Hà Tĩnh - Quảng Bình:

Hàng ngàn ngôi nhà nước lũ chạm nóc

Thứ Năm, 05/09/2019 21:40

|

(CAO) Mưa lũ kéo dài, ở Hà Tĩnh và Quảng Bình đã có hàng ngàn ngôi nhà bị nước lũ dâng ngập. Hàng trăm trường học đã phải hoãn ngày khai giảng đầu năm học mới. Mưa lũ cũng khiến 5 người chết và mất tích, 4 người bị thương.

Lũ chưa có chiều hướng giảm

Đến nay, diễn biến tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang còn phức tạp. Toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 29 xã bị ngập trong nước lũ. Nặng nề nhất là H.Hương Khê, hiện có đến 18 xã bị ngập và nước lũ cô lập.

Tính đến chiều 5-9, toàn huyện có 2.733 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 491 nhà bị ngập nặng. 6 trường học, 3 trạm y tế, 39 hội quán thôn cũng chịu cảnh tương tự. Ngoài ra, nhiều công trình đường giao thông, công trình thủy lợi cũng bị ngập nặng, gây hư hỏng.

Nhiều nhà dân ở H.Hương Khê bị nước dâng ngập cao

Chiều 5-9, nhiều người dân xã Hà Linh (H.Hương Khê) vẫn đang hối hả dùng thuyền di dời người già, trẻ nhỏ và tài sản đến nơi cao ráo an toàn để chạy đua với lũ. Vừa đưa trẻ nhỏ và gia súc đến nơi an toàn, bà Nguyễn Thị Quý (trú xóm 8, xã Hà Linh) hối hả trở về để đưa đồ đạc gác lên cao.

Nhìn những đống đồ ngổn ngang được kê tạm bợ, bà Quý lo lắng: “Kê như vậy hy vọng lũ không tiếp tục dâng, nước sớm rút. Chứ nếu mưa còn kéo dài trong đêm nay thì cũng bất lực”.

Bà Nguyễn Thị Quý gác đồ đạc trên cao với hy vọng nước lũ không dâng lên tới 

Trong buổi sáng cùng ngày, ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng ban chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai đã cùng với lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đến thăm hỏi, động viên, cứu trợ nhân dân tại địa bàn xã Phương Mỹ. Qua đó, đoàn công tác cũng đã triển khai phương án cứu trợ cho nhân dân ở vùng bị lũ cô lập.

Người dân H.Hương Khê hối hả chạy lũ

Khoảng 10 giờ sáng 5-9, tại khu vực đồng Go (thôn Tân Mỹ, xã Xuân Mỹ, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh), ông Lê Văn Long (SN 1969) và anh Lê Văn Ninh (SN 1985, cùng trú xã Xuân Mỹ) trong lúc chèo thuyền thả lưới thì bị lật thuyền. Ông Long đã chìm xuống nước ngay sau đó, còn anh Ninh cố gắng bơi vào bờ được một đoạn nhưng vì sóng to, gió lớn nên đuối sức tử vong.

Nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã tổ chức tìm kiếm thi thể 2 nạn nhân. Đến 15 giờ chiều cùng ngày, thi thể các nạn nhân mới được tìm thấy, đưa vào bờ. Trước đó, chiều 4-9, ông Lê Văn Bân (SN 1964, trú thôn Vĩnh Giang, H.Hương Giang, H.Hương Khê) trong lúc điều khiển xe máy đi trên đường không may bị lạc tay lái rơi xuống cống thoát nước ra hồ Bình Sơn ở thị trấn Hương Khê. Ông Bân đã bị nước cuốn trôi và được người dân tìm thấy khi đã tử vong.

Xã Tân Hóa nước lũ đã chạm nóc nhà

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 5-9, H.Tuyên Hóa có 2.080 ngôi nhà bị ngập trên dưới 1 mét, 2.100 nhà bị cô lập, 4 nhà bị sạt lở, nhiều trụ sở hành chính, trường học bị ngập sâu. Hiện địa phương này có những nơi ngập sâu gần 3 mét, các phương tiện giao thông chưa thể tiếp cận được.

Trước đó, H.Tuyên Hóa cũng đã tổ chức di dời 422 hộ dân với hơn 1.500 khẩu ở những khu vực thấp trũng đến nơi an toàn. Tính đến 15 giờ chiều cùng ngày, tại thị xã Ba Đồn cũng có 3.982 ngôi nhà bị ngập, nước lũ chia cắt. Riêng H.Minh Hóa có gần 1.000 ngôi nhà bị ngập, trong đó nặng nề nhất là xã Tân Hóa.

Là địa phương được coi là “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình, hiện xã Tân Hóa đang có hơn 600 ngôi nhà bị chìm trong biển nước. Lũ đã tràn về dâng từ 3 đến 4 mét, hàng chục nóc nhà tại địa phương này nước ngập lên đến gần nóc.

Nước lũ đang cuộn về ở H.Tuyên Hóa

Ông Ngô Thanh Đá – Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết hiện người dân đang sống tạm trên những nhà phao tránh lũ nên tạm thời an toàn. Về lương thực, nhờ được thông báo trước khi lũ về nên người dân tích trữ, có thể cầm cự được một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu mưa lớn kéo dài thì họ phải cần được sự hỗ trợ.

Nước ngập lên tận nóc nhà ở "rốn lũ" Tân Hóa

Hiện tỉnh Quảng Bình đã có 1 người chết, 1 người mất tích và 4 người bị thương do lũ.

Khoảng 8 giờ 30 sáng 5-9, đoàn công tác gồm 6 người của UBND H.Tuyên Hóa do ông Cao Xuân Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu sử dụng ca nô đi kiểm tra tình hình mưa lũ các xã ven sông Gianh. Trong quá trình di chuyển, khi đi đến xã Phong Hóa thì ca nô vướng phải dây cáp quang nên bị lật, cả 6 người bị rơi xuống sông.

Do nước lũ dâng cao, chảy mạnh nên cả 6 thành viên bị trôi dạt gần 1 cây số. Rất may, lúc đó những người dân ven sông đã phát hiện, đưa thuyền ra ứng cứu kịp thời. Chiếc xuồng ca nô bị hư hại nặng, máy quay phim của Đài TT-TH huyện Tuyên Hóa do một phóng viên mang theo để tác nghiệp bị ngập nước hư hỏng.

Hàng trăm trường học phải hoãn ngày khai giảng

Do ảnh hưởng của mưa lũ, ngày 5-9, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 300 trường học ở các huyện, thành phố đã phải dừng khai giảng vì các tuyến đường bị nước lũ chia cắt. Tại H.Hương Khê có 61 trường với hơn 26.000 học sinh, H.Vũ Quang có 32 trường với hơn 6.000 học sinh, H.Hương Sơn 78 trường với hơn 26.000 học sinh, H.Thạch Hà 45 trường với 14.000 học sinh, H.Can Lộc 26 trường với hơn 12.500 học sinh và TP.Hà Tĩnh 49 trường với 24.600 học sinh…

Tại Hà Tĩnh có hơn 300 trường học phải dừng ngày khai giảng do mưa lũ
Về những trường ở các huyện đồng bằng đảm bảo được an toàn, không bị lũ chia cắt thì trong buổi sáng cùng ngày vẫn tổ chức khai giảng bình thường.
Do mưa lớn kéo dài gây lụt, tại Nghệ An có 135 trường học phải lùi ngày khai giảng. Cụ thể tại TP.Vinh có 18 trường, H.Nam Đàn có 69 trường, H.Thanh Chương 9 trường, H.Quỳnh Lưu 1 trường và thị xã Cửa Lò 23 trường.
Lũ dâng ngập Trường THCS Văn Hóa (H.Tuyên Hóa, Quảng Bình)

Toàn tỉnh Quảng Bình có 239/588 trường phải dời ngày khai giảng. Trong đó, có 226 trường mầm non, tiểu học, THCS và 13 trường THPT.

Thị xã Ba Đồn có nhiều trường bị ngập sâu nên 100% trường học đã cho học sinh ở nhà, hoãn khai giảng. H.Minh Hóa có 50 trường, H.Tuyên Hóa cũng có đến 68 trường hoãn khai giảng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, sau lễ khai giảng, sở này sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình phòng chống mưa lũ tại các trường, cơ sở giáo dục trong tỉnh. Theo đó, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường tăng cường phòng chống, khắc phục hậu quả của mưa lũ để hạn chế tối đa các thiệt hại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang