Phúc thẩm vụ 'con ruồi trong chai Number one': HĐXX quyết định không giảm hình phạt cho bị cáo

Thứ Năm, 08/09/2016 12:48

|

(CAO) 17h chiều (8-9), Toà tuyên án các luật sư không chỉ ra được điều khoản cụ thể, vi phạm nếu có, không làm thay đổi nội dung vụ án. Bản án sơ thẩm là đúng người đúng tội. Tại phiên tòa, bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan, không kháng cáo yêu cầu giảm nhẹ hình phạtHĐXX quyết định không giảm hình phạt cho bị cáo, giữ nguyên hình phạt.

Trong phiên xét xử buổi sáng, Viện kiểm sát bác kháng cáo của Võ Văn Minh (SN 1980, trú huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) về tội Cưỡng đoạt tài sản.

 

13 giờ 50: Luật sư Phạm Công Hùng tranh luận với đại diện VKS

Luật sư Hùng cảm ơn HĐXX đã tạo điều kiện cho luật sư đưa ra các tranh luận. Theo đánh giá của vị luật sư này thì đây là vụ án thu hút quan tâm của đông đảo quần chúng. Luật sư Hùng mong muốn HĐXX cho luật sư tranh luận nhiều hơn để mang tình khách quan.

Phiên toà phúc thẩm

Luật sư Hùng cho rằng bị cáo Minh là người vùng sâu, vùng xa, không biết đến mạng xã hội và bị cáo đã trả lời thành thật trong phiên sáng.

Lúc 14 giờ 20: Luật sư Hùng không đồng tình với ý kiến của VKS ở phiên xử buổi sáng rằng, bị cáo Minh nhận tội sẽ được giảm án và nếu không thì không được.

Luật sư Phạm Công Hùng - bào chữa cho bị cáo Võ Văn Minh

Luật sư Hùng khẳng định, chính Công ty Tân Hiệp Phát dẫn dắt Minh vào vòng pháp luật. Trong các biên bản lời khai, bà Trần Ngọc Bích cho rằng, sau nhiều lần thương lượng không thành và sợ bị cáo Minh làm bậy, manh động đưa thông tin sản phẩm có ruồi lên chương trình 60 giây, báo đài ảnh hưởng đến công ty nên mới giao 500 triệu đồng.

Luật sư lập luận

Theo luật sư Hùng, Công ty Tân Hiệp Phát lo sợ thông tin sản phẩm có ruồi lên mạng chứ không còn nỗi lo sợ nào khác. Ở phương diện có trình độ học vấn cao hơn bị cáo Minh, những người đại diện cho công ty phải ngăn chặn hành vi của anh Minh. Nhưng những người này không ngăn chặn mà đưa 500 triệu đồng. Điều này, đồng nghĩa họ dẫn dắt bị cáo Minh đến con đường phạm tội.

"Mua sự im lặng của bị cáo Minh là trái pháp luật", luật sư Hùng khẳng định.
"Khi có khiếm khuyết sản phẩm xảy ra thì đơn vị có biện pháp thu hồi hoặc xử lý sao cho hợp lý", luật sư Hùng nói trước HĐXX.

Vị luật sư này cũng cho rằng, trong bất cứ dây chuyền nào cũng có sự trục trặc, nhưng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thức uống, tác động trực tiếp đến sức khỏe của hàng triệu con người thì cách xử lý của Công ty Tân Hiệp Phát là chưa thuyết phục.

Hành vi mua sự im lặng từ bị cáo Minh của Công ty Tân Hiệp Phát là vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng ở cấp sơ thẩm chỉ xét hành vi của người bán mà không xét đến hành vi mua, cụ thể ở đây là Công ty Tân Hiệp Phát.

Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Hùng khẳng định, hành vi đưa thông tin sản phẩm khiếm khuyết của Công ty Tân Hiệp Phát ra công luận, cơ quan báo chí là đúng và hoan nghênh. Đây không phải là hành vi manh động, làm bậy như cáo buộc của Công ty Tân Hiệp Phát đưa ra trước đó.

