“Đi một lần cho biết!”
Chúng tôi có mặt tại bến Thanh Đa (chung cư Thanh Đa) để bắt đầu “trải nghiệm” tuyến buýt đường sông đầu tiên này. Khác với những hình ảnh ngày khai trương, lúc này vào đầu giờ chiều, bến đón khách khá vắng; cả chúng tôi, khách chờ tàu và nhân viên bán vé, bảo vệ chưa đến chục người.
Tuyến buýt đường sông đón khách ở bến tàu Bạch Đằng và Thanh Đa
Cô nhân viên khá nhiệt tình hướng dẫn giờ tàu chạy cho khách, ghi nhận thông tin khách hàng khá bài bản. Sau khi hoàn tất thủ tục mua vé, lân la ra ghế ngồi chờ tàu đến, chúng tôi bắt chuyện với hai cụ già đang nói chuyện rôm rả với nhau. Cụ Lê Minh Hà (65 tuổi, ngụ Thanh Đa, Bình Thạnh) kể: “Hôm nay rảnh rỗi, tôi rủ bà bạn đi một lần cho biết chứ nghe kể cũng tò mò lắm!”.
Được hơn 15 phút, từ xa một chiếc tàu màu vàng dần dần cập bến, tiếng loa mời hành khách lên tàu đi về Bạch Đằng. Trên tàu lúc này có hơn 20 người. Ngoài ba khách ngoại quốc thì đa phần đều là người già và học sinh, sinh viên. Nhiều hành khách rất háo hức khi tàu đi qua nhiều khu dân cư mới được xây dựng, họ trầm trồ trước sự thay đổi của thành phố.
Anh Nguyễn Văn Hoàng (ngụ Thủ Đức) cho biết: “Đây là lần đầu anh đi buýt đường sông, do con gái cứ đòi đi bằng được nên anh mới dẫn cả vợ con đi một lần xem như đi ngắm cảnh, sẵn mua vé khứ hồi từ lúc ở bến đi, nên chỉ chờ đến giờ tàu chạy thì về”.
Tìm hiểu thêm từ nhiều khách đi tàu khác, đa phần câu trả lời thường là đi cho biết, hoặc sinh viên rảnh rỗi lên tàu đi chơi; một số du khách nước ngoài cũng vì tò mò nên mua vé đi thử.
Nhiều nhà ga được xây dựng sơ sài, thiếu dịch vụ cho khách chờ tàu
Máy lạnh trên tàu khá mát, hành khách có thể lựa chọn ngồi trong phòng lạnh hoặc ra phía sau tàu ngắm cảnh, chụp hình. Anh Hoàng Đình Bảo (ngụ Bình Thạnh) chìa chiếc máy ảnh ra khoe với chúng tôi những tấm ảnh chụp từ chuyến đi khi nghe chúng tôi hỏi mục đích đi buýt đường sông.
Còn nhiều bất cập
Sau một buổi “rửa mắt” với cảnh đẹp với tuyến buýt đường sông, chúng tôi quan sát, dù đã có nhiều đầu tư vào các hạng mục, tuy nhiên tuyến buýt này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa thực sự đem lại tiện ích tốt nhất cho người dân.
Khác với những suy nghĩ ban đầu về một bến tàu hiện đại, lịch sự; khi chúng tôi đến Thanh Đa mua vé thì bến này khá vắng, ngoài quầy bán vé, vài băng ghế dài cho khách ngồi chờ thì nhà ga này không cung cấp thêm dịch vụ gì cho khách chờ tàu.
Không wifi, không phục vụ các loại nước uống, đồ ăn, các hàng ghế ngồi thì đa phần đều bị ánh nắng chiều từ sông rọi vào chói chang. Chúng tôi hỏi nhà vệ sinh thì cô nhân viên chỉ ra phía sau quầy vé, một phòng dùng chung cho nam và nữ, không gắn bảng nên khó có thể biết đây là nhà vệ sinh (có thể là nhà vệ sinh nội bộ của nhân viên?).
Tàu bị hỏng máy lạnh nhưưng vẫn hoạt động, hành khách chịu nóng phải dùng quạt tay
Tương tự như vậy, các bến tàu khác cũng chung tình trạng với bến Thanh Đa, đều được xây dựng đơn giản, thiếu nhiều dịch vụ cho hành khách. Như tại bến Thanh Đa, chúng tôi phải đi lòng vòng trong khu chung cư hỏi đường xuống bến tàu vì không có bảng chỉ dẫn. Đồng thời xe máy phải ở một bãi giữ xe tư nhân chứ không phải do chủ đầu tư lập ra.
Chỉ khi đến bến tàu Bạch Đằng, chúng tôi mới thấy được những thiết kế hiện đại, như các ki-ốt bán vé và phục vụ nhu cầu ăn uống đều được dựng bằng kính, các cổng kiểm soát vé được thiết kế kiểm soát điện tử,…
Nhiều “lỗi nhỏ” của tuyến buýt này còn bộc lộ khi chúng tôi lên tàu “khứ hồi” về lại Thanh Đa. Tại cửa ra cầu tàu, hành khách phải đợi vì tàu bị hư máy lạnh, sau một thời gian ngắn không sửa được thì vẫn cho khách lên tiếp tục hành trình. Trên tàu, các cửa sổ đều được mở ra nhưng không đủ làm mát trước cái nóng từ ánh mặt trời, khách lấy giấy phạch phạch quạt để mong mát hơn.
Không có thùng đựng, rác được móc trên các cửa sổ kính
Nhiều người chịu không nổi kéo nhau ra đứng hết về phía đuôi tàu để đón gió trời. Ngoài ra, dù tàu được thiết 75 chỗ ngồi, mỗi hàng có ba ghế nhưng quan sát kỹ chúng tôi chỉ thấy có hai áo phao cứu nạn được cất dưới mỗi hàng ghế này. Nếu như tàu chở đúng số người thì số lượng áo phải thiếu hơn 30% cho hành khách.
Trên tàu được thiết kế quầy bar để phục vụ thì chỉ có khay nước trà của lái và phụ tàu, sọt rác thiếu, hành khách buộc phải treo rác trên những cửa kính, nhìn nhếch nhác và mất vệ sinh
Mặt khác, hiện nay, tuyến buýt số 1 này chỉ mới dừng đón và trả khách được năm điểm (dự kiến là 11 điểm), gồm: bến Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông nên sẽ bất tiện cho hành khách, vì muốn di chuyển ra đến bến sông bắt buộc phải sử dụng thêm các phương tiện khác. Đồng thời, thời gian giãn cách các chuyến với sau là quá dài (trung bình gần 2 giờ/chuyến), người đi tàu phải chờ lâu...