50 năm mỏi mòn tìm phần mộ liệt sĩ

Thứ Hai, 30/05/2022 10:22  | Nam Anh

|

(CATP) Tháng 4-1970, ông Phạm Huy Quang (ngụ P12, TP.Nam Định, tỉnh Nam Hà cũ, nay là tỉnh Nam Định) đang là sinh viên năm cuối của Trường Sư phạm 7+3 của tỉnh, "xếp bút nghiên" lên đường nhập ngũ. Ông Quang đi B vào chiến trường miền Nam. Trước khi nhập ngũ, ông được nhà trường đặc cách cho dự lễ tốt nghiệp và nhận bằng đại học.

Gia đình có 9 anh em, ông Quang là con trai đầu. Sau 3 tháng huấn luyện ở Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, đầu năm 1971 ông Quang vào chiến trường. Theo anh Phạm Anh Tuấn, em trai thứ 5 của ông Quang, trong thời gian 3 tháng nhập ngũ và huấn luyện ở Nho Quan, Ninh Bình, ông Quang liên tục viết thư về cho gia đình động viên các em ở nhà phụ giúp cha mẹ và chăm lo học hành.

Sau đó, ông Quang được chuyển vào huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với chức vụ Trung đội phó thuộc Sư đoàn 320 và bắt đầu từ đó, gia đình không còn nhận được  tin tức gì về ông. Đến tháng 10-1972, Phòng Quân lực, TP.Nam Định phối hợp với Ủy ban Hành chính phường cùng UBMTTQ phường đến nhà thăm hỏi, động viên, sau đó trao giấy báo tử cho gia đình biết ông Phạm Huy Quang đã hy sinh ở chiến trường. Cầm giấy báo tử trên tay, ông Phạm Văn Tuyển và bà Trần Thị Đức (cha mẹ ông Quang) đau đớn.

Theo anh Tuấn, cả nhà không tin ông Quang đã hy sinh, mà chỉ tin ông được cách mạng cài cắm vào hoạt động trong lòng địch nên không thể liên lạc được với gia đình.

Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình vẫn tin tưởng ông Quang còn sống, nên người nhà tiếp tục tìm kiếm, thăm hỏi các đồng chí, đồng đội về tin tức của ông. Thậm chí người nhà còn lên Tỉnh đội tìm kiếm thông tin về ông, vì cho rằng nếu ông Phạm Huy Quang mất thì phải có phần mộ?

Năm 2010, khi ông Tuyển - bà Đức mất, gia đình mới tắt dần niềm hy vọng về việc ông Quang còn sống. Đặc biệt, vào năm 1981 anh Tuấn được tổ chức phân công vào Nam công tác, từ đây anh có nhiều thời gian và mối quan hệ để tìm hiểu thông tin về anh mình - ông Phạm Huy Quang. Mỗi khi phát hiện và lần tìm được thông tin gì, anh Tuấn đều tìm đến tận nơi tìm hiểu và kiểm chứng.

Gia đình và đồng đội thắp nhang tại Đền thờ các liệt sĩ Sư đoàn 10 ở Kon Tum

Thậm chí, gia đình còn tìm mộ ông Quang qua đường tâm linh. Theo đó, có nhà ngoại cảm cho rằng phần mộ ông đang nằm tại Nghĩa trang huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Cầm bản đồ trên tay, gia đình rất mừng vì trong nghĩa trang có một phần mộ mang tên Quang. Lúc tìm được, hàng năm gia đình đều nhiều lần tổ chức đi thăm và thắp nhang tưởng nhớ.

Anh Tuấn cho biết, lúc đầu gia đình cũng tin phần mộ ông Quang nằm ở Quảng Trị. Tuy nhiên, khi anh tìm đến Sư đoàn 320, đóng ở Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa thì không có thông tin cũng như việc cán bộ chiến sĩ của sư đoàn này hy sinh ở Quảng Trị. May mắn, vào tháng 5-2018 anh Tuấn được một bạn học ở Đồng Nai là ông Trần Văn Bình, trước đây tham gia chiến trường ở Tây Ninh, từng bỏ nhiều năm đi tìm kiếm thông tin đồng đội cho biết, tại một nghĩa trang và nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của tỉnh Gia Lai có ghi tên Liệt sĩ Phạm Huy Quang cùng quê quán, bố mẹ, ngày giờ hy sinh.

Nhờ có ân nhân chỉ đường, anh Tuấn đã vào trang mạng Internet tìm kiếm và thấy các thông tin đầy đủ về tên tuổi, năm sinh, cha mẹ... của ông Quang. Sau khi biết thông tin chính xác, gia đình đã tổ chức đi tìm, phân công công việc cho từng người cụ thể. Theo đó, gia đình đã đến Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 ở tỉnh Gia Lai tra cứu về cứ điểm 92-16-07, tọa độ nơi diễn ra trận đánh của chiến dịch mùa hè năm 1972.

Anh Phạm Anh Tuấn bên di ảnh anh trai - Liệt sĩ Phạm Huy Quang

Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của các anh chị em Đoàn Thu Hà, Huỳnh Như Tiến (công tác tại Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Đồng Nai), gia đình đã tìm gặp được những người dân địa phương, các đồng đội cũ từng một thời chiến đấu với ông Quang như ông Vũ Viết Hiền - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Binh đoàn Tây nguyên và những đồng đội khác.

Nhờ vậy đã tìm và xác định được nơi ông Quang chiến đấu trận cuối cùng và hy sinh ngày 20-5-1972 (tức mùng 8 tháng 4 âm lịch). Theo đó, gia đình đã tìm đến đền thờ các liệt sĩ Sư đoàn 10 (nơi có khắc tên Liệt sĩ Phạm Huy Quang trên bia đá). Theo đó, mùng 8 tháng 4 âm lịch năm nay, kỷ niệm 50 năm ngày Liệt sĩ Phạm Huy Quang hy sinh, gia đình đã làm lễ cầu siêu cho ông và các đồng đội tại nơi ông ngã xuống.

Trong lời cầu nguyện của gia đình còn lắng đọng lại âm hưởng: Xin thành kính đặt vòng hoa tưởng nhớ Liệt sĩ Phạm Huy Quang, các đồng đội của anh. Mong rằng không còn có bất kỳ cuộc chiến nào nữa trên dải đất hình chữ S. Cầu mong những bà mẹ có con ngã xuống an lòng.

Liệt sĩ Phạm Huy Quang, sinh năm 1952, nhập ngũ tháng 4-1970, địa chỉ trước khi nhập ngũ: số nhà 21B đường Vụ Bản, TP.Nam Định; bố Phạm Văn Tuyển, mẹ Trần Thị Đức. Trận đánh cuối cùng và hy sinh tại cứ điểm có tọa độ 92-16-07 (TP. Kon Tum), ngày hy sinh 20-05-1972. Ai biết phần mộ Liệt sĩ Phạm Huy Quang ở đâu, xin liên hệ với ông Phạm Anh Tuấn (em trai liệt sĩ), SĐT: 0908.412.889.

Bình luận (0)

Lên đầu trang