(CATP) Những năm gần đây, tỉ lệ bạo lực (BL) đối với phụ nữ có xu hướng giảm, đó là tín hiệu đáng mừng đối với tình trạng BL trên cơ sở giới, bạo lực gia đình (BLGĐ). Tuy nhiên, theo báo cáo của Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL) giãn cách xã hội (GCXH) do dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân tác động đến tình trạng này, khiến BLGĐ có xu hướng tăng, trong đó phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo hành (BH) cao hơn.
Đây là vấn đề hết sức nhức nhối, cần có biện pháp bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước tình trạng BL; song song với đó cần có những hoạt động giúp nâng cao nhận thức, kiến thức về bình đẳng giới, cách bảo vệ bản thân, hạn chế tình trạng BL trên cơ sở giới.
Tăng gấp đôi cuộc gọi cầu cứu
Tại Diễn đàn "Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (VN) và Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận tổ chức mới đây, ông Khuất Văn Quý - Phó vụ trưởng Vụ Gia đình - cho biết, GCXH khiến tình trạng BLGĐ có xu hướng tăng, trong đó nhiều nạn nhân là phụ nữ, trẻ em.
Khi gặp bạo lực xin liên hệ đường dây nóng: 113 - Công an; 111 - Tổng đài Bảo vệ trẻ em; 1900.969.680 - Ngôi nhà bình yên (nơi tạm trú, cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý); 024.3333.5599 hoặc
094.140.9119 - Trung tâm CSAGA (Hỗ trợ tư vấn tâm lý, kiến thức phòng chống bạo lực, kết nối với chính quyền địa phương).
Ở nước ta, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, một số nghiên cứu về tác động của Covid-19 đến BLGĐ đã được thực hiện. Theo đó, phụ nữ, trẻ em được xác định là nạn nhân chính của tình trạng BL hoặc xâm hại trong gia đình. Thời gian thực hiện GCXH, Ngôi nhà bình yên (của Hội Liên hiệp Phụ nữ VN) từng tiếp nhận gấp đôi số cuộc gọi đến đường dây nóng liên quan đến BL mỗi tháng. "Số trường hợp người bị xâm hại và BLGĐ mà Ngôi nhà bình yên mới tiếp nhận đã tăng gấp đôi kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát", ông Quý chia sẻ.
Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại VN nhận định, những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống do ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến các vụ BL trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ gái có xu hướng tăng. Để khắc phục, mỗi quốc gia có giải pháp ứng phó riêng nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Covid-19, trong đó có BLGĐ.
Ông Quý cho biết, Bộ VH-TT-DL sẽ xây dựng, trình Thủ tướng chiến lược phát triển gia đình VN giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045. Dự thảo đã đặt ra các chỉ tiêu: Đến năm 2030 đạt 90% trở lên hộ gia đình được cung cấp kiến thức, kỹ năng về giáo dục (GD) đời sống gia đình; đạt 90% trở lên nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được cung cấp kiến thức, kỹ năng về hôn nhân, GD đời sống gia đình, chống BLGĐ.
Cơ quan này cũng đồng thời tăng cường GD đạo đức, lối sống, kỹ năng ứng xử trong gia đình, nhằm hạn chế mâu thuẫn, tranh chấp đồng thời kiểm soát tốt hành vi, tránh dẫn đến BLGĐ...
Các đại biểu tham gia Lễ phát động ngày 12-11-2021 truyền đi thông điệp về bình đẳng giới (Nguồn: UN Women VN)
Biện pháp ứng phó khi đối mặt với bạo lực gia đình
Điều tra quốc gia về hành vi BL đối với phụ nữ ở VN năm 2019 cho thấy, gần 32% phụ nữ VN bị BL trong năm 2019 và các tác động của dịch Covid-19 cũng là một trong những yếu tố khiến tỉ lệ BL đối với phụ nữ, trẻ em đang có dấu hiệu gia tăng.
Đối với người phải gánh chịu các hành vi BL có thể tham khảo và áp dụng các khuyến cáo của UN Women Việt Nam - Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Về các biện pháp phòng ngừa BLGĐ đối với phụ nữ, nên để ý biểu hiện của người chồng trước khi có hành động BL; chuẩn bị túi an toàn gồm các giấy tờ quan trọng, tiền mặt, quần áo, dụng cụ vệ sinh cá nhân, còi, đèn pin, gửi cho người tin cậy hoặc để ở nơi an toàn, dễ dàng lấy trong trường hợp khẩn cấp, kiềm chế cơn nóng giận của bản thân, luôn mang theo điện thoại di động bên mình.
Cơ quan UN Women Việt Nam cũng khuyến cáo, khi BL xảy ra, nạn nhân không nên che giấu sự việc và tìm cách biện hộ cho các hành vi BL; không thách thức đối tượng gây BL; không tự giam mình trong nhà và cắt đứt liên lạc với bạn bè, người thân; cần chú ý là không chạy vào góc chết như phòng tắm, nhà bếp, không gian nhỏ và nơi có vật dụng có thể gây thương tích như gậy, dao, kéo khi bị BL. Điều nên làm là tìm đến trụ sở công an, cơ quan có thẩm quyền hoặc bất kỳ cơ sở dịch vụ thiết yếu như bệnh viện, siêu thị, trạm xăng để yêu cầu được giúp đỡ, bảo vệ; tìm cách bảo vệ sự an toàn của bản thân và các con ngay cả khi phải thỏa hiệp tạm thời với người gây BL; tìm cách thoát khỏi nơi xảy ra BL thật nhanh, đến cơ sở y tế để kiểm tra và chữa trị thương tật.
Nạn nhân của tình trạng BLGĐ cũng cần biết về các quyền của mình: có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình; có quyền yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng chống BLGĐ năm 2007; được cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp luật; được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật Phòng chống BLGĐ năm 2007; ngoài ra còn có các quyền khác theo quy định pháp luật.
Ngày 15-11 vừa qua, nhiều địa phương trên toàn quốc đã khởi động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với BL trên cơ sở giới năm 2021 (từ ngày 15-11 đến 15-12). Chủ đề của năm nay là "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái". Đây là hoạt động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng UN Women Việt Nam phối hợp thực hiện nhằm đẩy lùi tỉ lệ BL đối với phụ nữ và trẻ em đang có chiều hướng tăng. Cần có nhiều cơ quan, tổ chức liên quan đưa ra các hành động cụ thể, kịp thời để đối phó với vấn nạn trên, tạo sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân về bình đẳng giới và BLGĐ.