Nhận được tin báo, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CSPCCC&CNCH) - Công an (CA) Q3, Công an TPHCM (CATP) cùng sự chi viện của Đội PCCC&CNCH Khu vực 1 thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - CATP lập tức đến hiện trường. Một cụ già và một phụ nữ kẹt lại trong đám cháy nhanh chóng được cứu thoát, mạnh khỏe, an toàn… Các anh đã lập được chiến công thầm lặng một cách ấn tượng trong lòng mọi người.
Cứu hai người kẹt lại trong đám cháy
Thiếu tá Phạm Nguyễn Thành Công, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Q3, cho biết: "Lúc 4 giờ 8 phút ngày 24-6-2022, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH nhận tin báo cháy nhà dân tại số 355 Điện Biên Phủ, P4Q3 từ Trung tâm thông tin chỉ huy 114, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - CATP.
Sau khi nhận tin báo 1 phút, CBCS trong đơn vị nhanh chóng xuất xe CN 1.7, chiếc Sides, xe chuyên dùng cùng 22 CBCS đến hiện trường triển khai công tác cứu nạn khi phát hiện có 2 phụ nữ kẹt bên trong, đồng thời triển khai công tác chữa cháy". Lực lượng PCCC&CNCH do Thiếu tá Phạm Nguyễn Thành Công trực tiếp chỉ huy cứu nạn và chữa cháy tại hiện trường.
Đến nơi, thấy đám cháy đang lan nhanh từ lầu 1 lên lầu 2 của ngôi nhà đồng thời phát hiện 2 người bị kẹt lại bên trong, không ngần ngại hiểm nguy giữa đám cháy và khói mịt mù bốc lên, bằng biện pháp nghiệp vụ, các CBCS đơn vị lập tức triển khai công tác cứu người bị nạn và triển khai đội hình chữa cháy. Song song với đó, Đội PCCC&CNCH CAQ3 báo cáo xin chi viện.
Ngay sau đó, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Khu vực 1 thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - CATP đã điều động xe chỉ huy, 2 xe cứu hỏa, xe thang, xe CNCH, xe chuyên dùng cùng 36 CBCS do Thiếu tá Phạm Minh Tráng - Phó đội trưởng - phụ trách, lên đường làm nhiệm vụ. Công tác CNCH diễn ra khẩn trương, khi xung quanh hiện trường vụ cháy có rất nhiều nhà dân. Trong căn nhà đang cháy, mọi người phát hiện hai nạn nhân đang chới với cầu cứu, trong đó có một cụ bà.
Người dân vui mừng khi chiến sĩ chữa cháy cõng cụ bà 85 tuổi xuống đất
Chỉ sau ít phút đến hiện trường, lực lượng phối hợp giữa Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Q3 cùng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Khu vực 1 của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - CATP đã triển khai thang II cứu nguy 2 người bị kẹt tại lầu 2. Do cửa bị khóa, từ bên ngoài lực lượng PCCC phải phá cửa phun nước, đồng thời lực lượng CNCH dùng thang trèo lên lầu đưa hai nạn nhân xuống.
Trong đó, ấn tượng nhất là hình ảnh cụ bà được chiến sĩ PCCC&CNCH cõng từ lầu qua thang xuống đất an toàn trong tiếng reo vỡ òa của những người chứng kiến giữa khung trời dần sáng. Cả hai - cụ bà Nguyễn Thị Vân (85 tuổi) và chị Lê Thị Tuyết Nhung (30 tuổi) - được đưa vào Bệnh viện Bình Dân chăm sóc ngay sau đó.
Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - CAQ3 phối hợp với Đội PCCC&CNCH Khu vực 1 thuộc Phòng CSPCCC& CNCH - CATP đã triển khai 6 lăng B chữa cháy và làm mát, máy bơm, vòi tiếp nước... khống chế, dập tắt vụ cháy tại nhà 355 Điện Biên Phủ, P4Q3 sau khoảng 30 phút.
Hiện nguyên nhân đang được làm rõ, ngôi nhà có diện tích 1 trệt 2 lầu, vụ cháy làm hỏng một số vật dụng trong gia đình, diện tích cháy khoảng 4/80m2 tại lầu 1 và 4/80m2 ở lầu 2; bảo vệ được 76m2 còn lại của lầu 1 và 76m2 còn lại của lầu 2, không để ngọn lửa lan xuống tầng trệt và các hộ xung quanh.
Cụ Vân vừa thoát khỏi nguy hiểm trong gang tấc
Kết quả của lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm cao
Sau khi dập tắt hoàn toàn đám cháy, cứu được 2 người an toàn, đảm bảo tính mạng và khống chế, không để ngọn lửa lan rộng, lực lượng PCCC&CNCH đã bảo vệ thành công khu vực nhà dân đông đúc. Thiếu tá Phạm Nguyễn Thành Công - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - CAQ3 - cho biết: "Trong công tác cứu người ở vụ cháy nhà dân tại địa chỉ 355 Điện Biên Phủ, P4Q3, lực lượng PCCC&CNCH đã đảm bảo an toàn cho nạn nhân, triển khai đồng bộ các biện pháp vừa cứu người vừa chữa cháy, ngăn chặn cháy lan, hỗ trợ làm mát cho lực lượng tiếp cận nạn nhân, chấp hành nghiêm chiến thuật đề ra và mệnh lệnh chỉ huy. Các CBCS đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, tận tâm phục vụ nhân dân, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, góp phần vào sự bình yên của thành phố".
Qua vụ hỏa hoạn này, người dân cũng cần cảnh giác, trước khi đi ngủ nên tắt các thiết bị điện không cần thiết; thường xuyên kiểm tra, thay thế những thiết bị điện đã cũ, hư hỏng, đường dây điện âm tường hoặc đi trong ống PVC, lắp CB tự ngắt ở các khu vực...
Bên cạnh đó, Q3 đang phát động phong trào mỗi nhà đều có 2 lối thoát nạn và bình chữa cháy. Nếu không thoát được xuống tầng trệt ra bên ngoài thì có thể ra ban công, lên sân thượng sang nhà bên cạnh hoặc khu vực an toàn, đảm bảo thông thoáng không bị ngạt khói. Nhà ở có ban công, cửa sổ nơi mặt tiếp giáp với đường giao thông, cần bảo đảm thông thoáng để thoát nạn khi cần thiết; trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt thì nên bố trí ô cửa để thoát nạn khi xảy ra cháy nổ...
Các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH lập chiến công thầm lặng
Đối với tầng mái (sân thượng) nên có lối lên từ tầng dưới qua cầu thang hoặc ô cửa có kích thước đủ rộng để có thể di chuyển lên mái và tính toán đến khả năng thoát nạn sang nhà liền kề. Trường hợp lắp đặt cửa cuốn thì cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở cửa khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng. Cửa đi ra ngoài tại tầng 1 nên sử dụng loại có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn; nên bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng...) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Bên cạnh đó, tại các hộ gia đình nên sắp xếp vật dụng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (tủ điện, ổ cắm...) tối thiểu 0,5m.
Mọi người cũng cần lưu ý không tích trữ, chứa xăng dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy trong nhà; trường hợp cần thiết chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian ngắn và bảo quản nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; không bảo quản, sử dụng chất khí, chất lỏng dễ cháy nổ trong tầng hầm, cùng với khu vực có nhiều vật dụng, hàng hóa dễ cháy và trong phòng ngủ...
(CAO) Ngay sau khi đến hiện trường, cảnh sát đã nhanh chóng phá cửa, cứu hai nạn nhân kẹt trong hỏa hoạn ra ngoài an toàn.