"Vụ án" cặp chim cu "mồi" thuở ấy

Chủ Nhật, 23/10/2022 12:28

|

(CATP) Có dịp vượt sông sang thăm xã cù lao An Bình thuộc H.Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) sau bao ngày xa cách, tôi nhớ lại ngày ấy, khi phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 ở xã này, theo quy định về cấp độ dịch thì mức độ nguy cơ rất cao - cả xã được tô ký hiệu màu đỏ. Chính quyền đã quyết định tạm dừng hoạt động phà An Bình. Bến phà nối cù lao với TP.Vĩnh Long vắng ngắt. Bến sông buồn thiu, vắng bóng những công nhân hối hả qua phà, những tà áo dài nữ sinh soi bóng nước sông Cổ Chiên...

Giờ đây, khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân tự do đi lại, các điểm du lịch mở cửa đón khách. Khách Tây lẫn ta ung dung dạo bước trên những con đường làng hay ngồi đò ngắm trời mây, sông nước. Rồi sau đó ghé vào mấy khu vườn, điểm du lịch sinh thái để trèo cây hái trái, tát mương bắt cá, nghe đờn ca tài tử... Bên tách trà ngày hội ngộ, nhiều câu chuyện vui buồn được mang ra kể. Và câu chuyện dưới đây khi nhắc lại thì nhiều người không khỏi bật cười.

Vào một buổi chiều, anh L. (ngụ xã An Bình, H.Long Hồ) lái xe máy chở bình gas để giao cho khách. Lúc đó, anh T. (ngụ cùng xã) đang trên đường đi gác cu (tức gài bẫy chim cu gáy) trở về, chở hai con cu gáy "mồi" trong lồng. Do đường đá ở quê nhỏ hẹp, bề rộng chỉ hơn nửa mét nên khi tránh nhau, hai xe va chạm nhẹ, khiến anh T. bị hụt chân, cùng xe ngã xuống mé mương. Mặc dù không người nào bị xây xát, hư hỏng phương tiện, nhưng ngặt nỗi hai con chim "mồi" của anh T. máng trên xe rơi xuống nước, ướt hết lông cánh.

Chuyện tưởng nhỏ, nhưng anh T. thấy trong lòng không vui khi hai con vật nuôi "cưng" của mình bị ướt, còn anh L. có ý lái xe chạy luôn. Anh T. cho rằng hai con chim "mồi" gặp tai nạn, có thể dẫn đến tâm trạng bất ổn, ảnh hưởng đến phong độ và tiếng gáy sau này. Cho rằng vật nuôi của mình sau sự cố đã bị "tổn thất tinh thần", thế là anh T. kiên quyết đòi anh L. có trách nhiệm đối với thiệt hại do anh này gây ra.

Sau một hồi cãi vã, hai bên đã lập giấy thỏa thuận, với nội dung như sau: "...anh T. yêu cầu anh L. mang hai con cu gáy của anh T. về nuôi dưỡng trong thời gian 30 ngày. Nếu đem hai con cu gáy ra vườn mà chúng cất tiếng gáy thì anh T. sẽ nhận lại, còn trong thời gian nuôi, nếu chim chết hoặc không gáy thì anh L. phải bồi thường cho anh T. số tiền là 2,5 triệu đồng. Hai bên đồng ý ký tên xác nhận, mọi thắc mắc về sau sẽ không được giải quyết".

Những con chim cu gáy nuôi tại nhà anh T.                                                                                               Ảnh: Trần Thắng

Đúng hạn một tháng, anh L. đến nhà giao trả hai con cu gáy. Sau khi kiểm tra, anh T. kiên quyết không nhận, với lý do là anh L. nuôi chim "không đạt yêu cầu", vì chúng không gáy như trong thỏa thuận. Anh L. phản đối, cho rằng hai con cu gáy mà anh cất công nuôi cả tháng nay luôn khỏe mạnh và đã cất tiếng gáy vang khắp xóm. Sau đó, anh T. làm đơn gửi Ban Nhân dân ấp, đề nghị yêu cầu anh L. bồi thường cho mình 2,5 triệu đồng như đã thỏa thuận. Ban Nhân dân ấp đã đứng ra hòa giải nhưng không thành. Vụ việc được chuyển lên UBND xã. Cô cán bộ tư pháp xã sau khi nghiên cứu hồ sơ, thấy pháp luật nước ta chưa có quy định nào liên quan đến việc buộc bồi thường về "tổn thất tinh thần" của vật nuôi. Đằng này hai con chim của anh T. vẫn còn sống, thích nhảy nhót, hay nghiêng đầu, cất cổ...

