Nhiều người dân thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội đang mất ăn, mất ngủ vì tiền chơi hụi đang “kẹt” trong tay chủi hụi không thể rút ra. Thông tin vỡ hụi bắt đầu từ tháng 11-2017, khiến cuộc sống người dân tại đây đảo lộn, nhiều người góp hụi có những hoàn cảnh hết sức éo le.
Bà S. trong cảnh bị đuổi khỏi nhà, lang thang khắp nơi nhiều ngày qua, vì không lấy được tiền hụi
Trong đó, có cụ già gần 90 tuổi ngày ngày nước mắt lưng tròng, mòn mỏi đợi tiền để an dưỡng. Lại có gia đình chỉ đi nhặt ve chai, chồng bị câm điếc cố gắng tích cóp đưa vào hụi đợi đến lượt lấy để xây nhà. Giờ đau đáu, không biết lấy tiền đâu để hoàn thiện căn nhà mơ ước của gia đình.
Đau đớn hơn cả, vỡ hụi làm cuộc sống của một số gia đình rơi vào ly tán. Điển hình như trường hợp bà S., cả tháng qua, bà vật vờ sống nhờ người thân quen trong xã sau khi cơn “lốc” vỡ hụi. Vì việc này mà chồng bà S. đã đuổi bà ra khỏi nhà.
“Sự việc vỡ lở, cả thôn ai cũng khổ. Khổ nhất vẫn là bà S., bà ấy chơi tới 600 triệu, chồng đuổi đi không cho về nhà, đốt hết quần áo, chăn màn. Một tháng nay, bà ấy cứ đi lang thang khắp nơi vì không dám về nhà”, một người dân trong thôn Mai Châu cho biết.
Người dân thôn Châu Mai cho biết thêm, sau khi vỡ hụi bà S. ngồi cả ngày ở cổng nhà bà P. (chủ hụi) gào khóc và mong được trả tiền. Tuy nhiên, cũng vô ích, tiền không lấy lại được, nhà có cũng không được về. Bà S. cứ lang thang từ đầu làng đến cuối làng, mặc mỗi cái áo rách tả tơi.
Người đàn bà luống tuổi lang thang trên chiếc xe đạp cọc cạch suốt cả tháng trời
Có hôm bà S. về nhà băm rau cho cá ăn bị chồng phát hiện lại đuổi đi. Một người dân chen ngang giọng chua chát: “Dân ở đây ai cũng thương bà ấy, hơn 50 tuổi mà đầu bạc trắng chỉ vì nghĩ đến tiền hụi không biết đến khi nào mới lấy được”.
Gặp chúng tôi với bộ dạng tiều tụy, trong nhịp đạp xe hối hả, bà S. mắt đỏ hoe, đội chiếc nón lá luống cuống đi khỏi đám đông đang đổ dồn ánh mắt vào bà. Bà S.cho biết, gia đình bà đóng góp vào hụi do bà P. làm chủ lên tới 600 triệu đồng, từ nhiều ngày nay bà mất ăn mất ngủ, tóc bạc trắng đầu.
“Bây giờ tôi mệt mỏi lắm rồi. Tôi không biết phải đi đâu về đâu khi chồng tôi đốt sạch quần áo, đánh đập, đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi có nhà mà như không. Chủ hụi họ nói trả tôi 2 sào ruộng, không biết họ có làm đúng như vậy hay không?”, bà S. rớm lệ khi nói về tình cảnh bi đát của mình.
Bà Đào Thị Phơi (64 tuổi, ở xóm 7) cũng điên đảo trong thông tin vỡ hụi. Bà Phơi sống cùng con trai tên Hoàng Như Bền bị câm điếc bẩm sinh trong căn nhà cấp bốn dột nát, xập xệ.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà mong muốn con cố gắng xây được nhà mới lấy chỗ che nắng che mưa, bà chết cũng thỏa lòng. Thương mẹ già, anh Bền cùng vợ ngày ngày tần tảo rong ruổi khắp các làng quê nhặt ve chai kiếm tiền tích cóp thực hiện ước nguyện của mẹ.
Tích cóp được số tiền 90 triệu đồng chưa đủ để xây nhà, vợ chồng anh đã quyết định đi theo đường dây hụi của bà P. để giữ tiền và có thêm lãi. Tháng 10 vừa qua, gia đình bắt đầu xây lại nhà mới, khi công trình vừa xong phần móng, anh Bền chết đứng khi đến lượt mình lấy tiền nhưng chủ hụi không thể trả để cho anh xây nhà.
Nhà bà P. chủ hụi luôn đóng cửa im ỉm nhiều ngày qua
Bà Phơi nói với giọng đắng cay: “Nhà đang xây dở, không lấy được tiền, vợ chồng nó lại phải vay lãi ngân hàng để xây cho xong. Từ ngày vỡ hụi, 2 đứa con lớn của nó cũng phải bỏ học phụ giúp bố mẹ kiếm tiền trả nợ.
Hai vợ chồng kiếm ve chai thì không biết khi nào mới đủ tiền trả nợ. Tự dưng không đâu vì quá tin tưởng người cùng làng mà gia đình tôi đổ nợ, khó khăn muôn phần. Mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ vụ việc để người dân chúng tôi được yên tâm sinh sống, làm việc tại địa phương”.
Được biết, sau thông tin vỡ hụi lan truyền, bà P. đã đi bệnh viện tâm thần Ba Thá khám chữa bệnh, nhưng hiện đã về lại địa phương sinh sống và tránh mọi cuộc tiếp xúc với người lạ.