(CAO) Khu đô thị ĐHQG hay được gọi với tên làng đại học Thủ Đức hiện đang có trên 40.000 sinh viên trong nước và quốc tế theo học. Tuy nhiên, những tệ nạn như trộm cắp, quán net và nhậu nhẹt… đang trở thành một vấn nạn lớn ở nơi đây và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của sinh viên.
Mất cắp là chuyện thường
Là nơi tập trung sinh viên từ khắp các nơi về học tập nhưng làng ĐH Thủ Đức lại bị đông đảo các bạn sinh viên đánh giá là khu vực kém an ninh và nạn cướp giật, trộm cắp thường xuyên xảy ra. Nhiều sinh viên còn chia sẻ có những vụ cướp giật rất “trắng trợn” ngay giữa ban ngày. Đáng nói, nhiều bạn cho biết dù muốn can ngăn nhưng không ai dàm vì sợ bị trả thù. Thậm chí có bạn vừa bị cướp lại còn bị đánh oan mà không biết kêu cứu với ai.
Gần như có thể khẳng định trộm cắp là điều khiến tất cả sinh viên lo sợ. Bạn Trần Kim Duyên (SV năm 3 ĐH KHXH &NV) buồn rầu kể rằng: “Năm ngoái mình bị trộm cậy cửa lấy mất 2 máy tính và 1 điện thoại. Trộm hoành hành rất táo tợn, bất cứ vật gì dù nhỏ như cái quần hay đôi dép mà để hớ hênh là bị lấy ngay. Mình đi ngủ khóa cửa cẩn thận rồi mà vẫn mất như thường. Hầu hết sinh viên ở làng đều rất lo sợ, nếu không có việc thì cứ ở phòng đóng cửa lại cho chắc chắn”.
Quán game, quán nhậu tràn lan
Song song với vấn nạn trộm cướp, game và nhậu nhẹt cũng là một trong những tệ nạn được nhiều sinh viên phản ánh nhất. Trên một đoạn đường chỉ dài hơn 100 mét đã có gần chục quán ăn, quán nhậu được mở ra.
Những quán game cũng có điều kiện “mọc lên như nấm” và luôn tấp nập các sinh viên ra vào. Thậm chí để phát triển làm ăn, nhiều quán game, quán net còn cho cung cấp nhiều “dịch vụ hấp dẫn” đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Có nơi thường xuyên cho sinh viên “cắm net” suốt đêm đêm. Hoặc có khi là cho nợ tiền chơi game đến khi nào có thì trả.
Từ tháng 9 năm 2015, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quy định chỉ cho phép các đại lý internet được hoạt động từ 8 giờ đến 22 giờ. Mặc dù quy định này đã tồn tại được gần hai năm nhưng tình trạng các quán net mở cửa thâu đêm suốt sáng, 24/24 vẫn là điều bình thường tại đây.
Trước thực trạng trên, phần lớn các bạn sinh viên đều cho rằng việc chơi game nhiều và nhậu nhẹt đều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến học tập và lối sống của sinh viên. “Mình thấy ở làng đại ĐH, việc sinh viên nhậu nhẹt và chơi game rất đáng báo động. Nó mang lại nhiều tác hại lớn. Thứ nhất, nó ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu các bạn “cắm net” nhiều thì dễ rơi vào tình trạng mất ăn mất ngủ, cơ thể suy nhược. Thứ hai, việc học tập cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Mình thấy rất nhiều sinh viên bỏ bê việc học, thậm chí là không lên lớp vì chơi game hoặc nhậu nhẹt nguyên đêm. Đó là chưa kể nhiều bạn vì không có tiền để chơi game và ăn nhậu nên đã nảy sinh ra việc trộm cướp tài sản.” – bạn Nguyễn Nhật Linh (SV năm 2, ĐH Nông Lâm) chia sẻ.
Ngoài ra, việc có quá nhiều quán game và quán nhậu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự ở khu vực làng ĐH Thủ Đức.
Cần tự ý thức và đề cao cảnh giác
Trước tình hình các tệ nạn xã hội đang ngày càng gia tăng ở làng ĐH Thủ Đức và chờ cơ quan chức năng có những biện pháp hữu hiệu để phòng chống, thì trước hết các bạn sinh viên cần phải tự mình nâng cao ý thức và cảnh giác để có thể hạn chế tối đa những thiệt hại cho bản thân.
Bạn Bùi Vũ Hoàng (SV năm 2 ĐH Bách Khoa TP. HCM) cho rằng: “Làng ĐH là nột môi trường có văn hóa, trình độ cao. Mình nghĩ các bạn nên hạn chế việc rượu chè và đi chơi game. Nó như là con dao hai lưỡi, nếu như mình biết tận dụng đúng cách thì sẽ mang lại nhiều lợi ích như giúp xả stress, thư giản... Nhưng nếu mình quá lạm dụng nó thì sẽ mang lại nhiều tác hại xấu. Mình nghĩ tự bản thân các sinh viên phải có ý thức trước thì mới hạn chế được vấn nạn này”.
Bên cạnh đó, cũng không ít sinh viên cho rằng các cơ quan chức năng nên quy định thời gian hoạt động của các quán game, quán nhậu rõ ràng, không cho mở nguyên đêm và xử lý thật nặng những trường hợp vi phạm để giảm tệ nạn dưới làng. Riêng về vấn nạn trộm cắp, nhiều sinh viên mong muốn chính quyền sẽ có giải pháp tích cực hơn nữa, giúp sinh viên yên tâm học tập và ổn định cuộc sống.