Phải xử lý cả người ăn thịt, nấu cao động vật hoang dã quý, hiếm

Thứ Hai, 05/12/2022 10:15  | Quốc Phong

|

(CATP) Thời gian qua và đặc biệt là gần đây, tình trạng đặt bẫy, săn bắn, buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) liên tiếp bị các lực lượng chức năng bắt giữ. Dù đã có biện pháp chế tài, gồm xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng theo các chuyên gia nhận định thì vẫn chưa đủ sức răn đe, kéo giảm số vụ vi phạm. 

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ ĐVHD cho người dân, cần sửa đổi mức phạt hành chính lẫn hình sự theo hướng tăng nặng nhiều hơn. Đặc biệt, phải xử lý cả những người ăn thịt hay sử dụng ĐVHD để nấu cao, chế tác đồ trang sức, mỹ nghệ..., vì hành vi của họ tiếp tay đắc lực cho các đối tượng xâm hại ĐVHD.

Tiếp tay cho hành vi vi phạm

Mới đây, Công an H.Nam Giang (Quảng Nam) bắt quả tang người đàn ông điều khiển ôtô chở 260kg động vật rừng trái phép, gồm: chồn, mang, heo rừng... Hình ảnh ghi lại về các con vật hoang dã bị giết rồi mang đi tiêu thụ, khiến cơ quan chức năng chứng kiến sự việc lẫn người xem đều đau lòng. Trước đó, Công an tỉnh Quảng Nam còn khám phá một đường dây mua bán, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm; bắt 3 đối tượng liên quan để điều tra. Những đối tượng vi phạm đương nhiên sẽ bị pháp luật nghiêm trị, nhưng cái chết của số ĐVHD trên báo động về tình trạng nguy cấp của nhiều loài thú hoang dã, quý, hiếm.

Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, trong quý I-2022, đơn vị này đã ghi nhận 808 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD. Trong đó, có 46 vụ vận chuyển và buôn bán ĐVHD quy mô lớn, 588 vụ quảng cáo và bán lẻ ĐVHD, 164 vụ tàng trữ, nuôi nhốt ĐVHD.

Việc tăng cường bảo vệ ĐVHD, đặc biệt là các loài nguy cấp đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở nước ta. Tuy nhiên, nhiều loài ĐVHD đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn mua bán, tiêu thụ bất hợp pháp với nhiều mục đích khác nhau, như: sử dụng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức... vẫn tiếp diễn.

Ngày 12-7-2022, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt 4 bị cáo tổng mức án là 18 năm tù vì đã buôn bán, vận chuyển trái phép 984kg vảy tê tê (trị giá ước tính hơn 1,3 tỷ đồng). Vụ án này liên quan đến loài tê tê bụng trắng (tên khoa học là Manis tricuspis), loài tê tê được liệt kê trong Phụ lục I - Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Vảy của loài tê tê bụng trắng là hàng cấm, được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Chi cục Kiểm lâm TPHCM thả hàng trăm cá thể động vật hoang dã trở lại rừng tự nhiên

Trước đây, Công an TP.Đà Nẵng đã bắt Nguyễn Đức Tài (tạm trú Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) vì liên quan đến đường dây buôn lậu sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê... từ các nước Châu Phi về Việt Nam. Số tang vật tạm giữ trong vụ án là hơn 138,7kg sừng tê giác, 3.108kg xương sư tử, 456,9kg ngà voi, 6.232kg vảy tê tê, tổng trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Đây là một trong những vụ buôn lậu ĐVHD lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện, bắt giữ tại Đà Nẵng. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện nhóm đối tượng có biểu hiện nghi vấn, sử dụng giấy CMND của nhiều người để thành lập nhiều công ty, địa chỉ trụ sở "ảo", không biển hiệu, không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ các nước Châu Phi về Việt Nam qua cảng Tiên Sa. 

Cơ quan chức năng phát hiện nhiều loài thú quý, hiếm bị mua bán trái phép

Nạn mua bán trái phép qua mạng gia tăng

Theo các chuyên gia, tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm ở nước ta có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp hơn, Đặc biệt, không gian mạng đang trở thành môi trường thuận lợi để các đối tượng thực hiện nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, nhằm trốn tránh sự kiểm soát, bắt giữ của lực lượng chức năng.

Số liệu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, riêng năm 2021, ghi nhận khoảng 2.500 vi phạm buôn bán ĐVHD diễn ra trên Internet (tăng khoảng 41% so với năm 2020). Bên cạnh những ĐVHD như rái cá, mèo rừng, các loài bò sát... thì ngà voi, nanh gấu, thịt thú rừng... vẫn được rao bán tràn lan trên không gian mạng. Các đối tượng buôn bán trái phép ĐVHD sử dụng danh tính "ảo", mọi thông tin đăng tải có thể thay đổi, xóa bỏ một cách nhanh chóng. Điều này khiến các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn khi theo dõi, xác định lai lịch của đối tượng, thu thập chứng cứ để xử lý.

