Người giữ rừng nghỉ việc hàng loạt

Thứ Năm, 10/11/2022 10:25  | Chí Dũng

|

(CATP) Áp lực công việc, gánh nặng gia đình hay câu chuyện về cơm áo gạo tiền khiến người giữ rừng không còn mặn mà với nghề. Số người nghỉ việc ngày càng tăng khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Gia Lai vốn đã khó nay càng thêm khó.

Chưa đầy 3 năm, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku (Công ty Lơ Ku, huyện Kbang, Gia Lai) có đến 17 người nghỉ việc. Trong đó, người thâm niên với nghề hơn chục năm, thậm chí người vừa ký hợp đồng cũng xin nghỉ.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất bốn bề là rừng, năm 2015, anh Vũ Hữu Hưng (ngụ huyện Kbang) xin vào Công ty Lơ Ku làm việc. Thế nhưng với đồng lương 2,8 triệu/tháng không đủ chi phí đi làm, năm 2017, anh quyết định... dứt áo ra đi. Trai trẻ, quen với rừng núi, anh Hưng không ngại khó ngại khổ nhưng lại "dừng bước" với đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

"Thanh niên mà tiền lương mỗi tháng chỉ hơn 2,8 triệu đồng, không bằng một nửa so với mấy người lớn tuổi ở cùng thôn đi làm cỏ cà phê thuê. Với mức lương đó nhưng phải thường xuyên ăn ở với rừng, chưa kể những mối hiểm nguy, đe dọa từ "lâm tặc". Thêm vào đó là áp lực về diện tích rừng quản lý. Nếu rừng bị xâm hại diện tích lớn, bản thân tôi có thể bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự", anh Hưng ngậm ngùi nói.

Để lấp vào chỗ trống các nhân viên xin nghỉ hàng loạt, Công ty Lơ Ku đang đăng tuyển 5 nhân viên bảo vệ rừng nhưng đến nay vẫn chưa có ai xin vào. Không tuyển đủ người, các nhân viên hiện có phải ôm thêm khối lượng công việc của những người đang thiếu. Ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Công ty Lơ Ku cho biết, nghề bảo vệ rừng đang có nhiều "cái nhất" như: lương thấp nhất; chế độ thấp nhất; áp lực công việc, áp lực đối mặt với "lâm tặc" nhất. Do có nhiều "cái nhất" không mong muốn nên chỉ cần có công việc khác ổn định hơn là họ "nhảy". Việc tuyển người cũng rất nan giải, không ai nộp hồ xin việc. Lâu lâu có được người đến nhưng cứ vài tháng không chịu được "nhiệt" nên lại nghỉ.

Bảo vệ rừng Ban QLRPH Ia Meur tuần tra

Tình trạng nhân viên nghỉ việc cũng xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Nam Phú Nhơn (huyện Chư Pưh, Gia Lai). Ông Nguyễn Văn Tường - Trưởng Ban quản lý cho biết, thời gian gần đây có 5 bảo vệ rừng xin nghỉ. Đơn vị quản lý 10.000 héc-ta rừng nhưng chỉ có 8 bảo vệ rừng. Hiện một số cán bộ đang có ý định xin nghỉ, nhưng đơn vị động viên để họ ở lại. Lý do chính khiến các bảo vệ rừng ở đơn vị nghỉ việc là do lương thấp. Đối với người mới vào, lương chỉ có hơn 3 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp nhưng yêu cầu công việc cao, họ phải thường xuyên cắm chốt trong rừng trực gác, xa xôi hẻo lánh, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Tường kể câu chuyện vừa vui, vừa buồn: "Có cựu bảo vệ rừng vừa lên thăm lại đơn vị đã tâm sự với anh em. Sau khi xin nghỉ bảo vệ rừng, vào làm công ty ở một tỉnh phía Nam, thu nhập hơn chục triệu/tháng. Trong khi đó, làm ở đơn vị đã 8 năm, đến lúc xin nghỉ chỉ có 4 triệu đồng/tháng. Thời gian làm ở đơn vị do ở trên rừng miết không có người yêu, vừa nghỉ việc cưới được vợ liền".

Mới đây, Ban QLRPH Ia Meur (huyện Chư Prông) cũng có 5 viên chức xin nghỉ, chuyển công tác. Ban này được giao quản lý, bảo vệ hơn 10.000 héc-ta rừng và đất lâm nghiệp ở xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông. Để đáp ứng yêu cầu công việc, đơn vị được giao biên chế 18 người nhưng hiện chỉ có 14 người, số lượng thiếu hụt vì những năm qua không tuyển được. Ngoài ra, nhân viên của đơn vị cũng đang viết đơn xin nghỉ ồ ạt. Đại diện Ban QLRPH Ia Meur cho biết, sau khi nhận đơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cử người đến động viên nhưng những người này quyết tâm nghỉ. Thời gian tới, nếu không giải quyết thì họ cũng sẽ bỏ việc.

Theo Sở NN&PTNT Gia Lai, dù đơn vị đã động viên, tạo điều kiện để công chức, viên chức quản lý bảo vệ rừng và người lao động ở lại nhưng vì công việc vất vả, chế độ lương, phụ cấp thấp nên nhiều người xin thôi việc. Cụ thể, đối với công chức kiểm lâm, từ năm 2021 đến nay đã có 21 công chức nghỉ hưởng chính sách tinh giản biên chế và nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân; còn viên chức bảo vệ rừng tại các ban quản lý thì có 10 người nghỉ việc. Tại các công ty lâm nghiệp, trong 3 năm có 82 trường hợp xin nghỉ việc và 12 trường hợp bị buộc thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Thậm chí, một số lãnh đạo Hạt Kiểm lâm cũng "rũ áo từ quan" vì nhiều lý do.

Ngoài ra, việc tuyển dụng công chức kiểm lâm và viên chức quản lý bảo vệ rừng gặp một số khó khăn, như tuyển không đủ so với chỉ tiêu biên chế được giao do chế độ, chính sách còn thấp, chưa phù hợp với mặt bằng tiền lương đối với các ngành nghề độc hại, nguy hiểm. Việc thiếu hụt nhân lực đang khiến cho nhiệm vụ giữ, bảo vệ rừng trở nên khó khăn, xa hơn là nguy cơ mất rừng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang