Đà Lạt những ngày sôi sục

Chủ Nhật, 30/04/2023 16:49

|

(CATP) Hai chiếc xe tải quân sự Molotova của bộ đội giải phóng bị bắn cháy, được kéo về "triển lãm" giữa chợ Đà Lạt. Rạp xi-nê Hòa Bình treo băng rôn "Tưởng niệm Phước Long thất thủ"; Những tin đồn "Việt cộng đã về"... làm xôn xao xóm lao động; và cuối cùng là những tiếng nổ long trời lở đất, khói lửa bốc cao sáng rực một góc trời khi các kho đạn Cam Ly, núi Bà bị tiêu hủy vào đêm 02/4/1975. Các sĩ quan, công chức sợ hãi đốt giấy tờ, hình ảnh, quân phục. 

Còn dân khu Số Bốn - Đà Lạt tràn ra đường vui mừng bắt tay, cười nói với những bội đội nón tai bèo, súng AK, quân phục bạc màu giữa những tràng súng nổ của các "loạn quân" đang cướp bóc... là ấn tượng dữ dội in vào tim óc cậu bé 11 tuổi là tôi khi đó. 15 năm sau, cảm xúc lạ lẫm, sợ hãi và thích thú đó đã tràn theo ngòi bút, giúp tôi chỉ trong một đêm viết được "Kẻ sát nhân lương thiện" - Giải nhất cuộc thi truyện ngắn 1990 - 1991 của Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam!

Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại những ngày Đà Lạt - quê hương yêu thương của tôi "chuyển mình", lòng tôi vẫn bồi hồi, xúc động với cảm giác như tất cả mới vừa xảy ra hôm qua, hôm kia.

Tôi khi đó 11 tuổi, học lớp 5 Trường Tiểu học cộng đồng Đa Nghĩa (nay là Trường Tiểu học Lê Lợi - số 287 Hai Bà Trưng, P6, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng). Gia đình tôi thuê trọ ở khu Số Bốn, cách trường chừng trăm mét nên từ khi vào lớp 1, 2, tôi đã tự đi học mà không cần người lớn đưa đón. Ngày Đà Lạt sắp giải phóng, có nhiều chuyện bất ngờ. Đầu tiên là bên hông cổng trường Đa Nghĩa người ta dựng một số hình nộm cao lớn, dữ tợn và chú thích đó là "Cộng sản".

Mỗi lúc tan trường, có mấy ông "dân vệ" (nhân dân tự vệ) đeo súng carbin, bảo đám học trò chúng tôi ném đá vào các hình nộm để thể hiện "lập trường chống Cộng sản" cho họ quay phim, chụp hình. Họ còn phát cho đám con nít truyền đơn vẽ hình mấy ông "Cộng sản" ốm tong teo, râu ria lởm chởm, đội nón lá, quần áo rách rưới bị lính VNCH truy đuổi nên sợ quá đu trên... cành đu đủ với nét mặt khiếp đảm!

Có hôm tôi cúp-cua (trốn học) ôm cặp lang thang ra chợ chơi, thấy người ta bu quanh nên cũng chen vào xem. Đó là 2 chiếc xe tải quân sự Molotova bị cháy đen với các cành cây ngụy trang cắm xung quanh thùng xe và trên nóc cabin đã trụi hết lá. Tấm bảng to ghi chữ đậm "xe của Việt cộng bị tịch thu"... Hai chiếc xe này rất lạ so với xe nhà binh G.M.C chở lính thường thấy nên tôi tò mò xem rất lâu. Khi chán chê tôi mới leo các bậc cầu thang chợ Đà Lạt đi lên rạp xi-nê Hòa Bình thì thấy rạp đóng cửa, căng một băng rôn to, dài suốt mặt tiền "Tưởng niệm Phước Long thất thủ"... Chỉ mấy tuần sau là đến Tết Ất Mão, khá buồn tẻ vì phải "tưởng niệm Phước Long"...

Qua Tết vài tuần thì Đà Lạt có 2, 3 lần nhộn nhạo với tin "Việt cộng về tới Suối Tía, Cam Ly, Trạm Hành...". Rồi truyền đơn kêu gọi nhân dân nổi dậy xuất hiện nhiều lần, ở nhiều địa điểm. Nhiều người hốt hoảng tích trữ gạo, dầu lửa (để nấu lò xô), mắm, muối... đề phòng chiến tranh, tản cư như năm Mậu Thân (1968)...

Chùa Tuệ Quang được xây mới sau năm 1975

 Đà Lạt càng sôi sục từ đầu tháng 3/1975 khi tin tức loan truyền rằng Buôn Ma Thuột rồi lần lượt các tỉnh miền Trung "thất thủ", "di tản chiến thuật", "tái bố trí" lại... Những gia đình giàu có, thế lực ở Đà Lạt lần lượt bỏ chạy về Sài Gòn, vật giá leo thang, rạp xi-nê, trường học cũng lần lượt đóng cửa.

