Trầm cảm sau sinh có thể biến một bà mẹ trở thành kẻ giết người chỉ trong tích tắc

Thứ Bảy, 17/06/2017 09:52  | Ngô Đồng

|

(CAO) Theo các chuyên gia y tế, có hơn 40% phụ nữ trầm cảm sau sinh có ý định tự tử. Sự mất mát này sẽ nhân đôi nếu người mẹ ấy có ý định mang con đi theo mình.

Mấy ngày qua, vụ việc bé 33 ngày tuổi xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội tử vong trong chậu nước và nghi phạm chính là mẹ của bé khiến dư luận xôn xao. Nhiều người cho rằng, chính chứng bệnh trầm cảm sau sinh là nguyên nhân khiến cho người mẹ có những hành động khó hiểu đến vậy.

Biến đổi lớn về tâm lý, nguy cơ bệnh tâm thần

Theo các chuyên gia y tế, mang thai và sinh con là thiên chức và cũng là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của người phụ nữ. Quá trình vượt cạn khiến các bà mẹ đã có sự biến đổi lớn về sinh lý và tâm lý đặc biệt là sự biến đổi về tâm lý đòi hỏi người phụ nữ phải thích nghi dần dần cả về mặt cơ thể và tinh thần.

Trên thế giới, trầm cảm sau sinh không phải vấn đề xa lạ, nó được biết đến với tên gọi "postpartum depression".

Ổn định tâm lý cho bà mẹ giai đoạn hậu sản rất quan trọng. Nếu họ không được hỗ trợ kịp thời, những hệ lụy lớn hơn có thể xảy ra. Ảnh minh họa

PGS TS BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM lý giải những thay đổi trên là do là sự thay đổi nhanh hormone. Bên cạnh đó, sau sinh áp lực thức trông con khiến người mẹ thường xuyên bị mất ngủ, giấc ngủ chập chờn làm gia tăng yếu tố mắc bệnh. Đây cũng là giai đoạn ngoại hình, cơ thể người phụ nữ có sự biến đổi rất nhiều, phụ nữ dễ tổn thương và mặc cảm vì điều đó nên cũng làm tinh thần sản phụ xuống.

PGS TS BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM cho biết, nghiên cứu tại Bệnh viện Hùng Vương cho thấy, những người có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh thường là những phụ nữ có tình trạng sức khỏe kém; không có hoặc thiếu sự quan tâm của người thân, đặc biệt là người chồng sau sinh trong việc chăm sóc con; em bé sinh ra có vấn đề về sức khỏe hoặc cuộc sinh khó khăn; thai kỳ không mong muốn và chịu nhiều áp lực phải sinh (có thể từ chồng và gia đình).

Phần lớn các bà mẹ dần dần thích nghi với những cái mới nên không có phản ứng nặng nề về cơ thể và tâm lý. Tuy nhiên, ở một số ít phụ nữ những thay đổi này có thể quá ngưỡng làm xuất hiện một số rối loạn tâm thần ở mức độ khác nhau.

Theo BS Trang, sự thay đổi về tâm lý có 3 mức độ. Thông thường và phổ biến nhất là tình trạng buồn sau sinh (thường gặp khoảng 30-80%), Người phụ nữ cảm thấy buồn nhưng không có lý do. Tuy nhiên, cảm giác này thường chỉ thoáng qua, họ vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường.

Cảm giác buồn chán, mệt mỏi khiến bà mẹ dễ xúc động, nghĩ không ai yêu thương mình, không ai quan tâm mình, bà mẹ cảm thấy rất đơn độc với việc chăm sóc con, thậm chí có thể ghét đứa con mình mới sinh ra.

Những trách nhiệm mới, lịch sinh hoạt mới gắn liền với đứa trẻ 24/24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, cảm giác lo lắng mình chưa chăm con tốt nhất có thể khiến bà mẹ cảm thấy có lỗi, hay đổ lỗi cho con vì những khổ sở mình đang chịu đựng.

Các triệu chứng này có thể sẽ giảm dần theo thời gian và dễ dàng giải quyết được, nhưng nếu các cảm xúc tiêu cực ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài, đó là "trầm cảm sau sinh" (chiếm 10-15%). Tình trạng buồn kéo dài, có khi suốt ngày, người phụ nữ mất ngủ thường xuyên, nguy hiểm hơn là có ý định tự tử hoặc ôm con tự tử. Khi này, các bà mẹ rất cần được giúp đỡ để thoát ra thay vì bị trách móc cô ấy không làm tốt vai trò người mẹ.

Mức độ thứ 3 là loạn thần sau sinh, chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 0,1%. Lúc này, người phụ nữ cần phải được đưa đến khám bác sĩ tâm thần.

Người thân, bạn bè nên làm gì với một bà mẹ trầm cảm?

Trầm cảm sau sinh có thể là nguy cơ đến sức khỏe tâm thần của người mẹ cũng như mối quan hệ giữa mẹ và các thành viên khác trong gia đình đặc biệt là những đứa con mới sinh, nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về cảm xúc, tâm lý, nhân cách và trí tuệ của trẻ sau này.

Ổn định tâm lý cho bà mẹ giai đoạn hậu sản rất quan trọng. Nếu họ không được hỗ trợ kịp thời, những hệ lụy lớn hơn có thể xảy ra. Thực tế, trên thế giới đã ghi nhận không ít trường hợp mẹ sát hại con do trầm cảm và không điều khiển được cảm xúc, lý trí. Sự tổn thương, đau đớn và trầm cảm dài ngày có thể biến một bà mẹ trở thành kẻ giết người chỉ trong tích tắc.

Theo BV Từ Dũ TP.HCM, người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử (41,2%). Một số người rối loạn tâm thần, luôn có cảm giác bị hại nên tìm cách trả thù hay đối phó. Có những bà mẹ nghĩ con mình bị ma quỉ nhập nên tìm cách trừ tà, như vậy rất nguy hiểm đến tính mạng của bé. Ngay cả những người thân khác trong gia đình cũng vậy, có khi bà mẹ mang dao đâm người thân chỉ vì hoang tưởng bị hại.

Hãy gần gũi để lắng nghe, giúp đỡ việc chăm sóc đứa trẻ, và hỗ trợ tâm lý người mẹ. Người phụ nữ mới sinh con cần nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Phụ nữ sau sinh rất cần sự gần gũi động viên, hỗ trợ của chồng. Hãy giúp vợ trông con khi cô ấy đang ngủ. Gia đình nên hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và sự giúp đỡ của họ có thể giúp cho người mẹ phục hồi nhanh chóng.

Trầm cảm sau sanh là một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm tìm hiểu để có hướng giải quyết cũng như điều trị, dự phòng và giáo dục tiền sản cũng như tạo sự quan tâm của gia đình và cộng đồng. Để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ trầm cảm sau sinh, BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang khuyến cáo, khi mang thai người phụ nữ nên tham gia các lớp học tiền sản để được tư vấn, trang bị các kiến thức về thai kỳ, nuôi con. Chuẩn bị trước tâm lý, biết trước những vấn đề sẽ xảy đến khi sinh và sau sinh. Ngoài ra, và cũng vô cùng quan trọng là người thân, đặc biệt là người chồng phải luôn quan tâm, hỗ trợ, ở bên cạnh chăm sóc vợ con. Ngay cả khi tham gia các lớp học tiền sản, người chồng cũng nên đi cùng để cùng chia sẻ với vợ, có những kiến thức cần thiết để hỗ trợ vợ sau sinh và chăm sóc con cùng vợ.

Theo các chuyên gia y tế, hậu sản là một thời kỳ có nhiều thay đổi về sinh lý và tâm lý. Nhiều tác giả cho rằng sự thay đổi nhanh chóng môi trường hormone ảnh hưởng đến việc xuất hiện các trạng thái bệnh lý.

Nếu không được phát hiện và điều trị, trầm cảm ở sản phụ có thể làm tăng nguy cơ bệnh tâm thần và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần và nhân cách trong tương lai của trẻ .

Tại các nước phát triển, nghiên cứu cho thấy có khoảng 50% phụ nữ trẻ sau sanh trong vòng năm đầu có nhiều khả năng xuất hiện một vài triệu chứng ức chế tinh thần và 10-15% trong số này có những triệu chứng trầm trọng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang