Lạm thu trong trường học: Càng chống, càng bùng phát!

Thứ Hai, 17/10/2022 11:23

|

(CATP) Cứ đến đầu năm học mới, phụ huynh lại bức xúc về tình trạng lạm thu trong trường học. Lạm thu như căn bệnh mạn tính, càng chống càng bùng phát. Lạm thu cũng là một hình thức tham nhũng, làm tổn thương ngành giáo dục. Làm sao chống lạm thu hiệu quả đang là câu hỏi rất khó...

Vượt cả "hàng rào phòng thủ”

Tại buổi họp báo về tình hình dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM chiều 13-10, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM cho biết, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra về tình hình lạm thu ở các trường. Trong tuần này và tuần sau đoàn sẽ kiểm tra tất cả các cơ sở giáo dục liên quan đến thu, chi đầu năm học.

Ông Hồ Tấn Minh khẳng định, HĐND TPHCM thông qua mức học phí mới, vẫn giữ nguyên mức học phí năm học 2021 - 2022, phần còn lại ngân sách TP bù đắp nhằm bảo đảm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục, phụ huynh không cần phải đóng thêm khoản nào liên quan đến học phí.

Tình hình đó cho thấy, lạm thu ở TPHCM trong năm học mới đang rất nóng, dù Sở GD-ĐT TP đã có công văn chấn chỉnh; tỉnh thành nào cũng có công văn tương tự. Ngay sau khi kết thúc năm học 2021 - 2022, Bộ GD-ĐT cũng có công văn 2153/BGDĐT-KHTC 2022 hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2022 - 2023. Năm nào Bộ GD-ĐT, các địa phương cũng có văn bản chống làm thu, hình thành các "hàng rào phòng thủ” nhưng căn bệnh lạm thu chẳng những khó chấm dứt, lại còn bùng phát với những diễn tiến đáng lo ngại hơn, có vẻ như càng chống lạm thu càng bùng phát.

Một buổi họp phụ huynh đầu năm học, chuyện thu tiền phụ huynh chiếm thời gian không nhỏ.

Các trường sẵn sàng nghĩ ra nhiều khoản thu đáng kinh ngạc và lạ lùng. Một trường THPT ở Hải Phòng vận động phụ huynh đóng góp xây... trạm biến áp "xã hội hóa"! Trường Tiểu học Kỳ Trinh ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, hơn 100 học sinh (HS) mới bước chân vào lớp 1 năm học mới đã được yêu cầu phải đóng mỗi em gần 1 triệu đồng tiền đầu năm để mua 45 bộ bàn ghế, 3 cái bảng, rèm cửa, mà những khoản này lẽ ra ngân sách địa phương phải chi trả...

Một trường THCS khá nổi tiếng ở Q3, TPHCM gây choáng váng với bảng dự tính thu chi hỗ trợ hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS một lớp 9 lên đến 270 triệu đồng, trong đó có cả dự chi tiền Tết, quà ngày Nhà giáo Việt Nam cho từ ban giám hiệu, cô giáo chủ nhiệm đến bảo mẫu, bảo vệ... Thực ra không chỉ quỹ phụ huynh lớp 9, quỹ các lớp khác của trường này đều rất nhiều tiền để chi những khoản rất lạ kỳ và phi lý.

Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7, TPHCM gây sốc với bảng dự trù kinh phí hoạt động năm học 2022 - 2023 của ban đại diện cha mẹ HS lớp 1/3, với 27 nội dung chi, trong đó có nhiều khoản gây sốc như "chăm cô”, chi thưởng Tết, lễ cho cả ban giám hiệu... Các năm trước trường này cũng "nổi tiếng" về lạm thu nhưng chẳng thấy cơ quan nào nhắc nhở, cảnh báo, còn phụ huynh thì "cắn răng" đóng góp.

Đó chỉ là một vài trường hợp lạm thu điển hình bị "công khai". Thực ra trong những năm qua, nhiều trường lợi dụng danh nghĩa hội phụ huynh đã lạm thu rất cao, như niên khóa 2020 - 2021, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (Q12, TPHCM) dự thu chi quỹ hội phụ huynh của trường lên đến hơn 1,2 tỷ đồng.

Những thông tin lạm thu gây sốc như vậy, tỉnh thành nào, địa phương nào cũng có. Cùng với đó là hàng loạt các văn bản chống lạm thu để điều chỉnh, nhưng càng điều chỉnh, càng chống, lạm thu như một căn bệnh mạn tính, bất trị và ngày càng trầm kha, khó chữa.

Những khoản chi rất lạ lùng trong bảng dự chi của một lớp 9 ở một trường THCS tại Q3, TPHCM

Lạm thu: Hình thức tham nhũng trong giáo dục

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (IT), thu những khoản lệ phí không chính thức trong trường học cũng là một hình thức tham nhũng. IT định nghĩa tham nhũng trong giáo dục rất rõ ràng: "Là việc lạm dụng quyền lực để đạt được những lợi ích cá nhân, có thể xảy ra trong quá trình xây dựng chính sách, gian lận tài sản, dạy thêm, học thêm, lạm thu, tuyển sinh, cho điểm, công nhận tốt nghiệp, đạo văn...". Theo một báo cáo về tính minh bạch trong giáo dục, các nhà nghiên cứu cho rằng tham nhũng trong giáo dục chính là hành vi "đánh cắp tương lai" của chính đối tượng thụ hưởng là HS, sinh viên".

Hậu quả của tham nhũng trong giáo dục làm xói mòn chuẩn mực đạo đức, góp phần làm xuống cấp giá trị đạo đức của giáo viên và HS vì gây thiệt thòi cho những người sống chính trực. Làm tăng chi phí và bất bình đẳng: Tham nhũng trong giáo dục đe dọa tăng chi phí giáo dục cho các hộ gia đình, làm tăng nguy cơ bỏ học của con em các gia đình không có đủ điều kiện chi trả các khoản ngoài quy định. Từ đó, tham nhũng trực tiếp làm tăng bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Giáo dục cũng là ngành rất dễ bị tổn thương với những hành vi tham nhũng, trong đó có cả hành vi dạy thêm học thêm, lạm thu.

Nếu đối chiếu với Thông tư 55 (ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS) của Bộ GD-ĐT mà ban giám hiệu trường nào cũng đều biết, thì các hình thức lạm thu như hiện tại đều vi phạm và trái với quy định, trong đó có cả việc không cho phép ban đại diện cha mẹ HS quyên góp của phụ huynh để "chăm cô”, khen thưởng thầy cô giáo, kể cả ban giám hiệu; tổ chức nhân sự bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...

Ngoài Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT, tỉnh thành nào cũng có những quy định rất cụ thể về công tác chống lạm thu, hướng dẫn những khoản thu đầu năm... Dù vậy, hầu hết các trường đều thu sai, cố tình thu sai, gây nên những phản ứng dữ dội từ phụ huynh.

Hiểu sai xã hội hóa giáo dục

Vì sao tình trạng lạm thu vẫn diễn ra và ngày càng có nhiều trường, đặc biệt là các trường ở các thành phố lớn lạm thu càng tăng?

Theo số liệu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, tính theo tỷ lệ GDP, mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9% GDP, chỉ kém Malaysia 5%, còn cao hơn các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia 1,9%, Singapore 2,9%, Lào 3,3%. Dù vậy mức chi cho giáo dục chưa đạt 20% tổng chi ngân sách mà Luật Giáo dục 2019 đã đề ra như báo cáo ngày 10-10-2022 của Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi các đại biểu Quốc hội về hoạt động giáo dục và thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022. Qua đó, kiến nghị Quốc hội bảo đảm tỷ lệ chi cho giáo dục đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm, theo yêu cầu tại Nghị quyết 37 và Luật Giáo dục.

