(CAO) Bão, lũ làm nhiều hộ ở huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) không có chỗ ở, hàng trăm ngôi nhà có nguy cơ bị sạt lở. Trước tình cảnh ấy, các lực lượng chức năng đã được huy động để ngày đêm di dời, dựng lại nhà cửa cho dân,...
Trà Vân vẫn còn đau thương
Tuyến đường DH8 từ UBND xã Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đi qua các thôn 2 và thôn 3 xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng do các đợt bão lũ liên tiếp vừa qua. Tại điểm sạt lở ở thôn 2, những nén hương vừa tàn khói sát bên vách núi, khiến chúng tôi rợn người. Nơi đây, lúc 15 giờ, ngày 6-11-2017 xảy ra vụ sạt lở với hàng nghìn khối đất đá đổ ập xuống xé toang đường, vùi lấp 6 căn nhà và cướp đi sinh mạng của 5 người dân.
Khu vực quy hoạch dân cư mới tại Khe Chữ (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cho người dân vùng sạt lở di chuyển đến ở
Khu vực sạt lở vùi lấp 6 căn nhà và làm chết 5 người dân ở thôn 2, xã Trà Vân
Sau khi xảy ra sạt lở quy mô lớn, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã khẩn trương di dời các hộ dân đến nơi ở mới.
Đó là Khe Chữ - điểm quy hoạch dân cư mới (rộng hơn 36ha). Công trường tấp nập thi công xây dựng khu dân cư mới với hàng trăm cán bộ chiến sĩ quân đội căng mình làm việc. Hàng chục máy ủi, máy xúc và ô tô chuyên dụng được huy động để san ủi thông đường, san lấp nền khu dân cư, nền nhà,… Sau đó, tự tay bộ đội thực hiện các thao tác lắp ráp, dựng lại nhà giúp dân.
Người dân vẫn đang tìm kiếm, nhặt những vật dụng của căn nhà bị vùi lấp do sạt lở
Ở các nóc (điểm dân cư của đồng bào Ca Dong, tương đương với tổ dân cư) nằm trong vùng sạt lở, các chiến sĩ được huy động để giúp dân tháo dỡ nhà cửa, di chuyển ra đường rồi đưa đến Khe Chữ để dựng lại nhà. Công đoạn này được thực hiện thủ công, khuân vác các bộ phận của căn nhà cùng đồ đạc, vượt qua các ngọn đồi, khe suối đến nơi tập kết.
Giúp dân có nhà đón Tết Nguyên đán
Mỗi nóc từ 5 – 15 hộ dân sinh sống trong các thung lũng, bao quanh là các ngọn núi. Sau bão số 12 và các đợt mưa lũ có nhiều điểm sạt lở núi lớn, cướp đi tính mạng của nhiều người và đe dọa đến hàng trăm gia đình khác. Vì thế công tác di dời được thực hiện khẩn trương. Các chiến sĩ đến từng nhà tuyên truyền, vận động và tháo dỡ nhà giúp dân vận chuyển.
Bộ đội giúp dân di đời, vận chuyển nguyên vật liệu và dựng lại nhà mới
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Đợt bão, mưa lớn vừa qua khiến Nam Trà My thiệt hại nặng nề. Trong đó, xã Trà Vân bị thiệt hại rất nghiêm trọng. Nhiều vùng bị cô lập như ở thôn 2 và thôn 3 với 144 hộ dân/549 người. Trước tình hình trên, tỉnh và huyện đã có nhiều biện pháp khẩn trương để giúp dân. Nhận được đề nghị của huyện, lực lượng của Quân khu 5 và các lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy quạn sự tỉnh Quảng Nam, Sư đoàn Bộ binh 315, Lữ đoàn Công binh 270 cùng đội xung kích là cán bộ, lực lượng dân quân dự bị của huyện với gần 500 người cùng nhiều phương tiện, vật chất cùng khẩn trương thực hiện nhiệm vụ”.
Một hộ gia đình đã chuyển đến nơi ở mới an toàn
Bộ đội tranh thủ dạy học cho học sinh tại khu quy hoạch dân cư mới của xã Trà Vân
Một người dân vui mừng tại nơi ở mới
Thượng tá Trần Minh Hương, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hơn 110 cán bộ chiến sĩ của đơn vị cùng các lực lượng khác bám sát hiện trường để giúp dân tháo dỡ nhà cửa, di chuyển, san lấp mặt bằng, lắp dựng lại nhà mới, làm cầu treo qua suối, bồi đắp ruộng, kéo ống nước sinh hoạt từ các khe suối về nhà… ở khu dân cư mới.
Công việc thực hiện trong điều kiện địa hình rừng núi, vùng sâu xa, có nhiều điểm sạt lở, hết sức phức tạp; thời tiết bất lợi khi liên tục mưa, trời lạnh. Nhưng với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó, đồng thời cố gắng, nỗ lực để giúp bà con di chuyển an toàn, có chỗ ở mới ổn định, các đơn vị, lực lượng đã khắc phục được khó khăn, hạn chế để đảm bảo công việc suôn sẻ”.
Lán trại của bộ đội lên giúp dân được lập ở ven suối
Những căn nhà ở trong vùng có nguy cơ sạt lở đã được tháo dỡ để đưa đến nơi ở mới
Công tác tuyên truyên, vận động người dân rất được chính quyền và các lực lượng chức năng chú trọng. Do phong tục tập quán của đồng bào Ca Dong ở đây rất riêng biệt, thậm chí gây khó khăn cho công tác tháo dỡ nhà cửa và di chuyển đến nơi ở mới nhưng bộ đội đã cùng với các già làng, các trưởng nóc đến từng nhà, phân tích tình hình khẩn thiết, điều hay lẽ phải, vận động từng người thì bà con mới vui vẻ cùng bộ đội tháo dỡ, cùng dựng nhà.
Thượng tá Trần Minh Hương nói: “Chúng tôi cùng lực lượng dân quân, dự bị, xung kích của huyện luôn bám sát hiện trường, cùng ăn cùng ở, cùng làm với bà con, cố gắng hoàn thành sớm để người dân kịp thời đón Tết Nguyên đán 2018”.