Cần tăng nặng hình phạt đối với các đối tượng mua bán trái phép động vật hoang dã

Tổng cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, các cơ quan chức năng rất nỗ lực trong phòng, chống và xử lý hành vi vi phạm về ĐVHD. Tuy nhiên, có một số vướng mắc, bất cập trong quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD đã ảnh hưởng đến một phần kết quả thu được. Trong thực tế, các đối tượng vi phạm thường có phương tiện tốt, thiết bị liên lạc hiện đại, hoạt động theo đường dây, khi bị phát hiện thì sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Ngoài ra, khi phát hiện vi phạm, các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm về điều kiện nuôi nhốt ĐVHD, bảo quản tang vật, cứu hộ, chăm sóc và tái thả về tự nhiên. Trong khi điều kiện lưu giữ tại nhiều nơi không bảo đảm, có thể khiến các cá thể hoang dã bị chết, trước khi vụ án được đưa ra xét xử.

Để quyết liệt đấu tranh, xử lý nạn vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ trái phép ĐVHD ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD. Trong đó, yêu cầu dừng nhập khẩu ĐVHD và kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán trái phép ĐVHD. Gần đây, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17-5-2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim di cư, đặc biệt là vấn đề bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm cũng là một nội dung ưu tiên trong "Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học". Tháng 6-2022, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cùng Bộ NN&PTNT đã tổ chức khởi động "Dự án bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp", nhằm tăng cường kiểm soát tình trạng buôn bán trái phép ĐVHD tại Việt Nam.

Rao bán động vật hoang dã tràn lan trên mạng

Cần răn đe mạnh hơn đối với phía tiêu thụ

Những năm gần đây, số lượng các vụ án hình sự lẫn đối tượng bị bắt giữ về các tội liên quan đến ĐVHD tiếp tục gia tăng. Một số đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán trái phép ĐVHD đã bị tuyên xử hình phạt thích đáng. Ngày 03-3-2022, TAND tỉnh Nghệ An đã xét xử và tuyên phạt Nguyễn Văn Hiền (ngụ xã Đô Thành, H.Yên Thành, cùng tỉnh) 7 năm tù liên quan đến tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (theo Khoản 3, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, đã sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngày 27-01-2022, TAND huyện Đắk Glei (Kon Tum) tuyên phạt Trần Văn Ngọc (ngụ xã Đắk Plô, cùng huyện) 10 năm tù vì đã vận chuyển trái phép 63 cá thể rùa đầu to...

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cho đến nay, số đối tượng tiêu thụ ĐVHD để làm thức ăn, nấu cao, chế tác trang sức, mỹ nghệ... bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự chưa nhiều. Đây là vấn đề cần được các cơ quan chức năng chú trọng hơn, nhằm ngăn chặn "đầu ra" của số lượng không nhỏ ĐVHD bị bắt, giết hại và mua bán trái phép. Khi số người tiêu thụ trái phép ĐVHD giảm thì chắc chắn việc bắt ĐVHD để đem bán cũng sẽ giảm hẳn.

Bên cạnh những vụ án hình sự liên tục được đưa ra xét xử nhằm răn đe, giáo dục chung, lực lượng chức năng cả nước cũng ra sức cứu hộ ĐVHD để trả về rừng tự nhiên. Gần đây nhất, ngày 01 và 02-11-2022, Chi cục Kiểm lâm TPHCM phối hợp Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập tổ chức thả lại 20 loài, với 111 cá thể ĐVHD, gồm: 23 cá thể khỉ đuôi lợn, 18 cá thể khỉ đuôi dài, 2 cá thể khỉ mặt đỏ, 5 cá thể mèo rừng, 1 cá thể rắn hổ mang chúa, 2 cá thể rùa ba gờ, 10 cá thể rùa đất lớn, 9 cá thể rùa núi vàng, 2 cá thể trăn gấm, 5 cá thể rái cá vuốt bé,1 cá thể công Ấn Độ...

Được biết, số cá thể ĐVHD lần này được thả về rừng do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố tự nguyện giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm TPHCM, đưa vào cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng, đều có sức khỏe tốt để tái thả lại về môi trường tự nhiên. Số lượng ĐVHD trên đã được UBND TPHCM phê duyệt phương án xử lý tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước tại Quyết định số 3607/QĐ-UBND và số 3608/QĐ-UBND ngày 24-10-2022.

Bình luận (0)

Lên đầu trang