Nhìn chung, mức chi cho giáo dục của nước ta như vậy là khá cao. Đó là chưa tính phần đóng góp của người dân cho giáo dục. Tính trung bình, gia đình đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho HS (mầm non, tiểu học, phổ thông) đi học và mức đóng góp có xu hướng tăng dần theo cấp học. Trong đó, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình HS phổ thông: Đối với tiểu học là 32%; THCS là 42% và THPT là 43%. Vì vậy việc lạm thu dẫn đến tăng gánh nặng cho phụ huynh, đặc biệt với phụ huynh có thu nhập trung bình và thấp, gây phản ứng xã hội.

Ở góc độ khác, cũng cần thấy rằng 80 - 90% nguồn thường xuyên cho các nhà trường hiện nay dùng vào việc chi lương cho giáo viên, phần còn lại quá ít không thể đáp ứng các yêu cầu, hoạt động khác. Vì vậy, các trường luôn cần những khoản hỗ trợ ngoài ngân sách để hoạt động, xây dựng các phong trào, ngoại khóa...

Để đủ kinh phí, ban giám hiệu các trường dựa vào phụ huynh, xin tiền tài trợ của phụ huynh, dẫn đến thiếu kiểm soát, hay cố tình không kiểm soát, dẫn đến lạm thu. Các trường có lạm thu đã hiểu sai chủ trương xã hội hóa giáo dục. Khi ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật khi kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục, dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp.

Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã có từ lâu, có các văn bản hướng dẫn và phải được thực hiện vận động trên tinh thần tự nguyện trong khả năng của phụ huynh chứ không phải ép phụ huynh phải đóng; không được dựa vào hội phụ huynh như "lá chắn" để tổ chức lạm thu. Xã hội hóa không chỉ thu tiền phụ huynh mà còn vận động nhiều nguồn lực, nhân lực, trí lực để phục vụ công việc giảng dạy chớ không phải để lấy tiền "chăm cô”, thưởng ban giám hiệu...

Nguyên tắc của xã hội hóa là phải công khai nhưng các trường không làm như vậy, cứ giấu giấu, lâu lâu "xì” ra những khoản đóng góp phi lý làm cho phụ huynh và xã hội bức xúc.

Một số nền giáo dục các quốc gia khác cũng chấp nhận xã hội hóa nhưng phải công khai. Như tại Ấn Độ, các trường đều công khai các khoản ngân sách cấp cho trường, công khai tuyển sinh, công khai chương trình dạy và học... để phụ huynh và xã hội giám sát. Cách làm này rất đáng suy ngẫm. Đối chiếu nhiều trường hợp lạm thu tại các trường, tuyệt đại đa số đều không công khai, dẫn đến những phản ứng bất lợi, thậm chí nhập nhằng trong việc chi tiêu, tiêu cực trong vận động xã hội hóa.

Một câu hỏi rất khó đặt ra: Làm sao chống lạm thu có hiệu quả; làm sao không để tình trạng lạm thu cứ diễn ra hàng năm vào đầu năm học mới?

Trước hết Bộ GD-ĐT cần rà soát lại các văn bản xã hội hóa giáo dục, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần rà soát, cập nhật Thông tư 55 một cách chặt chẽ hơn, hợp lý hơn và phổ biến đến với cha mẹ HS, Ban đại diện cha mẹ HS. Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. Hướng dẫn việc xã hội hóa giáo dục thật cụ thể và xử phạt nghiêm minh người đứng đầu trong các trường hợp lạm thu gây bức xúc dư luận.

Chống lạm thu cần có giải pháp thực tiễn và nghiêm minh, trong đó có việc các địa phương cần cấp đủ ngân sách cho giáo dục. Nếu không làm mạnh và khoa học, cứ đến đầu năm học mới lạm thu sẽ trở lại. Học phí theo lộ trình sẽ tính đủ chi phí trong những năm tới, cộng với lạm thu vô tội vạ, thì gánh nặng đè lên vai phụ huynh càng ngày càng nặng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang