tôi có làm một số hộp đèn điện tử khá lớn ở mặt tiền bị sai phép, nhưng bây giờ tháo dỡ thì ảnh hưởng đến việc kinh doanh, cũng đã bị phạt về PCCC rồi. Bây giờ phải mua bảo hiểm bắt buộc cho nhà hàng thì có được không, hay phải khắc phục hết mấy hạng mục sai phép này thì mới làm được hồ sơ mua bảo hiểm?

Ông Huỳnh Thái Hòa, Phó giám đốc Phòng Tái bảo hiểm - Tài sản kỹ thuật Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS): Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, thì Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp sau:

a) Cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật.

b) Cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đã quá 01 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

c) Cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy.

Như vậy trường hợp công ty bạn phải thực hiện đầy đủ các kiến nghị được nêu ra trong biên bản kiểm tra PCCC sau đó có thể tham gia bảo hiểm CNBB binh thường.

(Trần Văn Huy): Thẩm định phòng cháy chữa cháy là bên phòng cháy hay cả chức năng của Sở Xây dựng cho các công trình?

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế PCCC là trách nhiệm của Cảnh sát PCCC.

(Phạm Văn Đàn): Căn hộ trong chung cư có phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc không, khi mà toàn bộ tòa chung cư đã mua bảo hiểm cháy nổ rồi? Nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì có được bồi thường hai lần không?

Ông Huỳnh Thái Hòa: Nhà chung cư là một trong những đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy, nổ theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP. Trong trường hợp chủ đầu tư chung cư là người đại diện thì trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ tại chung cư thuộc về chủ đầu tư thì người mua nhà có trách nhiệm nộp phí bảo hiểm cho người đại diện khi đó người mua nhà là người được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm Cháy nổ bắt buộc.

Trường hợp hộ dân đã ủy quyền cho BQL tham gia bảo hiểm cháy nổ rồi mà vẫn tiếp tục tham gia đơn bảo hiểm cháy nổ mới thì khi xảy ra tổn thất phối hợp sẽ phát sinh trường hợp bảo hiểm trùng. Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.

Diễn tập PCCC cứu hộ cứu nạn tại TP.HCM

(Nguyễn Thị Lan): Người dân phản ánh nhiều khu chung cư không đảm bảo quy định về mảng xanh, xây trong đường hẻm nhỏ khi cháy xe chữa cháy khó len vào. Các trụ cứu hoả chỉ xây cho có, khi gặp sự cố cháy không có nước để bơm. Tuy nhiên các công trình này vẫn được đưa vào hoạt động. Thành phố có động thái gì để chế tài các công trình này?

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Khi cấp phép xây dựng mới các chung cư đều phải đảm bảo các chỉ tiêu về kết nối giao thông, mảng xanh. Tuy nhiên, một số trường hợp chưa thực hiện được kết nối giao thông như quy hoạch (thường do chưa giải tỏa mặt bằng để xây dựng, mở rộng đường giao thông tiếp cận theo quy hoạch), còn việc đảm bảo mảng xanh thường sẽ được các chủ đầu tư thực hiện trong giai đoạn hoàn thiện khuôn viên công trình.

Tất cả các công trình chung cư được Sở Xây dựng kiểm tra và đồng ý cho đưa vào sử dụng đều phải được cảnh sát PCCC chấp thuận nghiệm thu PCCC, do đó việc một số thiết bị PCCC như trụ cấp nước chữa cháy không hoạt động là xảy ra sau khi công trình đã được nghiệm thu. Việc chế tài đối với các vi phạm thuộc thẩm quyền của cảnh sát PCCC.

(Tăng Bá Nhựt): Theo quy định thì mua bảo hiểm cháy nổ phải đúng giá trị tài sản, nhưng do khó khăn nên tôi có thể mua bảo hiểm dưới giá trị được không?

Ông Huỳnh Thái Hòa: Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm:

Nhà, công trình, và các tài sản gắn liền với nhà công trình; máy móc, thiết bị.Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm).

Theo điều 5, mục 1, chương 2, qui định số tiền bảo hiểm tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản quy định bên trên, tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Như vậy không được tham gia bảo hiểm dưới giá trị.

(Trần Anh Hùng): Tôi xem trên mạng thấy Nghị định 23 của Chính phủ mới ban hành về mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nhà dân từ 1 trệt hai lầu trở lên dù không kinh doanh gì cũng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nếu không sẽ không được hoàn công. Điều này có đúng không? Có thể cho tôi biết các loại công trình nào phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc?

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2018, áp dụng cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ.

Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, quy định Nhà chung cư; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên thuộc diện cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và phải mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định của Nghị định 23/2018/NĐ-CP.

Nghị định 23/2018/NĐ-CP không có nội dung nhà dân không mua bảo hiểm sẽ không được hoàn công.

Thường xuyên diễn tập PCCC là biện hữu hiệu để phòng chống cháy nổ và hạn chế thiệt hại

(Nguyễn Thanh Tuấn): Bảo hiểm cháy nổ cho nhà chung cư hoặc nhà tư nhân là bảo hiểm cho loại tài sản gì?

Ông Huỳnh Thái Hòa: Ngôi nhà thường được cấu thành từ hai phần: giá trị xây dựng và tài sản bên trong. Khách hàng có thể lựa chọn mua bảo hiểm cho một phần hoặc cả hai phần. Nếu không may tổn thất xảy ra thì các công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết với khách hàng để thực hiện chi trả bồi thường.

Ông Huỳnh Thái Hòa trả lời câu hỏi cho bạn đọc

(Hà Thanh Loan): Tôi mua bảo hiểm cháy nổ nhưng chẳng may bị mất hóa đơn, hợp đồng, vậy công ty bảo hiểm có hỗ trợ tôi làm lại hay không?

Ông Huỳnh Thái Hòa: Bạn nên lưu giữ tất cả hóa đơn về các tài sản được bảo hiểm vì khi tổn thất xảy ra, các hóa đơn mua hàng hoặc bảo trì, bảo dưỡng tài sản sẽ là bằng chứng xác thực nhất chứng minh giá trị tài sản để xem xét bồi thường.

Trong trường hợp bạn không thể cung cấp được hóa đơn của các tài sản bị tổn thất thì việc xác định giá trị tài sản bị thiệt hại căn cứ trên đánh giá chuyên môn của Giám định viên độc lập do bạn hay Công ty bảo hiểm chỉ định.

(Trần Hùng): Sau vụ cháy ở Carina, nhiều người cho rằng TP nên quy định xây bãi giữ xe (gắn máy lẫn ô tô) của chung cư nằm riêng ở 1 mảnh đất thay vì tích hợp chung bên dưới hầm toà nhà để phòng cháy nổ. Ông nghĩ gì về việc này?

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Việc xây bãi giữ xe ở khu đất riêng chỉ thực hiện khi có quỹ đất phù hợp, còn khi quỹ đất không đảm bảo thì phải xây dựng chỗ để xe chung với công trình chung cư (đảm bảo đáp ứng đủ chỗ để xe cho người dân) nhưng phải đảm bảo các quy định về PCCC.

Trong trường hợp này, phương án tốt hơn là xây chỗ để xe tại các tầng trên mặt đất.

Lãnh đạo Bộ Công an khảo sát tầng hầm chung cư Carina sau vụ cháy

(Nguyễn Thị Hồng): Cho em hỏi chung cư giá khoảng một tỷ đồng thì mua bảo hiểm cháy nổ mất khoảng bao nhiêu tiền một năm? Em cám ơn.

Ông Huỳnh Thái Hòa: Phí bảo hiểm được tính trên cơ sở giá trị bảo hiểm nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm. Trong trường hợp chung cư bạn trị giá 1 tỷ thì phí bảo hiểm khoảng 0,1% một năm, tương đương khoảng 1 triệu/năm.

(Trần Bích Hạnh): Tôi mua trả góp căn hộ chung cư và ngân hàng có yêu cầu tôi bộ bảo hiểm ngôi nhà theo giá trị khoản vay, thông thường là thấp hơn giá trị thị trường giao dịch của ngôi nhà. Tôi phải mua bảo hiểm theo giá trị nào và cơ sở tính phí bảo hiểm của công ty bảo hiểm là gì? Khi xảy ra tổn thất, bảo hiểm sẽ chi trả như thế nào?

Ông Huỳnh Thái Hòa: Bạn nên mua bảo hiểm theo giá trị thực tế hoặc giá trị thị trường của ngôi nhà để bảo vệ tốt cho mình, không chỉ là theo yêu cầu của ngân hàng. Phí bảo hiểm được tính theo tỷ lệ phí nhân với giá trị bảo hiểm. Khi chi trả, công ty bảo hiểm sẽ căn cứ trên chí phí khắc phục hoặc bồi thường cho tài sản bị tổn thất theo giá trị thực tế.

Cán bộ, nhân viên Bảo hiểm Viễn Đông tham gia hoạt động từ thiện xã hội dịp Tết Nguyên đán

(Nguyễn Ngọc Thảo): Nếu tôi là chủ sở hữu nhà cho thuê thì tôi có được mua bảo hiểm cho cả ngôi nhà và tài sản bên trong không? Mong được trả lời sớm.

Ông Huỳnh Thái Hòa: Bạn hoàn toàn có thể mua bảo hiểm cho ngôi nhà và các tài sản bên trong nếu thuộc sở hữu của bạn. Hoặc, bạn có thể chuyển giao trách nhiệm mua bảo hiểm cho người thuê nhà theo hợp đồng thuê nhà.

(Đoàn Thanh Tài): Nhà tôi do ngập muốn nâng nền, nâng cấp thêm kết cấu (nhưng không xây vượt tầng so với bản thiết kế cũ) thì có phải xin phép không?

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Nếu chỉ sửa chữa, nâng cao nền, sửa chữa kết cấu chịu lực mà không làm thay đổi kết cấu chịu lực, công năng sử dụng, không ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình hoặc làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc thì không phải xin phép xây dựng.

Ông Nguyễn Thanh Xuyên nghiên cứu một câu hỏi của bạn đọc

(Hữu Vĩ): Tôi mua nhà ở huyện Cần Giờ, giờ xây nhà 1 trệt 1 lầu trên đất nông nghiệp thì có cần xin phép không? Quy định công trình PCCC ở khu trung tâm với ngoại thành có điểm gì khác nhau không?

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Theo quy định việc xây dựng nhà phải phù hợp mục đích sử dụng đất được duyệt, nếu nhà xây trên diện tích đất thổ cư nằm trong phần đất nông nghiệp thì phải liên hệ UBND quận, huyện để được xem xét, hướng dẫn cụ thể.

Về PCCC không phân biệt khu vực trung tâm hoặc ngoại thành, đều phải tuân thủ quy định.

(Trần Thanh Trường): Nhà tôi 5 tầng muốn nâng cấp để làm khách sạn có nhà hàng bên dưới. Là loại hình kinh doanh phức tạp, khi xây dựng tôi phải đảm bảo tiêu chí PCCC như thế nào?

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan: Theo Quy định phụ lục 4 Nghị định 79/2014NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ thì khách sạn có quy mô 5 tầng trở lên thuộc diện phải thiết kế và thẩm duyệt về PCCC theo quy định: Cụ thể như phải đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, giao thông phục vụ chữa cháy, giải pháp thoát nạn, giải pháp ngăn cháy và lắp đặt trang bị đầy đủ các hệ thống kĩ thuật PCCC theo quy định của các quy chuẩn tiêu chuẩn hiện hành.

Không gian buổi giao lưu trực tuyến

(Nguyễn Khắc Lãm): Theo Nghị định 23, việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được thực hiện ngay khi thi công xây dựng công trình chung cư, hay đến khi hoàn thành rồi mới mua ạ, xin trả lời giùm tôi.

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Điều 9, Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi năm 2013 quy định cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở đó.

Như vậy, để đảm bảo tài sản của mình, tổ chức cá nhân có thể mua bảo hiểm cháy nổ ngay khi thi công xây dựng công trình.

Khi hoàn thành công trình thì việc mua bảo hiểm là bắt buộc đối với các cơ sở như đã nêu.

Diễn tập PCCC nhà cao tầng

(Đặng Văn Thành): Cái này tôi bức xúc nên hỏi chơi thôi. Tôi thấy ở Việt Nam cái gì cũng bắt mua bảo hiểm bắt buộc, lúc mua thì dễ, nhưng khi sự cố xảy ra thì rất khó đòi được tiền bảo hiểm. Nào là đủ loại giấy tờ, xác nhận, mà xin những giấy này ở các cơ quan chưa năng để bổ sung hồ sơ cho bảo hiểm là quá khó, nên nhiều người theo không nổi phải bỏ luôn. Mà không mua thì bị phạt, như bảo hiểm xe máy vậy đó. Vì vậy tôi nghĩ rằng bảo hiểm ở Việt Nam khiến người dân không tin tưởng, không giống như nước ngoài.

Bà Đỗ Thị Kim Liên: Chào bạn, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bảo hiểm, tôi thấy thị trường bảo hiểm Việt Nam rất sôi động và bạn có rất nhiều sự lựa chọn, vấn đề là bạn chưa chọn đúng nhà bảo hiểm phục vụ chuyên nghiệp, uy tín đấy thôi. Chúng ta không nên có suy nghĩ tiêu cực như vậy. Ngồi cạnh tôi đây, là đại diện của Bảo hiểm Viễn Đông, sẵn sàng cam kết với bạn, 'đo ni đóng giày' phục vụ bạn theo đúng nhu cầu và nguyện vọng. Bạn có thể tìm hiểu thêm trên website, facebook,... để biết thêm nhiều thông tin về Viễn Đông (VASS).

Cán bộ, nhân viên Bảo hiểm Viễn Đông tập huấn về PCCC

(Lê Văn Trung): Tôi đang ở chung cư, anh Xuyên cho tôi hỏi, nếu chung cư xây dựng hạng mục thiết bị PCCC không đúng như được duyệt, thì Sở Xây dựng chỉ sử phạt hay buộc phải thi công đúng như phương án được phê duyệt thì mới được cho dân vào ở?

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Điều kiện để cho dân vào ở là chung cư phải được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo đúng quy định. Trong đó, phải được kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy và được Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy có văn bản đồng ý nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng (Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng, …) kiểm tra công tác nghiệm thu và có văn bản đồng ý cho chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

Do đó, nếu chung cư xây dựng hạng mục thiết bị PCCC không đúng như được duyệt, thì phải bị xử phạt, đồng thời phải phải thi công đúng như phương án được phê duyệt.

Ông Nguyễn Thanh Xuyên cùng cán bộ Sở Xây dựng xem lại tài liệu để trả lời bạn đọc

(Trần Thanh Hiền): Theo quy định hiện tại, công trình từ cấp nào trở lên, quy mô như thế nào thì buộc phải có thiết kế hạng mục PCCC mới được cấp phép xây dựng? Cám ơn nhiều.

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Danh mục dự án, công trình do cơ quan Cảnh sát PC&CC thẩm duyệt thiết kế về PCCC căn cứ Phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ. Đề nghị bạn đọc tham khảo quy định này để xác định công trình phải thực hiện.

(Nguyễn Trung Hiếu): Anh Xuyên cho tôi hỏi, tôi thuê lại căn nhà 3 tầng lầu trong khuôn viên đất 600 mét vuông và dự định cải tạo lại để mở trường mầm non. Trong trường hợp của tôi có phải cần thêm phương án và hạng mục PCCC thì mới được cấp phép sửa chữa, cải tạo và cấp giấy phép thành lập trường hay không? Mong sớm được trả lời.

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Căn cứ Phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định công trình do cơ quan Cảnh sát PC&CC thẩm duyệt thiết kế về PCCC thì căn nhà hiện hữu 03 tầng trong khuôn viên đất 600m2 nêu trên không thuộc danh mục công trình do cơ quan Cảnh sát PC&CC thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Tuy nhiên, khi căn nhà trên được cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng sang trường mầm non, phải thiết kế bảo đảm yêu cầu về PCCC theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và liên hệ cảnh sát PCCC để có ý kiến đối với trường hợp phải thẩm duyệt thiết kế PCCC.

Diễn tập PCCC tại Trung tâm thương mại Diamond Plaza (quận 1)

(Hà Thành Tại): Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra cháy nổ tại nhà dân, chung cư, nhà cao tầng, sau mỗi vụ cháy vấn đề dư luận đặt ra luôn là thiếu lối thoát hiểm. Vậy khi cấp phép xây dựng, đặc biệt là đối với nhà dân thì lối thoát hiểm có phải là hạng mục bắt buộc phải có không? Xin trả lời giúp. Cám ơn nhiều.

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Nhà dân trong trường hợp này được hiểu là nhà ở hộ gia đình được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bao gồm nhà ở liên kế, nhà ở liên kế mặt phố, nhà ở liên kế có sân vườn.

Các quy định pháp luật hiện hành không quy định thiết kế lối thoát hiểm khi cấp phép xây dựng nhà liên kế phố, chỉ quy định chung là đảm bảo an toàn PCCC, do đó khi thiết kế nhà ở phải đảm bảo có lối thoát hiểm khi xảy ra cháy (cầu thang, lối đi, ban công, cửa phải thuận lợi khi cần di chuyển thoát ra khỏi nhà trong trường hợp có cháy). Quyết định số 135/2007/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 của UBND TP.HCM ban hành quy định về kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu trên địa bàn thành phố, chỉ quy định về mật độ xây dựng nhà liên kế. Trong đó, có lưu ý: Trường hợp xây dựng với mật độ xây dựng tối đa 100%, phải có giải pháp hợp lý về thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Đối với nhà có diện tích trên 100m2, khuyến khích chừa khoảng trống phía sau nhà, giáp ranh đất với nhà đối lưng.

Riêng đối với chung cư, nhà cao tầng trước khi cấp phép xây dựng phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC trong đó có nội dung lối thoát nạn, nếu được cảnh sát PCCC chấp thuận mới được cấp phép xây dựng.

Người dân phải tự tìm lối thoát hiểm trong vụ cháy chung cư Carina

(Trần Đức Việt Cường): Cứ khi có sự cố về cháy nổ hay sập các công trình xây dựng, nhà dân, dư luận lại đặt vấn đề về chất lượng của các công trình xây dựng và trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, phải chăng việc quản lý này chưa được chặt chẽ?

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Theo quyết định số 23/2017/QĐ-UBND ngày 24/4/2017 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về ban hành Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn TP, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn TP được phân cấp cho các Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành: Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các ban quản lý khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Công tác quản lý trật tự xây dựng, công tác quản lý chất lượng công trình trên địa bàn quản lý quận – huyện, các Ban quản lý còn một số hạn chế như chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND các phường, UBND quận – huyện, Ban quản lý các khu và Đội thanh tra xây dựng địa bàn; các đơn vị được giao trách nhiệm quản lý nêu trên chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát việc xây dựng công trình của chủ đầu tư. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, ngoài ra, chính quyền cơ sở (Ủy ban nhân dân quận - huyện) cần tập trung hơn nữa trong cập nhật, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn trong xây dựng để kịp thời xử lý các tình huống thực tế, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

(Nguyễn Tùng Chinh): Xin chào anh Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng – Sở Xây dựng TP.HCM. Theo tôi được biết TP.HCM có số lượng công trình xây dựng lớn hàng đầu cả nước, vậy việc quản lý chất lượng công trình xây dựng thời gian qua anh đánh giá như thế nào ạ?

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Theo quyết định số 23/2017/QĐ-UBND ngày 24/4/2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố được phân cấp cho các Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành: Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các ban quản lý khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Một trong các công tác chính của quản lý nhà nước về chất lượng công trình là thực hiện kiểm tra tại các công trình xây dựng. Qua kiểm tra cho thấy, đa số các chủ thể tham gia xây dựng công trình tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tại một số công trình, chủ đầu tư thiếu giám sát việc nghiệm thu của nhà thầu dẫn đến thiếu hồ sơ nghiệm thu, không kiểm tra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ thiết kế, việc thay đổi các hạng mục, chi tiết so với thiết kế chưa được kiểm soát chặt chẽ, hồ sơ kiểm soát vật liệu sử dụng cho công trình còn thiếu sót.

Công tác quản lý trật tự xây dựng, công tác quản lý chất lượng công trình trên địa bàn quản lý Quận – huyện, các Ban quản lý còn một số hạn chế như chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND các phường, UBND quận – huyện, Ban Quản lý các khu và Đội thanh tra xây dựng địa bàn; các đơn vị được giao trách nhiệm quản lý nêu trên chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát việc xây dựng công trình của chủ đầu tư.

Theo Nghị định 23, việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được thực hiện ngay khi thi công xây dựng công trình chung cư, hay đến khi hoàn thành rồi mới mua ạ, xin trả lời giùm tôi. (Nguyễn Khắc Lãm) (Nguyễn Khắc Lãm)

(Trịnh Thu Hiền): Tôi thấy nhiều chung cư, nhà cao tầng xây thêm hệ thống thang bộ ở phía sau hay hai bên hông tòa nhà để thoát hiểm khi gặp cháy nổ. Nhưng có nhiều chung cư thì lại không xây. Như vậy thì cầu thang bộ thoát hiểm này có phải là hạng mục bắt buộc phải xây ở các nhà cao tầng hay không?

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan: Việc thiết kế và thẩm duyệt PCCC nhà chung cư cao tầng phải được áp dụng các yêu cầu quy định về PCCC theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành tại thời điểm xây dựng.

Cụ thể ở Việt Nam có tiêu chuẩn TCVN 2622-1995 an toàn chống cháy cho nhà & công trình và tiêu chuẩn TCVN 6160 an toàn cháy cho nhà cao tầng. Những công trình được xây dựng ở giai đoạn này không yêu cầu bắt buộc phải có thang bộ thoát hiểm ngoài nhà, khi bên trong công trình đã có đủ số lượng về cầu thang bộ thoát nạn.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn phòng chống cháy nổ QCVN 06-2010 thì những công trình xây dựng ở giai đoạn này bắt buộc phải có 50% cầu thang bộ thoát nạn có lối đi vào buồng thang qua không gian hở tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài bằng lô gia hoặc ban công.

Ban biên tập Báo Công an TP.HCM tặng hoa cho các khách mời tham gia buổi giao lưu, trả lời bạn đọc

(Nguyễn Thúy Hoa): Xin chào đại diện Sở Xây dựng, hồi trước năm 1975 nhà xây ở Sài Gòn luôn phải có khoảng trống “thông hành địa dịch” ở phía sau, vừa thông thoáng căn nhà, vừa dễ thoát hiểm khi bị cháy, sự cố. Nhưng sau này xây nhà thì nhiều người xây bít hết luôn, vậy mà vẫn được hoàn công, cấp sổ. Như vậy có phải là sai phép không? Cám ơn. 

Ông Nguyễn Thanh Xuyên: Thông hành địa dịch được xác định trên quy hoạch 1/2000 của khu vực. Trường hợp không còn thông hành địa dịch phải được UBND quận, huyện hoặc TP công bố quy hoạch và phần diện tích này đã được công nhận tại chủ quyền thì người dân được cấp phép xây dựng trên diện tích đó.Sai phép theo quy định của Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ là sai so với giấy phép và bản vẽ đính kèm giấy phép xây dựng được cấp. Trường hợp được hoàn công cấp sổ là trường hợp đã xây dựng đúng giấy phép xây dựng.

Căn cứ quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị chung TP.HCM ban hành kèm theo quyết định 29/2014 QĐUBND của Ủy ban nhân dân TP.HCM, và QCXĐVN 01:2008/BXĐ có quy định về khoảng cách giữa hai dãy nhà liền kề như sau: Nội dung này áp dụng cho các dự án khu dân cư xây dựng mới (tỷ lệ 1/500) trong khu vực đô thị hiện hữu có bố trí hình thức nhà liền kề. Trường hợp bố trí các dãy nhà liền kề nhiều lớp (đấu lưng hoặc 2 bên hông), phải tổ chức hành lang kỹ thuật nhằm bố trí thuận lợi cho các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của khu vực. Chiều rộng của hành lang kỹ thuật tối thiểu 2m và bố trí ngoài các lô đất xây dựng tiếp cận.

(Tô Quốc Phong): Nếu tôi tham gia mua bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư, khi xảy ra cháy mà nguyên nhân do tòa nhà không có hệ thống PCCC đúng quy đinh, tôi có được bồi thường không?

Ông Huỳnh Thái Hòa: Theo quy định, khi xảy ra cháy nổ cho căn hộ chung cư đã mua bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ thực hiện trách nhiệm bồi thường dựa trên điều kiện, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm. Sau đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thế quyền chủ căn hộ để thu đòi từ các bên chịu trách nhiệm việc hệ thống phòng cháy chữa cháy không đúng quy định.

Trường hợp chủ đầu tư mua bảo hiểm cho các chung cư mà vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy thì công ty bảo hiểm có thể từ chối chi trả một phần hoặc toàn bộ số tiền yêu cầu bồi thường.

Hàng trăm ô tô và xe máy cháy rụi trong vụ cháy chung cư Carina (quận 8, TP.HCM)

(Trần Thị Bích Hà): Nếu mua bảo hiểm cháy nổ cho nhà chung cư, xe máy và ôtô của chủ các căn hộ để trong hầm khi bị cháy thì có được bảo hiểm bồi thường không? Cám ơn!

Ông Huỳnh Thái Hòa: Bảo hiểm xe máy, ôtô để trong hầm và bảo hiểm cho nhà chung cư là các đối tượng thuộc hai loại hình: bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm tài sản. Khách hàng nên mua cả hai loại này để được bảo vệ tốt nhất.

(Nguyễn Thanh Huyền): Nếu tôi mua hợp đồng bảo hiểm cháy nổ, khi có sự cố xảy ra tôi phải chuẩn bị các thủ tục giấy tờ gì để được nhà bảo hiểm thanh toán bồi thường?

Ông Huỳnh Thái Hòa: Theo quy định tại khoản 2, điều 8 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP thì khi xảy ra sự cố, bên mua bảo hiểm có trách nhiệm thu thập và gửi doanh nghiệp bảo hiểm các tài liệu sau:

- Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm.

- Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm, bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm.

- Biên bản kiểm tra về an toàn phòng cháy và chữa cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tại thời điểm gần nhất thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm.

- Văn bản kết luận hoặc thông báo về nguyên nhân cháy nổ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao) hoặc các bằng chứng chứng minh nguyên nhân vụ cháy nổ.

- Bản kê khai thiệt hại và các giấy tờ chứng minh thiệt hại.

(Trần Thị Lan): Theo tôi được biết, các sản phẩm bảo hiểm cho nhà chung cư, nhà riêng thì có bảo hiểm cho tổn thất đối với cháy hoặc nổ. Vậy ngoài hai nguyên nhân này thì công ty bảo hiểm có sản phẩm cho các rủi ro khác không? Nếu có thì các rủi ro đó là gì? Cám ơn.

Ông Huỳnh Thái Hòa: Hiện tại với đối tượng là nhà chung cư, nhà tư nhân thì Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) có 5 sản phẩm được chào bán tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng:

- Bảo hiểm Cháy nổ bắt buộc (theo NĐ 23) bao gồm rủi ro: Cháy, Nổ

- Bảo hiểm Nhà tư nhân gói cơ bản bao gồm rủi ro: Cháy, Nổ, Sét đánh

- Bảo hiểm Nhà tư nhân gói nâng cao bao gồm rủi ro: Cháy, Nổ, Sét đánh; Bão, Lũ lụt; Vỡ hoặc tràn nước từ các bể chứa nước, thiết bị chứa nước hoặc đường ống dẫn nước; Va chạm với ngôi nhà, Trộm cướp.

- Bảo hiểm Nhà tư nhân gói toàn diện bao gồm rủi ro: Cháy, Nổ, Sét đánh; Bão, Lũ lụt; Vỡ hoặc tràn nước từ các bể chứa nước, thiết bị chứa nước hoặc đường ống dẫn nước; Va chạm với ngôi nhà, Trộm cướp; Chi phí dọn dẹp hiện trường, Chi phí chữa cháy, Chi phí thuê nhà sau tổn thất; Tai nạn cá nhân.

- Bảo hiểm Trách nhiệm công cộng: bảo hiểm trách nhiệm pháp lý đối với bên thứ ba.

Nhân viên tư vấn Bảo hiểm Viễn Đông tư vấn cho khách hàng

(Nguyễn Ngọc Thịnh): Tôi nghe nhiều người nói rất nhiều người dân không mua được bảo hiểm cháy nổ vì chung cư, nhà của họ không đảm bảo PCCC nên công ty bảo hiểm từ chối bán, xin hỏi việc này có đúng không?

Ông Huỳnh Thái Hòa: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 23/2018/NĐ-CP thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Cụ thể:

- Cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định pháp luật.

- Cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đã quá một năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua BHCNBB.

- Cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC.

Hình ảnh cháy chung cư Carina (TP.HCM) khiến nhiều người lo lắng, đặt ra nhiều câu hỏi về PCCC và ý thức PCCC

(Nguyễn Thị Giang): Kế nhà tôi có vựa ve chai lớn, bầy hầy, ô nhiễm môi trường, mất an toàn cháy nổ khủng khiếp, báo tổ dân phố, khu phố, rồi phường hoài mà chưa “bứng” đi được. Vậy cho tôi hỏi mấy cái vựa ve chai này có phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc không? Nếu xảy ra cháy vựa và lan sang nhà tôi thì nhà tôi có được bảo hiểm đền không? Cám ơn chương trình nhiều!

Ông Huỳnh Thái Hòa: Kinh doanh phế liệu là loại hình kinh doanh có điều kiện, các cơ sở này phải đảm bảo nhiều tiêu chí, như: Giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, hệ thống phòng, chống cháy, nổ đúng quy định,... Vì vậy, cơ sở phế liệu thuộc nhóm phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Nếu cơ sở phế liệu có tham gia bảo hiểm Trách nhiệm công cộng (ngoài bảo hiểm Cháy nổ) thì khi xảy ra sự cố cháy lan thì nhà bạn vẫn được công ty bảo hiểm đền bù thiệt hại.

(Nguyễn Minh Thanh): Tôi xem trên mạng thấy nói Nghị định mới về mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nhà dân từ một trệt hai lầu trở lên, dù không kinh doanh gì cũng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đúng không? Có thể cho tôi biết các loại công trình nào phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được không?

Ông Huỳnh Thái Hòa: Từ ngày 15/4/2018, tất cả các tổ chức, cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy nổ như: nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ theo quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

(Nguyễn Tấn Chính): Xin chào anh Huỳnh Ngọc Quan, tôi thuê mặt bằng mở một nhà hàng ở đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, có trang bị PCCC đầy đủ. Mới đây tôi xem trên mạng thấy các cơ sở kinh doanh phải mua bảo hiểm bắt buộc? Nếu không sẽ không cho kinh doanh nữa, điều này có đúng không thưa anh?

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan: Nếu nhà hàng này thuộc danh mục phụ lục II Nghị định 79 thì bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định tại nghị định 23. Nếu không mua thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 46, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, mức phạt tiền từ 30.000.000đ đến 50.000.000đ. Theo quy định của Điều 46 của Nghị định 167 thì không bắt buộc áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục. Do đó, không bắt buộc phải ngưng hoạt động.

(Trịnh Thị Hoa): Tôi sắp nhận bàn giao một căn hộ chung cư. Vậy tôi có được quyền truy vấn với chủ đầu tư về an toàn cháy nổ (giấy chứng nhận hệ thống PCCC đảm bảo an toàn để chung cư hoạt động của cơ quan có thẩm quyền) hay không? Nếu chủ đầu tư chưa có giấy chứng nhận này thì tôi có quyền không nhận nhà hoặc căn cứ vào các khoản trong hợp đồng để làm việc với chủ đầu tư hay không?

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan: Theo quy định tại điều 17 của nghị định 79/2014/NĐ-CP, công trình nhà chung cư đã được thẩm duyệt PCCC trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu về PCCC. Do đó, người dân có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các hồ sơ tài liệu liên quan đến thẩm duyệt thiết kế về PCCC và giấy chứng nhận nghiệm thu PCCC công trình do cơ quan PCCC cấp theo quy định.

Lưu ý, nghiệm thu về PCCC chỉ là một bộ phận trong nghiệm thu của công trình, nghĩa là công trình chỉ được đưa vào hoạt động khi được các cơ quan thẩm quyền cấp phép nghiệm thu hoàn công hoặc văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu công trình.

Cảnh sát PCCC nỗ lực dập tắt một vụ hỏa hoạn tại nhà dân

(Dương Trung Oanh): Tôi thấy PCCC đa số chỉ diễn tập cháy ở các tòa nhà cao tầng, chung cư mà không thấy diễn tập PCCC cho người dân trong các khu dân cư. Như khu nhà tôi ở nè, nhà cửa san sát, đường hẻm lại nhỏ, người dân toàn kinh doanh các mặt hàng dể cháy, nếu được diễn tập thường thì người dân sẽ có ý thức cao hơn. Thực tế cháy nhà trong khu dân cư mới nhiều chứ cháy các cao ốc, nhà chung cư thì lâu lâu mới cháy.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan: Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2 và Điểm a, Khoản 4, Điều 21 Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định thì:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy đối với Khu dân cư, sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ trong phạm vi quản lý của mình.

- Phương án chữa cháy xây dựng theo quy định được tổ chức thực tập ít nhất mỗi năm một lần và thực tập đột xuất khi có yêu cầu.

Như vậy, theo quy định của Pháp luật thì hàng năm khu dân cư Anh (chị) đang ở phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy cơ sở.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan chỉnh sửa một câu trả lời cho bạn đọc

(Nguyễn Hồng Cương): Cho tôi hỏi đến Đại tá Quan, xưởng mộc của tôi (hơn 50 công nhân), bây giờ muốn đăng ký mời cán bộ PCCC xuống tuyên truyền cho công nhân và diễn tập PCCC thì có tốn kém nhiều không? Vì tôi nói hoài mà công nhân không nghe, nhiều đứa thiếu ý thức PCCC lắm.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan: Theo quy định của Luật PCCC, người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC tại cơ sở mình quản lý và Cơ quan Cảnh sát PCCC có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ PCCC và diễn tập PCCC theo quy định.

Hiện nay, việc tuyên truyền hướng dẫn PCCC và diễn tập PCCC không quy định thu phí với các trường hợp nêu trên. Kinh phí thực tập và tuyên truyền PCCC như chi phí mua bình chữa cháy, xăng dầu, tài liệu, bồi dưỡng cho học viên… là do doanh nghiệp, cơ sở tự túc.

Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) phối hợp với Cảnh sát PCCC diễn tập PCCC cho cán bộ, nhân viên

(Phạm Thị Thanh Thủy): Xin cán bộ PCCC tư vấn giúp tôi, nhà tôi và 3 hộ nữa ở trong một căn nhà mặt tiền tại quận 1 từ sau năm 1975. Mấy năm nay hộ tầng trệt và tầng 1 hợp tác với nhau cho thuê mở nhà hàng, mặc dù gia đình tôi (ở lầu 2) và hộ ở lầu 3 phản đối nhưng không được. Chủ nhà hàng này đã cho quây kín bảng hiệu bằng đèn nhấp nháy ở phía trước, cầu thang cũng được tận dụng làm bếp nấu, để bình gas đun nấu suốt ngày nóng nực, hôi hám và rất nguy hiểm. Còn mấy bình chữa cháy thì nhỏ xíu và hết hạn sử dụng? Vậy cho tôi hỏi ngôi nhà như vậy có đủ điều kiện về PCCC để kinh doanh hay không?

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 3, Luật nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014: “Nhà chung cư là nhà có 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bao gồm nhà chung cư được sử dụng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích hỗn hợp để ở và kinh doanh”.

