(CATP) Là một trong những tuyến đường trọng điểm ở phía Nam, cao tốc Bến Lức - Long Thành không chỉ giúp kết nối giao thông liên vùng giữa miền Tây và Đông Nam Bộ mà còn giảm áp lực giao thông trên QL1A, QL51, rút ngắn thời gian đi từ Long An đến TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại, tạo điều kiện cho người dân các tỉnh miền Tây đến sân bay Long Thành thuận lợi hơn. Có vai trò quan trọng là vậy, nhưng từ ngày khởi công đến nay đã 8 năm, tuyến cao tốc này có tới ba lần trễ hẹn và khả năng hoàn thành đúng tiến độ vẫn là câu hỏi lớn…
Mức đầu tư kỷ lục
Cao tốc Bến Lức - Long Thành, dài 57,09 km được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án và Bộ Giao thông vận (GTVT) tải phê duyệt đầu tư vào tháng 10-2010 do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam.
Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với bốn làn xe lưu thông và hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Toàn tuyến có hơn 20km cầu và cầu cạn, sáu nút giao cắt và lối thoát. Tuyến cao tốc bắt đầu từ nút giao với cao tốc TPHCM - Trung Lương ở xã Mỹ Yên (H.Bến Lức, tỉnh Long An) đi qua ba huyện của TPHCM là Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và kết thúc tại nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại xã Phước Thái (H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Long An dài 4,89km, đoạn qua TPHCM dài 24,92 km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 27,28 km.
Dự án có 11 gói thầu chính được chia làm 3 đoạn: đoạn phía tây, đoạn giữa và đoạn phía đông. Đoạn phía tây dài 21,1 km, có 5 gói thầu, sử dụng vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Đoạn giữa dài 10,7 km, chủ yếu là các cầu vượt sông, trong đó có hai cầu gồm cầu Bình Khánh (dài 2,76km bắc qua sông Soài Rạp nối H.Nhà Bè với Cần Giờ) và cầu Phước Khánh (dài 3,18km bắc qua sông Lòng Tàu nối H.Cần Giờ, TPHCM với H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Đây là hai cây cầu dây văng cao nhất Việt Nam với độ phức tạp rất cao về kỹ thuật, sử dụng vốn vay ODA của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Còn đoạn phía đông dài 25,3 km, sử dụng vốn từ hiệp định vay ADB lần hai.
Cầu Phước Khánh chưa được hoàn thiện
Tổng mức đầu tư giai đoạn một của dự án là 31.320 tỷ đồng, tương đương 1.607,4 triệu USD. Trong đó, vốn vay của ADB là hơn 13.600 tỷ đồng, vốn vay ODA của JICA gần 12.000 tỷ đồng, vốn đối ứng là 5.689 tỷ đồng, bình quân mỗi ki lô mét cao tốc có chi phí lên tới 28,2 triệu USD.
Dự án được khởi công vào tháng 7-2014, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2019. Tuy nhiên, do gặp vướng mắc nhiều vấn đề như: giải phóng mặt bằng, dịch Covid-19, cơ chế pháp lý và nhất là nguồn vốn nên dự án buộc ngưng thi công từ giữa năm 2019. Chủ đầu tư xin lùi tiến độ đến ngày 31-12-2023 cao tốc Bến Lức - Long Thành mới hoàn thành đưa vào khai thác. Hiện dự án còn vướng hàng chục hộ dân tại địa bàn H.Bình Chánh chưa thực hiện xong bồi thường giải phóng mặt bằng. Ở tỉnh Đồng Nai vẫn còn vướng 116 trường hợp ở hai H.Nhơn Trạch và Long Thành chưa được giải tỏa...
Ba lần trễ hẹn
Về nguồn vốn, các gói thầu phía tây thi công được 87,2% khối lượng công trình, vốn vay giải ngân được 50,62% buộc phải ngưng do hiệp định vay hết hiệu lực sau ngày 30-6-2019. Ở đoạn giữa, gói J1 thi công đạt 77,63% và gói J3 đạt 80,7% khối lượng công trình. Đoạn phía đông mới thi công được khoảng 50% khối lượng công trình.
Giai đoạn 2011 - 2018, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã bố trí hơn 3.882 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. Còn khoảng 1.807 tỷ đồng chưa bố trí đã được các bộ, ngành đề xuất VEC tự cân đối.
Giai đoạn năm 2019 - 2020, cao tốc Bến Lức - Long Thành cần 121,5 tỷ đồng vốn đối ứng và 298,5 tỷ đồng vốn nước ngoài. Tuy nhiên, năm 2019, chủ đầu tư chưa được giao vốn cho các gói thầu của JICA thì đơn vị này chuyển về Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Hết thời hạn hợp đồng nhưng chưa xác định được cơ quan chủ quản nên dự án chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư. Từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng dịch Covid-19, việc thi công cao tốc bị gián đoạn.
Ở khu vực cầu bắc qua sông Cần Giuộc, hàng trăm thiết bị máy móc thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành bị "đắp chiếu"
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT tải đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo chủ đầu tư chủ động làm việc với các bộ, ngành để giải quyết nguồn vốn cho công trình; các đơn vị khẩn trương tái thi công trở lại cao tốc trong tháng 5-2022. Bộ này cũng có văn bản đề nghị UBND TPHCM khẩn trương giải quyết các tồn tại, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, hoàn thành bàn giao trong tháng 6-2022.
Giữa tháng 6-2022, Bộ GTVT có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành theo hướng cho phép sử dụng vốn dư của hiệp định vay ADB lần 2 để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của Hiệp định vay lần 1. Các bộ ngành liên quan đã đề xuất giao VEC tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 nhằm tiếp tục triển khai dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ngày 20-6-2022, trong cuộc làm việc với Phó thủ tướng Lê Văn Thành, VEC kiến nghị được dời thời hạn hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đến cuối quý III-2025. Đây cũng là lần trì hoãn thứ ba kể từ khi cao tốc này được khởi công.
Với gần 80% khối lượng công trình đã hoàn thành, có thể nói cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được định hình ngày một rõ nét. Tuy nhiên nhiều nơi vẫn còn thi công dang dở như: tại nút giao với đường Bờ Nhà Thờ ở ấp 3, xã Bình Chánh (H.Bình Chánh); tại nút giao với QL50 ở xã Đa Phước (H.Bình Chánh); khu vực cầu bắc qua sông Cần Giuộc; nút giao với đường Lê Văn Lương (H.Nhà Bè); nút giao với đường Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới (H.Nhà Bè); nút giao với đường Trường Chinh ở ấp Bà Trường, xã Phước An (H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai)...
Việc cao tốc Bến Lức - Long Thành nhiều lần trễ hẹn không chỉ chưa đáp ứng sự chờ đợi của người dân, doanh nghiệp mà còn phát sinh vướng mắc về quản lý, một số nhà thầu chấm dứt hợp đồng và khiếu kiện các chi phí phát sinh, ảnh hưởng đến thời gian thu phí hoàn vốn, giảm hiệu quả đầu tư.