TPHCM: Còn nhiều cơ sở SXKD, chung cư chưa đáp ứng yêu cầu PCCC

Thứ Sáu, 24/06/2022 18:12

|

(CAO) Chiều 24-6-2022, Công an TPHCM có buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP về tình hình thực hiện Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND ngày 07-12-2017 của HĐND TP quy định về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về Phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) trên địa bàn TPHCM.

Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Văn Đạt – Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP; Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng – Phó Giám đốc CATP cùng đại diện lãnh đạo Công an các phòng ban nghiệp vụ, quận, huyện, TP Thủ Đức và sở ban ngành có liên quan trên địa bàn TPHCM.

Tại buổi làm việc, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan – Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) CATP báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND ngày 07-12-2017 của HĐND TP (Nghị quyết số 23) quy định về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn TPHCM.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 23
06 vụ cháy gồm: Cháy tại Công ty TNHH dệt may Tín Huy (đường Phạm Văn Sáng, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) ngày 16-12-2017 gây thiệt hại 98 triệu đồng, nguyên nhân do bông lẫn vào kim loại tạo ma sát gây cháy; Cháy tại Ký túc xá Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (đường Trần Hưng Đạo, P.1, Q.5) ngày 11-7-2019 gây thiệt hại 47 triệu đồng, nguyên nhân do sự cố điện; Cháy tại Nhà hát kịch TP (đường Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, Q.1) ngày 02-10-2019, nguyên nhân do cháy ổ cắm điện trên bàn sửa chữa thiết bị; Cháy tại chung cư Viễn Đông (đường Trần Hưng Đạo, P.6, Q.5) ngày 24-8-2020 gây thiệt hại 01 máy lạnh cũ, 01 tủ quần áo bằng nhựa, nguyên nhân cháy do sự cố điện của máy quạt; Cháy kiot tại chợ Bình Chiểu (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) ngày 31-01-2021, nguyên nhân do sự cố hệ thống điện; Cháy tại lầu 4, Ký túc xá Trường ĐH Kinh tế TPHCM (đường Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.5) ngày 10-10-2021 thiệt hại tài sản ước tính khoảng 2,7 triệu đồng, nguyên nhân cháy do chập điên từ nguồn ổ cắm điện.

Từ khi tổ chức thực hiện Nghị quyết số 23, tình hình cháy, nổ tại các cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết đã được kiềm chế đáng kể. Đến nay, tổng số vụ cháy liên quan đến các cơ sở thuộc diện đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết là 06 vụ.

Qua công tác điều tra, khảo sát nắm tình hình, số cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PC&CC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PC&CC số 27/2001-QH10 có hiệu lực là 1.238 cơ sở. Tính đến ngày 15-12-2021, qua quá trình điều tra, khảo sát, đánh giá, phân loại cơ sở, toàn TP hiện còn 1.096 cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 23.

Trong đó, có 891 cơ sở thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC và 205 cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ. Trong thời gian qua, các đơn vị tiến hành kiểm tra 956 cơ sở, lập 2.256 biên bản; đồng thời, đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 208 cơ sở, tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là 313.450.000 đồng. Không có cơ sở nào tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo Nghị quyết 23.

Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng – Phó giám đốc CATP phát biểu tại buổi làm việc.

Điều đáng nói, tính nay chỉ có 268 cơ sở (chiếm 23,92%) thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết số 23. Đặc biệt, trong các đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 23 thuộc sở hữu nhà nước thì đối tượng là nhà chung cư cũ thấp tầng tồn tại khá nhiều.

Hiện tại còn đến 215 chung cư, cư xá (chiếm 25,95%) chưa thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết. Theo điều tra, vẫn còn nhiều chung cư này nằm trong diện giải toả, không có ban quản trị, ban quản lý, kết cấu hạ tầng hiện đã xuống cấp và không được trang bị phương tiện, hệ thống PCCC. Một số chung cư, cư xá đã được lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy nhưng do không được bảo trì, bảo dưỡng nên các hệ thống bị hư hỏng, không còn tác dụng.

Tại buổi làm việc, các đại biểu Ban pháp chế HĐND TP; sở, ban, ngành và Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP đã có dịp trao đổi về những tồn tại, thiếu sót của Nghị quyết để đưa ra biện pháp tháo gỡ hiệu quả, thiết thực; trong đó, tập trung vào giải quyết những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong thời gian triển khai Nghị quyết.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng – Phó giám đốc CATP cho rằng Nghị quyết số 23 thể hiện sự quan tâm của HĐND TP đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Bởi theo tinh thần của nghị quyết là phải khảo sát thực tế rồi mới đưa ra giải pháp thực tiễn, rất khoa học, phù hợp tình hình địa bàn.

Trong quá trình triển khai Nghị quyết, các đơn vị chuyên trách luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, không bị đình trệ theo hình thức khó khăn đến đâu, giải quyết đến đó. Trong thời gian tới, Đại tá Hưởng yêu cầu Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức và các phòng ban nghiệp vụ có liên quan trong CATP cần xem xét lại trách nhiệm của từng đơn vị trong quá trình thực hiện Nghị quyết; từ đó có những kiến nghị cụ thể để giải quyết các vướng mắc, tồn đọng, nâng cao hiệu quả thực tiễn của Nghị quyết.

Ông Nguyễn Văn Đạt – Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đạt – Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP đánh giá và ghi nhận những kết quả mà các đơn vị đã nổ lực thực hiện Nghị quyết số 23. Đồng thời, qua quá trình đi thực tế, ông Đạt đề nghị các đơn vị cần lưu ý 04 nội dung chính sau: CATP cần nhanh chóng triển khai để các quận, huyện bổ sung, đánh giá lại nội dung Nghị quyết, tổng hợp đầy đủ, chính xác để Ban pháp chế hoàn chỉnh báo cáo trình HĐND TP; Công an quận, huyện phải có trách nhiệm tham mưu UBND quận, huyện về các cơ sở PCCC chưa đảm bảo yêu cầu và hướng giải quyết, khắc phục; Các đơn vị cần triển khai công tác truyên truyền thiết thực hơn bằng các giải pháp hỗ trợ người dân thực hiện nội dung Nghị quyết; Đề nghị các quận, huyện rà soát lại các cơ quan, trường học, bệnh viện,… thuộc sở hữu nhà nước chưa đảm bảo yêu cầu về PCCC để làm rõ từng sai phạm, trách nhiệm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang