Tổ đình Thiên Bửu còn có tên gọi là chùa Kỳ Lân, chùa Điềm Tịnh. Tên chùa hàm nghĩa ngôi chùa là vật báu của trời, được Tổ khai sơn Hòa thượng Tế Hiển, hiệu Bửu Dương đặt tên nửa đầu thế kỷ XVIII và truyền bá chi phái Thiền Liễu Quán đầu tiên ở Ninh Hòa. Hòa thượng Bửu Dương khai sơn hai ngôi chùa và đặt tên là Thiên Bửu, để phân biệt với chùa Thiên Bửu ở thôn Bình Thành, người dân thường gọi là chùa Thiên Bửu Thượng. Chùa tọa lạc tại thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa. Trong khuôn viên chùa có cây me cổ thụ hơn 300 tuổi. Khu vườn tháp cách chùa khoảng 500m, nơi đây còn lại 6 ngôi tháp cổ của các vị sư trụ trì chùa Thiên Bửu. Các tháp có giá trị nghệ thuật, tiêu biểu là tháp tổ Bửu Dương (vị tổ khai sơn chùa). Tháp cổ có niên đại vào khoảng cuối triều Lê đầu triều Nguyễn, được chạm trổ bằng 60 hình tượng rồng và các họa tiết độc đáo trong hệ thống mộ tháp Phật giáo Việt Nam.
Chùa Thiên Bửu là một trong những ngôi chùa cổ trên đất Khánh Hòa. Chùa trải qua nhiều vị trụ trì như: Đại lão Hòa thượng Bửu Dương, Đại lão Hòa thượng Đại Trì, Hòa thượng Liễu Bửu, Đại sư Đạo Phước, Hòa thượng Phước Tường, Thầy Bảo Thành... Chùa có nhiều vị quy y, tu học, sau đi hoằng hóa trở thành danh tăng.
Tưởng niệm lần thứ 60 Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân
Ngày 07/6, tại Việt Nam Quốc Tự (Q10, TPHCM), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (TSGHPG) Việt Nam TPHCM phối hợp Hội đồng TSGHPG Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 60 Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963 - 2023). Đến dự có Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải; Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Pháp chủ GHPG Việt Nam; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam. Tại lễ tưởng niệm, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng TSGHPG Việt Nam cho biết, cách đây 60 năm, nhân dân và Phật giáo miền Nam đã dấy lên những phong trào đấu tranh đòi độc lập tự do dân chủ, thống nhất Tổ quốc của các tầng lớp nhân dân, thành phần xã hội, nhất là phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo của Phật giáo Việt Nam. Bằng tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi, Bồ tát Thích Quảng Đức đã nêu cao gương hy sinh cao cả và tinh thần yêu nước trong sáng vì sự độc lập, thống nhất đất nước, nhất là sự tồn vong của đạo pháp và tự do tín ngưỡng được ghi trong bản tuyên ngôn 5 nguyện vọng của Tổng hội Phật giáo Việt Nam phải được thực thi.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cùng các đại biểu dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức
Cùng ngày, tại Công viên Bồ tát Thích Quảng Đức, đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM do ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, làm trưởng đoàn và đoàn Ban TSGHPG Việt Nam TPHCM do Hòa Thượng Thích Lệ Trang - Trưởng ban Ban TSGHPG Việt Nam TPHCM làm trưởng đoàn, đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân và chư thánh tử đạo.
Theo Lược sử chùa Thiên Bửu, Tổ Phước Tường về trụ trì chùa trong thời gian 1922 - 1932, chùa trở nên hưng thịnh với tăng, tín đồ rất đông. Có nhiều vị đệ tử của Tổ như ngài Nhơn Sanh, Nhơn Sơn, Nhơn Thụy, Quảng Đức... là những vị đa văn, giỏi võ. Nghe danh Tổ Phước Tường, Ngài Thích Quảng Đức đã đến để cầu pháp. "Sau thời gian làm trị sự chùa Long Sơn và khi bổn sư Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm viên tịch vào năm 1921, Bồ tát Quảng Đức thọ tang thầy mình xong, đã đến cầu pháp thiền sư Thanh Chánh Quảng Đạt Phước Tường (1867 - 1932) tại chùa Thiên Bửu (thượng)... Chính vì cầu pháp với thiền sư Thanh Chánh Quảng Đạt Phước Tường, nên Bồ tát mới có thêm pháp hiệu Nhơn Tri. Từ nơi đây, đã mở ra thời kỳ hành đạo của Bồ tát Thích Quảng Đức trên vùng đất Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa" (trích Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Lê Mạnh Thát chủ biên (2005), Một số tư liệu mới về Bồ tát Quảng Đức, NXB Tổng hợp TPHCM).
