Khi cử nhân đua nhau làm nghề tay trái:

Kỳ 1: Xếp bằng cử nhân để làm việc bán thời vụ

Thứ Năm, 12/10/2023 08:51  | Nam Anh

|

(CATP) Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, kết thúc đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023 tổng số thí sinh xét tuyển là hơn 660.000, tương đương 66% số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, tăng hơn so với năm ngoái (năm ngoái là 64%). Với con số báo động này, đồng nghĩa với việc mỗi năm Việt Nam cho ra lò hàng trăm ngàn sinh viên. Trong khi đó nhu cầu tuyển dụng ở các doanh nghiệp, hành chính công là rất ít khiến mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp.

Sinh viên ra trường khó làm đúng nghề, doanh nghiệp lại không cần tuyển dụng cử nhân, kỹ sư vào làm công nhân. Thực tế 2 năm qua các doanh nghiệp rất khó khăn, nhu cầu tuyển dụng không nhiều, do đó, nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học không có điều kiện được cống hiến. Để giải quyết nhu cầu việc làm, nhiều tân cử nhân buộc phải "tranh" công việc vốn phù hợp với người già, lao động phổ thông. Nhiều bạn đã chọn làm xe ôm công nghệ, bưng bê, tạp vụ... để làm tạm thời trong thời gian chờ xin việc phù hợp ngành học.

Cử nhân bán hàng, bưng bê, tạp vụ

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thông tư 10/2023/TT-BGDĐT quy định, các trường đại học phải công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm 2 năm gần nhất trong đề án tuyển sinh. Để thực hiện việc này, thực tế không ít trường bỏ trống hoặc "lờ" đi. Trong khi đó, phần lớn các trường công bố tỉ lệ này với những con số "trong mơ”, có trường còn công bố 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, vì tính cả... chạy xe ôm, bưng bê ở quán trong lúc chờ xin việc phù hợp với ngành nghề đào tạo. Không tìm được việc làm theo ngành nghề chuyên môn, nhiều cử nhân xin đi làm nhân viên phục vụ, bán hàng, rửa xe nhưng bị từ chối phũ phàng. Chỉ hơn 1 nửa sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đúng nghề được đào tạo, trong khi doanh nghiệp vẫn khó tìm đúng, tìm đủ nhân sự phù hợp.

Đơn cử, cử nhân có bằng đại học lại đi làm công nhân, chạy xe công nghệ, nhân viên giao hàng, bưng bê hay giúp việc nhà là câu chuyện thường gặp. Nhưng muốn xin được công việc "tay ngang" cũng không hề dễ. Theo đó, không ít cử nhân, kể cả người tốt nghiệp bằng giỏi cũng bị từ chối khi xin đi việc, vì các doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng.

Nhiều cử nhân ra trường rơi vào tình trạng thất nghiệp

Anh N.M.S, cử nhân tốt nghiệp bằng giỏi ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở TPHCM than thở: Ai cũng nói không tìm được việc thì đi làm phục vụ bưng bê sống tạm, mà em xin đi làm bưng bê cũng bị... rớt, do gia chủ không nhận người có trình độ học vấn cao. Theo N.M.S, sau khi tốt nghiệp, chàng trai từng nhảy việc qua một vài công ty mà chẳng đâu đến đâu. Gần nửa năm qua, cậu rơi vào tình cảnh thất nghiệp kéo dài. Ở nhà không việc làm, không thu nhập, S. rơi vào khủng hoảng. "Đói thì đầu gối phải bò”, S. nói rằng, sau nhiều lần đấu tranh, cậu đành phải "hạ mình" đi tìm việc, việc gì cũng được, miễn là có tiền nuôi sống bản thân. S. gửi hồ sơ xin làm bưng bê, phục vụ tại một nhà hàng ở trung tâm quận 1 có mức lương 7 - 8 triệu đồng. Kết quả, cậu không khỏi choáng váng khi bị loại ngay ban đầu vì chủ quán không yêu cầu vị trí này phải có bằng đại học. Trong khi đó, công việc này chỉ cần có tay nghề, có kỹ năng phục vụ, được đào tạo kỹ lưỡng. Sau đó, S. tìm một số công việc khác như nhân viên siêu thị điện máy, nhân viên kho, nhưng cũng bị từ chối vì không có kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm.

Trong khi đó, trong 2 năm qua, tình trạng các doanh nghiệp cắt giảm lao động tăng cao do kinh tế suy thoái khiến một lực lượng không nhỏ công nhân, người lao động bị mất việc làm. Theo đó, sinh viên mới ra trường cũng khó tìm kiếm được công việc phù hợp với chuyên ngành mà mình được đào tạo. Nhiều cử nhân ra trường chạy đua làm xe ôm công nghệ, coi đây là một nghề "hái ra tiền". Theo thống kê cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 220.000 lái xe công nghệ của Grab, trong đó 36% có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Nói về việc coi chạy xe ôm công nghệ như một nghề chính của nhiều bạn trẻ hiện nay, Phó Giáo sư Huỳnh Tiến Long cho rằng: "Cứ hình dung một đất nước có tới nửa triệu lao động đi làm xe ôm, trong số đó không ít là sinh viên đại học có bằng cử nhân, vậy thử hỏi làm sao đất nước bền vững được? Tài cán học được suốt 4 năm đại học nay không được đem ra để cống hiến, nhiều sinh viên lại đi tranh những việc giản đơn vốn không phù hợp".

"Việc sinh viên chọn nghề xe ôm công nghệ chỉ là đang chạy theo ảo vọng "tiền tươi thóc thật". Bởi nói gì thì nói, xe ôm vẫn chỉ là một công việc thời vụ, chữa cháy tạm thời. Ở góc nhìn vĩ mô, càng nhiều người trẻ chạy xe ôm công nghệ sẽ là một mối lo ngại lớn. Một đất nước không thể trở nên hùng cường được khi một lượng lớn lao động trẻ kéo nhau chạy xe ôm hết như vậy" - ông Long nói.

Việc đào tạo ồ ạt cũng là nguyên nhân dẫn đến sinh viên ra trường thất nghiệp

Vỡ mộng cử nhân

Theo bà Nguyễn Hoàng Oanh - Giám đốc nhân sự một công ty cho biết, cử nhân đi xin làm nhân viên bán hàng, phục vụ, bưng bê, bảo vệ bị từ chối là chuyện... rất dễ hiểu. Đơn cử, tại công ty bà Oanh gần đây nhận được nhiều hồ sơ ứng tuyển xin việc của cử nhân, có người là bằng giỏi xin vào các vị trí phục vụ, thu ngân, lễ tân, thậm chí cả xin làm bảo vệ. Hầu hết các ứng viên này đều rớt tuyển vì các vị trí ứng tuyển không yêu cầu trình độ cử nhân, nhưng đòi hỏi nhân lực có kỹ năng nghề, có đào tạo, trải nghiệm trong lĩnh vực đó, có lộ trình phát triển, mục tiêu nghề nghiệp.

Theo bà Oanh, công việc nào giờ cũng yêu cầu nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Công việc của nhân viên phục vụ, bưng bê, lễ tân... mọi người tưởng đơn giản, nhưng thật ra tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, đòi hỏi nhiều kỹ năng, không phải ai muốn làm là làm. Công việc của nhân viên phục vụ chủ yếu là bưng bê thức ăn từ khu vực nhà bếp, lên đặt tại các bàn ăn, nhưng cũng phải biết sắp xếp các món ăn sao cho hợp lý và đẹp mắt, đảm bảo món ăn được bưng lên đầy đủ theo thực đơn đã đặt, bưng lên còn nóng và đúng với thời gian quy định...

Sinh viên ra trường kiếm việc làm phù hợp không hề dễ

Ra trường với tấm bằng giỏi ngành cử nhân ngành luật tại một đại học nổi tiếng ở TPHCM, L.T.P.H. (23 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) đầy hứng khởi đi xin việc. Tuy nhiên, công việc H. có được sau đó không liên quan đến bất kỳ kiến thức nào được học ở giảng đường. "Hơn 4 năm học đại học, tôi kỳ vọng sẽ tìm được một công việc đúng ngành, nhưng thực tế mức lương quá thấp, áp lực công việc lại cao. Trường cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp sẽ có việc làm. Đúng là có thật, nhưng lại là đi làm phục vụ bán thời gian để có tiền trang trải cuộc sống, chứ chẳng liên quan gì đến ngành mình học" - H. bất lực nói.

Nhớ lại cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm, H. ngán ngẩm vì thực tế khác xa. Được biết, sau hơn 4 năm học, H. đã đóng gần 200 triệu đồng học phí, chưa kể các khoản chi tiêu sinh hoạt. Trước đó, trường có tổ chức chuyến đi thực tập cho một khóa, từ Nam ra Bắc. Bản thân tôi vẫn còn đam mê với nghề nhưng không biết đến bao giờ mới tìm được việc làm phù hợp?

Tương tự, T.H.V (23 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh) là cử nhân của một trường khá nổi tiếng tại quận 1 cho biết, vẫn phải chấp nhận một công việc trái ngược hoàn toàn ngành học: phục vụ tại một quán cà phê khá xa phòng trọ. Tại đây, V. nhận mức lương hơn 8 triệu đồng cho 14 tiếng làm việc mỗi ngày. Công việc áp lực, chủ quán đối xử tệ, nhiều lúc V. áp lực đến bật khóc khi nhớ về những kỳ vọng của bố mẹ, gia đình khi bước chân vào giảng đường đại học. Ngày mới bước chân vào giảng đường, trường có giới thiệu sinh viên đến doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội được tiếp cận và học hỏi, nhưng đó là thực tập. Còn khi ra trường, việc làm thời vụ, trái ngành rất nhiều. Vậy nên con số 80% - 100% sinh viên ra trường có việc làm như các trường công bố là con số đáng phải suy ngẫm.

Bằng đại học không còn chiếm nhiều ưu thế trên thị trường lao động như trước. Theo các chuyên gia nhân lực, nhiều sinh viên mới ra trường thường ảo tưởng, không biết năng lực thật của bản thân. Điều doanh nghiệp cần ở bạn là phải giỏi về chuyên môn, có thái độ nghiêm túc trong công việc, làm được việc và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Tại TPHCM, theo báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2023, có 27.800 người (chiếm 36%) có trình độ từ đại học trở lên trong tổng số 82.500 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang