Cây ngã bất ngờ
Khoảng 7 giờ 15 cùng ngày, nhiều phụ huynh đưa con tới Trường THCS Trần Văn Ơn, bất ngờ một cổ thụ trong khuôn viên trường bật gốc, ngã đè sập tường. Phần tán cây rớt xuống đường, trúng một số phụ huynh đang dừng xe máy trước cổng trường. Tại hiện trường, thân cổ thụ ngã phủ hết lòng lề đường Nguyễn Văn Thủ, phần rễ trơ trụi, có dấu hiệu bị mục.
Nhận tin báo, Công an Q1 cùng các đơn vị chức năng nhanh chóng có mặt để phong tỏa hiện trường, cứu các nạn nhân mắc kẹt dưới tàn cây. Đến 7 giờ 35 phút, lực lượng chức năng đưa người phụ nữ dưới tàn cây ra ngoài, chuyển lên xe cứu thương chở đến bệnh viện (BV) cấp cứu. UBND P.Đa Kao phối hợp Công an phường, Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Văn Ơn cử lực lượng bảo vệ hiện trường, tiến hành phân luồng giao thông, đưa các nạn nhân khác ra ngoài để sơ cấp cứu. Ngoài ra, cổ thụ còn đè trúng ít nhất 9 xe máy, khiến các phương tiện này hư hỏng nặng. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM đã cử người đến cưa thân cổ thụ, dọn dẹp cành nhánh.
Qua làm việc với Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Văn Ơn và các bên liên quan, UBND P.Đa Kao ghi nhận có 6 người bị thương, trong đó có một nam sinh và một thai phụ. Thai phụ nhập viện tại BV Nhân dân Gia Định trong tình trạng sốc mất máu, đa chấn thương. Chị này đang mang thai tuần thứ 8. Kết quả chụp CT ban đầu cho thấy, thai phụ bị rách thận trái độ 2, vỡ gan độ 3, gãy cánh xương cùng bên phải và một phần ba trên thân xương đùi trái. Ngay lập tức, thai phụ được hội chẩn khẩn cấp tại Khoa Gây mê hồi sức bởi nhiều bác sĩ của các chuyên khoa Sản, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại thận tiết niệu, Ngoại thần kinh... Sau đó, chị này được phẫu thuật và đang được tích cực điều trị, nhằm bảo đảm tính mạng cho cả người mẹ lẫn thai nhi.
Hiện trường vụ cây ngã
Thoát chết trong gang tấc
Chứng kiến sự việc, nhiều phụ huynh và người dân địa phương vẫn chưa hết bàng hoàng. Không ai nghĩ rằng trời không mưa gió mà cổ thụ có thể bật gốc, ngã ngay trước cổng trường. Nhiều phụ huynh cùng con em đã thoát chết trong gang tấc.
Bà Nguyễn Thị Nho (khoảng 50 tuổi, nhà cạnh trường) cho hay, khoảnh khắc ngay trước lúc cây ngã, bà nghe tiếng động lớn "ầm... ầm..." phát ra ở phía trước Trường THCS Trần Văn Ơn, kèm tiếng người dân hô hoán. Bà N. cùng người dân trong hẻm chạy ra thì thấy thân cây đã chắn hết mặt đường trước cổng trường. "Tôi chạy tới trước cổng trường thì thấy tán cây ngã đè trúng nhiều xe máy. Lúc đó, nhiều người rất hoảng loạn, hốt hoảng. Người dân cùng các phụ huynh tìm cách cứu những người mắc kẹt bên trong tán cây ra ngoài. Trong đó, có một bé trai là học sinh của trường và một phụ nữ mang thai..." - Bà Nho kể.
Ông Minh Long (SN 1985, ngụ Q1, phụ huynh có con học tại Trường THCS Trần Văn Ơn) cho biết: "Phần cây ngã đè sập hàng rào, chắn hết cả mặt đường. Phía dưới tán cây có nhiều xe máy và phụ huynh. Cảnh tượng thật kinh hoàng trong ngày đầu tuần". Ông Lê Thành (SN 1974, ngụ Q1) nhớ lại: "Khi tôi chở con tới trước cổng trường, đang tiễn con vào lớp thì cây xanh ngã cái rầm, một nhánh nhỏ rớt trúng vai tôi cũng khá nhức. Cũng may tôi không bị thương nặng như các phụ huynh bị cây ngã đè trúng".
Theo ông Nguyễn Công Sơn (Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty Công viên cây xanh TPHCM), qua quan sát thì thân cây có dấu hiệu mục ruỗng, quanh rễ xuất hiện nhiều vết mục rõ ràng. Sau khi cây ngã cho thấy bộ rễ gần như bị đứt gãy hoàn toàn, không còn rễ phụ chống đỡ cho cây.Tuy nhiên, việc thẩm định cổ thụ cần công cụ đánh giá chuyên nghiệp, với những chỉ tiêu rõ ràng đối với thân cây, rễ cây, từ đó đưa ra hướng xử lý, chứ không thể đánh giá chính xác bằng mắt thường.