Bởi thức uống bị lỗi sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhiều người, cần phải công bố rộng rãi để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý cũng như phía công ty có giải pháp khắc phục.

Mẹ bị cáo Minh tại toà

Báo chí kiểm chứng thông tin trước khi đăng

Đây là quan điểm của luật sư Hùng khi đề cập đến trường hợp bị cáo Minh có chuyển thông tin sản phẩm có ruồi của Công ty Tân Hiệp Phát đến cơ quan truyền thông hoặc đến Hội bảo vệ người tiêu dùng.

Báo chí phải kiểm chứng thông tin

Theo luật sư Hùng, trước khi thông tin truyền tải đến người đọc thì phải xác minh tính chất sự việc, xem có đúng sự thật hay không.

"Bản án sơ thẩm không làm rõ hành vi đưa tiền của Công ty Tân Hiệp Phát là thiếu sót nghiêm trọng" luật sư Hùng nói với HĐXX. Ông mong muốn HĐXX xem xét vấn đề này để tránh oan sai.

Bày tỏ với HĐXX, luật sư Hùng nghi ngờ hành trình tạm giữ tang vật vụ án.

Võ Văn Minh nhìn xuống người thân

Theo đó, tại biên bản bắt người phạm tội quả tang lập lúc 15 giờ 30 ngày 27-1-2015, ghi nhận "tang vật thu giữ có chai nước Number 1 loại chai nhựa 350ml...".

Tại Biên bản niêm phong đồ vật tạm giữ lúc 16 giờ cùng ngày thì ghi nhận: "cơ quan điều tra thu được vật chứng là chai nước loại chai nhựa 350ml, nắp chai còn nguyên vẹn chưa bị mở"... Và tang vật này được bỏ vào bìa thư dán lại.

Tiếp đến, tại Lệnh nhập kho vật chứng ngày 27-1-2015 của Công an tỉnh Tiền Giang thì lại không giao chai nước ngọt có ruồi nhập vào kho theo quy định. Và ngày 3-2-2015, tang vật bàn giao cho cơ quan giám định chỉ là một gói niêm phong.

"Gói niêm phong đây có thể là bất cứ gói nào trong khi đó biên bản lập đầu tiên thì chai nước được niêm phong bằng một bì thư", luật sư Hùng đặt vấn đề.

Trong phiên tòa buổi sáng, đại diện cơ quan giám định cũng không trả lời những câu hỏi liên quan đến tang vật nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Luật sư Hùng nghi ngờ hành trình 6 ngày (từ 27-1-2015 đến ngày 3-2-2015) tạm giữ tang vật của đơn vị tạm giữ tang vật thuộc Công an tỉnh Tiền Giang.

Theo luật sư Hùng, cáo trạng khẳng định là đe dọa, còn bản án thì khẳng định bị cáo Minh uy hiếp. Hai hành vi này khác nhau rạch ròi, nếu bi cáo Minh vi phạm thì có thể xử lý cả hai tội danh trên.

Ngoài ra, đe dọa để mất uy tín khác với hành vi đe dọa cưỡng đoạt tài sản. "Trong trường hợp, Công ty Tân Hiệp Phát đã báo công an rồi mà vẫn đưa tiền thì liệu chăng đây là sự sắp đặt", luật sư Hùng đặt vấn đề.

Kết thúc phần tranh luận của mình, luật sư Hùng cho rằng, việc đòi tiền của bị cáo Minh là do sự thiếu hiểu biết, sai phạm bị cáo gây ra chưa nguy hiểm. "Nếu những ý kiến của tôi không được chấp nhận, tôi mong HĐXX hủy bản án, điều tra lại vì có nhiều sai phạm trong quá trình tố tụng", luật sư Hùng nói.

15 giờ 10:

Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng, thủ đoạn cưỡng đoạt của bị cáo Minh không rõ nét, cuộc thương lượng giữa thân chủ mình với Công ty Tân Hiệp Phát có 9 bước.

Hành vi của Minh không uy hiếp về mặt tinh thần; không ý thức phạm tội và cưỡng đoạt tài săn. Bên cạnh đó, tòa sơ thẩm lấy số tiền 500 triệu đồng thỏa thuận để xác định đó là số tiền chiếm đoạt tài sản làm tình tiết định khung là không chính xác. Bởi, tội cưỡng đoạt tài sản có cấu thành hình thức, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội. Số tiền chiếm đoạt không cần xảy ra trên thực tế mà chỉ cần trong ý thức đã cấu thành tội phạm.

"Số tiền 500 triệu đồng là kết quả của quá trình thương lượng, bởi nó hình thành trên ý thức của cả hai bên", luật sư Hưng cho biết. Ngoài ra, theo luật sư Hưng, Công ty Tân Hiệp Phát từng giải quyết vụ việc tương tự vào năm 2012 nên có kinh nghiệm xử lý tốt hơn.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

15 giờ 40:

Luật sư Nguyễn Tấn Thi bác ý kiến của VKS tỉnh Tiền Giang rằng bị cáo Minh không phải là khách hàng và không có quyền thương lượng. Luật sư Thi mong muốn HĐXX xem xét lại toàn bộ vụ án để có mức án thỏa đáng vì 7 năm tù là hình phạt quá khắc khe.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi nói

"Tôi cho rằng phía Công ty Tân Hiệp Phát mới là chủ động mua sự im lặng. Bởi trong quá trình thương lượng, mức độ yêu cầu của anh Minh giảm xuống còn phía công ty này tăng lên, từ 2 lốc nước rồi thêm thùng đá, thêm cây dù", luật sư Thi phân tích.

Luật sư Thi bác tội cưỡng đoạt tài sản mà thân chủ mình đang nhận. Vì theo ông, không có trường hợp nào  ngồi viết giấy cam kết nhận tiền với ít nhất 4 người của Công ty Tân Hiệp Phát và sau khi nhận tiền xong, còn quay trở lại bàn uống cà phê lấy đồ để quên.

"Nếu đủ chứng cứ, HĐXX có thể tuyên bị cáo Minh vô tội, hoặc điều tra bổ sung hoặc hủy án, điều tra lại", luật sư Thi kết thúc phần tranh luận.

16 giờ 20: VKS tranh luận

Đại diện VKS tranh luận

Về ý kiến hủy án, VKS cho biết, phía cơ quan chưa nhận được đơn kháng cáo kêu oan.

Về ý kiến của luật sư cho rằng VKS vi phạm tố tụng thì đại diện VKS nói rằng có những thiếu sót chứ không có vi phạm vì chưa phạm vào điều cấm mà pháp luật quy định.

Phản bác lại ý kiến của luật sư Hùng, VKS cho rằng, bị cáo Minh không có quyền thương lượng vì sau khi thấy chai nước có ruồi, bị cáo Minh cơ hội lấy mang đi cất giữ.

"Một chai nước ngọt đổi lấy 500 triêu đồng là đủ gây thiệt hại", đại diện VKS khẳng định tại phiên tòa.

Đại diện luật sư bào chữa cho bị cáo Minh cho biết, so sánh mà phía VKS đưa ra 10 ngàn đồng với 500 triệu đồng là khập khiễng. "Nếu sản phẩm đó có ruồi thật thì thiệt hại lớn hơn nhiều", luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho biết.

16 giờ 45: Bị cáo Minh vẫn kêu oan.

Chủ tọa Duyên hỏi: Bị cáo kêu oan hay kháng cáo yêu cầu giảm nhẹ hình phạt?

Bị cáo Minh: Bị cáo kêu oan

VKS đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Minh

17 giờ: HĐXX tuyên án

Sau khi xem xét các yếu tố, chứng cứ đã được điều tra, thẩm định, HĐXX xét thấy các luật sư bào chữa không có chứng cứ nên bác đơn kêu oan và giữ nguyên mức án 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.

Thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên, Chủ tọa phiên tòa đọc tuyên án

Bình luận (0)

Lên đầu trang