"Giờ chúng tôi biết sống ra sao?"
Báo Công an TPHCM nhận được đơn phản ánh của 200 tiểu thương chợ Còng kiến nghị chính quyền, cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ, “tố” chủ đầu tư là doanh nghiệp có những tắc trách, lỏng lẻo trong việc bố trí chợ tạm khi đang xây chợ mới…
Nhiều tiểu thương vẫn nhớ còn bàng hoàng sau vụ hỏa hoạn khiến bà con trắng tay. Lúc 2 giờ ngày 2-10, người dân phát hiện ngọn lửa ở khu chợ tạm chợ Còng. Lửa nhanh chóng lan rộng ra cả chợ.
Cảnh sát PCCC dập lửa
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CHCN Công an tỉnh và Công an huyện Tĩnh Gia cùng nhân dân nỗ lực dập lửa. Đến 7 giờ, đám cháy được khống chế. Nhưng đám cháy quá lớn gây thiệt hại nặng: 294 gian hàng, ki-ốt và nhiều tài sản, hàng hóa, máy móc… trị giá nhiều tỷ đồng bị thiêu rụi.
Tiểu thương khóc ròng trên đống đổ nát, cố bới dưới tro than những gì còn sót lại có thể dùng được nhưng chẳng còn. Tình cảnh xót xa đến nghẹn ngào. Người thân, nhân dân khắp nơi đến chia buồn với sự thiệt hại, mất mát nặng nề đó. Hàng trăm gia đình lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Để có tiền mở ki-ốt, bà con chủ yếu phải gom góp, chi tiêu dè sẻn dành dụm nhiều năm, vay người thân, bạn bè, ngân hàng, vay “nóng” trả lãi suất...
Vợ chồng anh Phạm Văn Thương và chị Hoàng Dung (ngụ thị trấn Tĩnh Gia) thiệt hại nặng với 10 gian hàng, ki-ốt bị thiêu rụi. “Nghe mọi người gọi điện thông báo, vợ chồng tôi chạy đến thì thấy cả biển lửa ngùn ngụt. Khi đám cháy được dập tắt thì mọi thứ bị thiêu rụi. Giờ chúng tôi không biết sống ra sao?”, chị Dung nghẹn ngào.
Tiểu thương nghẹn ngào sau thiệt hại từ vụ cháy. Ảnh: Đài PTTH Thanh Hóa.
Yêu cầu chủ đầu tư đối thoại
Chợ Còng nằm cạnh QL1A là trung tâm thương mại lớn nhất huyện Tĩnh Gia. Chợ đang được xây dựng mới nên toàn bộ sạp hàng cũ được chuyển sang khu vực nhà tạm để mua bán, trao đổi hàng hoá chờ xây dựng xong.
30 năm nay, chợ Còng do UBND thị trấn Tĩnh Gia quản lý, có thành lập BQL chợ để đảm bảo hoạt động và chưa từng xảy ra sự việc cháy nổ đáng tiếc nào.
Tuy nhiên, từ khi bàn giao cho Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc (P.Phú Sơn, TP.Thanh Hóa) nhận thầu thi công chợ Còng mới (trị giá gần 78 tỷ đồng) thì xảy ra vụ cháy kinh hoàng. Đơn vị này và BQL chợ phân ra khu chợ tạm, đưa các ki-ốt vào hoạt động.
Việc xây dựng và hoạt động tại chợ tạm có nhiều bất cập về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho tiểu thương, tài sản và nhân dân; các tiêu chí về an toàn cháy nổ, vệ sinh… không đảm bảo.
Mỗi tháng, tiểu thương nộp gần 100 triệu đồng (300 nghìn đồng/ki-ốt) để bảo vệ tài sản, đảm bảo an toàn. Việc đảm bảo tài sản vào ban đêm là do BQL chợ, bảo vệ cùng đơn vị thi công. Đám cháy có thể bắt đầu lúc 1 giờ sáng, nếu có bảo vệ trực (theo lịch phân công từ 5 - 6 người/ca đêm) thì chắc chắn sẽ được phát hiện kịp thì có thể được khống chế hoặc hạn chế thiệt hại. Gần khu chợ tạm có bãi rác thải.
Ngôi chợ tạm bị thiêu rụi gần như hoàn toàn
Ngày 8-10, trao đổi với Báo Công an TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết, huyện đang thống kê thiệt hại vụ cháy; ghi nhận ý kiến của tiểu thương để báo cáo với tỉnh xin chỉ đạo; đề nghị cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân; ngành thuế có chính sách miễn giảm thuế sau khi các hộ quay lại buôn bán; đề nghị các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ và cho các hộ dân vay bổ sung với lãi suất ưu đãi; các nhà trường thực hiện việc miễn giảm học phí cho con em tiểu thương...
Ông Dũng cho biết thêm, huyện yêu cầu Tổng Công ty Đông Bắc thu dọn hiện trường, xây lại chợ tạm với thiết kế phải đảm bảo an toàn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ mới; kiện toàn và giám sát chặt chẽ BQL chợ, đảm bảo các quyền lợi để các tiểu thương trở lại buôn bán bình thường, khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.
“Ngày 6-10, huyện làm việc với Tổng Cty Đông Bắc, yêu cầu chủ đầu tư sớm tổ chức đối thoại với người dân và dự kiến trong tuần này diễn ra đối thoại”, ông Dũng cho biết.
Đối với bức xúc của bà con về các bất cập, quản lý lỏng lẻo của chủ đầu tư, ông Dũng cho biết, các cơ quan chức năng đang xác minh, điều tra và sẽ sớm có kết luận để làm cơ sở xử lý.
Tổng Cty Đông Bắc là doanh nghiệp thực hiện nhiều dự án bất động sản, xây dựng, chợ, trung tâm thương mại, vận tải… tại Thanh Hóa. Trong đó có nhiều dự án “lùm xùm” như khu chợ Đình Hương mới khi đưa tiểu thương vào buôn bán trong lúc đang thi công...
Đặc biệt, dự án tại 19 Lê Hữu Lập (P.Lam Sơn, TP.Thanh Hóa) với 1.125,3m2 khiến 4 Giám đốc Sở: KH&ĐT, Xây dựng, TN&MT, Công Thương và Chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa bị kiểm điểm trong việc tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên chưa phù hợp với quy định hiện hành…