Bất ngờ bị chặn giao dịch
Trong đơn gửi Báo Công an TPHCM kêu cứu, tố giác tội phạm, anh Lê Văn Duyệt (SN 1971, ngụ ấp 4, xã Phước Bình) cho biết, gia đình anh từ miền Tây lên Đồng Nai lập nghiệp từ năm 1983. Sau nhiều năm canh tác, khai phá và mua lại của người dân rất nhiều đất, bán bớt một phần, nay tổng cộng gia đình anh còn lại 21.353m2, vào năm 1999, được UBND huyện Long Thành cấp giấy chứng nhận chủ quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Tháng 6-2020, anh Duyệt quyết định bán bớt một lô đất để có tiền trang trải cuộc sống, xây nhà mới. Nhưng khi ra cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển nhượng cho người mua thì anh Duyệt tá hỏa khi toàn bộ đất của gia đình đã bị chặn giao dịch. Anh Duyệt đến UBND xã Phước Bình hỏi thăm thì chính quyền nơi đây cũng hoàn toàn bất ngờ, họ không biết gì về chuyện đất của anh bị chặn giao dịch là do Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh Đồng Nai thực hiện.
Tương tự như trường hợp của anh Duyệt, cả gia đình bà Võ Thị Sa (SN 1963), gần đó cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn. Bà Sa đem sổ lên VPĐKĐĐ Đồng Nai - Chi nhánh Long Thành để gia hạn thì phát hiện toàn bộ 18.431m2 đất bị chặn giao dịch. Bà Sa hỏi thì cơ quan này cho biết sự việc ngăn chặn là do VPĐKĐĐ tỉnh Đồng Nai chỉ đạo thực hiện.
Ngoài 2 trường hợp trên thì tại ấp 4, xã Phước Bình còn một số hộ dân cũng bị chặn giao dịch khi đất đang sử dụng và có chủ quyền hẳn hoi. Trong đó có ông Nam Hà (ngụ quận 2, TPHCM). Năm 2003, ông Hà có mua thửa đất số 118, tờ bản đồ số 3, xã Phước Bình với diện tích 14.412m2 và được UBND huyện Long Thành cấp GCNQSDĐ số AD 291794 ngày 22-8-2005. Đến ngày 18-1-2013, ông Hà thực hiện thủ tục cấp đổi và được UBND huyện Long Thành cấp giấy số BO 229519 ngày 12-8-2013, nay thuộc thửa đất số 2, tờ bản đồ số 24, xã Phước Bình. Ông Hà xác định đây là tài sản hợp pháp của ông, được cấp và giữ GCNQSDĐ nhưng cũng bị VPĐKĐĐ tỉnh Đồng Nai chặn giao dịch.
Vợ chồng anh Duyệt hoang mang vì đất bị chặn giao dịch
Dấu hiệu lừa đảo
Quá bất ngờ với sự việc, các hộ dân đến nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền kêu cứu thì họ mới biết đất của mình bị người khác mang ra bán đấu giá, liên quan đến những vụ cầm cố, mua bán, kiện tụng của một số cá nhân, tập thể mà họ không hề liên quan, nhưng phải gánh hậu quả lây.
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, ông Lục Kim Cường - Chủ tịch UBND xã Phước Bình cho biết: "Tôi cũng quá bất ngờ với sự việc trên. Đây là những người dân có chủ quyền hợp pháp, trước giờ họ sinh sống và sử dụng đất ổn định, không tranh chấp gì với ai. Sau khi người dân đi tìm hiểu thì phát hiện bị ngăn chặn giao dịch thì chúng tôi mới hay biết, liên quan đến một cuộc bán đấu giá nào đó, thấy sự việc có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên và các cơ quan chuyên môn, nên xã đã hướng dẫn các hộ dân làm đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Công an tỉnh Đồng Nai".
Trong quá trình người dân đến các cơ quan có thẩm quyền và kết quả xác minh của phóng viên, nhận thấy vụ việc này vô cùng phức tạp, khiến cho các hộ dân hết sức hoang mang, lo lắng vì tài sản của họ nằm trong một cuộc đấu giá liên quan đến thế chấp ngân hàng. Cụ thể, năm 1999, cha anh Lê Văn Duyệt là ông Lê Văn Hoạch (SN 1931), được UBND huyện Long Thành cấp GCNQSDĐ số K 430557, vào sổ sử dụng đất số 00741 QSDĐ/290/1999, bao gồm các thửa: 162, 163, 165, 166, 145, 146, 147, 148, 149, 150, 151, 152, 189, 341 và 149 thuộc các tờ bản đồ số 14, 15 và 16, xã Phước Bình, với tổng diện tích 23.085m2.
Đến năm 2007, ông Hoạch bán bớt một phần đất cho ông Lâm Duy Mệnh (SN 1975, ngụ xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), gồm các thửa 162,163,166,165, 341 với tổng diện tích 2.063m2. Số đất còn lại hơn 21.000m2, được UBND huyện Long Thành tách thửa, cấp sổ mới và sử dụng ổn định. Đến tháng 10-2016, UBND huyện Long Thành tiếp tục cấp đổi sổ mới, gộp lại còn 8 thửa đất. Tháng 5-2017, do tuổi già sức yếu, ông Hoạch đã cho tặng toàn bộ số đất trên cho con trai là anh Lê Văn Duyệt, được UBND huyện Long Thành làm thủ tục sang tên cho anh. Anh Duyệt sử dụng đất ổn định, không tranh chấp gì với ai, anh cũng đang giữ toàn bộ giấy chủ quyền đất nói trên.
Tương tự như anh Duyệt là trường hợp của bà Võ Thị Sa. Cũng vào năm 2007, bà Sa bán cho Lâm Duy Mệnh một phần đất, gồm các thửa: 205, 206, 210, 211 và 212 thuộc tờ bản đồ số 14 xã Phước Bình, với tổng diện tích 7.479m2, số đất còn lại 18.431m2 đã được UBND huyện Long Thành cắt thửa và tách từng GCNQSDĐ vào ngày 16-11-2007. Sau đó gia đình bà Sa canh tác ổn định, đến năm 2013 được UBND huyện Long Thành cấp đổi lại GCNQSDĐ mới.
Với những gì diễn ra và giấy tờ đang giữ thì tất cả đất của các hộ dân ở trên đều sử dụng hợp pháp, không có tranh chấp. Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao các hộ bà Sa, anh Duyệt bị chặn giao dịch mà họ không hề hay biết thì chúng tôi được biết, sau khi mua đất của ông Duyệt, bà Sa và một số hộ dân ở xã Phước Bình, ông Lâm Duy Mệnh đã mang thế chấp cho Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Hòa Bình.
Sau đó ông Mệnh được đưa vào diện nợ xấu, ngân hàng trên đã hợp đồng với Công ty đấu giá Hợp danh Vạn Thành An có trụ sở tại phường Tân Định, quận 1, TPHCM tổ chức bán đấu giá. Thế nhưng, thay vì chỉ bán những phần đất mà ông Mệnh đã mua của người dân đem thế chấp ngân hàng, nhưng không hiểu vì lý do gì, Vạn Thành An đã lập hồ sơ bán đấu giá bao gồm toàn bộ các thửa đất của người dân. Cụ thể, ông Hoạch bị bán 10 thửa đất số: 145, 146, 147, 148, 149, 150, 151, 152, 189 và 749; bà Sa bị bán 5 thửa: 434, 197, 204, 208 và 182; ông Nam Hà bị bán 1 thửa số 118. Tổng cộng 3 hộ dân trên bị đưa ra bán đấu giá với diện tích đất lên đến hơn 45.000m2.
Sau khi cuộc bán đấu giá do Công ty Vạn Thành An tổ chức ngày 22-2-2019, một số cá nhân trúng đấu giá mua toàn bộ 31 QSDĐ, tổng diện tích 339.510m2, trong đó bao gồm toàn bộ số đất của 3 hộ dân nói trên. Cho rằng, cuộc bán đấu giá này có nhiều khuất tất, sai trái nên sau đó ông Lâm Duy Mệnh đã khởi kiện Công ty Vạn Thành An ra Tòa án nhân dân quận 1. Trong quá trình thụ lý, tòa đã thông báo cho VPĐKĐĐ tỉnh Đồng Nai về việc số tài sản liên quan trong cuộc đấu giá đang tranh chấp. Sau đó VPĐKĐĐ tỉnh Đồng Nai đã tiến hành chặn giao dịch toàn bộ diện tích đất ghi trong biên bản bán đấu giá mà không hề thông báo cho các hộ dân được biết, gây ảnh hưởng rất lớn cho người dân.
Phóng viên Báo Công an TPHCM đến VPĐKĐĐ tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu thì được cán bộ phụ trách là bà Nguyễn Thị Yến cho biết là "căn cứ vào công văn của tòa án nên ngăn chặn". Phóng viên đề nghị cung cấp thông tin thêm thì bà Yến đề nghị để lại nội dung, sau đó sẽ trả lời bằng văn bản. Thế nhưng, đã hơn 2 tháng trôi qua mà Báo CATPHCM vẫn chưa nhận được văn bản trả lời. Tiếp tục đến Công ty Vạn Thành An để tìm hiểu thêm thì đại diện công ty này là ông Nguyễn Chí Trường từ chối, "đề nghị báo làm công văn, nhưng ít nhất cũng phải mất thời gian vài tháng mới cung cấp hồ sơ được".
Được biết, sau khi phát hiện đất của mình bị mang ra bán đấu giá, có nguy cơ mất tài sản, các hộ dân trên đã làm đơn tố cáo gửi Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai. Vụ việc có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân đang rất mong chờ Công an tỉnh Đồng Nai nhanh chóng điều tra, làm sáng tỏ sự thật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.