Như vậy, việc các hộ gia đình cho thuê mặt bằng để kinh doanh tại chung cư phải phù hợp với mục đích sử dụng của chung cư và chấp hành nghiêm quy định đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định. Cụ thể như sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt an toàn, về giải pháp thoát nạn, giải pháp ngăn cháy, chống cháy và trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC tại chỗ.

Theo như cách trình bày của bạn, việc sử dụng công năng đã vi phạm điều kiện an toàn PCCC của công trình nêu trên. Do đó, đề nghị người dân sống tại chung cư liên hệ với cơ quan Cảnh sát PC&CC để được hướng dẫn, kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC của chung cư theo quy định.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan đang trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu

(Thái Thành Đức): Nghị định 23 của Chính phủ về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc trong đó ghi 15-4-2018 có hiệu lực. Vậy có nghĩa là từ ngày 15-4 này các công trình thuộc phạm vi quy định của Nghị định này phải mua bảo hiểm cháy nổ ngay nếu không sẽ bị phạt, hay là như thế nào? Xin cho tôi biết lộ trình thực hiện Nghị định này như thế nào tôi còn biết để chuẩn bị cho Trường mầm non của tôi. Cám ơn.

Ông Huỳnh Thái Hòa: Kể từ ngày 15-4 này các công trình thuộc đối tượng quy định của Nghị định 23 của Chính Phủ sẽ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Căn cứ khoản 2 Điều 46 tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ông Huỳnh Thái Hòa trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu

(Đinh Ngọc Quảng): Xin đại diện Cảnh sát PCCC TP.HCM trả lời giúp, nếu theo Nghị định 23, một chung cư chưa mua bảo hiểm cháy nổ mà chủ đầu tư vẫn cho người dân vào ở thì có bị phạt không? Người dân có buộc phải rời khỏi chung cư cho đến khi chủ đầu tư mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc không?

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan: Theo danh mục Phụ lục II, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP thì nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5000 m3 trở lên là cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Căn cứ Nghị định 23 thì chung cư này thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Vì vậy, chung cư nêu trên nếu chủ đầu tư đưa người dân vào ở chung cư mà chưa mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 46, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, mức phạt tiền từ 30.000.000đ đến 50.000.000đ. Nhưng không quy định áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục. Do đó, không bắt buộc người dân phải rời khỏi chung cư khi chủ đầu tư chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho nhà, công trình chung cư.

Cảnh sát PCCC diễn tập cứu hộ cứu nạn nhà cao tầng

(Mai Quang Hà): Chào Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy – Cảnh sát PCCC TP.HCM, tôi muốn hỏi, theo quy định hiện nay ở các cao ốc trung tâm thương mại mấy năm phải diễn tập PCCC một lần? Vì tòa nhà nơi tôi làm việc cao 18 tầng, 3 năm rồi chẳng thấy diễn tập PCCC?

Đại tá Huỳnh Ngọc Quang: Theo Nghị định 79 của Chính Phủ quy định có hai loại phương án chữa cháy: Phương án chữa cháy của cơ sở (do Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ sở lập) và phương án PCCC do Cảnh sát PCCC lập.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 21 Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định:

- Phương án do Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ sở... phải được tổ chức thực tập ít nhất mỗi năm một lần và thực tập đột xuất khi có yêu cầu.

- Phương án chữa cháy do Cảnh sát PCCC xây dựng, thực tập khi có yêu cầu của người có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, đối với chung cư, cao ốc 18 tầng như trên thì phải có phương án PCCC của cơ sở và phương án PCCC của Cảnh sát TP.HCM. Việc thực tập phương án chữa cháy phải được thực hiện ít nhất mỗi năm một lần.

....

Bạn đọc muốn xem toàn bộ nội dung buổi giao lưu, xin mời bấm vào đây.

Thời gian gần đây tình hình cháy nổ, nhất là cháy chung cư, nhà dân, nhà xưởng... diễn biến rất phức tạp khiến dư luận đặc biệt quan tâm, lo lắng. Bên cạnh đó Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 15-4-2018.

Để bạn đọc, người dân có được những kiến thức thiết thực, hữu ích về phòng chống cháy nổ, cũng như cung cấp những thông tin xoay quanh Nghị định 23 của Chính phủ về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, Báo điện tử Công an TP.HCM (www.congan.com.vn) tổ chức buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Phòng chống cháy nổ và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc: Những điều cần biết".

Cảnh sát PCCC với sự hỗ trợ của người dân tích cực dập lửa một vụ cháy dãy nhà dân. Ảnh: Bùi Gia Phú

Chương trình đã diễn ra từ 9 giờ đến 10 giờ 30 ngày 17-4-2018 (thứ ba), với sự tham gia trả lời bạn đọc của các khách mời:

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy – Cảnh sát PCCC TP.HCM.

Ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng – Sở Xây dựng TP.HCM.

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Lãnh sự Nam Phi tại TP.HCM, chuyên gia gần 30 năm công tác trong lĩnh vực bảo hiểm.

Ông Huỳnh Thái Hòa, Phó giám đốc Phòng Tái bảo hiểm - Tài sản kỹ thuật Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS).

Bình luận (0)

Lên đầu trang