Vụ "Trà Vinh: Ai trục lợi tiền hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số?":

Buộc thôi việc giám đốc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất

Thứ Năm, 17/09/2020 10:33  | Thiện Thảo

|

(CATP) Sau khi các cơ quan chức năng kỷ luật ông Lê Thanh Vũ, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Chi nhánh H.Trà Cú (Trà Vinh) bằng hình thức buộc thôi việc, ông này có đơn xin nghỉ việc. Chúng tôi gặp bà Thạch Thị KRưm (72 tuổi), người bị đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Trà Vinh và phát hiện nhiều điều bất ngờ.

CÓ NHÀ TÌNH THƯƠNG VẪN ĐƯỢC XÉT VÀO TRUNG TÂM BTXH

Như chúng tôi đã thông tin, qua kiểm tra 366 hồ sơ hộ dân tộc thiểu số địa bàn H.Trà Cú được miễn, giảm tiền sử dụng đất (SDĐ), thanh tra phát hiện có 153 hồ sơ không đúng quy định, đồng bào dân tộc bị 83 đối tượng lợi dụng chế độ chính sách được miễn, giảm tiền SDĐ gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền gần 24 tỷ đồng và một hồ sơ công nhận quyền SDĐ với diện tích 147,8m2 không đúng quy định.

Dư luận hết sức ngạc nhiên với sai phạm nghiêm trọng trên nhưng chỉ dừng lại mức xử lý hành chính. Đặc biệt, một hồ sơ công nhận quyền SDĐ với 147,8m2 có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà người liên quan là ông Lê Thanh Vũ, người vừa viết đơn xin nghỉ việc.

Để rõ thực hư, chúng tôi tìm đến Trung tâm BTXH tỉnh Trà Vinh gặp bà KRưm. Hiện bà vẫn không biết nguyên nhân vì sao được đưa vào trung tâm. "Chính quyền địa phương cho rằng hoàn cảnh tôi khó khăn nên tôi được xét vào trung tâm. Tôi không có đơn và vẫn còn khỏe mạnh mà”, bà KRưm thú thật. Tại Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH ghi rõ: "Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, không có điều kiện sống ở cộng đồng..." mới được tiếp nhận vào Trung tâm BTXH.

Tuy nhiên, đối với trường hợp bà KRưm có nhiều điểm bất hợp lý. Năm 1999, bà KRưm bán vé số, không có chỗ ở nên cất cái chòi diện tích 147,8 m2 (tọa lạc khóm 3, thị trấn Trà Cú) do UBND H.Trà Cú quản lý. Thời gian này, chính quyền địa phương cất cho bà KRưm căn nhà tình thương tại phần đất trên để không còn cảnh dột nát khi mùa mưa đến. Năm 2013, bà về xã Phước Hưng sống với người quen.

Thấy hoàn cảnh bà KRưm đơn chiếc, người cháu rủ bà về ở chung tại ấp Giồng Chanh A (xã Long Hiệp, H.Trà Cú). Đến tháng 4-2019, chính quyền địa phương hỗ trợ bà KRưm căn nhà tình thương lần hai trên phần đất của người cháu tại ấp Giồng Chanh A trong khi bà đang ở Trung tâm BTXH tỉnh Trà Vinh. Như vậy, hồ sơ để bà KRưm vào Trung tâm BTXH tỉnh không đúng đối tượng. Thời điểm trên, bà đang sống với người thân và không có đơn cũng như nguyện vọng vào Trung tâm BTXH tỉnh Trà Vinh.

KÝ HỒ SƠ CÁN BỘ CHO 2 TRIỆU ĐỒNG

Theo kết luận thanh tra khu đất của bà KRưm, ngày 2-4-2018, UBND H.Trà Cú ban hành quyết định số 484/QĐ-UBND về việc công nhận quyền SDĐ ở có thu tiền SDĐ (giảm 50%) đối với bà Thạch Thị KRưm (ngụ ấp Giồng Chanh A, xã Long Hiệp, H.Trà Cú) với diện tích 147,8m2 tại tờ bản đồ số 20, khóm 3, thị trấn Trà Cú. Ngày 3-4-2018, bà KRưm được chính quyền địa phương lập hồ sơ đưa vào Trung tâm BTXH tỉnh Trà Vinh. Ngày 9-4-2018, bà KRưm được nhận giấy chứng nhận quyền SDĐ.

Bà Thạch Thị KRưm tại Trung tâm BTXH tỉnh Trà Vinh

Ba ngày sau, bà KRưm chuyển nhượng mảnh đất trên cho ông Nguyễn Khả Mạnh (ngụ khóm 3, thị trấn Trà Cú). Cùng ngày, ông Mạnh được Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền SDĐ chi nhánh H.Trà Cú cấp chỉnh lý biến động sang tên cho ông Mạnh. Ngày 16-4-2018, ông Mạnh chuyển nhượng mảnh đất trên cho ông Lê Thanh Vũ, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền SDĐ chi nhánh H.Trà Cú. Ngày 19-6-2018, ông Vũ được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ.

Thanh tra kết luận, UBND huyện Trà Cú lập hồ sơ cấp đất cho bà KRưm không đúng đối tượng theo quy định của pháp luật về đất đai. Hồ sơ mua bán đều do ông Mạnh làm có ông Vũ hướng dẫn và ông Võ Thanh Bình - Chủ tịch UBND thị trấn Trà Cú xác nhận. Thanh tra làm việc, ông Vũ thừa nhận sai và trả lại giấy chứng nhận quyền SDĐ mảnh đất trên.

Thế nhưng trao đổi với chúng tôi, bà KRưm nhớ lại: "Khi tôi vào trung tâm, cán bộ thị trấn có đến tìm. Họ đưa giấy tờ kêu tôi ký, tôi lăn tay. Tôi không chịu bởi tôi đâu biết chữ, ký bậy ở tù chết. Họ đưa tôi 500 ngàn đồng, tôi không chịu ký. Thấy vậy, họ nâng lên đến 2 triệu đồng rồi đưa cây viết kêu tôi ký vô đại đi...".

Về khu đất của mình, bà KRưm nói tiếp: "Lúc tôi ở nhà người quen, tôi có bán căn nhà tình thương chớ không bán đất. Tôi không biết từ ngày vào trung tâm khu đất tôi ở như thế nào". Bà KRưm đâu biết rằng, trước một ngày đưa vào Trung tâm BTXH tỉnh Trà Vinh, bà được cấp đất. Và không bao lâu sau, bà chuyển nhượng lại cho người khác dù bà không hay biết (?!).

NHIỀU CÁN BỘ LIÊN QUAN XIN RÚT KINH NGHIỆM

Chiều 16-9, vị cán bộ lãnh đạo H.Trà Cú xác nhận, địa phương tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm đối với các cán bộ có liên quan. "Hầu hết, các cán bộ có liên quan đều xin nhận rút kinh nghiệm. Huyện thống nhất bởi không có dấu hiệu tư túi, hợp tác tốt với cơ quan thanh tra, khắc phục tài chính tương đối lớn...", vị cán bộ này nói.

Theo lời vị cán bộ trên, vụ việc được phát hiện do ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND H.Trà Cú, chủ động báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra về thực hiện chính sách miễn giảm tiền SDĐ đối với đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện. Thanh tra kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với ông Lê Hồng Phúc.

Riêng đối với 83 đối tượng lợi dụng chính sách đồng bào dân tộc để được miễn giảm tiền SDĐ không đúng quy định gây thất thoát ngân sách gần 24 tỷ đồng không bị xem xét trách nhiệm hình sự do nhiều đối tượng tự giác nộp khắc phục hậu quả hơn 18 tỷ đồng. Ngoài ra, 3 đối tượng lợi dụng 3 hồ sơ nhưng đất chuyển nhượng cho người khác và không có khả năng nộp nên xin nộp chậm với số tiền gần 500 triệu đồng, 12 đối tượng lợi dụng 13 hồ sơ với số tiền 2,2 tỷ đồng xin hủy hồ sơ chuyển mục đích SDĐ.

Như vậy, vụ lợi dụng chính sách đồng bào dân tộc gây thất thoát ngân sách gần 24 tỷ đồng chỉ dừng lại xử lý hành chính...? Đặc biệt, trường hợp ông Lê Thanh Vũ vi phạm pháp luật rõ nhưng xếp hồ sơ với hình thức buộc thôi việc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang