TPHCM: Những công viên chờ "giải cứu"

Thứ Bảy, 06/08/2022 09:43  | Hải Văn

|

(CATP) Trong khi người dân thiếu nơi vui chơi giải trí, chỗ luyện tập thể thao thì nhiều khu công viên (CV) "khủng" nằm ở vị trí đắc địa lại được xây dựng (XD) ì ạch hoặc đang xuống cấp, "trùm mền" hay bị giải thể, chưa biết khi nào hồi phục, gây lãng phí lớn về tiền của và quỹ đất quý giá của thành phố.

Công viên xây 21 năm chưa xong?

Năm 2001, Thủ tướng có quyết định thu hồi 37 ha đất tại P17 (nay là P6Q.Gò Vấp), giao Ban quản lý đầu tư XD hạ tầng CV văn hóa Gò Vấp đầu tư XD hạ tầng CV, kinh phí 99 tỷ đồng, trong đó ngân sách từ thành phố gần 17,3 tỷ, Q.Gò Vấp huy động từ quỹ đất gần 64 tỷ và vốn từ các thành phần kinh tế gần 17,7 tỷ. Công viên văn hóa Gò Vấp được quy hoạch các hạng mục mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân như: khu trò chơi, thể thao, quảng trường, hồ cảnh quan, làng hoa, vườn tượng, trung tâm thương mại... Khi đưa vào hoạt động, nơi này được kỳ vọng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm cho 10.000 người mỗi ngày, một năm có thể thu hút trên 3 triệu lượt khách lui tới.

Năm 2007, UBND quận Gò Vấp ký biên bản với Công ty CP đầu tư Gia Tuệ (địa chỉ P.Đại Mỗ, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) về việc đầu tư CV văn hóa Gò Vấp. Năm 2014, CV này được chuyển cho Q.Gò Vấp quản lý đầu tư. Năm 2016, CV văn hóa Gò Vấp tiếp tục được chuyển cho Khu 3 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM) quản lý. Từ năm 2019 đến nay, khu CV trên được giao cho Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở XD) quản lý.

Việc CV văn hóa Gò Vấp được chuyển giao cho nhiều đơn vị quản lý, đầu tư khiến công tác XD trì trệ suốt 21 năm nay. Khảo sát tại CV này cho thấy, hiện khu vui chơi dành cho trẻ em được đầu tư tương đối đầy đủ, nhưng nhiều hạng mục đang hư hỏng, đơn vị quản lý buộc phải niêm phong và dán thông báo tạm ngưng sử dụng. Cạnh đó là công trình phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe cho người lớn, nhưng quy mô khá nhỏ, số dụng cụ ít ỏi không đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục thể thao của người dân.

Trong CV có khu quảng trường thoáng đãng cùng sân bóng rổ khá lớn, nhưng cả hai công trình này đều thiếu hạng mục phụ trợ như đèn chiếu sáng, ghế ngồi, cây xanh. Nhiều tuyến đường trong CV đã được thảm nhựa, đổ bê-tông, nhưng một số tuyến còn lại vẫn là đường đất, nắng bụi mưa sình, hai bên cỏ mọc cao quá đầu người...

Nhiều hạng mục trong khu vui chơi trẻ em ở Công viên văn hóa Gò Vấp bị hư, tạm ngưng sử dụng

Một số ao hồ trong CV đã được trồng sen, xung quanh có hàng rào bảo vệ, nhưng nhiều chỗ vẫn còn đầm lầy, không có hàng rào. Đơn vị quản lý đã lắp biển cảnh báo người dân không đến gần khu vực ao hồ, hố sâu nguy hiểm và dùng dây phản quang chăng dọc một số tuyến đường. Nhiều diện tích đất được trồng cỏ, cây xanh, nhưng một số nơi còn lại đầy cỏ dại, cây cối hoang sơ. Trong CV có hàng trăm thanh đá bó vỉa hè cùng hàng chục khối đá con sâu lát nền chất đống trầm mình với nắng mưa, rêu mốc bám đen sì; trong khi thanh hàng rào, khung sắt bằng thép cũng bị xếp xó thành từng đống trong tình trạng rỉ sét.

Một số người dân sống gần CV văn hóa Gò Vấp cho biết, mấy năm trước khu CV này còn là nơi người ta dùng để nuôi chó, nuôi cá, đổ rác, đốt dây điện... Anh Nguyễn Xuân Tiến, người dân thường đến CV văn hóa Gò Vấp tập thể dục, bức xúc: "Trong khi người dân thiếu chỗ vui chơi giải trí, không có đất cất nhà thì hàng chục héc-ta "đất vàng" nằm ở vị trí đắc địa lại bị "đắp chiếu" suốt 21 năm, quá lãng phí!".

Xuống cấp, nhếch nhác

Tọa lạc tại vị trí đắc địa, khu CV nằm ở "mũi tàu" đường Nguyễn Thị Minh Khai - Phạm Viết Chánh (Q1) từ lâu đã trở thành điểm vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao của người dân xung quanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khu CV này đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều bức tường bao quanh nứt nẻ, gãy đổ, hàng chục khối bê-tông, gạch đá nằm ngổn ngang; nhiều thanh lan can rỉ sét, mất hoặc đứt gãy tạo thành những chiếc "bẫy" có thể móc, cứa vào người đi đường bất cứ lúc nào.

Hàng trăm viên gạch con sâu lát nền CV, lát vỉa hè đã cũ kỹ, đa số bị bào mòn, loang lổ. Nhiều gốc cây, tường rào trong CV bị biến thành nơi đổ rác, xà bần, gạch đá, kiếng vỡ. Bà Nguyễn Thị Lan (ngụ Q1) thường ra khu CV này tập thể dục phản ánh: "Được xem là một trong các "mặt tiền" của quận 1, nhưng vỉa hè, tường bao ở khu CV đã xuống cấp, trầy trụa, trông nhếch nhác, khó tạo được ấn tượng tốt về một thành phố văn minh, sạch đẹp".

Xây dựng suốt 21 năm, Công viên văn hóa Gò Vấp vẫn trong tình trạng dang dở, nhiều hạng mục bị xếp xó lãng phí

Với diện tích hơn 1.000m2, CV khu tái định cư Lý Chiêu Hoàng (P.An Lạc, Q.Bình Tân) là nơi vui chơi giải trí và tập thể dục của hơn 500 hộ dân sống xung quanh. Công viên được thiết kế với các hạng mục: khu vui chơi giải trí, cây xanh, bãi cỏ, khu trồng hoa, lối đi bộ được lát gạch sạch sẽ.

Tuy nhiên, từng có thời gian CV này bị bỏ hoang không có người dọn dẹp, cỏ mọc um tùm cao quá đầu người, rắn rết trú ẩn nên chẳng ai dám vào. Mỗi năm, các hộ xung quanh phải tự bỏ tiền thuê người phát quang, dọn dẹp một lần. Hiện các bãi cỏ ở CV này đã được cắt gọn gàng, cây cối tỉa cành thoáng đãng. Tuy nhiên, CV đang xuống cấp theo thời gian; khu trồng hoa chỉ còn lại một số bụi cây lụp xụp; nhiều phần rễ của cây lâu năm mọc trồi lên mặt đất khiến các thanh bó vỉa hè nứt nẻ, bể gãy đồng thời làm cho hàng trăm viên gạch con sâu trồi sụt, nhấp nhô, mặt đường đi bộ biến dạng lồi lõm. Ghế đá trong CV vốn đã thiếu, lại còn gãy chân, sứt mẻ. Công viên có khu vui chơi nhưng được thiết kế quá nhỏ, trong sân chỉ có vài trang thiết bị đơn giản, không đáp ứng được nhu cầu tập luyện thể thao của người dân.

Công viên Lý Chiêu Hoàng xuống cấp, thiếu dụng cụ luyện tập

Đưa vào hoạt động từ năm 1999, CV nước Đại Thế Giới nằm trên đường Võ Văn Kiệt (Q5) được xem là một trong những điểm vui chơi giải trí của bao thế hệ người dân TPHCM. Tuy nhiên, ngày 1-1-2020 khu CV nổi tiếng một thời này bất ngờ thông báo ngừng hoạt động khiến nhiều người tiếc nuối. Do bị bỏ hoang suốt hơn 2 năm nay, nhiều hạng mục của CV đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Bên ngoài CV cửa đóng then cài, xà bần, gạch đá vứt đổ tùm lum, nhiều người còn mang rác đến khu CV này đốt khiến một số cửa cuốn, tường nhà và trụ CV cháy xém, đen sì.

Hầu hết hạng mục của CV từ cửa, cầu thang, mái che, tường bao... đều trong tình trạng cũ kỹ, hỏng hóc. Các hình vẽ, poster phai màu bạc phếch; cửa kiếng, la phông, bóng đèn vỡ vương vãi khắp nơi. Nhiều diện tích trước mặt CV bị trưng dụng làm chỗ đậu xe. Công viên còn là nơi để một số người kém ý thức phóng uế bừa bãi. Bên trong CV, các hồ bơi đã cạn nước, rêu mốc, bụi bặm phủ từng lớp; hệ thống máng trượt cao tốc, máng trượt lốc xoáy và một số phòng chức năng, khu vực tập thể thao cũng xuống cấp, hư hỏng.

Người dân sống xung quanh cho biết, kể từ ngày đóng cửa đến nay, hầu như chẳng ai lui tới trông coi, dọn dẹp khiến khu CV này trở thành công trình hoang phế. Điều đáng nói là khu đất "vàng" rộng hơn 4.000m2 nằm ở trung tâm quận 5 cùng nhiều hạng mục công trình trị giá hàng chục tỉ đồng này chưa biết khi nào được "giải cứu"?

Công viên nước Đại Thế Giới bị bỏ hoang, nhiều hạng mục hỏng hóc

Bình luận (0)

Lên đầu trang