Cho con đi làm sớm: Kỳ 1 - Nên hay không?

Chủ Nhật, 13/08/2017 08:04  | Đức Thiện

|

(CAO) Hiện nay, nhiều phụ huynh khuyến khích con cái đi làm thêm từ sớm dù vẫn còn trong tuổi đi học. Việc làm này có những ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực thế nào, và liệu có hợp pháp hay không vẫn là điều khiến nhiều bậc cha mẹ phải băn khoăn.

Mới đây, một người mẹ đã chia sẻ trên mạng xã hội Facebook về việc có cậu con trai 15 tuổi chơi đàn vĩ cầm (vi-ô-lông) trên phố đi bộ tại Hà Nội thì bị lực lượng chức năng không cho tiếp tục vì không có giấy phép. Theo chia sẻ của người mẹ này, cháu V.D.H.N. đã đi làm kiếm tiền từ khi lớp 1 và bây giờ đã lên lớp 9. Chủ yếu số tiền của cháu kiếm được dùng làm từ thiện. Từ câu chuyện này, nhiều bậc phụ huynh khác cũng không biết liệu để con mình đi làm sớm là việc nên hay không?

Cho con được trải nghiệm

Bên cạnh các bé trong gia đình hoàn cảnh khó khăn, thì gần đây nhiều phụ huynh muốn con mình tăng khả năng biểu diễn năng khiếu kết hợp việc trải nghiệm cuộc sống, làm quen với việc kiếm tiền.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Ngọc Ánh cho biết: “Là một người mẹ, tôi muốn con mình có được trải nghiệm sớm trong việc kiếm tiền. Trẻ em ngày nay hầu hết sống trong sự sung túc, đầy đủ do cha mẹ mang lại nên ít cảm nhận được khó khăn trong cuộc sống cũng như biết quý trọng những gì xung quanh mình. Tôi muốn con mình hiểu được giá trị của đồng tiền. Nó không từ trên trời rơi xuống mà phải lao động chăm chỉ mới có được”.

Cùng ý kiến với chị Ánh là chị Trần Vân Anh – Chủ biên Cẩm nang Văn hóa và Phong cách sống Nhật Bản Kilala. Theo chị Vân Anh, phụ huynh cũng nên cho con đi làm vì để con được trưởng thành và phát triển những năng khiếu bản thân. Ngoài giúp cho con có được trải nghiệm thì việc đi làm còn giúp con bớt được những việc vô bổ, không có ích như chơi điện tử, game online,...

Tuy nhiên theo chị Vân Anh, không phải cứ bất kỳ lứa tuổi nào thì cũng nên cho con đi làm. Không nên để cho con trẻ dưới 16 tuổi trải nghiệm việc đi làm vì còn quá sớm, ở độ tuổi này các cháu vẫn chưa đủ kiến thức và kỹ năng xã hội để có thể tự bảo vệ bản thân. Theo chị, những bậc phụ huynh có con ở độ tuổi này nên giúp con em tập trung vào việc học hành và tham gia hoạt động ngoại khóa. Đây cũng là những cách giúp con có được trải nghiệm thay vì đi làm bên ngoài.

Còn nếu muốn con có được kinh nghiệm đi làm khi còn trong độ tuổi chưa thành niên, thì theo chị Vân Anh, hợp lý nhất là khi các cháu từ 16 đến 18 tuổi. Là một người mẹ có hai con, một em 12 tuổi và một em 9 tuổi, chị Vân Anh cũng có những ước muốn cho con mình đi làm khi các con đến độ tuổi này. Theo chị, nên lựa chọn những việc mà con có thể sử dụng đến năng khiếu và là việc làm chính đáng, đúng với quy định của pháp luật.

Khi đặt vấn đề sẽ hướng dẫn con theo làm việc gì, thì chị Ánh không ngần ngại chia sẻ rằng con chị cũng đang tập tành học về nghệ thuật. Bản thân chị muốn tạo điều kiện cho bé được biểu diễn trước đám đông để tăng khả năng cảm thụ âm nhạc và rèn được sự tự tin, tính nghệ sĩ trong bé. Việc biểu diễn không chỉ đơn thuần để kiếm tiền, mà còn là rèn luyện cho con các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Coi chừng trẻ hiểu sai giá trị lao động

Chị Ngọc Ánh và chị Vân Anh là hai trong số những người mẹ muốn hướng con đi làm khi còn trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, một bộ phận những phụ huynh khác lại băn khoăn rằng liệu việc cho con em được trải nghiệm sớm sẽ có tác hại hay không.

Theo TS. Bùi Hồng Quân – Cố vấn Khoa học, Giảng viên cao cấp Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc Tinh thần Ý Tưởng Việt, thì việc cho con cái đi làm sớm sẽ giúp đem lại những giá trị tích cực. “Cho con được trải nghiệm việc đi làm sẽ giúp các em hiểu được giá trị của lao động, từ đó biết trân quý giá trị của lao động và có thái độ tích cực với lao động. Các em sẽ có được khát khao lao động ngay từ sớm”.

Ngoài ra theo ông Quân, đã đi làm thì sẽ có thu nhập, từ đó mang lại lợi ích kinh tế cho chính bản thân các em. Tuy nhiên, việc đi làm sớm cũng có những mặt trái của nó. Vị chuyên gia tâm lý phân tích rằng khi chưa thành niên thì các em chưa trưởng thành một cách trọn vẹn, vì vậy nếu lao động không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng về mặt thể chất. Ngoài ra nếu tệ hơn, các em có thể bị lợi dụng, lừa đảo và dẫn đến hậu quả về mặt tâm lý.

Trong trường hợp không bị lạm dụng, thì đôi khi việc kiếm quá nhiều tiền cũng gây tác hại không tốt đến con trẻ. Ông Quân cho biết việc được trả thù lao cao khi đi làm sẽ khiến trẻ hiểu sai giá trị của lao động. “Các em có được quá nhiều tiền sẽ thấy lao động là điều đơn giản, từ đó xem nhẹ nó đi”. Ông Quân khuyến cáo các bậc phụ huynh rằng ở độ tuổi này, các em vẫn phải tập trung vào việc học. Đây mới là mục tiêu chính để các em tập trung thay vì là đi làm và kiếm tiền.

Hiện nay, ngoài trường hợp cha mẹ cho con trẻ được thoải mái đi làm để trải nghiệm thì không ít trẻ buộc phải lao động như để mưu sinh. Dễ nhận thấy nhất là các em nhỏ phải đi bán vé số. Về vấn đề này, TS. Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Tâm lý học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ: “Tôi cho rằng, nếu một đứa trẻ nhỏ mới chỉ học cấp 1 hoặc mẫu giáo mà cha mẹ bắt phải đi bán vé số, ăn xin thì điều đó rất nguy hiểm, vì nó làm cho đứa trẻ không còn hồn nhiên và trẻ thơ. Hơn thế, làm cho đứa trẻ giảm lòng tự trọng, điều này sau này có thể ảnh hưởng đến nhiều hành vi tiêu cực của trẻ”.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em cần được thực hiện mọi lúc, mọi nơi để tất cả trẻ em đều có một tuổi thơ tươi vui, một tương lai tốt đẹp nhất. Gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc xây dựng môi trường sống an toàn, góp phần hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần

Trong đó vai trò của Nhà nước là trung tâm tập hợp, huy động xã hội hóa bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tạo lập môi trường phát triển, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, nhà nước cũng cần thực hiện tốt vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm luật pháp trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Bình luận (0)

Lên đầu trang