Ngôi chùa cổ Thiên Bửu là một trong số ít ngôi chùa có lịch sử lâu đời gắn với nhiều sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân thị xã Ninh Hòa. Năm 1930, chùa là địa điểm tập trung thanh niên luyện tập võ nghệ, sinh hoạt văn hóa, giáo dục tinh thần yêu nước, góp phần quan trọng trong cuộc biểu tình giành chính quyền cách mạng ngày 16/7/1930 tại Ninh Hòa. Trong kháng chiến chống Pháp năm 1946, lực lượng dân quân du kích tại địa phương đã sơ tán 1 lò rèn chế tạo vũ khí, chôn 1 hòm đựng vũ khí, các tài liệu quan trọng, đài quan sát và là nơi hoạt động của ban chỉ huy. Trụ trì Tâm Kính Bảo Thành đã giúp bảo vệ an toàn bí mật tại chùa. Tháng 6/1947, trong một trận đánh địch tại đình Điềm Tịnh và gò Phú Bình, sư Tâm Kính Bảo Thành đã tiếp tế bộ đội và giúp đỡ nhiều mặt, Bộ chỉ huy họp bàn tại chùa Thiên Bửu. Ngày hôm sau, tên đồn trưởng đến vây chùa, bắt thầy trụ trì tra tấn, thả xuống giếng (hiện nay giếng vẫn còn ở vườn chùa), đốt chùa, dọa bắn nhưng thầy không khai, sau đó địch giải thầy xuống Sở, bỏ tù 6 tháng. Năm 1966, thầy Không Đăng trụ trì đã bí mật giúp phong trào thanh niên, học sinh yêu nước, thầy may cờ giải phóng và cùng phật tử viết truyền đơn, biểu ngữ, nội dung ủng hộ mặt trận liên minh, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam và cương lĩnh của Mặt trận giải phóng.
Ngôi chùa từ khi khai sơn đến nay đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. Thời Hòa thượng Tế Hiển Bửu Dương, ngôi chùa bằng tranh, đầu thế kỷ 19 trùng kiến chùa, cất chánh điện, nhà đông và nhà trù lợp tranh, đào giếng nước, xây tháp Hòa thượng Bửu Dương. Từ năm 1916 đến nay, chùa Thiên Bửu được trùng tu, sửa chữa và xây mới một số hạng mục. Ngôi chùa đã gắn bó mật thiết với người dân làng Điềm Tịnh suốt cả trăm năm qua. Đến năm 2013, chùa được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng Di tích Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của tỉnh.
Chùa Sắc tứ Thiên Ân, nơi Bồ tát hành đạo từ năm 1933 - 1943
Chùa Sắc tứ Thiên Ân do thầy trụ trì Thiên Phước khai sơn, đặt tên; "Thiên" là ý trời, "Ân" là nhờ ơn. Chùa tọa lạc tại thôn Phước Thuận, xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa với cảnh quan thoáng đãng, yên bình. Theo "Lịch sử chùa Sắc tứ Thiên Ân", Tổ Thiên Phước - Chương Chí, hiệu Bửu Tịnh khai sơn tạo lập chùa từ năm 1802, Ngài thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 38, hệ thứ 5 của Tổ Minh Hải - Pháp Bảo. Ngài là một danh tăng lỗi lạc, được vua Minh Mạng mời về dự đại lễ siêu độ "Thủy lục Đạo tràng" tại kinh đô Huế (1825) và khi trở về được sắc phong "Giới đao độ điệp".
Từ năm 1933 - 1943, Hòa thượng Thích Quảng Đức về trụ trì chùa Thiên Ân. Ngài trùng tu, sửa sang, xây dựng nơi thờ phụng, cổng tam quan, trang hoàng cảnh chùa cổ kính. Hiện nay, chùa còn lưu lại bức ảnh chụp cảnh Bồ tát Thích Quảng Đức và bốn đạo của chùa. Hòa thượng Thích Quảng Đức trụ trì chùa Thiên Ân và kiêm nhiệm trụ trì, cố vấn các chùa khác như: chùa Linh Sơn (Vạn Ninh), Thiên Tứ, Pháp Hải... Ngài thường cùng bổn đạo đi làm công quả nhiều nơi trong vùng. Năm 1936, Ngài phát nguyện nhập thất tại chùa Thiên Ân, tịnh tâm, tịnh khẩu trong 100 ngày, trong lúc đó Đại lão Hòa thượng Hải Đức đến chùa để trao đổi Phật sự, hai Ngài chỉ trao đổi bằng bút đàm (viết giấy trao đổi). Sau khi ra thất, Ngài làm Chứng minh Đạo sư Chi Hội An Nam Phật học Ninh Hòa. Năm Bảo Đại thứ 13 (1938), chùa Thiên Ân được triều đình Huế ban biển hiệu Sắc tử.
Tam quan chùa Thiên Ân
Năm 1943 - 1950, Đại sư Đồng Trí Thủ Thiên ở chùa Thiên Tứ về trụ trì chùa Thiên Ân. Trong thời gian Ngài trụ trì, có đệ tử xuất gia ở chùa Thiên Ân là thầy Đồng Thiện, thế danh là Nguyễn Tích. Giai đoạn 1945 - 1948, chùa là địa điểm để cứu chữa thương binh, tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men cho cách mạng nằm vùng khu vực thôn Phước Thuận và khu vực bắc Khánh Hòa. Lúc đó, trụ trì chùa là Đồng Trí Thủ Thiên, thế danh Đỗ Chánh và thầy Đồng Thiện, thế danh là Nguyễn Tích làm cán bộ cơ sở cách mạng chống Pháp.
Ngày 06/01/1946, chùa là địa điểm bầu cử Quốc hội khóa I ở địa phương. Tháng 8/1948, chùa bị Pháp đập phá và gỡ toàn bộ gạch, ngói, gỗ để đóng đồn bốt trong làng Phước Thuận. Năm 1950, thầy Đồng Trí Thủ Thiên trong khi hoạt động cách mạng đã bị thực dân Pháp bắt giam tại đồn Phước Thuận. Pháp tra tấn thầy dã man, nên sau khi được thả về thầy đã từ trần và được nhà nước công nhận là liệt sĩ, truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Ngày 10/5/1973, thầy Đồng Thiện (tức Nguyễn Tích) đã hi sinh khi đi đưa tin, được Nhà nước công nhận liệt sĩ, hiện nay bằng công nhận liệt sĩ được đặt trên bàn thờ trong gian thờ Tổ của chùa Thiên Ân.
Chùa Thiên Ân có Bia Di tích lịch sử, Bia tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức in hình chân dung và tiểu sử của Ngài. Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, chùa là nơi che giấu, nuôi dưỡng và liên lạc của cách mạng tại vùng bắc Ninh Hòa. Hàng năm, chùa Thiên Ân tổ chức các ngày kị tổ của chùa, ngày kị tổ Bồ tát Thích Quảng Đức tổ chức vào ngày 18/4 âm lịch.
Ngày 30/12/2016, chùa Thiên Ân được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Bia Di tích chùa Thiên Ân ghi: "Chùa Thiên Ân do Hòa thượng Thiên Phước khai sáng vào đầu thế kỷ XIX. Nơi đây, Bồ tát Thích Quảng Đức (1897 - 1963) đã trụ trì từ năm 1933 đến năm 1943. Ngài trở thành biểu tượng tinh thần của Phật giáo Việt Nam, là tấm gương sáng của muôn người con Phật đấu tranh cho hòa bình, tự do, bình đẳng, hạnh phúc và được đời đời ghi nhớ. Trong giai đoạn từ năm 1945 đến 1975, chùa Thiên Ân là địa điểm diễn ra các hoạt động liên quan đến lịch sử cách mạng của địa phương".
Hiện nay, chùa Thiên Ân được Đại đức Thích Nhuận Thật quản lý trực tiếp, cùng với Ban hộ tự chùa, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, chùa bảo tồn và phát huy giá trị di tích thông qua hoạt động văn hóa tín ngưỡng, liên kết các di tích góp phần trong hoạt động du lịch và cùng các trường học giáo dục lịch sử - văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.
(CATP) Đã 60 năm qua, trong ký ức những người Việt Nam yêu hòa bình luôn in đậm ngọn lửa và trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức.