Nhiều em nhỏ đuối nước khi tắm sông
Khi học sinh (HS) được nghỉ hè cũng là thời điểm nắng nóng, trẻ thường thích ra các ao, hồ, sông, suối để bơi lội, nghịch nước, do không cẩn thận đã dẫn đến nhiều tai nạn đau lòng. Mới đây, chỉ trong 3 ngày tại miền Tây đã xảy ra 3 vụ đuối nước khiến 4 trẻ nhỏ tử vong.
Chiều 29/5, đoạn sông Cần Thơ dưới gầm cầu Trần Hoàng Na (thuộc P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) xảy ra vụ 2 trẻ nhỏ đuối nước tử vong. Nạn nhân là 2 anh em ruột B.T.T (8 tuổi) và B.T.S (6 tuổi). Nhà ở gần nơi xảy ra vụ việc, anh Nguyễn Quốc Hưng cho biết, ngày nào đám trẻ cũng đến đây chơi, người lớn cũng ra bờ sông câu cá rất nhiều. Trước đây, đoạn bờ kè này có hàng rào, nhưng mấy tháng nay từ khi cầu Trần Hoàng Na thông xe, hàng rào bị gỡ. "Đây là khu vực nguy hiểm nên thường người lớn sẽ không cho trẻ mon men lại gần bờ sông, nhưng hôm qua không có ai đi câu dẫn đến sự việc đau lòng", anh Hưng nói.
Có nhà tiếp giáp bờ kè nơi xảy ra vụ việc và là người đầu tiên nhảy xuống sông mò thi thể 2 cháu bé, anh Nguyễn Hữu Dương (33 tuổi) kể lại: Chiều 29/5, lúc anh cùng bạn đang ngồi trong nhà thấy một cháu nhỏ khóc trên bờ kè. Khi anh đến hỏi, bé hoảng loạn, không nói được mà cứ chỉ tay ra hướng mặt sông nức nở, phải một lúc mới nói được bạn mình đuối nước. Anh liền nhảy xuống sông mò nhưng không được. Đến khi công an tới tìm đã phát hiện thi thể 2 cháu bé.
Cách hiện trường khoảng 100m là nhà của 2 nạn nhân. Chị Trần Ngọc Diễm Thúy (40 tuổi, dì ruột của T. và S.) tâm sự: "Cha mẹ các bé làm nghề lượm ve chai, cuộc sống quanh năm thiếu trước hụt sau. Em gái tôi có 3 con trai, hôm qua đứa đầu bị ốm nên đem gửi tôi chăm sóc. Hai đứa sau rủ nhau đi chơi rồi xảy ra sự việc đau lòng".
Một người dân dạy bơi cho trẻ ở Đồng Tháp vào dịp hè
Ngày 31/5, Công an (CA) xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết đã tìm thấy thi thể bé gái đuối nước tử vong trong lúc tắm sông. Trước đó 2 ngày, vào buổi trưa khi đi học về, em T.B.N (14 tuổi, ngụ địa phương) cùng nhóm bạn ra sông Tầm Vu tắm và N. đuối nước, mất tích. Nhận tin báo, CA đã xuống hiện trường phối hợp với người dân tổ chức tìm kiếm. Thi thể em N. được tìm thấy cách hiện trường không xa.
Đâu là nguyên nhân?
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) một số tỉnh, thành, từng lúc, từng nơi việc phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình trong công tác bảo vệ trẻ em chưa tốt. Một số địa phương thực hiện 3 cấp độ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ theo quy định pháp luật. Việc đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao cho trẻ còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của các em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Công tác truyền thông, giáo dục về kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ trẻ hiệu quả chưa cao.
Cũng theo sở này, ngoài nguyên nhân do đặc điểm địa hình có nhiều kênh, rạch, sông ngòi... tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn đuối nước ở trẻ, còn các nguyên nhân thuộc về chủ quan, như: Các em có cha, mẹ đi làm ăn xa, ở cùng ông bà, người thân lớn tuổi, thiếu sự giám sát, trông coi. Hơn nữa, các em trong độ tuổi hiếu động, chưa được trang bị kỹ năng phòng, chống (PC) đuối nước, chưa nhận biết hết các nguy cơ dễ dẫn đến tai nạn thương tâm.
Theo Hội Nhi khoa Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ tại nước ta trong độ tuổi từ 5 - 14. Theo Bộ LĐ-TB&XH, hàng năm có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước, nhiều trường hợp trẻ bị di chứng tổn thương não sau tai nạn này.
Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Ngày Olympic trẻ em, phát động toàn dân tập luyện môn bơi để PC đuối nước năm 2024. Chương trình thu hút gần 8.000 thiếu nhi cùng các cán bộ, hướng dẫn viên, vận động viên từ hơn 30 tỉnh, thành phố tham gia.
Theo ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước rất đáng lo ngại. Nguyên nhân do nhiều đơn vị, trường học, xã phường còn thiếu cơ sở vật chất, sân bãi thể dục thể thao, điểm vui chơi cho trẻ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; trong khi đó sự quan tâm của các cấp chính quyền một số địa phương, các thành viên trong gia đình về quyền trẻ em được vui chơi, giải trí chưa đầy đủ...
Chính vì thế, công tác PC tai nạn đuối nước rất cần được các cấp, ngành chức năng, nhất là ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quan tâm. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang - Võ Bình Thư, nhằm tạo điều kiện cho HS, đặc biệt là các em ở lứa tuổi mầm non, được trang bị kiến thức, kỹ năng PC đuối nước trong dịp hè, Sở GD-ĐT đã triển khai kế hoạch cùng với các giải pháp cụ thể, hướng tới mục tiêu tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục đối với nhiệm vụ bảo đảm an toàn trường học và PC tai nạn đuối nước đối với trẻ em, HS phổ thông. Kế hoạch còn hướng đến mục tiêu trang bị cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và HS, trẻ em những kiến thức, kỹ năng để chủ động phòng, tránh tai nạn trong đời sống hàng ngày và khi tiếp xúc với môi trường nước.
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho biết đã yêu cầu các đơn vị liên quan và trực thuộc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: xây dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và tại đơn vị, triển khai hiệu quả công tác PC đuối nước; trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng, giúp HS tự ý thức, chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, phối hợp với ngành chuyên môn, đoàn thể tại địa phương tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng PC đuối nước cho HS.
Tại tỉnh Đồng Tháp, cứ vào dịp hè, một số cá nhân lại rào lưới dưới sông để tổ chức dạy bơi cho trẻ em, trong đó có trường hợp được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh.