Ba học sinh ở Phú Thọ được BHYT chi trả hơn 600 triệu đồng

Thứ Sáu, 18/09/2020 10:50  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Chính sách BHYT không những bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được quy định tại Hiến pháp; với riêng học sinh, sinh viên (HSSV), việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc trở thành “cây cột sống” đối với học sinh, sinh viên khi gặp sự cố về sức khỏe.

Lợi ích của BHYT học sinh sinh viên

Việc thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho mọi người dân nói chung, trong đó có một bộ phận không nhỏ là học sinh, sinh viên (HSSV) đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc và là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta.

Tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV đã phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Chỉ tính riêng năm học 2019-2020, số HSSV tham gia BHYT trên cả nước đạt 18,16 triệu người (đã bao gồm tham gia theo nhóm đối tượng khác), ước đạt tỉ lệ 95,2% tổng số HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề, tăng 1% so với năm học 2018-2019. Một số tỉnh có tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 100% là: Hải Dương, Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Giang. Với mục tiêu phấn đấu đạt tỉ lệ 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2020-2021, nhất là trong tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ngành BHXH, ngành Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên quan cùng các địa phương đã và đang có nhiều hoạt động nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu này. Trong đó, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHYT HSSV năm học 2020-2021 để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.

Chính sách BHYT đối với học sinh sinh viên có ý nghĩa nhân văn sâu sắc

BHYT HSSV do BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện là chính sách BHYT mang tính xã hội, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện theo quy định tại Luật BHYT và được thực hiện theo nguyên tắc: bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT. Về mức đóng: Đối tượng HSSV tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Mức đóng BHYT HSSV được xác định theo tỷ lệ phần trăm của mức lương cơ sở. Năm học 2020-2021 không có sự thay đổi về mức đóng BHYT của HSSV. Theo đó, HSSV vẫn đóng với mức 67.050 đồng/tháng. Trong đó được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% nên số tiền thực tế mà HSSV phải đóng hàng tháng là 46.935 đồng/tháng tương đương với 563.220 đồng/năm.

Về quyền lợi: Trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế thì cơ chế BHYT đã từng bước bảo đảm việc trích chuyển 5% từ nguồn thu BHYT để phục vụ công tác phát triển y tế học đường. Ngay khi bắt đầu tham gia BHYT, HSSV đã được hưởng các quyền lợi thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại nhà trường như: Sơ cấp cứu, xử lý ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập. Về mức chi trả: Nếu đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến, HSSV được chi trả các mức 80% - 95% - 100%, tùy theo từng mã thẻ và trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT. Theo đó, HSSV được hưởng các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, vật tư y tế theo danh mục điều kiện, tỷ lệ quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, HSSV được miễn đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT khi tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, có số tiền cùng chi trả chi phí KCB BHYT trong năm vượt quá 6 tháng lương cơ sở và đi KCB đúng quy định. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp HSSV không may mắc bệnh nặng nhưng nhờ tham gia BHYT đã giảm đáng kể chi phí khi khám và điều trị bệnh.

Chi trả cho 3 học sinh với số tiền hơn 600 triệu đồng viện phí

Nhiều năm liên tiếp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ có tỉ lệ tham gia BHYT HSSV đạt trên 99%, đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em HSSV trên địa bàn. Nhiều HSSV không may mắc bệnh phải nằm viện điều trị đã được quỹ BHYT chi trả, trong đó có 3 em được quỹ BHYT chi trả với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Em Nguyễn Thanh Tùng, học sinh trường THCS Trạm Thản, huyện Phù Ninh là một trường hợp như thế. Tháng 3-2018, Tùng bị viêm tủy xương hông, nhiễm khuẩn huyết mô cầu không đặc hiệu phải nằm viện 34 ngày tại bệnh viện Bạch Mai. Tổng chi phí khám chữa bệnh của em lên tới gần 300 triệu đồng nhưng nhờ có quỹ BHYT đồng chi trả, gia đình em chỉ phải trả 59 triệu đồng viện phí.

Cô Hương phụ trách hoạt động BHYT học đường của trường cho hay: “Nếu không có thẻ BHYT mà phải bỏ ra số tiền điều trị lớn thì nhiều gia đình khó khăn không biết sẽ phải trang trải tiền viện phí như thế nào? Hiện nay, một số phụ huynh vẫn quan niệm là trẻ em ít khi bị ốm nên không mặn mà tham gia BHYT cho con em mình. Do đó, nhà trường, giáo viên luôn chú trọng tuyên truyền lợi ích, quyền lợi tham gia BHYT và dẫn chứng những trường hợp học sinh cụ thể đã từng được quỹ BHYT chi trả để vận động, thuyết phục phụ huynh tham gia BHYT cho con em mình”.

Em Nguyễn Anh Tuấn (SN2001, học sinh Trường PTTH Tử Đà) cũng là một trường hợp tương tự. Tháng 3/2019, sau 16 ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, tổng chi phí khám chữa bệnh của em lên tới 221.617.000 đồng. Tuy nhiên, do em Tuấn có tham gia BHYT nên quỹ BHYT đã chi trả viện phí cho Tuấn với số tiền khoảng 181.000.000 đồng. Đây là số tiền lớn và rất có ý nghĩa đối với gia đình Tuấn, giúp gia đình em vượt qua khó khăn, không bị rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần.

Tương tự, tháng 3-2020, em Nguyễn Diệu Linh, học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Phú Nham không may bị bỏng 49% cơ thể. Bố mẹ em làm công nhân ở khu công nghiệp Thụy Vân phải nghỉ việc để thay nhau chăm sóc em tại viện bỏng Lê Hữu Trác. Nghỉ việc, đồng nghĩa với việc cả gia đình mất thu thập trong những ngày con nằm viện, gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai nhất là chi phí khám chữa bệnh cho Linh khá lớn. Với 74 ngày nằm viện, tổng chi phí khám chữa bệnh của em lên đến 154 triệu đồng nhưng nhờ có tấm thẻ BHYT mà gia đình chỉ phải thanh toán 30 triệu đồng. Hiện nay sức khỏe của em đã ổn định, tuy nhiên vẫn phải mặc áo chuyên dụng để chống nhiễm khuẩn và hạn chế sẹo.

Bà Nguyễn Thị Hồng - bà nội của Linh cho biết: “Vợ chồng tôi đều làm nông nhưng do nhận thức được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT nên 100% thành viên trong gia đình tôi đều tham gia BHYT. Tháng 5-2020, tôi cũng vừa đi mổ u xơ tại Trung tâm y tế huyện Phù Ninh và được quỹ BHYT chi trả hầu hết viện phí”. Ngoài thẻ BHYT, bà Hồng chuẩn bị đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho cả 2 vợ chồng để về già được hưởng lương hưu và cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Từ thực tế của bản thân và gia đình, bà Hồng mong rằng, các gia đình khác nên tham gia BHYT để chẳng may ốm đau, tai nạn thì đã có quỹ BHYT hỗ trợ, còn nếu không thì đó cũng là sự sẻ chia của mình với các trường hợp không may mắn khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang