Học phí sẽ tăng cao nếu tính đủ chi phí

Thứ Sáu, 14/10/2022 12:52

|

(CATP) Theo Nghị định 81, lộ trình học phí đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho cấp đại học, còn mầm non và phổ thông thì đến năm 2030 tính đủ chi phí. Bộ GD-ĐT cho rằng, nếu phải tính đủ chi phí theo tinh thần của Nghị quyết 19 của Trung ương thì học phí sẽ tăng khá cao, dễ gây xáo trộn lớn trong xã hội, ảnh hưởng tới cơ hội đi học của phần lớn học sinh, sinh viên.

Xu hướng giảm, miễn giảm học phí bậc phổ thông

Sáng 11-10, HĐND TPHCM đã chính thức thông qua mức học phí áp dụng cho các cơ sở giáo dục công lập từ mầm non cho đến phổ thông năm học 2022-2023.

Theo đó, có những bậc học, mức học phí tăng gấp 5 lần so với mức học phí áp dụng tại TPHCM từ năm học 2021-2022 về trước. Cụ thể, học sinh THCS, học viên giáo dục thường xuyên bậc THCS ở các quận thuộc nhóm 1 sẽ đóng mức học phí từ 60.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 5 lần so với trước đây. Có huyện ngoại thành (nhóm 2) như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ có học phí thấp hơn nhưng cũng cao hơn nhiều so với mức học phí niên khóa 2021-2022 trở về trước.

Khi thông tin này được HĐND TPHCM thông qua, báo chí thông tin "mức học phí TPHCM tăng gấp 5 lần", khiến nhiều phụ huynh lo âu.

Thông tin đó là chính xác, được Sở GD-ĐT TP đề xuất thực hiện theo Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã được Chính phủ ban hành tháng 8-2021, có hiệu lực thi hành từ 15-10-2021. Tuy nhiên, do niên khóa 2021-2022, tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên HĐND TPHCM đã đồng ý thực hiện việc cấp bù học phí cho toàn bộ học sinh các bậc học. Cách làm này của TPHCM giống như Hà Nội và một số địa phương khác đang áp dụng.

Niềm vui của các bé khi đến trường. Ảnh: ĐĂNG HÒA

Trong năm học mới (2022-2023), thực hiện theo lộ trình học phí theo Nghị định 81, Sở GD-ĐT TPHCM đã đề xuất mức thu học phí thấp nhất theo mức sàn của Nghị định này. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng mức học phí sau đại dịch như vậy là vẫn cao, phát sinh chênh lệch mức thu giữa địa bàn quận nội thành và các huyện ngoại thành. Do đó, Sở GD-ĐT tham mưu và đề xuất của UBND TPHCM, HĐND TPHCM đã đồng ý thông qua tờ trình về việc chi ngân sách cấp bù học phí hỗ trợ cho học sinh. Vì vậy, dù học phí áp dụng có tăng nhưng khoản thực đóng của học sinh toàn thành vẫn giữ nguyên như mức học phí của năm học 2019-2020. Dự toán ngân sách TPHCM cấp bù khoảng 1.500 tỉ đồng.

Như vậy, phụ huynh TPHCM chỉ đóng học phí các cấp như cũ như năm 2019, không tăng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn lo lắng không biết trong những năm tới ngân sách TPHCM có còn cấp bù khoản tăng học phí này hay không. Thực tế ở TPHCM, học phí vẫn thu nhưng "phụ phí” còn cao hơn nhiều. Ở nhiều trường, phụ huynh thường phải đóng thêm ít nhất 10 khoản thu khác, trong đó có những khoản thu "trời ơi", mà những vụ lạm thu ầm ĩ trong đầu năm học mới này ở TPHCM cho thấy các khoản "phụ phí” vẫn còn rất lớn, thậm chí rất cao.

Thực ra học phí nếu áp dụng theo mức sàn của Nghị định 81 không phải là khoản chi lớn của mỗi gia đình ở TPHCM, nhưng trong bối cảnh hậu Covid-19, kinh tế mới phục hồi, đó là khoản chi không phải nhỏ. Với các địa phương khác, đặc biệt là các địa phương miền núi, nghèo, học phí tăng theo Nghị định 81 thực tế là nỗi lo lớn, có thể ảnh hưởng đến cơ hội học tập của học sinh.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, sáng 04-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc kể từ năm học 2022-2023. Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, theo tinh thần là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn cho người dân và học sinh. Việc thực hiện đề xuất này phải được Quốc hội thông qua nhưng trong chương trình họp của Quốc hộ sắp tới vẫn chưa được đề cập.

Học sinh lớp 1 tại TPHCM. Ảnh: ĐĂNG HÒA

Trong khi đó, nhiều địa phương như Hải Phòng đã thực hiện việc miễn học phí bắt đầu năm học 2020-2021, cho học sinh từ bậc mầm non và THCS; từ niên khóa 2021-2022 miễn phí cho học sinh bậc PTTH. Cần Thơ, Quảng Ninh, Đà Nẵng cũng miễn học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng miễn toàn bộ học phí cho trẻ em 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS công lập; tỉnh nghèo như Quảng Bình cũng không thu học phí học kỳ I năm học 2022-2023 với trẻ mầm non và học sinh phổ thông công lập các cấp.

Những thông tin đó cho thấy xu hướng miễn giảm, hoặc không thu học phí ở bậc phổ thông đang chiếm ưu thế. Điều này phù hợp với xu hướng thế giới khi nhiều nước đã áp dụng miễn học phí bậc phổ thông, thậm chí nước nghèo như Campuchia cũng thực hiện được.

Nếu thu đủ theo Nghị định, học phí sẽ rất cao

Nghị định 81 của Chính phủ áp dụng từ năm học 2021-2022. Tuy nhiên, thời điểm chuẩn bị ban hành, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Bộ GD-ĐT đã đề xuất và học phí được giữ như năm 2020-2021.

Tại họp báo Chính phủ chiều 04-6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, từ năm học 2023-2024 trở đi, HĐND các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc điểm của địa phương, khả năng đóng góp thực tế của người dân... để quyết định khung học phí hoặc mức học phí áp dụng tại địa phương cho mầm non và giáo dục phổ thông nhưng mức điều chỉnh không quá 7,5% /năm.

Cũng theo Nghị định 81, lộ trình, học phí đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho cấp đại học; còn mầm non và phổ thông thì đến năm 2030 tính đủ chi phí. Điều đó cũng có nghĩa là trước sau gì học phí cũng phải tính đủ chi phí đào tạo.

Ngày 13-10, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022.

Theo báo cáo này, dự toán chi thường xuyên ngành giáo dục năm 2022 là 275.709 tỉ đồng, chiếm hơn 15% tổng chi ngân sách Nhà nước. Tính thêm cả chi đầu tư năm 2022, tổng dự toán chi ngân sách cho ngành giáo dục là hơn 330.717 tỉ đồng, tăng 15,3% so với năm 2021.

Báo cáo cho hay trong điều kiện đặc thù ngành phần lớn kinh phí dùng chi tiền lương, nếu giảm chi thường xuyên theo lộ trình Nghị quyết 19 của Trung ương sẽ không bảo đảm kinh phí chi lương, chi cho chuyên môn, chi thực hiện các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên; thiếu nguồn lực giải quyết việc giáo viên thiếu, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất nhằm triển khai kịp thời Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Báo cáo cho biết, nếu thực hiện theo đúng lộ trình đến năm 2021 phải tính đủ chi phí theo tinh thần của Nghị quyết 19 của Trung ương thì học phí sẽ tăng khá cao và ảnh hưởng tới chi tiêu của học sinh, gia đình, dễ gây xáo trộn lớn trong xã hội, ảnh hưởng tới cơ hội đi học của phần lớn học sinh, sinh viên.

Báo cáo cũng cho thấy, kế hoạch dự toán ngân sách cho GD-ĐT năm 2022 của 63 tỉnh/thành, chỉ có khoảng 50% địa phương bảo đảm tỉ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu, trong đó một số địa phương đạt trên 20%.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội đảm bảo tỉ lệ ngân sách Nhà nước cho giáo dục đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách.

Báo cáo cho thấy kinh phí đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, để đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam khoảng 20%, tương đương 5% GDP hoặc cao hơn vẫn còn khó khăn.

Hiểu Nghị định 81 để không lạm dụng

Nghị định 81 nêu rõ về nguyên tắc xác định giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT. Theo đó, giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT được xác định theo các quy định của pháp luật về giá và quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ GD-ĐT nhưng tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15%/năm.

Tinh thần nữa của Nghị định 81 là mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập được xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Ở bậc mầm non, phổ thông chưa thấy việc lạm dụng Nghị định 81, mà đa số xây dựng mức học phí thấp nhất hoặc miễn giảm. Đó là xu hướng tốt nhưng phải đảm bảo chất lượng yêu cầu dạy và học.

Ở bậc đại học (ĐH), Nghị định 81 được áp dụng "triệt để”, khi có nhiều trường ĐH tăng học phí kịch trần, bất chấp việc chất lượng đào tạo có tăng hay không. Theo Nghị định 81, các ĐH tự chủ được phép thu tối đa gấp từ 2 - 2,5 lần trường chưa tự chủ nhưng phần lớn các trường đều tăng học phí kịch trần. Nhiều trường ĐH có mức học phí tăng cao, thậm chí có trường tăng gần gấp đôi so năm 2021. Đặc biệt khối ngành y dược tăng 71,3%, các khối ngành còn lại hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%. Mức tăng học phí kịch trần của các trường ĐH tự chủ, kéo theo các trường ĐH ngoài công lập cũng tăng theo.

Yêu cầu quan trọng của Nghị định 81 là lộ trình tính giá dịch vụ GD-ĐT theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục. Yêu cầu này rất quan trọng đối với bậc ĐH, đặc biệt đối với các trường ĐH tự chủ tài chính, ngoài công lập.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, từng cảnh báo: "Nghịch lý tại Việt Nam hiện nay là nhấn mạnh yếu tố tự túc như điều kiện tiên quyết của tự chủ, trong bối cảnh các nguồn thu khác hạn chế. Điều này sẽ dẫn đến một nền giáo dục ĐH được xây dựng chủ yếu dựa trên học phí của người học. Chưa có một nền giáo dục ĐH nào thành công theo mô hình tự túc".

Vấn đề học phí tăng cao ở bậc ĐH vẫn còn nhiều tranh luận, đặc biệt vấn đề học phí tăng, chất lượng có tăng. Còn ở bậc phổ thông thì đã thực hiện theo nguyên tắc "chia sẻ giữa Nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn dân cư..." và bậc THCS trước sau gì cũng thực hiện việc miễn phí vì chúng ta thực hiện phổ cập giáo dục tới bậc đó, khó có lý do gì để thu học phí bậc học này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang