(CAO) Trong suốt 2 năm 2016 và 2017, nhiều công ty tại Đức đã bị nhiễm phần mềm độc hại mà không hề hay biết.
Hiệp hội công nghiệp công nghệ thông tin Bitkom (Đức) cho biết hơn một nửa số công ty ở Đức đã bị ảnh hưởng bởi các phần mềm gián điệp độc hại. Các phần mềm này đã phá hoại hoặc trộm cắp dữ liệu trong suốt hai năm qua và ước tính các vụ tấn công gây ra thiệt hại khoảng 55 tỷ euro một năm.
Một số cuộc tấn công mạng trên quy mô lớn diễn ra gần đây như cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền WannaCry vào tháng 5 và cuộc tấn công của một loại virus được gọi là "NotPetya" đã khiến một số công ty phải dừng sản xuất trong hơn một tuần.
Theo nghiên cứu của Bitkom, khoảng 53% các công ty ở Đức đã từng là nạn nhân của các phần mềm gián điệp độc hại.
Arne Schoenbohm, chủ tịch của cơ quan an ninh mạng Liên bang Đức (BSI) cho biết nhiều công ty lớn, đặc biệt là những công ty hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính, dầu khí, … thường có hệ thống thông tin được bảo mật cao nên các hacker khó có thể tấn công.
Tuy nhiên, nhiều công ty vừa và nhỏ lại dễ trở thành mục tiêu bị tấn công hơn vì hệ thống bảo mật yếu. Ông Arne Schoenbohm cho biết: "Chúng tôi cần phải làm việc nhiều hơn để cải thiện an ninh mạng ở Đức”.
53% các công ty tại Đức từng là nạn nhân của các phần mềm gián điệp độc hại.
BSI kêu gọi các công ty cần phải đặt vấn đề an ninh thông tin lên hàng đầu và cần phải báo cáo ngay lập tức khi gặp sự cố để có thể tìm ra giải pháp. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất phần cứng và phần mềm cũng cần phối hợp với BSI để có thể khắc phục những điểm yếu và lỗ hổng trên các sản phẩm nhanh hơn, không để hacker lợi dụng sơ hở để tấn công.
"Vẫn còn rất nhiều công việc phải làm và chúng ta phải thật cẩn thận. Không chỉ cần tập trung vào ngành công nghiệp và người sử dụng máy tính mà chúng ta phải đảm bảo an toàn ngay từ khâu sản xuất, quản lý chất lượng”, ông Arne Schoenbohm nói.
Theo thống kê của Bitkom khoảng 62% các công ty bị ảnh hưởng đã phát hiện ra những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công là nhân viên hiện tại hoặc cựu nhân viên.
41% đổ lỗi cho đối thủ cạnh tranh, khách hàng, nhà cung cấp sản phẩm hoặc các nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, một số thông tin cho rằng các cơ quan tình báo nước ngoài nhiều khả năng cũng đứng sau một số vụ tấn công an ninh mạng tại Đức.