Hơn nửa tháng sau, cán bộ tư pháp tham mưu cho UBND xã mời đôi bên đến trụ sở để hòa giải. Thành phần buổi hòa giải gồm có: các cán bộ Tư pháp, Công an, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ. Riêng anh L. mang theo đến buổi hòa giải 2 con cu gáy của anh T. Sau buổi làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, nghe ý kiến của các đoàn thể, nhắc nhở những người trong cuộc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, có ý thức trong điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cùng với tấm lòng nhân ái, đoàn kết, giúp đỡ, nhường nhịn nhau, bỏ qua những hẹp hòi để vun đắp tình làng nghĩa xóm; anh L. đã chân thành xin lỗi anh T., còn anh T. vui vẻ bắt tay anh L. và nhận lại 2 con cu gáy, mang về nhà.

Bên tách trà, câu chuyện năm xưa dần đưa về thực tại. Qua hỏi thăm, được biết anh L. hiện vẫn tiếp tục làm nghề đi giao gas, tính tình niềm nở, ân cần phục vụ bà con lối xóm khi hết gas. Anh L. luôn dặn lòng: dù có gấp gáp đến mấy cũng chạy xe đảm bảo an toàn. Còn anh T. vẫn đeo đuổi nghề nuôi chim cu, gác cu, cái nghề như đã ăn vào máu thịt của anh hơn 40 năm qua. Trong căn nhà khang tranh nằm ven đường của vợ chồng anh T., rất dễ nhận ra vì có hàng chục chiếc lồng nuôi chim cu treo xung quanh. Anh T. tâm sự: Ở cù lao này, có lẽ anh là một trong số rất ít người còn đam mê thú nuôi chim cu, gác cu. Nhiều khi đi trên đường mà đầu óc anh T. cứ như "để trên ngọn cây", chỉ cần nghe tiếng chim cu gáy hay thấy bóng chúng sà xuống cây dừa nào đó là lập tức máu nghề nghiệp trong anh nổi lên. Anh T. nói: "Nghề gác cu lắm công phu, làm do yêu thích chớ ai dại gì chọn "một trong bốn cái ngu" mà làm:

Trên đời có bốn cái ngu

Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu".

Đối với nghề này, phải tuyển lựa con chim "mồi" thật hay mới hiệu quả. Thường thì anh T. chọn com chim "mồi" trong số cu gáy hoang bẫy được, rồi nuôi và huấn luyện cho thuần thục. Suốt bốn năm qua, trong số mấy chục con chim cu, anh T. chỉ chọn ra được một con chim "mồi" vừa ý. Tiếng gáy của nó phải y như... ca sĩ. Có con gáy giọng thổ, con khác gáy giọng đồng, giọng kim hay đồng pha thổ, kim pha thổ... Tiếng gáy hay mới có thể thu hút, thách thức, chiêu dụ được mấy con cu gáy trống hoang dã vì "ghét nhau tiếng gáy" mà bay đến đá nhau. Còn chuyện sập bẫy hay không cũng là do kỹ thuật lẫn hên xui. Anh T. cho biết đã chứng kiến một người mua con chim cu "mồi" với giá lên đến 20 triệu đồng. Nhưng theo anh T., con chim này chỉ ở mức khá chứ chưa phải là con chim "mồi" loại giỏi.

Khi được hỏi về 2 con chim cu "mồi" gặp nạn năm nào, anh T. cho biết đã thả về tự nhiên để chúng vui sống với cuộc đời hoang dã, mặc sức vẫy vùng. Riêng cô cán bộ tư pháp xã từng thụ lý vụ việc lúc chưa lập gia đình, thường bị bà con trêu chọc: "Bây giải quyết chuyện con chim cu tới đâu rồi?". Hy vọng rằng sau khi được anh T. thả về tự nhiên, cặp chim cu gáy vẫn khỏe mạnh, sống an toàn qua thời kỳ đại dịch Covid-19, để hàng ngày đón ánh bình minh lại cất vang tiếng gáy gọi bầy rồi tung cánh lên bầu trời giữa bát ngát mênh mông màu xanh cây trái. Có khi những con cu gáy hậu duệ của chúng còn bay vượt sông Tiền để "trao duyên" với đồng loại bên kia cầu Mỹ Thuận!

Bình luận (0)

Lên đầu trang