Học phí đại học tăng cao ảnh hưởng lớn đến nguồn nhân lực (kỳ cuối)

Thứ Bảy, 13/08/2022 13:49

|

(CATP) Để hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam (VN) cần đổi mới hệ thống giáo dục ĐH, để nâng cao năng suất lao động (LĐ) ở mức từ 2-3% mỗi năm. Cũng với mục tiêu đó, VN cần phải tuyển 3,8 triệu SV vào các cơ sở giáo dục ĐH, gần gấp đôi so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019, nhưng rào cản học phí lại đang ngáng đường…

Học phí cao nhưng đầu tư nâng chất lượng thấp

Đang mùa tuyển sinh ĐH, với áp lực học phí, nhiều trường ĐH tự chủ lẫn ngoài công lập tăng học phí ở mức kịch trần, khiến SV và phụ huynh băn khoăn trong việc chọn trường thích hợp. Đây không chỉ là gánh nặng của SV mà còn là áp lực của các trường ĐH.

Để thu hút SV, các trường ĐH phải tự làm mới mình bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo và nhiều phương thức khác, như tăng số SV được nhận học bổng, tìm sự hỗ trợ khác và một trong số đó là từ nguồn tài trợ. Trường ĐH càng nổi tiếng, càng minh bạch, xu hướng phục vụ cộng đồng, phụng sự xã hội rõ rệt, có hiệu quả luôn được các nhà tài trợ quan tâm. Ở nước ta chưa thấy trường ĐH nào được nhận những gói tài trợ lớn, đó cũng là điều mà các trường ĐH có uy tín trong nước nên hướng tới, nhưng phải có thời gian và chiến lược phát triển vì cộng đồng.

Do vậy, tất cả trường ĐH ở nước ta hoàn toàn lệ thuộc vào học phí của SV. Theo Bộ GD-ĐT, cả nước có 141/232 ĐH đủ điều kiện tự chủ, hiện có 32,76% trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 13,79% số trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên. Từ 2018-2021, tổng thu của các trường này đa phần đều tăng, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm.

Theo số liệu quyết toán giai đoạn 2016-2021 của Bộ GD-ĐT, về cơ bản nguồn thu chi cho con người (gồm cả chi thu nhập tăng thêm và chi vượt giờ) chiếm tỉ trọng trên 50% của tổng chi sự nghiệp GD-ĐT ĐH và sau ĐH; chi đầu tư cơ sở vật chất chỉ chiếm 7%, chi chế độ cho học sinh (HS) - SV chiếm khoảng 4%.

Họp báo công bố báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức chiều 08-8 ở Hà Nội

Nguồn kinh phí chi cho đào tạo hiện nay chủ yếu chi cho con người (tiền lương, tiền công, tiền làm thêm giờ, phụ cấp theo chế độ), chiếm tới 73%. Nguồn kinh phí dành cho tăng cường cơ sở vật chất (mua sắm, sửa chữa) chỉ chiếm 7%, nguồn kinh phí khác chi cho hoạt động đào tạo chiếm 18% tổng chi, thu nhập người LĐ bao gồm cả thu nhập tăng thêm, làm thêm giờ và tiền thưởng chiếm 2%. Đáng lưu ý, một số cơ sở giáo dục ĐH thu nhập tăng thêm tăng nhanh so với lương cơ bản, trong đó ĐH Hà Nội tăng thêm 100%, ĐH Kinh tế TPHCM tăng thêm 75%...

Cơ chế và tỉ trọng chi như vậy cho thấy nguồn kinh phí của các trường chủ yếu dành để chi trả cho con người, chi tăng cường điều kiện dạy và học chiếm tỉ trọng thấp, như vậy khó có điều kiện nâng cao chất lượng dạy - học. Đó là chưa kể một số trường mở rộng quy mô đào tạo nhưng chưa tăng kịp điều kiện bảo đảm chất lượng tương ứng.

Bức tranh tài chính đó cho thấy các trường chưa chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh của trường thông qua chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cơ hội việc làm cho SV. Trong điều kiện các cơ quan chủ quản cắt giảm kinh phí, nhiều trường đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành, đầu tư phát triển. Do vậy, phương cách gần như duy nhất là các trường này buộc phải mở rộng quy mô tuyển sinh và tăng học phí.

Đổi mới giáo dục ĐH là chìa khóa nâng cao năng suất lao động

Trong tình hình đó, chất lượng đào tạo đi xuống cũng là điều dễ hiểu! Tại buổi họp báo với chủ đề "Giáo dục để tăng trưởng" công bố Báo cáo cập nhật tháng 8-2022 về tình hình kinh tế VN do Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN tổ chức chiều 08-8-2022 ở Hà Nội, bà Carolyn Turk - Giám đốc WB tại VN - nhấn mạnh, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, VN cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, muốn tăng năng suất LĐ chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống GD. Lực lượng LĐ có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất LĐ cao, là yếu tố VN rất cần trong dài hạn.

Báo cáo cho rằng, việc đổi mới hệ thống giáo dục ĐH là chìa khóa để nâng cao năng suất của VN đồng thời giúp hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt tỉ lệ HS vào ĐH bình quân tương đương ở các nền kinh tế thu nhập trung bình cao, VN cần tuyển sinh 3,8 triệu SV vào các cơ sở giáo dục ĐH, gần gấp đôi so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019.

Trong khi đó, học phí giáo dục ĐH tăng ở mức kịch trần sẽ trở thành rào cản rất lớn cho mục tiêu thu hút được 3,8 triệu SV vào các trường ĐH mỗi năm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nhân lực.

Cũng tại buổi họp báo này, ông Michael Drabble - chuyên gia kinh tế giáo dục cao cấp WB - nhận định, VN cần cải thiện khả năng tiếp cận GD sau phổ thông và kết quả này phải tương xứng với các quốc gia đi trước trong khu vực Đông Á.

Thiếu nguồn lao động chất lượng cao

Một phân tích đáng lưu ý của chuyên gia Michael Drabble: Nhìn vào số liệu cơ cấu LĐ đang làm việc tại VN, bên cạnh thực trạng tỷ lệ LĐ đã qua đào tạo còn thấp, còn tồn tại sự bất hợp lý về cơ cấu LĐ có trình độ từ cao đẳng, ĐH trở lên chiếm cao hơn LĐ có trình độ trung cấp, sơ cấp; thể hiện trình trạng "thừa thầy, thiếu thợ". Thêm nữa, chi phí tài chính cho việc học ĐH cũng ngày càng lớn và lợi suất kinh tế giảm dần nếu theo học ĐH là những lý do khiến cho nhu cầu giảm đi. Ngoài ra, hệ thống còn có những bất cập khác như không cung cấp được những kỹ năng mà chủ sử dụng LĐ cần có, đầu tư từ ngân sách còn thiếu, thể chế quản trị giáo dục ĐH còn yếu và manh mún...

Nhận định này rất chính xác nếu nhìn lại các cuộc tuyển nguồn nhân lực của các công ty lớn đầu tư vào VN. Kết quả khảo sát của các công ty công nghệ tại một số trường ĐH, cao đẳng ở VN cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực mới tốt nghiệp cho ngành công nghệ thông tin không cao. Các trường cần đổi mới phương pháp GD, để SV tốt nghiệp có đủ khả năng, cân bằng giữa chuyên môn nghiệp vụ và sự nhanh nhạy, sáng tạo, quan trọng là đạt tiêu chuẩn quốc tế để sẵn sàng hội nhập.

Tình trạng này cũng được đưa vào Báo cáo nghiên cứu của WB, khi chỉ ra nguyên nhân dẫn tới hệ thống giáo dục ĐH ở VN chưa đạt kết quả như mong muốn là do cả yếu tố cung lẫn cầu. Nhiều gia đình và HS có ý định theo học sau phổ thông nhưng phải đối mặt với chi phí cao nếu muốn theo đuổi tấm bằng của chương trình GD sau phổ thông. Học sinh, sinh viên cũng có thể vướng phải rào cản để theo học ĐH do chi phí tài chính gia tăng và tỉ lệ chi phí mà các gia đình phải gánh chịu ngày càng lớn.

Trong khi đó, hệ thống GD sau phổ thông chưa có khả năng đáp ứng nhu cầu kỹ năng trên thị trường LĐ. Nhà nước cũng chỉ mới cung cấp khoảng 80% chương trình giáo dục sau phổ thông, còn giáo dục ĐH của VN vẫn chưa được đảm bảo đủ kinh phí. Tình trạng thiếu vốn gây cản trở quá trình mở rộng và cải thiện chất lượng GD sau phổ thông cũng như phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của VN.

Thông qua báo cáo nghiên cứu, đại diện WB cũng đưa ra những khuyến nghị chi tiết nhằm cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục ĐH, nâng cao chất lượng và sự phù hợp trong giảng dạy, nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực. Những khuyến nghị mang tính thời sự, khi học phí các trường ĐH đang tăng rất cao, là rào cản để HS bước vào giảng đường. Đặc biệt khuyến nghị liên quan đến chất lượng đào tạo là một thách thức rất lớn với các trường ĐH ở VN, khi mà nguồn thu chủ yếu chi cho con người (giảng viên, cán bộ quản lý...), nguồn chi để phát triển, nâng cao chất lượng rất ít.

Hy vọng về một sự đột phá trong chất lượng đào tạo ĐH vẫn còn ở phía trước...

Học phí đại học tăng cao, chất lượng đào tạo có được nâng lên? (kỳ 1)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang