(CAO) Đức vua, Đức Phật Trần Nhân Tông là bậc vĩ nhân toàn tài. Nền tảng tư tưởng về nghệ thuật quân sự, chiến lược ngoại giao của ông là nền tảng tư tưởng cho kế sách xây dựng và bảo vệ đất nước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đã được vận dụng và sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Chiều 03/12/2022, tại TP.Hạ Long, Hội đồng họ Trần Việt Nam phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tổ chức Tọa đàm “Doanh nhân họ Trần Việt Nam thấm nhuần và phát huy tư tưởng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong thời đại mới”.
Tham dự có lãnh đạo Hội đồng họ Trần Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh, thành, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, các Hòa thượng, Thượng tọa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam...
Các đại biểu toạ đàm tại chương trình
Buổi tọa đàm đã tập trung vào những tham luận nổi bật như: Thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông; Phát huy văn hóa nhà Trần trong thời đại mới; Những tâm huyết của Trần Nhân Tông đối với hậu thế, đối với đất nước, đối với Tổ sư; Tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông với sự nghiệp kiến quốc hiện nay; Những thách thức và cơ hội đối với doanh nhân Việt Nam nói chung, doanh nhân họ Trần nói riêng trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế...
Trần Nhân Tông sinh năm 1258, lên ngôi vua năm 1278, mất năm 1310. Ông ở ngôi vua 14 năm, làm Thái Thượng Hoàng 13 năm (kể cả 8 năm tu hành). Vua Trần Nhân Tông là người có tầm nhìn chiến lược, rất giỏi dùng người tài để trị quốc và bình thiên hạ. Ngay khi lên ngôi, ông đã có kế hoạch xây dựng quân đội hùng mạnh thông qua việc luyện tập võ nghệ và tăng cường sức khỏe cho binh lính để sẵn sàng chống giặc ngoại xâm.
Năm 1282, khi biết được ý đồ xâm lược nước ta của quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã chủ tọa Hội nghị Bình Than gồm các vương hầu, tôn thất và các tướng lĩnh bàn về kế sách chống giặc. Được sự đồng ý của Thượng Hoàng, ông đã cử Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân, cử Trần Khánh Dư làm Phó Đô Tướng quân. Việc chọn đúng người tài là yếu tố quan trọng tạo lên sức mạnh bách chiến bách thắng của quân đội nhà Trần.
Ông Trần Văn Mười (trái) - Chủ tịch Hội Doanh nhân họ Trần TPHCM và các tỉnh miền Nam trao số tiền 100 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Quảng Ninh.
Cuối năm 1284, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông cùng Vua Trần Nhân Tông mở Hội nghị Diên Hồng, triệu tập các bô lão trong toàn quốc hỏi mưu kế nên hòa hay đánh và bàn kế phá giặc. Đây là lần đầu tiên ở nước ta có cuộc “trưng cầu dân ý” về việc có đánh hay không đối với đội quân xâm lược hùng mạnh từ phương Bắc. Tất cả đều đồng thanh hô “đánh” tạo lên khí thế đồng lòng, đoàn kết quân dân cùng đánh giặc. Các bô lão là những nhân tố khơi dậy và động viên lòng yêu nước, vận động dân ở khắp các vùng quê, đồi, núi đồng lòng cùng Triều đình đánh giặc cứu nước, cứu nhà.
Bằng đức độ và chính sách chiêu hiền đãi sĩ, ông đã chiêu nạp được nhiều tướng lĩnh tài năng, trung quân, ái quốc sẵn sàng xả thân vì đất nước. Với chiến lược và chiến thuật quân sự linh hoạt, uyển chuyển, sự chỉ đạo của Đức vua Trần Nhân Tông, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh tài ba nhà Trần, sự đoàn kết một lòng của quân dân Đại Việt, đã đánh tan đội quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh vào năm 1285 và 1288. Chiến công Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng Giang… mãi mãi đi vào lịch sử và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là những bài học đắt giá cho quân xâm lược phương Bắc.
Sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3, vua Trần Nhân Tông đã tha chết và cấp ngựa, thuyền cho các bại tướng và binh lính về nước. Ông cũng cử các sứ thần sang nhà Nguyên để giữ tình hòa hiếu, tránh được những cuộc xâm lược tiếp theo của láng giềng hùng mạnh, hiếu chiến. Phương sách ngoại giao mềm dẻo cũng là nền tảng tư tưởng về chiến lược ngoại giao mang tính đặc trưng của Đại Việt.
Trần Nhân Tông là người sáng lập ra nền Phật giáo Trúc Lâm, thống nhất 3 dòng Thiền thành dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử tạo nền tảng tư tưởng cho sự đoàn kết dân tộc. Ông mất năm 1308 tại Yên Tử. Sau lễ hỏa táng, ngọc cốt với hàng ngàn xá lị của ông đã được vua Trần Anh Tông và Đệ Nhị Tổ Pháp Loa rước về kinh thành cử hành quốc lễ tôn Thánh hiệu là: “Đại thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”.
Đức vua, Đức Phật Trần Nhân Tông là bậc vĩ nhân toàn tài. Nền tảng tư tưởng về nghệ thuật quân sự, chiến lược ngoại giao của ông là nền tảng tư tưởng cho kế sách xây dựng và bảo vệ đất nước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đã được vận dụng và sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Sau buổi tọa đàm là hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, quản trị doanh nghiệp trong thời đại mới; kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; doanh nhân và hoạt động thiện nguyện và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nhân họ Trần Việt Nam với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh; giữa Hội Doanh nhân họ Trần TP.Hà Nội và Hội Doanh nhân họ Trần TP.Hồ Chí Minh; giữa Câu lạc bộ Doanh nhân Thanh Hóa - TP.Hồ Chí Minh phía Nam với Hội Doanh nhân họ Trần TP.Hà Nội...
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Trần Văn Mười - Chủ tịch Hội Doanh nhân họ Trần TPHCM và các tỉnh miền Nam - đã đại diện Hội đồng họ Trần Việt Nam trao số tiền 100 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Quảng Ninh.