Thừa Thiên – Huế chìm trong biển nước
Ngày 20 và 21-11, tại Thừa Thiên – Huế xảy ra mưa to trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi từ 250 - 300mm như Bạch Mã, Tà Lương. Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, mực nước tại hồ thủy điện đang dâng cao và các hồ đang triển khai kế hoạch xả nước. Lũ trên các sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi đang dao động ở mức trên báo động 2 đến báo động 3. Cơ quan này khuyến cáo, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất: ở các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới. Tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, cần theo dõi thường xuyên để chủ động phòng tránh.
Người và phương tiện cố gắng lưu thông trên tuyến đường, vùng bị ngập nước
Từ chiều 20-11 đến sáng 21-11 đã xảy ra ngập trên diện rộng ở các vùng thấp trũng của TP.Huế và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, TX.Hương Trà, Hương Thủy. Các đường tỉnh lộ từ huyện Phong Điền về các xã bị ngập lụt cục bộ ở nhiều đoạn, gây chia cắt: Tỉnh lộ 6, Tỉnh lộ 17, Tỉnh lộ 22… Hàng trăm ngôi nhà ở thị trấn Phong Điền, xã Phong Thu, xã Phong An… đã bị ngập từ 0,5 đến 1,2m.
Tại TP.Huế, nhiều hạng mục, công trình của BQL dự án Cải thiện môi trường nước và một số dự án xây dựng hạ tầng giao thông có nguy cơ gây nguy hiểm cho công nhân đang thi công. Các chủ đầu tư, đơn vị thi công được yêu cầu khẩn trương rào chắn các điểm thi công, cấp phối đá dăm tại các điểm sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Tình trạng sạt lở lại xuất hiện ở huyện miền núi, biên giới A Lưới. Tuyến Quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua huyện A Lưới đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở gây ách tắc giao thông, nguy hiểm cho người dân. Lãnh đạo huyện này đang tích cực chỉ đạo chính quyền địa phương, các lực lượng, cơ quan chức năng kiểm tra và có phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi đi qua các điểm xung yếu; chủ động sơ tán, bảo vệ dân ở những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và các vùng thấp trũng; có kế hoạch di dời 335 hộ dân, với 1.572 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm, đến nơi an toàn.
Quảng Nam ngập nặng, tiến hành di dời dân
Một số địa phương của các huyện ở Quảng Nam bị ngập nặng từ 0,5 - 1,5m do mưa lớn. Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, trên địa bàn mưa lớn và thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ nên các vùng thấp trũng bị ngập. Bốn xã Phước Ninh, Quế Lâm, Quế Phước và Quế Ninh bị chia cắt do các tuyến đường liên xã bị ngập sâu.
Người dân huyện Đại Lộc, Quảng Nam phải di chuyển bằng đò qua vùng bị ngập nước
Tại huyện Đại Lộc, do mưa lớn kết hợp với thủy điện xả lũ, nước từ thượng nguồn đổ về sông Vu Gia và Thu Bồn khiến một số vùng thấp trũng bị ngập nặng, một số vùng đã bị chia cắt, nhiều đường giao thông bị ngập gây ách tắc, chia cắt; dân dùng xe bò, thuyền chở qua đoạn ngập nước.
Rút kinh nghiệm từ các đợt bão lũ vừa qua, các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn đã sớm di dời hàng nghìn hộ dân ở các vùng thấp trũng, nguy cơ sạt lở đến nơi cao, an toàn. Ngày 20-11, huyện Bắc Trà My đã di dời hơn 500 hộ ở các xã Trà Bui, Trà Đông, Trà Vân… Trong ngày 20-11, huyện này tiếp tục lên phương án triển khai di dời hàng nghìn hộ dân khác ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở trong ngày 21-11.
Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, dự báo trong thời gian từ ngày 19 đến 25-11, trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện đợt lũ. Lượng mưa trung bình từ 20 đến 40mm; miền núi 100-170mm, có nơi như Thành Mỹ, huyện Nam Giang 197mm. Hiện mực nước trên các sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ, sông Tranh… trên mức báo động 2 đến báo động 3.
Mưa lớn kéo dài trong 3 ngày qua nên các thủy điện đã tiến hành xả lũ: thủy điện Sông Tranh 2 xả gần 300m3/s, Sông Bung 4 xả hơn 260m3/s và A Vương xả 310m3/s.
Sạt lở khiến đường sắt tê liệt
Mưa lớn kéo dài khiến khối đá lớn nặng khoảng 10 tấn sạt từ trên núi xuống, nằm chắn ngang đường sắt Bắc-Nam, đoạn qua đèo Hải Vân tại km 758+450 khiến nhiều đoàn tàu phải dừng ở ga Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) chờ khắc phục sự cố.
Khối đá lớn sạt lở làm tê liệt đường sắt ở đèo Hải Vân
Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, Công ty CP đường sắt Thừa Thiên – Huế đã huy động nhân lực, phương tiện thiết bị khẩn trương khắc phục sự cố. Các đơn vị phải dùng máy khoan, cắt, máy xúc để nâng khối đá khổng lồ và lượng lớn đất sạt từ núi xuống đường sắt. Đến 22 giờ ngày 20-11, vị trí sạt lở này mới tạm được khắc phục để thông tuyến.
Nhiều hành khách bị mắc kẹt tại ga Lăng Cô và các ga khác được ngành đường sắt bố trí phát cơm, nước uống miễn phí trong lúc đợi thông đường… Lực lượng Công an huyện Phú Lộc, Trạm CSGT Trạm Phú Lộc thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cử lực lượng đến giúp hành khách, đảm bảo điều tiết giao thông…