TPHCM: Nhiều biện pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông

Thứ Hai, 30/05/2022 10:19

|

(CATP) Sở Giao thông - Vận tải TPHCM vừa có kế hoạch thực hiện các giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông (UTGT), giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn trong năm 2022. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT tiếp tục ra quân, kiên quyết xử lý các loại xe tự chế. Hiện TPHCM còn 4 "điểm đen" về TNGT và 18 điểm nguy cơ UTGT.

Ưu tiên vận tải hành khách công cộng

Theo kế hoạch của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), phấn đấu hạn chế tối đa UTGT kéo dài trên địa bàn và cải thiện tình hình giao thông tại các điểm nguy cơ UTGT, giảm tối thiểu 5% trên 3 mặt số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT so với năm 2021, giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, hiện nay tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị ước đạt 13,32%; mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TPHCM ước đạt 2,32km/km2, phấn đấu làm mới đưa vào sử dụng 41km đường bộ và 18 cây cầu, khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 402 triệu lượt hành khách.

TPHCM xây dựng và triển khai đồng bộ các kế hoạch, thực hiện các giải pháp đột tự phá về chống UTGT và giảm TNGT. Lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông thường xuyên khảo sát, cập nhật các bất cập, các điểm UTGT để có giải pháp phân luồng, điều tiết và tổ chức giao thông hợp lý. Xây dựng kế hoạch kiểm tra và xóa bỏ các điểm trông giữ xe trái phép, thu hồi các điểm trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường tại các tuyến đường có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Để thực hiện, Sở GTVT cho biết đã rà soát, tham mưu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về trật tự an toàn giao thông, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt đô thị, nâng cao an toàn giao thông khu vực trường học. tái cơ cấu thị trường vận tải, giảm bớt phụ thuộc vận tải đường bộ. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, linh hoạt, phù hợp với tình hình và đặc điểm TPHCM.

CSGT xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Bên cạnh đó, chú trọng công tác bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiền ẩn TNGT, điểm nguy cơ UTGT, ngăn chặn phát sinh lối đi tự mở trái phép qua đường sắt. Đồng thời, Sở GTVT cũng đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải trong TPHCM và liên tỉnh, nâng cao năng lực, chất lượng và khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM theo lộ trình phù hợp.

Cùng với đó, tiếp tục nâng cấp và khai thác hiệu quả các tuyến giao thông thủy hiện có, khai thông tuyến mới, kết nối hệ thống cảng cạn, cảng thủy nội địa với hệ thống cảng biển phát triển các hình thức trung chuyển hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số.

Thời gian tới, Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM, Dự án trọng điểm đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Vành đai 2, tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên. TPHCM cũng tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2. Phấn đấu chạy thử tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên cuối năm nay (2022). Như vậy, về vận tải hành khách công cộng, từng bước phục hồi vận tải hành khách công cộng sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Quá nguy hiểm

Khối lượng vận tải hành khách công cộng quý I-2022 đạt 29,4 triệu lượt hành khách (đạt 7,3% so với kế hoạch). Đưa vào hoạt động loại hình vận tải hành khách công cộng mới như xe buýt điện, xe đạp công cộng khu vực quận 1 (500 xe)... Trong quý II/2022, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông với nhiều hình thức đa dạng, thu hút, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Tiến tới, Quý III/2022 xây dựng nút giao thông An Phú, TP.Thủ Đức, xây dựng mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, Dự án phát triển Giao thông xanh TPHCM, xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, kết nối với nhà ga T3.

Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm

Năm nay (2022), cũng là "Năm An toàn Giao thông" với chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và công tác đảm bảo trật tự, kỷ cương, góp phần tích cực trong việc bảo vệ hệ thống công trình giao thông, kéo giảm TNGT và UTGT, Phòng CSGT ĐB-ĐS phối hợp với Thanh tra giao thông - Sở GTVT cũng đã triển khai "Kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hàng hóa trên địa bàn TPHCM". Trong đợt ra quân này, các Tổ Công tác liên ngành tập trung thanh, kiểm tra những đối tượng như xe tải, xe đầu kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe chở container, ôtô tải tự đổ, xe bồn chở khí hoá lỏng, xăng dầu, xe bê tông, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng.

Tại các đơn vị đầu mối bốc dỡ hàng hóa, là cảng, bến, kho hàng, nhà ga, bến bãi tập kết hàng hóa, đơn vị vận tải... Công tác thanh, kiểm tra sẽ được tăng cường trên các tuyến quốc lộ và các tuyến đường thường xuyên có phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông, trong đó, tập trung vào các tuyến đường hạn chế tải trọng, tuyến đường cấm (cấm tải trọng, cấm tải trọng theo giờ...), các tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm trong hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô. Mặt khác, chú trọng việc kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho hàng, cảng, bến, nơi tập kết hàng hóa, xếp hàng hóa để ngăn chặn, xử lý kịp thời những trường hợp xe ôtô chở hàng hóa vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Hạn chế những vụ ùn tắc

Về cơ bản, các Tổ Công tác liên ngành sẽ gồm cán bộ chiến sĩ của các Đội/Trạm thuộc Phòng CSGT ĐB-ĐS và lực lượng Thanh tra giao thông. Ngoài ra, tùy theo tình hình thực tế sẽ tăng cường, bổ sung các lực lượng khác, như Cảnh sát trật tự, cơ động, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát môi trường, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an địa phương...; lực lượng thuộc UBND các quận, huyện; Kiểm soát quân sự... để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.

Yêu cầu đặt ra đối với các Tổ Công tác liên ngành là phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, quy trình công tác, kế hoạch, chế độ công tác đã ban hành, trong quá trình kiểm tra, xử lý không gây cản trở, UTGT. Cũng như thực hiện tốt công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các quy định về xử lý vi phạm hành chính, vận tải hàng hóa hiện hành nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho lái xe, chủ phương tiện, chủ đơn vị kinh doanh vận tải khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Xe tự chế cần "khai tử" triệt để

Thời gian qua, không ít những trường hợp gây ra UTGT hay TNGT mà nguyên nhân là một số loại xe tự chế, xe kéo, bán hàng rong, xe không đảm bảo về an toàn kỹ thuật... có "tham gia". Đây là vấn đề "nóng" hiện nay, bởi người dân mưu sinh hàng ngày trên những chiếc xe kiểu tự chế này, còn về luật pháp, xe tự chế, không đảm bảo an toàn đã bị cấm từ lâu; đó là chưa kể đến mỹ quan đô thị (!?).

Xuất phát từ tình hình phức tạp giao thông do xe tự chế gây ra, lực lượng CSGT thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền về những hiểm họa, hình thức xử phạt đối với các loại xe tự chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia giao thông đường bộ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, không đảm bảo an toàn lưu thông trên đường.

Chở hàng cồng kềnh

Theo Phòng CSGT ĐB-ĐS, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSGT luôn thấu hiểu và cảm thông với cuộc sống khó khăn, vất vả của người lao động nghèo, tuy nhiên người dân đừng vì mưu sinh, kiếm sống cho bản thân và gia đình mình mà bất chấp quy định của pháp luật, gây nguy hiểm cho chính người lái xe và những người khác. Những hiểm họa TNGT do các loại xe tự chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật gây ra là rất lớn. Do đó, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật, tuyệt đối không điều khiển các loại xe tự chế tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Với loại xe tự chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuận như hiện nay, đó là phần lớn phương tiện cũ nát, xe ba, bốn bánh đều thuộc sở hữu của người có thu nhập thấp, người lao động chở hàng thuê. Đối với họ, đây không chỉ là phương tiện tham gia giao thông mà còn là phương tiện mưu sinh hàng ngày. Việc này cũng ít nhiều gây khó khăn trong công tác xử lý. Vì vậy, việc xử lý vi phạm đi đôi với giải thích, hướng dẫn và tuyên truyền là điều cần thiết để đảm bảo công tác xử lý đạt được hiệu quả tốt nhất.

TPHCM xây dựng và triển khai đồng bộ các kế hoạch, thực hiện các giải pháp đột tự phá về chống UTGT và giảm TNGT. Lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông thường xuyên khảo sát, cập nhật các bất cập, các điểm UTGT để có giải pháp phân luồng, điều tiết và tổ chức giao thông hợp lý. Xây dựng kế hoạch kiểm tra và xóa bỏ các điểm trông giữ xe trái phép, thu hồi các điểm trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường tại các tuyến đường có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Bình luận (0)

Lên đầu trang