Chiều 02/4/1975, khu Số Bốn có cơn mưa thoáng qua, mưa tạnh, tôi chạy lên chợ Chiều mua bó rau cho mẹ thì thấy cả trăm lính VNCH mũ sắt, áo giáp, giày trận, mình mẩy đầy súng đạn trông rất "ngầu" được rải dọc theo đường Ngô Quyền từ đình Phố Hiến đến chùa Tuệ Quang. Họ dựng các súng cộng đồng như cối, trung liên thành cụm rồi ngồi, nằm thoải mái ra đường, lấy muỗng sắt gõ vào ca inox hát nghêu ngao: "Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, nhưng nếu con về bạn bè thương mong...".

Ăn cơm chiều xong tôi rủ cậu em 9 tuổi đi coi "lính với súng". Nhưng quay lại đường Ngô Quyền thì thấy trống trơn, không còn ông lính nào. Chừng 8 giờ tối, như mọi hôm, tôi lại cùng ba nghe lén đài "Việt cộng". Hai cha con trùm mền kín mít, mở radio dò đài Giải phóng. Một lát có tiếng nổ trầm đục rung rinh căn gác trọ; cha, con buông mền nhìn ra cửa sổ thấy sáng rực một góc trời nên lật đật hối cả nhà dậy chạy ra đường... Bà con trong xóm tập trung lại, nhìn về quầng lửa sáng rực vẫn nổ dây chuyền trầm đục, nhiều người nói: "Kho đạn Cam Ly cháy rồi...", "Việt cộng vô tới khu Hòa Bình rồi, ra phố đi vui lắm!".

Thế là bà con trong xóm nháo nhào vừa đi vừa chạy ra đường Phan Đình Phùng - ngã ba chùa Linh Sơn. Lực lượng VNCH đã rút hết, nhưng một số "loạn quân" bỏ đơn vị quay lại dùng súng cướp bóc. Những nhà lầu, biệt thự vắng chủ bị họ bắn phá cửa sắt vào cướp tivi, cassette, xe Honda... Đám đông tò mò đi theo xem cũng ào vào lấy sạch từ tấm nệm, bàn ghế, giường tủ đến ly chén, áo quần, mùng mền...

Đây cũng chính là giờ phút hãi hùng của các sĩ quan, công chức không di tản, ở lại với gia đình. Các con trai của chủ nhà trọ là cảnh sát, quân cảnh oai phong, hống hách giờ vội vã đem quân phục, giấy tờ, cấp hàm ra đốt. Tôi đứng cạnh thấy tay cầm que khều lửa của các chú ấy run run cùng lời cầu nguyện "xin Chúa che chở cho gia đình con...".

Cả đêm mồng 2 và sáng 03/4/1975, bà con trong xóm trọ vẫn hồ hởi rủ nhau đi "mót" đồ. Đến gần trưa thì một trong đội quân giải phóng đi trên một xe Molotova cắm lá ngụy trang, kéo theo một khẩu pháo cao xạ có những viên đạn to, dài như bắp chân trẻ con sáng loáng màu đồng, đến đóng chốt ở ngã tư Số Bốn. Bà con bỏ chuyện hôi của, chạy ào đến vây quanh các anh bộ đội mũ tai bèo, chân dép râu, quân phục bạc màu, nước da màu sốt rét rừng, tay ôm súng AK.

Chị hai tôi 17 tuổi thường ngày e thẹn ít dám ra đường, nay cùng các chị bạn rủ nhau "đi coi Cộng sản"... Họ bất ngờ rồi bấm tay nhau cười rúc rích trước các anh giải phóng đẹp trai, hiền lành, lễ phép, khác xa các hình nộm và truyền đơn tâm lý chiến. Mấy cô, dì lớn tuổi thì xuýt xoa: "Con người ta sáng sủa vậy mà dám đồn là "Cộng sản có đuôi"!".

Trường Tiểu học Đa Nghĩa, nay là Trường tiểu học Lê Lợi

Bất ngờ một chiếc phản lực rít xé trời, bộ đội đang vui vẻ trò chuyện với dân lật đật chạy ra cỗ pháo, hô hào khởi động chiến đấu. Ông chỉ huy đứng tuổi hét to: "Coi chừng máy bay ném bom, bà con tìm chỗ nấp mau!". Người lớn ùa chạy vào các căn nhà, riêng lũ trẻ chúng tôi núp sau gốc cây khuynh diệp cổ thụ, háo hức chờ pháo cao xạ bắn máy bay. Chiếc phản lực ném xuống một vật gì đó ở cách chúng tôi vài cây số, lửa bùng lên, có người la lớn: "Nó hủy tài liệu trong dinh tỉnh trưởng...". Máy bay mất dạng ở chân trời, yên ổn trở lại, bà con mời bộ đội ăn trưa trong một xưởng cưa ngay ngã tư đã được dọn sạch sẽ.

Lũ trẻ và cả mấy chị rất kinh ngạc, thích thú khi thấy các anh bộ đội ăn cơm bằng đũa hai đầu rất nhanh. Tôi vẫn nhớ bữa ăn đó có cơm trắng, canh bí đỏ nấu thịt bằm, rau cải xào và cá khô chiên... Hơn 40 anh bộ đội đứng ăn hai bên chiếc bàn dài dã chiến rất trật tự, gọn gàng. Bất ngờ bên ngoài vang lên những tiếng nổ rồi có người kêu cứu...

Các anh giải phóng đồng loạt đặt chén, đũa xuống bàn, chộp súng AK47, lên đạn rôm rốp rồi chạy lao ra cửa. Một lát sau họ dắt về 5 ông "loạn quân" vẫn mặc đồ lính, mặt mũi râu ria nhễ nhại mồ hôi. Cả 5 ông đều bị bịt mắt, trói giật khuỷu tay ra sau lưng, quỳ gục đầu giữa ngã tư Số Bốn nắng chói chang. Dân bu lại xem rất đông. Ông chỉ huy bộ đội hất mũ tai bèo ra sau lưng, rút súng ngắn bắn một phát lên trời, dõng dạc tuyên bố: - "Đây là bọn phá nhà, cướp của, gây mất an ninh trật tự vùng giải phóng. Thay mặt chính quyền cách mạng, tôi tuyên bố tử hình!".

Quay sang đội hình bộ đội ông hô lớn:

- Chuẩn bị thi hành án tử hình bọn phản loạn!

Năm chiến sĩ ôm súng AK47 bước ra dàn hàng ngang lên đạn, chĩa mũi súng vào 5 "loạn quân"... không khí căng thẳng, ngột ngạt. Chỉ cái phất tay của vị chỉ huy, súng sẽ nổ, 5 "bị án" sẽ kết thúc cuộc đời... Bất ngờ có mấy cụ bô lão bước đến chỗ ông chỉ huy, nói gì đó, ông chỉ huy gật đầu rồi đút súng ngắn vào bao, nói lớn:

- Nể tình các cụ lớn tuổi đại diện cho nhân dân xin tha nên thu hồi lệnh tử hình. Mở trói để các gia đình đưa con em của họ về giáo dục lại. Đây là chính sách khoan hồng của cách mạng, các anh phải hiểu và cố gắng phấn đấu, rèn luyện thành người tốt.

Bà con vỗ tay hoan hô, cảm ơn và khen quân giải phóng rộng lượng, nhân hậu. Còn 5 "bị án" vốn là những sắc lính dữ dằn, du côn, sợ đến vãi... được tha rồi mà đứng lên không nổi... (sau này nghe nói cả 5 ông này không chịu phục thiện mà mang vũ khí ra nghĩa địa khu Số Bốn lập căn cứ chống phá điên cuồng cho đến khi bị bộ đội tiêu diệt).

Một tuần lễ sau, một cán bộ nằm vùng đi cùng hai thanh niên đeo băng đỏ, mang súng M16 đến khu nhà trọ tuyên bố chủ nhà không được bóc lột dân nghèo thuê trọ. Bà chủ trọ thường ngày rất dữ, anh em tôi vừa nhìn lên cây bơ, cây mận đã bị bà quát xối xả: "Chúng mày muốn hái trộm à!". Tháng nào chưa kịp trả tiền, cha mẹ tôi cũng bị bà ta cằn nhằn, mắng mỏ. Nay bà hiền như tiên, như Phật, mang cả rổ bơ với mận qua nhà cho mấy anh em, còn dặn nhỏ ba má tôi: "Nhớ nói với cách mạng tôi là người tử tế nhé. Tiền nhà tháng này cứ lấy mua gạo cho các cháu...".

Sự thay đổi bất ngờ đó làm cậu bé mơ mộng như tôi bỗng thấy thích thú, biết ơn những gì cách mạng mang đến cho dân nghèo. Khi được đến trường trở lại, được học hát: "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng...", "... Anh Kim Đồng ơi! Khi anh xa rồi gương anh sáng ngời...", "Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù...". Tôi học rất nhanh thuộc và hát bằng cảm xúc trào dâng từ trái tim, khối óc của cậu bé đang căm ghét những kẻ khinh khi, ức hiếp gia đình mình như bà chủ nhà trọ. Đây cũng chính là con đường để các thế hệ thanh niên Việt Nam bất chấp gian khổ, hy sinh, chọn lựa lý tưởng đi theo Đảng Cộng sản Việt Nam làm cách mạng, chống áp bức bất công, bảo vệ dân nghèo.

 Sau này khi đọc "Thép đã tôi thế đấy", "Ruồi trâu"... tôi càng tin suy nghĩ của mình là chính nghĩa, càng ước mơ nhiều hơn! Hôm nay nhớ lại những ngày đầu tháng Tư sôi sục khí thế cách mạng ở Đà Lạt từ 48 năm trước, bao nhiêu kỷ niệm lại hiện về, lòng nôn nao, bồi hồi đến lạ. Bao đau thương, mất mát vì chiến tranh nối tiếp chiến tranh; vì lòng người cũng phân chia theo giới tuyến suốt mấy chục năm khói lửa. Tất cả giờ đã khép lại thành một Việt Nam thống nhất, hòa bình, độc lập dân chủ và ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới văn minh, hữu nghị. Đó là giấc mơ mà các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh để có được. Xin trân trọng tri ân!

Bình luận (0)

Lên đầu trang