Phần lõi bên trong nhánh cây bị mục hoàn toàn
Anh Nguyễn Xuân Thủy (có con học lớp 8 và lớp 6 tại Trường THCS Trần Văn Ơn) cho biết, phụ huynh không được biết về kế hoạch kiểm tra, bảo dưỡng cây xanh cũng như trồng những loại cây nào trong khuôn viên trường. Trong khi đó, hiện nay các trường trồng rất nhiều cây phượng, cây điệp. Những loại cây này cần có sự kiểm tra liên tục để bảo đảm an toàn cho học sinh. "Tôi nghĩ nhà trường không đủ chuyên môn để đánh giá chính xác tình trạng "sức khỏe" của cây xanh. Do đó, cần có kế hoạch kiểm tra định kỳ, duy trì thường xuyên và liên tục đối với tất cả cây xanh trong các trường học trên toàn thành phố, đồng thời thông tin đầy đủ cho phụ huynh biết" - Anh Thủy đề xuất.
Một trong những nạn nhân là anh Nguyễn Nghi (ngụ Q.Bình Thạnh, tài xế xe máy công nghệ). Anh cho biết khi vừa đưa một học sinh đến cổng trường thì cổ thụ bất ngờ ngã đè lên phía trước xe máy của anh gây hư hỏng nặng, còn anh bị thâm tím vai phải.
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thanh Giang (Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn) thông tin: Cổ thụ ngã là cây me tây, vừa được kiểm tra, rà soát định kỳ vào cuối tháng 02-2023. Cây này có tuổi thọ hơn 20 năm. Thời điểm kiểm tra, cây vẫn phát triển bình thường. Lực lượng kiểm tra gồm đại diện Ban giám hiệu, bộ phận phụ trách cơ sở vật chất, bảo vệ và kế toán của trường.
Làm gì để cây xanh trong trường học an toàn?
TPHCM là địa phương có mạng lưới cơ sở giáo dục dày đặc, với gần 2.400 trường các cấp, từ mầm non đến THPT. Hầu như năm học nào cũng ghi nhận tình trạng cây xanh sân trường bật gốc, trong đó không ít tình huống dẫn đến gây thương vong. Cứ mỗi lần cây xanh bật gốc lại khiến không chỉ học sinh mà cả phụ huynh và thầy cô giáo lo sợ.
Gốc cổ thụ không có rễ phụ chống đỡ
Qua nhiều vụ tai nạn cây xanh ngã, đổ, có thể thấy 2 nguyên nhân chính khiến cây xanh trong sân trường bật gốc. Một là do mưa giông liên tục khiến đất mềm và có gió lớn; hai là do nhiều cây đã già, thân rỗng, gốc mục. Cách đây vài năm, sau một vụ cây xanh trong sân trường bật gốc, khiến một học sinh tiểu học thiệt mạng, hàng loạt trường học ở TPHCM quyết định đốn hạ nhiều cây xanh nghi không bảo đảm an toàn.
Sân trường luôn cần bóng mát của cây xanh. Vậy phải làm gì để sân trường luôn rợp bóng, nhưng vẫn an toàn? Theo các chuyên gia cây cảnh cổ thụ, việc đầu tiên cần làm ngay là gia cố toàn bộ cây xanh trong sân trường. Kỹ thuật gia cố không quá phức tạp và tốn kém (đai cây cùng 4 trụ sắt). Loại kỹ thuật này được giới cây cảnh cổ thụ sử dụng để cây mới trồng không bị ngã, đổ. Về lâu dài, ngành giáo dục TPHCM cần đặt hàng giới chuyên môn (như công ty công viên cây xanh) đề xuất giống cây phù hợp (tán dày, thân dai, rễ sâu, sống lâu năm...) với môi trường học đường để thay thế các cổ thụ đang có nguy cơ ngã, đổ.
Trong quá trình thay thế cây xanh sân trường, có thể dùng cổ thụ giả (làm bằng vật liệu tổng hợp) để tạo cảnh quan và bóng mát. Các chuyên gia còn cho biết, cổ thụ giả rất an toàn, song không phù hợp về lâu dài trong môi trường học đường. Còn cây xanh thật trong sân trường ngoài vai trò tạo cảnh quan, bóng mát, còn là thiên nhiên thu nhỏ nơi học đường.
Chiều cùng ngày, UBND TPHCM đã có văn bản khẩn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM, Công an TPHCM và UBND Q1 về việc rà soát, xử lý vụ cây xanh bật gốc tại Trường THCS Trần Văn Ơn vào sáng cùng ngày. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức giao Sở GD&ĐT khẩn trương phối hợp với UBND Q1 tổ chức thăm hỏi học sinh và người đi đường bị thương do cây xanh ngã, đổ. Các đơn vị liên quan nắm bắt lại tình hình sự việc, xác định trách nhiệm và báo cáo UBND TPHCM. Đặc biệt, UBND TPHCM chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát công tác phòng, chống lụt bão, thiên tai, hệ thống cây xanh trong trường để bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên.
Lực lượng Công an Q1, Công an P.Đa Kao và các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
DUY NGỌC - DƯƠNG THANH - QUỲNH CHI