(CAO) Từ đầu năm 2018 đến nay, rừng phòng hộ Kvàng (bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) bị “lâm tặc” tàn phá. Những cây cổ thụ hàng trăm tuổi lần lượt bị cưa máy hạ đổ xẻ lấy gỗ. Mỗi ngày, hàng chục khúc gỗ vuông vắn được “lâm tặc” gùi ra khỏi rừng.
Rừng phòng hộ thành… bình địa
Sau nhiều ngày "năn nỉ", trung tuần tháng 4-2018, chúng tôi được một người dân địa phương tên H, thông thạo địa hình rừng núi dẫn lên rừng phòng hộ Kvàng, nơi đang bị “lâm tặc” ngày đêm tàn phá.
Kvàng (thuộc bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) là rừng phòng hộ khu vực vành đai biên giới thuộc lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu rừng này đã đóng cửa từ lâu và nghiêm cấm khai thác, vận chuyển, tàng trữ, mua bán và sử dụng lâm sản trong rừng dưới mọi hình thức.
Sau khi được trang bị quần áo, dép, tất và cơm nắm của những người đi rừng chuyên nghiệp, H. dẫn chúng tôi đi thẳng lên tiểu khu 124 (thuộc rừng Kvàng), nơi được H. nhận định là rừng bị tàn phá nặng nề nhất.
Một cây gỗ lớn trong rừng Kvàng bị đốn lấy gỗ, xung quanh chỉ còn gỗ tạp nằm vương vãi
Một cây cổ thụ bị đốn hạ lấy gỗ chỉ còn lại trơ gốc
Bất chấp cơn mưa nặng hạt, chúng tôi leo lên những con dốc dựng đứng khiến những ngón chân phải dí chặt cho dép bám đất để không bị trượt xuống dốc. Dọc đường đi phải lội qua một con suối sâu, nước chảy xiết như muốn trôi qua tất cả.
Sợ chúng tôi gặp rủi ro khi qua suối, H. lội qua trước, chặt một cành cây rồi đưa sang cho chúng tôi nắm vào để vừa giữ thăng bằng, vừa kéo qua nếu bị nước cuốn. Xuất hành vào ngày mưa nên khi chúng tôi đi đến đâu, sên vắt ngửi thấy mùi hơi người cong mình lại bò ra lổn nhổn. H. trấn an chúng tôi rồi thúc giục mọi người gắng bước nhanh để không bị vắt bám vào hút máu. Tuy vậy, thỉnh thoảng lại có thành viên phải dừng lại để bứt con vật nhầy nhụa đang bám vào thịt da để hút máu vứt đi.
Sau nhiều giờ gian nan leo núi, chúng tôi cũng lên được chân mép núi Kvàng. Tại đây, H. bảo chúng tôi dừng lại, nấp vào các thân cây. Sau đó, H. đưa hai tay chụm lại làm loa rồi hú liên hồi. Thấy chúng vừa ngạc nhiên vừa tò mò, H. giải thích: “Ở trên kia mọi người đang cưa gỗ và thả cho nó trôi trượt xuống dưới này. Muốn lên đó mình phải hú như thế đánh tiếng để họ dừng lại, nếu không gỗ trượt trúng mình nguy hiểm lắm”.
Theo quan sát của chúng tôi, từ điểm chân đỉnh núi đi lên, có những con đường mòn bị bào khoét sâu như những con mương. H. giải thích, đường mòn bị khoét như vậy là do những người khai thác gỗ bào mòn.
Những tấm ván gỗ tạp lớn còn sót lại
Một cây gỗ có đường kính khoảng 1m bị đốn hạ lấy gỗ
Đặt chân lên đỉnh núi Kvàng, một cảnh tượng tan hoang đập vào mắt chúng tôi. Cứ cách một đoạn là có một cây gỗ quý to lớn bị đốn hạ, cưa lấy gỗ, chỉ còn lại gốc, cành lá và những lát gỗ tạp nằm vương vãi. Xung quanh đó, những cây gỗ nhỏ bị cây gỗ lớn sau khi cưa đổ đè lên gãy rạp xuống. Hàng chục cây gỗ lớn ở rừng này bị đốn hạ lấy gỗ. Cảnh tượng như rừng Kvàng vừa trải qua những trận bom, đạn tàn phá.
Tiếp tục đi sâu vào trong rừng, nhiều cây gỗ có đường kính từ 80cm đến 1 mét trở lên cũng bị đốn hạ tương tự. Chỉ bằng mắt thường cũng có thể thấy, những cây gỗ này vừa bị đốn hạ chưa lâu vì vết cưa từ gỗ tạp còn rất mới, ứa nhựa tươi nằm trơ trọi. Các gốc gỗ nằm trơ trọi còn ứa nhựa tươi nơi vết cưa.
Ngang nhiều gùi gỗ về giữa ban ngày
Việc triệt hạ, đốn gỗ tại rừng Kvàng được “lâm tặc” thực hiện công khai giữa ban ngày nhưng không hề bị lực lượng chức năng ngăn cản. Thời điểm chúng tôi có mặt, “lâm tặc” còn tập trung thành đoàn, trong đó có cả đàn ông và phụ nữ vận chuyển ra khỏi rừng. Những phách gỗ lớn được cưa gọt vuông vắn, cột dây thừng giống như ba lô để “lâm tặc” gùi xuống núi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những khúc gỗ lớn mà đoàn “lâm tặc” đang vận chuyển ra khỏi rừng là những cây gỗ quý như lim, táu, mun… “Những cây gỗ bị đốn hạ tại rừng này đều là gỗ quý, có giá trị kinh tế nên họ mới bỏ công lên đây đốn hạ, đưa về”, H. cho biết.
Một cây gỗ lớn bị “lâm tặc” đốn hạ
Gỗ tạp nằm vương vãi cùng những cây gỗ nhỏ bị đỗ gãy
Cây cổ thụ bị cưa lấy gỗ chỉ còn sót lại gỗ tạp nằm ngổn ngang
Theo chân đoàn người đang gùi gỗ, khi đến một chỗ bằng phẳng họ dừng lại để nghỉ ngơi. Tự giới thiệu là những người đi lấy mật ong rừng và lan rừng, chúng tôi lân la bắt chuyện. Khi được hỏi, một người đàn ông trong đoàn, cho biết: “Phách gỗ tôi đang gùi là súc gỗ mun sọc. Loại này khi đưa được ra khỏi rừng có giá 35 ngàn đồng một ký. Để tìm được gỗ này phải đi vào sâu trong rừng chứ bên ngoài này không còn nữa”. Theo người đàn ông này, do đường xa lại đi qua dốc, suối nên mỗi người chỉ gùi được khoảng 30 ký đến 40 ký.
Rừng bị tàn phá là do người dân quá khó khăn?
Khi được phóng viên cho xem hình ảnh, ông Đinh Thanh Xuân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa, thừa nhận khu vực rừng bị đốn hạ gỗ ngổn ngang trong ảnh là rừng thuộc phòng hộ Kvàng thuộc tiểu khu 124 do Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa quản lý. Ông Xuân cho biết sẽ chỉ đạo công tác kiểm tra.
Một khúc gỗ lớn “lâm tặc” chuẩn bị đưa ra khỏi rừng
Mỗi cây gỗ lớn bị đốn hạ khiến những cây gỗ nhỏ xung quanh bị đổ rạp theo
Giải thích về việc rừng bị phá, ông Xuân cho rằng: “Do cuộc sống của người dân sống xung quanh khu vực rừng Kvàng rất khó khăn. Có thể đó là lý do họ tự ý vào rừng đốn gỗ về làm nhà hoặc chi tiêu, trang trải cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi cũng đã thường xuyên đi kiểm tra nhưng mỗi lần thấy lực lượng kiểm lâm là họ lại rút ra khỏi rừng. Hơn nữa, việc khai gỗ bây giờ “lâm tặc” dùng cưa máy nên đốn hạ nhanh, địa bàn lại rộng lớn, dốc cao nên di chuyển đến nơi họ đã bỏ đi nơi khác”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, cho biết: “Huyện cũng đã nhiều lần tổ chức đoàn liên ngành đi kiểm tra nhưng do rừng ở Minh Hóa có nhiều vùng giáp ranh nên công tác bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn”.
Lâm tặc thả gỗ trượt xuống dốc tạo thành đường mòn sâu hoắm như một con mương
“Lâm tặc” gùi gỗ ra khỏi rừng
Xem qua những hình ảnh chúng tôi cung cấp, ông Tuấn cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra khu vực rừng bị tàn phá để lên phương án xử lý nghiêm. “Nếu rừng đã được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ mà để xảy ra hiện tượng này thì chúng tôi sẽ xem xét xử lý theo trách nhiệm”.
Theo ông Tuấn, tại địa bàn xã Dân Hóa, việc bảo vệ rừng có chính quyền xã, kiểm lâm địa bàn, trạm kiểm lâm Dân Hóa, trạm biên phòng phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ bảo vệ”.
Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, cho biết sẽ chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý. Sau khi kiểm tra sẽ báo cáo và xử lý theo mức động nghiêm trọng.
(CAO) Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn (Đông Giang), phá rừng lim cổ thụ ở huyện Nam Giang.