(CAO) Nhiều năm nay, hàng loạt hồ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xả thẳng nước thải ra biển, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Những người dân sống xung quanh những hồ nuôi tôm này rất bức xúc vì luôn phải chịu mùi hôi thối, khó chịu.
Nhiều năm trở lại đây, người dân vùng bãi ngang ven biển Hà Tĩnh đã ồ ạt đào ao nuôi tôm để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do việc nuôi tôm còn mang hình thức tự phát, thiếu kỹ thuật và hệ thống xử lý nước thải nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hàng loạt hồ nuôi tôm của Hợp tác xã Bảo An Phúc không xử lý môi trường mà xả ra mương nước chảy thẳng ra biển.
Khu vực hồ nuôi tôm của Hợp tác xã Bảo An Phú (xã Kỳ Xuân, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) gồm có 14 hồ, trong đó 1 hồ xử lý nước thải, 13 hồ nuôi tôm thời vụ được xây dựng ngay cạnh dòng nước Khe Ngâm. Thế nhưng, qua kiểm tra của cơ quan chức năng thì hồ tôm này vẫn chưa có đánh giá tác động về môi trường.
Trong nhiều năm qua người dân nơi đây đã liên tiếp phản ánh, tố cáo việc xả chất thải gây ô nhiễm của dự án nuôi tôm này lên các cơ quan chức năng. Nước thải từ hồ nuôi đã khiến cho dòng nước khe này bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối khó chịu. Đường ống dẫn nước từ điểm nuôi tôm này đang chảy ra tạo thành những con mương nhỏ, dẫn thức nước đen đặc quánh chảy thẳng ra biển Kỳ Xuân. Xác tôm chết cùng những lớp bùn dày này tạo nên mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến người dân sinh sống tại đây.
Xả ra mương nước chảy thẳng ra biển
Ông Nguyễn Ngọc Sâm (trú xóm Xuân Phú, xã Kỳ Xuân), bức xúc: “Nhiều lúc, gia đình chúng tôi đang ăn cơm thì mùi hôi thối nồng nặc bay nồng nặc vào nhà. Thắc mắc với chủ hồ họ không chịu tiếp thu khắc phục mà còn nói dối rằng nước thải đã được xử lý khiến chúng tôi càng bức xúc hơn”.
Anh Tô Xuân Duy, chủ nhà hàng Phú Xuân Khang tại bãi biển Kỳ Xuân, ngao ngán nói: “Huyện đang xây dựng bãi biển Kỳ Xuân để thu hút du lịch biển. Thế nhưng khách đến bãi biển này không dám xuống tắm vì nước thải từ hồ nuôi tôm của Hợp tác xã Bảo An Phú xả thái xuống đen ngòm, hôi thối một vùng. Đến việc ngồi ăn uống trong quán còn nghe mùi hôi nói gì đến xuống tắm”.
Ống nước thải của những hồ nuôi tôm ở xã Thạch Hải xả nước ra biển.
Theo người dân xã Kỳ Xuân, nhiều năm qua, họ đã làm đơn phản ánh việc Hợp tác xã Bảo An Phú nuôi tôm không chịu xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra biển Kỳ Xuân, gây ô nhiễm môi trường lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà việc gây ô nhiễm môi trường của hợp tác xã này vẫn không bị xử lý.
Tôm chết cùng sình lầy chuẩn bị được cào để xả ra biển.
Tương tự, tại xã Thạch Hải (H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) cũng có 7 hộ dân tự ý cải tạo 11,8ha đất đầu tư nuôi tôm trên cát. Đáng nói là khu vực nuôi tôm không có hồ lắng xử lý nước thải, nước thải theo đường ống đổ thẳng ra biển. Thế nhưng, những việc sai phạm về môi trường đó vẫn không được chính quyền địa phương xử lý, gây bức xúc cho người dân.
Chính sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã tiếp tay cho những hành vi xả thải ra môi trường liên miên của các cơ sở nuôi tôm tự phát, khiến dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng. Ngoài những bất cập về quy hoạch, giám sát môi trường, quản lý dịch bệnh, năng lực về tài chính, đặc biệt là trình độ kỹ thuật của hộ dân nuôi tự phát cũng là một bài toán cần xem xét lại.
Ông Dương Xuân Sáu – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, cho biết xã này đã nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc Hợp tác xã Bảo An Phú nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, xã đã lập biên bản và báo cáo lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kỳ Anh để xử lý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hữu Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục môi trường Hà Tĩnh, cho biết việc nuôi tôm chưa được quy hoạch là một trong những khó khăn đối với công tác quản lý và bảo vệ môi trường của địa phương.
“Cũng do chưa quy hoạch nên chúng tôi không thể kiểm soát hết được việc xả thải của các cơ sở nuôi tôm gây ảnh hưởng đến dòng nước và môi trường xung quanh” – ông Bình nói.