(CAO) Hàng chục gốc cây to có, nhỏ có bị đốn hạ ngổn ngang, nhiều lóng gỗ chồng lên nhau trong rừng. Cạnh đó, một con đường rộng được mở cho xe máy cày vào vận chuyển gỗ.
Nhận được phản ảnh của một số người dân địa phương về tình trạng tàn phá rừng tự nhiên để lấy gỗ tại huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum), với sự chỉ dẫn của một người đi rừng, phóng viên (PV) đã tìm cách xâm nhập, tiếp cận để mục sở thị tình trạng phá rừng nơi đây.
Điểm bắt đầu hành trình là nhà rông làng Kon Ktủh (xã Đắk Ruồng), sau đó di chuyển trên con đường bê tông, tiếp tục băng qua qua khu sản xuất nương rẫy của người dân. Đến cây gỗ hương mà người dân quen gọi là “cây cô đơn”, từ đây, chúng tôi tiếp tục băng qua những rẫy cao su là đến được cửa rừng. Để đến được vị trí rừng bị phá chỉ có cách đi bộ dọc theo con suối Đăk Rờ Ti.
Clip tiếp cận công trường gỗ lậu tại Kon Tum:
Nhìn bề ngoài, cánh rừng tự nhiên là một màu xanh bát ngát, nhưng khi xâm nhập vào bên trong, chúng tôi đã thấy rõ dấu vết của những lần lâm tặc “oanh tạc”. Những cây gỗ sến bị lâm tặc đốn hạ nằm ngổn ngang. Gỗ bị đốn có đường kính từ 30 đến 50cm. Gỗ đốn xong, có cây lâm tặc cắt thành lóng vận chuyển đi, chỉ còn để trơ gốc. Có nhiều cây mới hạ xong, nằm lăn lóc dưới đất, chưa kịp chở đi.
Ông Đinh Ngọc Hải – Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) xác nhận rừng do xã quản lý, giao khoán cho các hộ bảo vệ. Lực lượng của xã cũng vừa bắt 2 vụ nhưng gỗ thu được chủ yếu là thông.
Hình ảnh tiếp cận công trường gỗ lậu tại Kon Tum: