(CAO) Chợ đêm làng Đại học Thủ Đức là nơi gắn liền với bao thế hệ sinh viên đã và đang học tập tại khu đô thị ĐHQG TP.HCM. Trước quyết định giải tỏa chợ đêm để nhường cho các công trình kiến trúc khác khang trang hơn, nhiều tiểu thương đã tỏ ra lo lắng do mất chỗ mưu sinh.
Chợ đêm làng ĐH Thủ Đức được thành lập vào năm 2012. Sau nhiều lần di dời và mở rộng, chợ được ổn định tại bến xe buýt trước trường ĐH Quốc tế. Chợ hoạt động từ 16h30 đến 22h mỗi ngày và là nơi tập trung buôn bán nhiều mặt hàng giá rẻ dành cho sinh viên như: quần áo, giày dép, cặp sách…. Ngoài ra, chợ còn là nơi tập trung nhiều quán ăn phục vụ cho gần 40.000 sinh viên cả trong và ngoài nước đang theo học tại làng.
Mất chợ, nặng gánh mưu sinh
Chợ đêm là nơi buôn bán tấp nập và thu hút nhiều người đến mua hàng. Phần lớn khách hàng ghé vào chợ là sinh viên sinh sống trong làng ĐH. Nhờ vậy mà tiểu thương buôn bán trong chợ có được thu nhập ổn định và cân bằng cuộc sống.
Việc buôn bán tại chợ đã trở thành kế sinh nhai chính của rất nhiều gia đình. Chính vì thế mà việc di dời chợ đêm khiến không ít tiểu thương buôn bán tại đây cảm thấy lo lắng cho cuộc sống sau này. Gánh nặng mưu sinh của họ giờ đây bỗng nặng trĩu.
“Chợ đêm di dời khiến người buôn bán ở đây hoang mang vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và mưu sinh của mọi người. Nếu bây giờ nghỉ bán thì không biết lấy gì nuôi mấy đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Chợ đêm mà ngừng hoạt động thì cuộc sống của không chỉ riêng tôi mà hầu hết các tiểu thương trong chợ đều bị ảnh hưởng, việc buôn bán khó khăn lắm.” – chị Hoàng Thị Vân, (tiểu thương bán giày tại chợ đêm nhiều năm) thấp thỏm.
Thậm chí có tiểu thương còn lo sẽ không tìm được chỗ mới do nhiều khu chợ phải tốn tiền thuê kiosk. Còn nếu bán ven đường sẽ sợ cơ quan chức năng xử lý, tịch thu. Nhiều người biết làm vậy là sai nhưng gánh nặng mưu sinh quá lớn mà họ buộc phải làm như vậy. “Cơ quan chức năng mà đếp dẹp thì lo bưng đồ bỏ chạy chứ biết sao giờ. Chợ dẹp rồi thì biết tìm chỗ nào khác đâu”, một tiểu thương buồn rầu chia sẻ.
Mong muốn lập lại chợ đêm
Được biết, việc di dời chợ đã được tiến hành vào ngày 31.5 và hiện các tiểu thương đã di chuyển ra các khu vực khác như sân bóng đá mini Lạch Tray (gần chợ đêm cũ) hoặc khu vực gần trường ĐH Khoa học Tự nhiên để “xả” hàng tồn kho và mưu sinh tạm thời.
Hơn ai hết, các tiểu thương trong chợ là người mong muốn chợ đêm được lập lại để có thể tiếp tục buôn bán, kiếm tiền nuôi gia đình.
Chị Nguyễn Thị Nhung (44 tuổi, buôn bán quần áo) bày tỏ rằng: “Nếu không có chợ đêm thì rất nhiều tiểu thương không còn cách nào khác là phải dọn hàng tràn lan ra đường bày bán, rất mất trật tự. Bây giờ chợ đêm bị di dời thì các tiểu thương cũng chỉ mong chính quyền quy hoạch cho chỗ buôn bán mới để cuộc sống được ổn định, chứ buôn bán nhỏ lẻ khó khắn lắm”.
Không chỉ có các tiểu thương trong chợ tiếc nuối mà các bạn sinh viên ở làng Đại học Thủ Đức cũng mong muốn chợ đêm sẽ được “hồi sinh”. Với nhiều thế hệ sinh viên, chợ đêm được biết đến như một điểm đặc biệt ở làng ĐH và đã gắn bó rất mật thiết. Mặt hàng phong phú và là địa điểm tụ họp lý tưởng cho sinh viên vì các hàng quán phục vụ đúng mục đích và nhu cầu của họ.
Ngoài ra, giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền cũng là lý do khiến các sinh viên thường xuyên lui tới.
Bạn Nguyễn Quang Hiếu (SV năm 1, ĐH Bách Khoa) cho biết: “Nếu chợ đêm không còn nữa thì mình cảm thấy rất tiếc vì mình không biết mua đồ ở đâu. Mua ở trong những cửa hàng quần áo thì giá cao. Là sinh viên nên không đủ điều kiện kinh tế để sắm sửa. Còn nếu phải qua những khu chợ khác thì khá xa, rất bất tiện. Mình mong chợ đêm sẽ được lập lại ở vị trí khác nhưng vẫn thuộc làng ĐH”
Không chỉ mua hàng, nhiều bạn sinh viên còn tận dụng hoạt động bán buôn tấp nập ở chợ đêm để kiếm thêm thu nhập. Nhiều bạn xin các tiểu thương hoặc các chủ hàng quán cho phụ việc trong chợ để có thể thu về “đồng ra đồng vô”, có thêm tiền để trang trải chi phí ăn uống, ở trọ.
Thời điểm cuối tuần là khi người mua tề tựu tại chợ đông đúc nhất. Đó cũng là cơ hội tốt để các bạn sinh viên thu về nguồn thu đáng kể. Bạn Lê Đăng Doanh cho biết số tiền hàng tháng các bạn nhận được không phải quá lớn, song vẫn đủ giúp bạn lo việc ăn uống và đỡ tốn tiền gia đình từ quê gửi vào.
Ngoài các tiểu thương, nhiều người bán hàng rong nhỏ, lẻ cũng hưởng lợi từ chợ đêm nhờ có đông người mua. Những người này cũng có cùng ao ước khu chợ thường ngày được mở trở lại để giúp họ tiếp tục mưu sinh, trang trải cuộc sống.