Giá xăng tăng, TPHCM vẫn bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội

Thứ Năm, 26/05/2022 11:13

|

(CATP) Ngày 23-5, giá xăng tăng thêm 670 đồng/lít, lên mức 30.650 đồng/lít (Ron 95), Ron 92 tăng thêm 680 đồng/lít, lên 29.630 đồng/lít. Các doanh nghiệp (DN) vận tải cho rằng giá tăng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy; tuy nhiên, giá dầu lại giảm, do vậy DN vận tải cũng được san sẻ phần nào về giá. Bên cạnh đó, hiện TPHCM đã ban hành chương trình bình ổn giá để đảm bảo an sinh xã hội từ nay đến Tết Nguyên đán 2023.

Đây là đợt tăng giá kỳ thứ 10 (trong khi chỉ có 3 kỳ điều chỉnh giảm giá). Chiều 25-5, anh Nguyễn Thanh Hùng (ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM, lái xe tải chở hàng) cho biết, giá xăng vừa tăng với mức cao như vừa rồi đã làm cánh tài xế (TX) gặp khó khăn do vẫn nhận mức giá từng chuyến, trong khi chi phí cho xăng xe lại tăng. Cũng theo anh Hùng, cánh TX chở hàng hay dịch vụ chở người sử dụng xe bằng dầu lại được lợi vì giá dầu giảm. Như vậy, bù qua sớt lại, TX và nhà xe cũng như chủ hàng cũng san sẻ "gánh nặng về giá xăng, dầu".

Tương tự, giá xăng tăng nhưng hiện nay các TX taxi cũng chưa thể điều chỉnh giá, mà vẫn chạy theo ki-lô-mét cũ tính với khách. Anh Trần Phúc Nhỏ - TX và cũng là chủ xe khách loại vừa và lớn - cho biết: "Nếu điều chỉnh giá, lỡ mất khách, xe nằm nhà cũng lỗ nặng. Vậy phải chịu thôi, chỉ sợ giá các loại mặt hàng tiêu dùng hàng ngày tăng theo giá xăng, thì không biết gồng gánh kiểu gì?".

TPHCM đảm bảo bình ổn giá

Hiện giá xăng tăng cao nhất trong nhiều năm qua đã khiến các DN vận tải thêm khó khăn. Để bình ổn giá cả thị trường, vừa qua UBND TPHCM đã ban hành "Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn TPHCM", nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, qua đó có thể chủ động đảm bảo cung - cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TPHCM, gắn với thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Chương trình triển khai thực hiện theo hướng xã hội hóa, gắn kết, khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của TPHCM và cả nước.

Được biết, hàng hóa trong chương trình là sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả phù hợp, có nguồn cung dồi dào, ổn định, đảm bảo cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân TPHCM. Chương trình thực hiện kết nối DN với tổ chức tín dụng để vay vốn nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, khuyến khích DN tăng cường mở rộng đầu tư, hợp tác với đối tác phù hợp tại các tỉnh, thành phố để đầu tư vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nguời dân TPHCM và mở rộng thị trường.

Không những vậy, với chương trình thiết thực đi vào đời sống người dân, đó là thúc đẩy phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường được phân phối rộng khắp đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực quận ven - huyện ngoại thành trên địa bàn TPHCM, đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể, bệnh viện, trường học, xí nghiệp... Chương trình thực hiện kết nối các hợp tác xã với đơn vị phân phối, các khách hàng có nhu cầu nhằm góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và cung ứng hàng hóa ngày càng dồi dào, phong phú cho thị trường TPHCM.

Bình luận (0)

Lên đầu trang